Ánh sáng tri thức từ “bình dân học vụ”
Mô hình phòng đọc cộng đồng: Góp phần nâng cao tri thức | |
Vai trò của hiền tài quốc gia vô cùng quan trọng |
Ký ức về thời bình dân học vụ
Qua những ngõ ngách ngoằn nghèo với sự chỉ dẫn tận tình của nhiều người dân, tôi cũng đến được nhà thầy Nguyễn Trà (quận Đống Đa, Hà Nội) - người từng tham gia đóng góp, dạy học thời điểm phong trào bình dân học vụ lên cao. Hơn hết, cho đến bây giờ, thầy Nguyễn Trà vẫn giữ được cốt cách thanh cao của bậc sỹ phu, thầy là người mở lớp học Hướng Thiện, giúp dạy con chữ miễn phí cho hàng trăm trẻ nhỏ.
Nghe kể, thầy Nguyễn Trà tốt nghiệp Trường Bưởi năm 1954 và là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, thầy về giảng dạy môn Vật lý ở một số trường trung học phổ thông, rồi gắn bó với Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi cho tới khi về hưu năm 1989. Cũng từ đây, thầy nhận trách nhiệm quản lý đình Trung Tự. Hằng ngày, trên quãng đường từ nhà ra đình, phải đi qua khu dân cư nghèo, chứng kiến cảnh những đứa trẻ đen nhẻm, nhếch nhác dõi mắt thèm thuồng nhìn những đứa trẻ đồng trang lứa quần áo tinh tươm đến trường khiến thầy đau lòng.
Người dân hăng hái tham gia phong trào "diệt giặc dốt". (Ảnh tư liệu) |
Nhắc chuyện này, thầy Trà bảo, sống ở trên đời mà không biết chữ thì thiệt thòi lắm. Nhà bọn trẻ nghèo, phải theo cha mẹ làm phụ hồ, nhặt rác, rồi đây cuộc đời chúng sẽ ra sao? Tiền thì thầy chẳng có, chỉ có chút vốn liếng ở trong đầu. Lúc ấy chỉ nghĩ phải làm sao để giúp các cháu ít nhất là thoát khỏi cảnh mù chữ, để hy vọng một ngày nào đó chúng có thể tự làm thay đổi cuộc đời mình. Lớp học Hướng Thiện cứ như vậy manh nha ra đời.
Bên lề câu chuyện, tôi tình cờ biết rằng thầy Trà cũng là một trong số những người tham gia dạy bình dân học vụ một thời. Khi ấy, hễ trời chuyển tối, từ người già đến trẻ nhỏ lại tất bật mang vở, bút, xách đèn dầu đi tìm con chữ trong những căn nhà lá đơn sơ. Trong ánh đèn dầu lập lòe, những mái đầu cặm cụi, ê a đánh vần. Người biết nhiều chữ dạy lại, kèm cặp người biết ít, cứ vậy dần tất thảy đều biết đọc, biết viết.
Nhắc chuyện này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, lúc đó bản thân ông còn nhỏ nhưng vẫn thường thấy các anh chị của mình, rồi các bác, các chú trong xóm, ngoài làng đi học, đi dạy bình dân học vụ như thế. Giản dị, thực chất và hiệu quả.
GS.TS Phạm Tất Dong bảo, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi những thầy cô giáo làm công tác bình dân học vụ là những “vô danh anh hùng” vì những đóng góp thầm lặng của họ. Và Bác cũng nói “học bình dân cũng là học đạo đức”. Điều này càng ngẫm càng thấy đúng. Vì sao ư? Bởi người dạy nhiệt tình, không vụ lợi còn người học thì hăng say. Người ta dù bận đến mấy, dù có đói đến mấy nhưng vẫn kéo nhau đi học. “Các ông bà già, rồi các chị phụ nữ tay âm ấp con mọn vẫn đi học. Vật chất phục vụ học tập khó khăn nên trên lưng con trâu người ta cũng có thể viết chữ lên được, cái mẹt cũng viết chữ lên được. Cứ phương tiện gì học được là học. Không có bút thì thầy cầm cái que vạch lên vạch đất” - GS.TS Phạm Tất Dong nhớ lại.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, phong trào bình dân học vụ thời điểm đó rất khác với phong trào học tập suốt đời bây giờ. Khác thứ nhất, lúc bấy giờ 95% nhân dân mù chữ cho nên việc ai cũng đi học để có cái chữ là cực kỳ cấp bách. Thứ hai, thời kỳ ấy cả nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây là cuộc kháng chiến hết sức căng thẳng. Một bên chỉ có vũ khí thô sơ mà phải đánh nhau với một đế quốc tăng thiết giáp, bom, máy bay. Trong bối cảnh kháng chiến căng thẳng như thế, không trau dồi tri thức, không học không được. Phát động phong trào bình dân học vụ, trước hết theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh là coi đây như một loại giặc, đặt ngang với giặc đói và giặc xâm lược. Tính cấp bách và tính chiến đấu ngang nhau và chỉ có quyết liệt, bền gan vững chí mới có thể dành thắng lợi.
Xây dựng xã hội học tập
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 loại “giặc” phải đối mặt là giặc đói, giặc ngoại xâm và giặc dốt. Trong 3 loại giặc này thì giặc nào cũng nguy hiểm, đòi hỏi dân tộc ta cũng phải chiến thắng. Bởi vậy, ngay từ buổi đầu độc lập, với tầm nhìn chiến lược của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên ngày 8/9/1945 Chính phủ đã ban hành sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ. Từ sắc lệnh này, phong trào Bình dân học vụ đã được Đảng, Nhà nước chú trọng, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng nên đã tạo thành một phong trào rộng khắp trên cả nước. Từ chỗ dân số có tới 95% mù chữ nhưng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã làm nên những điều phi thường, lấy sức mạnh và sự ủng hộ của toàn dân để làm thay đổi vận nước. Và cũng từ phong trào này đã tạo tiền đề cho sự phát triển giáo dục sau này. |
Khách quan nhìn nhận, kinh nghiệm từ phong trào bình dân học vụ đến nay vẫn có nhiều ý nghĩa và được vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong công cuộc đổi mới giáo dục của Việt Nam. Trong đó, việc xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX), hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện với hàng ngàn cơ sở giáo dục từ các cấp học, bậc học được phân bố trên cả nước. Là địa phương nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về công tác giáo dục và đào tạo, Hà Nội vẫn đang từng ngày quan tâm nhiều hơn để chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của thành phố ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2018 - 2019, toàn thành phố có 2.713 trường mầm non, tiểu học, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với gần 2 triệu học sinh và hơn 155.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Bên cạnh đó còn có 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên với gần 28.000 học sinh; 520 cơ sở giáo dục ngoài công lập và 8 trường công lập tự chủ với tổng số học sinh 256.155 người.
Quy mô giáo dục liên tục phát triển, mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường. Cũng trong năm học này, Hà Nội đã thành lập mới 77 trường học, trong đó có 38 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 15 trường trung học cơ sở và 7 trường trung học phổ thông. Đồng thời cải tạo, sửa chữa 427 trường học với 2.450 phòng học. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt thành tích xuất sắc. Năm 2018 vượt chỉ tiêu, đạt 150% kế hoạch, với 120 trường được công nhận. Thành phố hiện có 18 trường chất lượng cao, trong đó có 13 trường công lập và 5 trường ngoài công lập.
Quanh câu chuyện bình dân học vụ, theo GS.TS Phạm Tất Dong phòng trào đã có nhiều tác động đến công tác giáo dục và đào tạo hiện nay. “Cái cơ bản nhất mà chúng ta thấy được sau kháng chiến chống Pháp là chúng ta có một đội quân biết chữ. Thứ nữa, dân mình từ mù chữ đã trở thành hầu hết đều học qua được một chút ít, dù chỉ là trình độ hết sức sơ đẳng nhưng không còn bị mù chữ. Quan trọng nhất, tinh thần học hỏi nhìn từ bình dân học vụ còn làm tăng thêm lòng yêu nước. Các câu dạy để học ấy, các khẩu hiệu học tập đều là nguồn động viên to lớn, góp sức vào kháng chiến thắng lợi” - GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Phạm Thảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn hóa 23/01/2025 20:36
"Lộ diện" linh vật Rắn tại đường hoa Nguyễn Huệ
Văn hóa 23/01/2025 17:12
Đi đâu, xem gì tại Hà Nội dịp Tết Ất Tỵ?
Du lịch 23/01/2025 13:09
Hà Nội: Sẵn sàng mùa lễ hội an toàn, văn minh
Văn hóa 23/01/2025 12:21
Chủ động các biện pháp phòng chống bệnh dại dịp Tết
Y tế 23/01/2025 10:20
Triển lãm Báo Xuân trực tuyến - ứng dụng chuyển đổi số phát triển văn hóa đọc
Văn hóa 23/01/2025 08:43
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Central Retail trao tặng 5.100 phần quà Tết nhân ái
Cộng đồng 22/01/2025 14:20
Tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 22/01/2025 14:18
Dịch vụ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo trên “chợ online” hút khách, giá từ vài trăm nghìn
Cộng đồng 22/01/2025 08:33