Có một Hà Nội xưa giữa lòng phố thị
Bảo tàng Hà Nội - nơi tái hiện Hà Nội xưa và nay với hàng ngàn hiện vật Chùa Kim Cổ - Một trong Thăng Long tứ quán của Hà Nội xưa |
Chủ nhân của không gian văn hóa này là đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp – người vốn nổi tiếng với bộ phim“Đập cánh giữa không trung”. Đó cũng là tác phẩm đưa tên tuổi Nguyễn Hoàng Điệp đến với nhiều giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - chủ nhân của Ơ Kìa Hà Nội. Ảnh: H.Đ |
Nói về Ơ Kìa Hà Nội, Nguyễn Hoàng Điệp kể rằng một thời gian dài chị không tìm được nơi nào như ý cho đến khi nhìn thấy chốn có một tán tre, có những cái cây lớn, có kiểu kiến trúc nhà hai tầng cổ xưa... Ban đầu, chị định giữ cho riêng mình nhưng lại thấy rằng một không gian cũng cần sức sống từ tinh thần và sinh khí của con người mang đến vậy nên chị quyết định làm một không gian mở.Chị làm vì một Hà Nội đáng sống theo cách thiết thực nhất là sống sao cho thật đáng để không phụ nơi mình ở, nơi mình yêu, nơi mình thương mến, nơi mình nhớ về…
Cũng theo Nguyễn Hoàng Điệp, “nơi đó là những ký ức chẳng bao giờ quên, vui có buồn có, lãng mạn có… đã được các nghệ sĩ và công chúng chia sẻ với nhau dưới tán cây trong khu vườn xanh mướt, có chim chóc chứng giám”. Mỗi khi có sự kiện, mọi người có thể đến để lấp đầy rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian, đã bung toả năng lượng tốt lành trên từng rễ cây bạch đàn, nụ hoa lựu hạnh, đóa hoa điệp vàng, chùm hoa mai chiếu thủy… và cả đám mây vô tình lượn qua khoảnh sân inh ỏi chim ca.
Khi tạo dựng nên Ơ Kìa Hà Nội, Nguyễn Hoàng Điệp mong muốn đây là nơi mà bất kỳ ai có thể gặp gỡ một vài người, quen hay không quen không quan trọng, có thể đến để cùng họ đọc sách, uống cà phê hoặc trà trong quán nhỏ “ÚI CHÀ TRÀ”, hít hà mùi hương tinh dầu từ thảo dược, hoặc đơn giản là được ngắm bọn trẻ con hò hét, leo trèo.“Một phần ký ức của những người thuộc về thế hệ 8x như tôi được tái hiện ở đây, hoặc có thể thông qua gác sách, phòng chiếu phim, hay một khoảng sân, cách bài trí, bức tranh của nhà văn Trương Quý hay là những tập thơ, cuốn sách, cuốn truyện do bạn bè viết ra”, chị tâm sự.
Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ, tiền thân của Ơ Kìa Hà Nội là căn gác nhỏ trên tầng 2 số 11 Lê Ngọc Hân. Hồi ấy, có tên là ÚI CHÀ TRÀ! “Vạn sự khởi đầu nên thơ nên biến cố đến rất bất ngờ, căn gác nhỏ bị đòi lại mặt bằng khi đang độ phổng phao nhiều mơ mộng. Rồi thì Ơ Kìa Hà Nội tìm thấy chốn dung... mơ ở căn nhà khi ấy đã xuống cấp lắm rồi, lại nằm sâu trong một ngõ nhỏ ở đường Hoàng Hoa Thám. Mặc kệ những định đề về chuyện chọn mặt bằng khi mở quán, vợ chồng mình vẫn vun xới cho khu vườn rợp bóng tre xanh từ một cụm lơ thơ đến óng ả đẻ nhánh đan cành... và Ơ Kìa Hà Nội bắt nguồn từ ÚI CHÀ TRÀ dậy hương như thế đó”.
Quán nổi bật bởi tường vàng, đan xen là màu xanh của cây cối. Ấn tượng đầu tiên về nơi này là không gian “cây nhà lá vườn” thoáng mát, như xoa dịu đi cái nóng oi bức, ngột ngạt của Hà Nội những ngày hè. Ai đến đây cũng có thể thoải mái hít thở thật sâu mà không cần lo ngại khói bụi từ các xe cộ, hàng quán. Cũng bởi nằm trong một con ngõ nhỏ nên không gian ấy lại càng yên ắng, đối lập hoàn toàn với sự nhộn nhịp của con đường lớn cách đó vài trăm mét. Bước vào sau cánh cửa màu xanh mộc mạc, có lẽ nhiều người sẽ chẳng còn muốn rời đi nữa. Quán là không gian mở nên không có điều hoà nhưng rất thoáng cũng bởi nhiều cây xanh. Tới quán buổi sáng là thời điểm “tình” nhất, khoảng sân ngập nắng chiếu xuống đẹp. Ngồi thưởng trà trong sân, lắng nghe tiếng chim hót trong veo, ngắm nhìn những chiếc lá khẽ rơi lơ lửng giữa không trung rồi nhẹ nhàng chạm xuống mặt đất tựa hồ như những diễn viên múa ba lê đang trình diễn, người ta như được sống chậm lại, thoát khỏi nhịp sống hối hả nơi phố thị phồn hoa.
Xã hội phát triển, kiến trúc hiện đại đã không còn dùng đến những khung cửa sổ lá sách cũ, thế nên khi bước vào đây, nhìn thấy những gì thuộc về quá khứ, ai nấy cũng đều phải thốt lên “Ơ kìa!” đúng như tinh thần mà tên quán hướng đến.
Lấy cảm hứng từ quãng thời gian Hà Nội cuối bao cấp để tạo nên không gian này, nên mọi ý tưởng, đồ đạc ở đây đều khiến người ta nhớ lại một phần kí ức về Hà Nội. Mỗi người đều có một cách để nương vào quá khứ và chị đã chọn việc lưu giữ những kí ức đó cho những ai đang muốn tìm về một thuở xa xăm, yên bình và thân thuộc năm nào.
Bạch Kim, một khách hàng của quán chia sẻ: “Ấn tượng với quán vì không gian ở đây vô cùng yên tĩnh, thích hợp để đọc sách và đặc biệt có những quyển từ rất lâu mà mình chưa bao giờ có cơ hội đọc. Mình thường nghe người ta kể lại Hà Nội ngày xưa đẹp yên bình với một sự hoài niệm và thương nhớ, mặc dù chưa từng trải qua nhưng khi đến đây mình như được nhìn lại một chút kí ức của thời đó. Ngày nay, tại Hà Nội, không quá khó để tìm kiếm những quán café trang trí giống thời bao cấp, nhưng lại không hề dễ để kiếm tìm một không gian thực thụ dành cho những người yêu nghệ thuật như nơi này. Có lẽ điều đó đã làm nên một không gian quán thật khác biệt, độc đáo”.
Ơ Kìa Hà Nội rất yên bình, lưu lại những nét xưa cũ của Hà Nội. Ảnh: H.Đ |
Quán là điểm đến thú vị với một “rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian” - Okia Cinema - Câu lạc bộ cho người yêu điện ảnh, một ý tưởng được khởi xướng bởi chính Nguyễn Hoàng Điệp. “Rạp chiếu bóng” không quá rộng nhưng lại là không gian thưởng thức nghệ thuật yên tĩnh và ấm áp. Những bộ phim họ đem đến đều là những câu chuyện chưa kể về Hà Nội, là những lát cắt của cuộc sống đời thường dung dị. Bởi những người làm phim đều hiểu rằng: “Có cả hàng trăm nghìn người trong thành phố này, mỗi ngày nhìn thấy nhau, nhưng… chẳng biết gì về nhau.”
Níu giữ bước chân lữ khách ở lại đây còn là một bảo tàng thơ thu nhỏ ấn tượng. Đó là không gian không quá rộng được Nguyễn Hoàng Điệp dành toàn bộ tầng hai để tái hiện căn phòng 6m2 ở 96A phố Huế, nơi hai nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh từng sống. Căn phòng không chỉ đơn thuần lưu giữ những bản thảo, bức thư, nhật ký của hai nhà thơ mà còn là một không gian sáng tác cho những người yêu thơ.
Ơ Kìa Hà Nội không chỉ là một điểm đến thân thuộc dành cho những người yêu Hà Nội mà còn là nơi được thổi hồn bởi tâm huyết, tấm lòng của những người luôn trân trọng quá khứ, muốn lan tỏa giá trị tinh thần tốt đẹp đến mọi người. Mà những giá trị tốt đẹp thì luôn sống mãi với thời gian!
Không chỉ đa dạng hơn và sinh ra các thương hiệu nhỏ bên trong, Ơ Kìa Hà Nội hiện mới có thêm một cơ sở mới trong khuôn viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, một không gian thoáng đãng, yên tĩnh và vẫn rất Hà Nội./.
Hà Phong
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Brighton vs Everton: 3 điểm nằm trong tay đội chủ nhà
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/1: Sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Wolves vs Arsenal: Pháo thủ phải thắng để tiếp tục cuộc đua
Giá vàng hôm nay (24/1): Đồng loạt giảm nhẹ
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Tin khác
Vinh danh những “lá chắn” vững vàng, tiêu biểu ở cơ sở
Tôi yêu Hà Nội 16/01/2025 22:43
Cột cờ Hà Nội mở cửa đón khách từ 1/1/2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 15:09
Hà Nội: Chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ vào thời khắc sang năm mới 2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 12:29
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29