Cụ ông vượt tử thần Covid-19 để đón Tết đoàn viên cùng gia đình
Chuyện về những “chiến binh” thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Kỳ 1: Vượt "cửa ải" F0 lại bị “hậu Covid" hành |
Đối với nhiều người trẻ tuổi, có sức khỏe, thì “dương tính” với Covid-19 chỉ là những ngày “ốm” bình thường rồi khỏi, nhưng đối với một người 74 tuổi như ông Phạm Đình Giảng thì chẳng khác nào một cuộc “hành xác” như ông nói. Kể từ ngày 12/1/2022, khi ông nhiễm Covid-19, ông phải trải qua những ngày kinh hoàng không muốn nhớ lại.
Ông kể: “Trước đó, tôi có tiếp một người quen đến chơi. Mấy ngày sau, người này gọi điện báo mình đã là F0. Cả gia đình lúc đó rất hoảng hốt, liền báo cáo với địa phương rồi thực hiện test. Kết quả là tôi cũng dương tính, cả gia đình gồm vợ, hai vợ chồng con trai, hai cháu trai may mắn không nhiễm. Vậy là tôi bắt đầu cách ly tại căn phòng trên tầng 3 của gia đình một mình”.
Ông Phạm Đình Giảng hạnh phúc khi khỏi bệnh để đón Tết bên gia đình |
Cũng theo lời ông kể, mặc dù đã tiêm 2 mũi vắc xin trước đó nhưng các triệu chứng Covid-19 đã hành hạ ông khổ sở và đau đớn. Toàn thân ông đau nhức, tê bì. Những cơn khó thở ập đến, cảm giác như cơ thể không còn thuộc về mình.
Ông ít khi tỉnh táo, thậm chí còn bị đi ngoài triền miên. Cái cảm giác mất hết các giác quan khiến ông không thể ăn uống bình thường. Người nhà đưa lên cái gì chỉ cố gắng ăn chút ít để rồi uống một nắm thuốc đủ thể loại. Cũng như nhiều người già khác, ông có bệnh cao huyết áp, hàng ngày phải uống thuốc điều độ.
Mấy ngày đầu, ông bị mất phương hướng, buông xuôi bởi những cơn sốt, ho, đau đớn hành hạ. Nhưng rồi ông nghĩ, nếu như mình “thua” “con cô vít” thì mình sẽ chết. Lúc tỉnh táo đôi chút, ông mở Facebook để xem thông tin, thấy những cụ già 70-80 tuổi khi mắc Covid-19 nhiều người khó qua khỏi, có người còn chẳng kịp nhìn con cháu lần cuối.
“Tôi là người hướng ngoại, ưa hoạt động, ít khi ốm vặt, vậy mà bỗng nhiên nằm bẹp một chỗ, lại còn ở trong căn phòng với bốn bức tường, vừa áp lực bệnh tật, vừa áp lực về mặt không gian, càng cảm thấy bí bách. Nhưng nếu tôi không chiến đấu với Covid-19, sẽ bị nó hạ gục. Vì thế, sau mấy ngày đầu mệt mỏi, tôi quyết định phải vực dậy”, ông Giảng chia sẻ.
Vậy là, ông bắt đầu chống chọi với cơn đau thể xác, mỗi ngày đều ra ban công dùng điện thoại mở nhạc ngồi nghe, sau đó ông đi bộ nhiều vòng quanh phòng, vận động chân tay, gọi điện trò chuyện tâm sự với những người bạn già. Các con ông người ở gần, người ở xa, ngày nào cũng điện thoại trò chuyện với ông cả tiếng đồng hồ để ông bớt buồn, bớt bi quan, bí bách.
Bà Phạm Hồng Kỳ, vợ ông Giảng, cho biết, để ông một mình trên tầng 3 bà rất lo lắng, suốt ruột, nhưng vì trong nhà còn 5 người, lại có cháu nhỏ nên không biết làm thế nào. Ngày ngày bà cùng các con nấu những món ông thích ăn, trò chuyện qua điện thoại, động viên để ông cố gắng vượt qua.
“Thấy nhiều người già bị Covid-19 không qua khỏi, tôi lo lắm. Lúc đó biết ông ấy đau đớn lại chỉ có một mình, nhưng không làm được gì, đêm cũng lo không ngủ được. Cũng may, ông ấy là người lý trí, dù sốt cao, ho đến rút ruột rút gan nhưng vẫn dậy tập thể dục và nghe điện thoại, trò chuyện với người nhà. Giờ đây ông vẫn còn ho nhẹ, nhưng đã được xét nghiệm âm tính nhiều lần rồi. Sau Tết gia đình sẽ đưa ông đi chụp phổi xem có tổn thương gì để còn tiếp tục điều trị, phục hồi”, bà Kỳ nói.
Ông Giảng cũng tâm sự, lúc ấy đã gần Tết, như mọi năm ông sẽ cùng vợ, con, cháu chuẩn bị sắm Tết, đi mua hoa đào, gói bánh chưng, trang trí nhà cửa. Lúc bị cách biệt trên tầng 3 gần 20 ngày trong cơn bạo bệnh, không chỉ biết nhủ lòng hãy cố gắng đừng để bản thân ngã quỵ, để còn đón cái Tết với gia đình. Ý nghĩ ấy đã giúp ông vượt qua được tử thần Covid-19 để có một cái Tết ấm cúng.
“Tôi mong những người cao tuổi hãy cẩn thận hơn với sức khỏe của mình, bởi mắc Covid-19 là một cực hình, nếu ai từng trải qua mới biết nó tàn phá sức khỏe và tinh thần đến mức nào. Nếu bị mắc Covid-19, hãy chiến đấu bằng tinh thần, đừng để Covid-19 quật ngã, bởi lúc đó không ai ở bên cạnh, chỉ có thể chiến đấu một mình. Cuối cùng, năm mới, chúc người già, người trẻ, trẻ em đều bình an trước đại dịch, đón những mùa xuân tươi đẹp của nhiều năm sau!”, ông Giảng chia sẻ...
Bằng lý trí kiên trì và sắt đá cùng sự chăm sóc, động viên của gia đình, ông Phạm Đình Giảng đã vượt qua cơn nguy hiểm của dịch bệnh để tái hòa nhập cộng đồng, đón Tết cùng gia đình ngay trước thềm Xuân mới. Ông cũng muốn cảnh tỉnh đối với những ai vẫn còn coi thường phòng dịch, bởi đối với người cao tuổi, bị nhiễm Covid-19 chẳng khác nào “đèn treo trước gió”.
Diệp Anh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mùng 6 Tết, giá vàng trong nước tăng vọt
Giá vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh
Thông tin mới về đợt gió mùa đông bắc
Quy định mới về giá điện từ tháng 2
Cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính
Đảng đưa dân tộc ta tới tương lai tươi sáng
Giá vàng hôm nay (3/2): Vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh mới
Tin khác
8 ngày nghỉ Tết, số ca cấp cứu nghi do tai nạn giao thông giảm
Y tế 02/02/2025 16:15
10 lưu ý giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát tốt đường huyết trong dịp Tết
Y tế 31/01/2025 10:59
Khoảnh khắc chào đón những em bé đầu tiên chào đời trong năm Ất Tỵ 2025
Y tế 29/01/2025 18:23
Xuân yêu thương của những “chiến sĩ” mặc áo blouse trắng
Y tế 29/01/2025 00:07
247 ca cấp cứu do ngộ độc thức ăn, bia rượu trong 3 ngày nghỉ Tết
Y tế 28/01/2025 12:54
Cảnh báo những tai nạn thương tích ở trẻ em ngày Tết
Y tế 28/01/2025 12:00
Thủ tướng chúc Tết, kiểm tra công tác ứng trực Tết tại Bệnh viện Phổi Trung ương
Y tế 27/01/2025 22:35
Ngành Y tế Thủ đô: Sẵn sàng ứng trực cấp cứu, điều trị bệnh nhân dịp Tết
Y tế 27/01/2025 11:18
Xuân yêu thương đến với bệnh nhân đón Tết trong bệnh viện
Y tế 26/01/2025 08:59
Kiểm tra việc cung ứng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán tại Hà Nội
Y tế 26/01/2025 06:02