Cần trả lại sự trong sáng cho văn hóa học đường
Tăng cường xây dựng văn hóa học đường Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trường học Tăng cường thực hiện văn hóa, chấn chỉnh một số hành vi thiếu chuẩn mực trong trường học |
Thực trạng đáng lo ngại
Con tôi học lớp 8 ở một trường thuộc trung tâm Hà Nội. Trong buổi họp phụ huynh cuối năm, thật bất ngờ khi cô chủ nhiệm phản ánh: “Các cháu nói tục quá, cả nam lẫn nữ. Có khi các thầy cô còn phải giật mình khi nghe thấy”. Ban đầu tưởng cô nói đùa, nhưng ánh mắt nghiêm túc của giáo viên, tiếng xì xào của phụ huynh trong phòng và cả sự gật đầu của đại diện ban phụ huynh cho thấy sự thật đáng báo động. Về nhà, tôi thử hỏi dò con, thì được nghe câu trả lời nhẹ bẫng: “Đó là ngôn ngữ Gen Z thôi ba. Là trend trên mạng xã hội ấy mà. Ai cũng nói vậy cả, nói cho vui ấy”. Lúc ấy tôi mới thấm, thứ mà mình gọi là “bình thường” đang dần trở thành một lớp vỏ cứng, che mờ đi những lệch chuẩn đang lớn lên mỗi ngày cùng con.
Không chỉ gia đình tôi, nhiều phụ huynh cũng đang giật mình nhìn lại cách con mình giao tiếp. Không ít em ở nhà ngoan, lễ phép, nhưng ra đường hoặc trong nhóm bạn lại dùng ngôn ngữ “chợ búa” như một cách để hòa nhập. Các em không cảm thấy đó là sai, mà coi đó như một lối “tự do thể hiện bản thân”. Một học sinh lớp 11 ở phường Đống Đa chia sẻ: “Con thấy nói vài câu bậy không ảnh hưởng gì. Ở trường bạn bè con ai cũng nói, nếu không nói còn bị coi là khô khan, lập dị”. Câu trả lời ấy khiến người lớn phải chột dạ: liệu chúng ta đã bỏ lỡ điều gì trong quá trình nuôi dưỡng và giáo dục con trẻ?
Thực tế cho thấy, hiện tượng học sinh nói tục, chửi bậy không còn là cá biệt. Nó len lỏi trong lớp học, sân trường, trên mạng xã hội, cả trong các hội nhóm kín lẫn công khai. Từ ngôn từ phản cảm khi nói chuyện hằng ngày đến cách xưng hô bất cần, thiếu tôn trọng với thầy cô, bạn bè, tất cả đang làm mòn dần nền tảng đạo đức học đường.
![]() |
Học sinh trò chuyện cùng phụ huynh và bạn bè sau giờ tan học tại một trường trung học phổ thông ở Hà Nội. Những khoảnh khắc đời thường như thế này là nơi khởi đầu cho việc xây dựng văn hóa giao tiếp học đường văn minh và tử tế. |
Theo một giáo viên trung học phổ thông: “Tôi từng tổ chức một buổi thảo luận không chuẩn bị trước, cho học sinh nói thật, nói thẳng, và tôi nhận ra: có những từ các em dùng đã trở thành phản xạ, không cần suy nghĩ. Điều đáng nói là học sinh không ý thức được đó là từ ngữ xúc phạm, lệch chuẩn. Việc điều chỉnh hành vi ngôn ngữ không thể áp đặt, càng không thể cấm đoán đơn thuần, mà cần tạo môi trường văn hóa tích cực và gương mẫu từ chính người lớn”.
Ở chiều ngược lại, cũng có những học sinh ý thức rõ tác hại của ngôn ngữ tiêu cực. Bạn Nguyễn Quế Chi, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ: “Khi học cấp 2, em từng bị bạn bè gọi bằng biệt danh khá tục, em cảm thấy xấu hổ. Em nghĩ rằng việc nói tục không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác mà còn hạ thấp chính mình. Nếu là Gen Z văn minh, thì càng cần biết chọn lọc từ ngữ để thể hiện bản thân tốt hơn”.
Không ít cuộc khảo sát tại các trường trung học cơ sở ở Hà Nội, nhiều giáo viên phản ánh tình trạng học sinh nói tục đang gia tăng. “Ngôn ngữ xấu” xuất hiện cả trong giờ ra chơi, lúc tập thể dục, thậm chí cả khi học online. Một số học sinh dùng từ thô tục để đùa cợt bạn bè, xem đó như trò vui vô hại, nhưng thực tế lại gây tổn thương tâm lý nặng nề cho người bị xúc phạm. Một giáo viên chủ nhiệm cho biết: “Tôi từng giải quyết mâu thuẫn của một nhóm nữ sinh vì bị gán biệt danh tục. Em khóc và xin chuyển lớp. Nhưng điều đau lòng là các bạn khác lại cười, coi đó là chuyện vặt. Nếu không chấn chỉnh, chúng ta đang chấp nhận một môi trường giáo dục méo mó”.
Từ góc nhìn của chuyên gia, PGS.TS Đinh Hồng Thái - nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cảnh báo: “Việc học sinh sử dụng ngôn ngữ bạo lực là biểu hiện của sự thiếu hụt giáo dục nhân cách. Trong xã hội hiện đại, trẻ em bị ảnh hưởng rất nhiều từ mạng xã hội, từ các nội dung bạo lực ngôn từ, video phản cảm... Nếu nhà trường, gia đình không kịp thời định hướng, sẽ tạo ra một thế hệ có xu hướng mất kiểm soát trong giao tiếp, dẫn đến lệch chuẩn trong hành vi xã hội”.
Một số Bí thư Đoàn phường cũng phản ánh rằng, khi tiếp cận học sinh trong các buổi tuyên truyền tại địa phương, họ nhận thấy nhiều em cấp 2, cấp 3 rất nhạy cảm nhưng dễ bị dẫn dắt bởi trào lưu độc hại. Khi những Youtuber, TikToker nổi tiếng dùng tiếng lóng, nói tục để gây sốc, học sinh lại xem đó là “bình thường mới”. Điều đáng tiếc là không ít phụ huynh mặc kệ, cho rằng đó chỉ là “giai đoạn dở chứng”, thay vì đồng hành và điều chỉnh cùng con.
Tạo môi trường lành mạnh cho học sinh
Rất cần nhìn nhận lại vai trò của người lớn, từ gia đình, nhà trường đến xã hội, trong việc giữ gìn sự trong sáng của văn hóa học đường. Nếu người lớn buông tay, nếu nhà trường chỉ xử lý bằng phê bình hay bản kiểm điểm, nếu xã hội tiếp tục thờ ơ với nội dung độc hại trên mạng, thì rất khó có thể tạo ra một thế hệ học sinh có nền tảng đạo đức và giao tiếp lành mạnh.
Nhiều trường học tại Hà Nội đã chủ động triển khai các chuyên đề giáo dục đạo đức, kỹ năng giao tiếp nhằm nâng cao ý thức về văn hóa ngôn ngữ cho học sinh. Tại Trường Trung học cơ sở Tân Triều, chuyên đề “Văn minh trong giao tiếp học đường” được tổ chức vào đầu tuần, với các hoạt động sinh động như kể chuyện thật, đóng tiểu phẩm, đối thoại mở giữa thầy cô và học sinh. Qua đó, các em được phản ánh lại chính hành vi của mình dưới góc nhìn xã hội, học cách nói lời tử tế, tránh dùng ngôn ngữ bạo lực trong giao tiếp.
![]() |
Giáo viên và học sinh cùng tạo hình trái tim trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mỹ Đức, Hà Nội. Những hoạt động giàu cảm xúc như thế góp phần lan tỏa văn hóa ứng xử tích cực và xây dựng môi trường học đường hạnh phúc. |
Tương tự, Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh ban hành quy định nghiêm cấm học sinh nói tục, chửi bậy, sử dụng ngôn ngữ phản cảm trong và ngoài lớp học, kể cả trên mạng xã hội. Quy định này không chỉ phổ biến dưới dạng văn bản mà còn được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chuyên đề, giúp học sinh hiểu rằng lời nói cũng là biểu hiện của nhân cách.
Tại cấp tiểu học, nhiều trường cũng đã bắt đầu chú trọng việc giáo dục học sinh sử dụng ngôn ngữ đúng mực ngay từ những năm đầu đời. Thầy Đặng Bá Văn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mỹ Đức, chia sẻ: “Trẻ nhỏ học rất nhanh qua quan sát và bắt chước. Nếu môi trường xung quanh các em, từ bạn bè, thầy cô đến mạng xã hội, sử dụng lời hay, ý đẹp, thì các em sẽ hình thành thói quen giao tiếp văn minh. Ngược lại, chỉ cần vài lần nghe thấy lời lẽ thiếu chuẩn mực cũng có thể khiến trẻ làm theo như một phản xạ. Vì thế, chúng tôi luôn lồng ghép nội dung này vào các hoạt động ngoài giờ, kể chuyện đạo đức, sân khấu hóa, thậm chí là trong giờ chào cờ”. Theo thầy Văn giáo dục văn hóa ngôn ngữ cho trẻ càng sớm càng tốt, bởi “một đứa trẻ biết nói lời tử tế hôm nay sẽ là một người công dân tử tế trong tương lai”.
Ngoài ra, nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo tại một số địa phương cũng đã triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc - Văn hóa ứng xử học đường” thông qua các buổi tập huấn kỹ năng mềm cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. Những tình huống mô phỏng về xung đột ngôn ngữ, mâu thuẫn giao tiếp được sân khấu hóa, trình chiếu video, để học sinh cùng thảo luận, xử lý và rút kinh nghiệm.
Đây là những mô hình không chỉ truyền cảm hứng mà còn cho thấy: thay đổi nhận thức về ngôn ngữ học đường không thể đến từ khẩu hiệu sáo rỗng, mà cần bằng hành động thực tế, liên tục và có chiều sâu. Khi được lắng nghe và hướng dẫn, học sinh sẽ nhận ra rằng “nói hay” không phải là gồng mình lên để trở nên lịch sự, mà là học cách chọn lời đúng lúc, đúng chỗ, đúng tư cách của một người tử tế.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Người Sơn Tây lan toả nhiều mô hình thiết thực làm đẹp cảnh quan đô thị

VNeID sẽ tích hợp 324 thủ tục hành chính, thay giấy tờ truyền thống

Hà Nội dành khoảng 3.063 tỷ đồng hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học

Thủ tướng chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm, triệt để tội phạm về môi trường

Giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt tăng mạnh

Khoảnh khắc bình dị mà cao đẹp của người chiến sĩ Công an Hà Nội

Các trường hợp tạm dừng và chấm dứt hưởng lương hưu từ 1/7/2025
Tin khác

Hà Nội dành khoảng 3.063 tỷ đồng hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học
Infographic 12/07/2025 18:03

Thời điểm công bố và địa chỉ tra cứu kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Giáo dục 12/07/2025 16:46

Nhiều trường đại học dự kiến hạ điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm thi THPT
Giáo dục 10/07/2025 20:21

Sửa đổi, bổ sung quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập
Giáo dục 10/07/2025 15:16

Dự thảo Quy định về đánh giá diện rộng cấp quốc gia chất lượng giáo dục phổ thông
Giáo dục 09/07/2025 21:10

Từ ngày 10/7, thí sinh tự do được cấp tài khoản xét tuyển đại học
Giáo dục 09/07/2025 18:33

Hà Nội triển khai tuyển sinh trực tuyến lớp 6 năm học 2025 - 2026
Giáo dục 07/07/2025 20:21

Hướng dẫn thí sinh xác nhận nhập học vào lớp 10 năm học 2025 - 2026
Giáo dục 07/07/2025 17:33

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án chính thức các môn thi tốt nghiệp THPT
Giáo dục 06/07/2025 18:51

Hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh: Chính sách nhân văn, giảm gánh nặng kinh tế cho phụ huynh
Xã hội 06/07/2025 07:09