Xử lý vi phạm đê điều: Nói hoài vẫn thế
Rà soát bãi ven sông, nơi làm bãi trung chuyển vật liệu xây dựng | |
Thi công nâng cấp đường hành lang đê hữu Đuống tại quận Long Biên |
Vi phạm nhiều nhưng xử lý ít
Từ lâu, hệ thống đê điều luôn được xem là tấm lá chắn vững chắc, giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trước lũ lụt bất thường. Việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những tuyến đê luôn là ưu tiên số một. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm liên quan đến hành lang đê điều lại diễn ra phổ biến. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 62 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng lều lán, nhà ở, đổ đất san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu xây dựng… trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều.
Theo khảo sát, trên địa bàn huyện Đan Phượng hiện có 6 tuyến đê với tổng chiều dài trên 30km. Tuy nhiên, tại địa phương này tình trạng vi phạm hành lang an toàn đê điều vẫn diễn ra phổ biến. Chẳng hạn tại các xã Liên Trung, Liên Hà việc lấn chiếm lòng đường, cơ đê, mái đê để tập kết nguyên liệu như tre, gỗ diễn ra tương đối phổ biến. Tình trạng này không chỉ khiến cho việc đi lại của người dân gặp khó khăn, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sụt lún thân đê, đe dọa đến an toàn cho hệ thống đê điều.
Vi phạm hành lang đê điều trên địa bàn huyện Thường Tín. Ảnh: Luyện Đinh |
Tại địa phận huyện Hoài Đức, hoạt động đổ trộm phế thải xây dựng… đổ tràn lan trong phạm vi bảo vệ đê tả Đáy vẫn tồn tại. Ở thời điểm tháng 5 vừa qua, khi phóng viên khảo sát thực tế tại tuyến đê này, nạn đổ đất, phế thải… lên mặt, mái và cơ đê diễn ra rất nhiều. Đáng nói, tình trạng đổ đất, phế thải xây dựng trên mặt, mái và cơ đê như trên đã âm ỉ diễn ra từ năm 2014 nhưng đến nay các ngành chức năng chỉ phần nào hạn chế chứ không thể xử lý dứt điểm. Còn ở huyện Ứng Hòa, theo ghi nhận, nhiều vị trí hành lang đê bao sông Đáy kết hợp với đường QL 21B hiện đang tồn tại tình trạng người dân chiếm dụng làm mặt bằng để kinh doanh, tiệm sửa xe ô tô.
Theo Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, từ đầu năm đến nay, 23 quận, huyện, thị xã có đê từ cấp III trở lên đã để xảy ra 143 vụ vi phạm pháp luật đê điều, tăng 12 vụ so cùng kỳ năm 2017; trong đó, 44 vụ xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ chân đê, 39 vụ xây dựng công trình trong không gian thoát lũ (bãi sông) và 37 vụ xâm hại mái đê… Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được xác định là các hạt quản lý đê không có chức năng xử lý vi phạm. Các đơn vị này chỉ có thẩm quyền lập biên bản, ra quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm và gửi hồ sơ đề nghị chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn xử lý… |
Cụ thể, tại một số vị trí khúc cua thuộc km27 và km28 gần khu vực đền Đức Thánh Cả và Chùa Thái Đường, xã Vạn Thái xuất hiện nhiều cửa hàng làm lốp xe và gara với nhiều ô tô tải thường xuyên tập kết ở đây. Đáng chú ý, mỗi khi xe ra vào bến bãi lại gây ra cảnh ùn tắc giao thông cục bộ. Mặt khác, hệ thống đê bao đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, vỡ nát do các phương tiện giao thông va quệt nhưng cho đến nay vẫn bị “ngó lơ”, không được duy tu, sửa chữa.
Với tuyến đê Hữu Hồng chạy qua địa bàn xã Ninh Sở, huyện Thường Tín bãi tập kết vật liệu xây dựng, nhà xưởng kiên cố mọc ngay trên hành lang đê diễn ra phổ biến. Các nhà xưởng này không chỉ lấn chiếm đất nông nghiệp mà còn lấn chiếm cả cơ đê cũng như hành lang bảo vệ đê, gây nguy hiểm cho tuyến đê sung yếu khi mùa mưa bão đang cận kề.
Theo quan sát của phóng viên, từ bến đò phà đến cống thủy lợi là kho xưởng và bãi tập kết gỗ nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ đê, vi phạm nghiêm trọng luật đê điều. Đáng nói, ngay trên địa bàn này, nhiều trường hợp vi phạm, từng bị các ngành chức năng lập biên bản về hành vi lấn chiếm, dựng cột thép, nhà xưởng, đổ đất thải lên hành lang đê như hộ ông Phạm Văn Bảy vi phạm tại km85+850; hộ Nguyễn Hồng Hải tại km87+600… vẫn là những tồn tại, chưa được xử lý dứt điểm.
Cần mạnh tay
Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, UBND Thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão đã ban hành 133 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm theo thẩm quyền… Nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo, nhiều quận, huyện, thị xã đã không để xảy ra vi phạm, như: Hoàn Kiếm, Sơn Tây; hoặc có địa phương để xảy ra ít vụ việc nhưng đã kịp thời xử lý, như các quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Bắc Từ Liêm… Tuy nhiên, các vụ việc tồn đọng hiện vẫn còn nhiều. Chẳng hạn, tại Gia Lâm còn 24 vụ tồn đọng; Thường Tín còn tồn 22 vụ; Ứng Hòa còn 12 vụ; Sóc Sơn còn tồn 13 vụ…
Phế thải đổ trộm trên mái và thân đê đoạn qua địa phận huyện Hoài Đức. Ảnh: Luyện Đinh |
Theo Luật sư Lê Thế Vinh – Đoàn luật sư Hà Nội, hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xử lý vi phạm lấn chiếm an toàn đê điều đã có và được hệ thống hóa đầy đủ. Chẳng hạn, theo Điều 12 - Nghị định 139/2013/NĐ-CP quy định rất rõ việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp vi phạm. Cụ thể, phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt. Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm. Đồng thời, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng đối với hành vi vi phạm quy định.
Rõ ràng, việc xử lý vi phạm liên quan hoàn toàn không khó. Và việc để tồn đọng nhiều vụ việc vi phạm hành lang đê điều cũng cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều hiện nay chưa thực sự hiệu quả dẫn đến ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật, bảo vệ công trình đê điều của người dân còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, các Ngành chức năng liên quan vào cuộc xử lý vi phạm “mạnh tay” là hết sức cần thiết, góp phần đảm bảo an toàn cho đê điều.
Luyện Đinh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phố Sách Xuân Ất Tỵ 2025 “Tết công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng”
Giáo viên Hà Nội sẽ được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/tháng từ 1/7/2025
Đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán 2025 đầm ấm, an toàn
Công nhân môi trường đô thị quận Long Biên ấm lòng đón nhận quà Tết của Công đoàn
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Tin khác
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/1: Sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Môi trường 24/01/2025 07:02
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Giao thông 23/01/2025 20:03
Hơn 600 camera ở thành phố Vinh đi vào hoạt động
Giao thông 23/01/2025 17:08
Áp lực giao thông tại Hà Nội ngày càng gia tăng
Giao thông 23/01/2025 12:26
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/1: Ngày nắng, sáng sớm có sương mù
Môi trường 23/01/2025 06:48
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức đoàn kiểm tra tại nhiều tỉnh thành
Giao thông 22/01/2025 16:25
Thông xe tạm thời đường Lê Quang Đạo kéo dài
Giao thông 22/01/2025 16:24
Hà Nội lắp đặt biển tuyên truyền về mức phạt theo Nghị định 168 tại các nút giao trọng điểm
Giao thông 22/01/2025 16:20
Sau gần một tuần điều chỉnh, nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đã thông thoáng
Giao thông 22/01/2025 16:07
Sẽ "phạt nguội" các trường hợp xe máy đi vào Đại lộ Thăng Long
Giao thông 22/01/2025 14:14