Tự sự nghề xiếc
Xiếc Việt nỗ lực chuyển mình Hiểm nguy nghề xiếc |
Từ đam mê đến nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp
Trong căn phòng tập của trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam (Khu Văn hóa Nghệ thuật Mai Dịch, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngày nào cũng vậy, các học viên xiếc đều tập trung cao độ, mải mê luyện chuyên môn. Khi tận mắt chứng kiến hình ảnh những em nhỏ 11-13 tuổi chập chững luyện những động tác cơ bản mới thực sự cảm nhận được nỗi đau đớn, cực khổ của nghề diễn xiếc.
Nhưng dường như tất cả đều quên đi thời gian, sự mệt mỏi, những giọt mồ hôi đang đổ dồn trên mặt, thậm chí là cả những chấn thương có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đủ thấy được niềm đam mê với nghề trong các em là vô cùng lớn.
Mỗi ngày, một nghệ sĩ xiếc thường phải dành trung bình 4 tiếng để luyện tập. Ảnh: Tuấn Anh |
Năm 2016, cô bé Dương Minh Thư (15 tuổi) bắt đầu nhập học tại trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cũng giống như hầu hết diễn viên xiếc được đào tạo chính quy từ khi còn rất nhỏ. Nhớ lại cơ duyên với xiếc, Thư tâm sự: “Đam mê của em bắt đầu từ một buổi biểu diễn xiếc mà em được xem, em bị mê hoặc bởi ánh đèn sân khấu, bởi những động tác đu dây nhào lộn trên không của các cô chú diễn viên, từ đó đã khơi dậy cho em niềm đam mê, tình yêu mãnh liệt đối với xiếc và rồi em đã quyết định đăng ký vào ngôi trường này”.
Hay như Phùng Tuyết Phương (17 tuổi, Ba Vì, Hà Nội), cô gái được coi là “hạt giống” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam với giải Vàng tại Liên hoan Xiếc toàn quốc 2021, Phương chia sẻ: “Lúc thấy các thầy cô của trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam về tuyển sinh ở quê em, em liền xin bố mẹ cho đăng ký luôn. Mặc dù mẹ em sợ con gái học xiếc tập tành vất vả sẽ khổ, nhưng bố thì ủng hộ nhiệt tình. Từ đó đến nay, bố mẹ lúc nào cũng động viên, tiếp thêm động lực để em cố gắng hơn mỗi ngày”.
Trong khi bạn bè cùng trang lứa được sống trong vòng tay, sự bao bọc, chở che của cha mẹ thì các em đã phải tự lập, phải sống xa gia đình với bao nhiêu khó khăn, vất vả, cũng chỉ với ước mơ duy nhất là sớm trở thành một nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp. Năng khiếu, sự đam mê nghề xiếc là một ưu điểm lớn nhưng khi chọn lựa để dấn thân, theo đuổi đam mê đến tận cùng thì đây lại là một thử thách không hề nhỏ. Mỗi ngày vừa phải tập luyện chăm chỉ, cực khổ vừa phải hoàn thành việc học văn hóa là áp lực mà không phải ai cũng vượt qua.
“Nhiều khi bản thân em cũng cảm thấy rất nản, việc học văn hóa của trường đã được giảm tối đa nhưng vì vừa phải tập xong lại học nên chúng em cũng rất mệt và áp lực. Tuy vậy, chúng em vẫn luôn cố gắng để cân bằng được cả việc học và luyện tập. Em nghĩ văn hóa cũng rất quan trọng vì phải có văn hóa, đạo đức tốt thì mới có thể trở thành những nghệ sĩ thực thụ”, Minh Thư chia sẻ.
Sàn tập đổ mồ hôi, sàn diễn bớt đổ máu...
Đằng sau những tiết mục hoành tráng là sự khổ luyện, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người diễn viên. Những vết sẹo do chấn thương, những vết chai sạn chằng chịt của quá trình luyện tập cứ thế hằn lên thân thể các em. Ngoài ra, có những tiết mục, những động tác phải tập đi tập lại hàng chục, hàng trăm lần chỉ để đổi lấy 5 phút “rực rỡ” trên sân khấu.
Minh Thư tâm sự: “Những tiết mục dễ chỉ cần 2 năm là có thể tập hoàn thiện, nhưng những tiết mục khó thì phải mất khoảng 3-4 năm mới có thể biểu diễn được. Nhiều lúc cảm thấy rất mệt mỏi, rất nản, muốn từ bỏ khi cứ mãi tập đi tập lại như vậy, nhưng rồi mọi người động viên nhau cùng cố gắng nên chúng em dần quen được và coi đó là động lực để tiếp tục theo đuổi con đường mà mình đã chọn”.
Phùng Tuyết Phương (ngoài cùng bên trái) và bạn cùng lớp K37 chuyên ngành "Đu dây trên cao" trong giờ tập. Động tác đu dây như thế này được Phương cùng các bạn tập luyện 3 năm mới có thể trình diễn. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trong các nghề có yếu tố biểu diễn, xiếc là nghề nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn nhất. Nhào lộn, quay người trên không trung, đi thăng bằng trên dây… là những tiết mục không thể thiếu của nghệ thuật xiếc, nhưng việc thắt dây an toàn hoặc sử dụng lưới bảo hiểm thì không phải tiết mục nào cũng được thực hiện.
Chính vì thế, các tai nạn nghề nghiệp trong khi biểu diễn xiếc là điều hiển nhiên và các diễn viên coi đó là chuyện như “cơm bữa”. Những chấn thương như trật khớp, bong gân, gãy tay, gãy chân vẫn chưa thấm là bao so với những tai nạn có thể khiến một diễn viên vĩnh viễn chấm dứt sự nghiệp biểu diễn. Các động tác trình diễn càng hấp dẫn người xem bao nhiêu bởi sự mạo hiểm thì lại có nguy cơ tai nạn rình rập diễn viên xiếc bấy nhiêu. Dù là khi tập luyện hay biểu diễn, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến chấn thương, nguy hiểm đến tính mạng.
“Theo học được 2 năm thì em bị gãy tay trong lúc tập luyện, bác sĩ thông báo phải mất 6 tháng mới có thể bình phục. Nhưng nghỉ 6 tháng đối với các diễn viên xiếc là coi như bỏ nghề, vậy nên sau đó 1 tháng em đã cương quyết tháo đinh ở tay để có thể tiếp tục tập luyện.
Hàng ngày em cố gắng tập co ra duỗi vào nhẹ nhàng, sau một thời gian kiên trì thì tay em đã có thể cử động như người bình thường. Tuy nhiên đến khi em tập xiếc lại rất khó khăn vì tay lúc này khá yếu, em bị chậm hơn so với các bạn, nhưng không bỏ cuộc, sau quãng thời gian cố gắng, nỗ lực em đã theo kịp với mọi người và có được ngày hôm nay”, Tuyết Phương trải lòng.
Khổ luyện là vậy nhưng tuổi nghề của diễn viên xiếc lại khá ngắn ngủi, thông thường ở nữ không quá 35 tuổi và nam giới khoảng 40 tuổi. Minh Thư cho biết: “Nghề của em đòi hỏi tuổi thanh xuân của xương, tuổi trẻ của da và cơ bắp. Vậy nên, em chỉ có thể diễn tới khoảng 30 tuổi, rồi sau đó sẽ phải giải nghệ”.
Sau khi giải nghệ, mỗi diễn viên lại chọn cho mình một hướng đi riêng, có người chọn ở lại làm giảng viên, tiếp tục đào tạo, truyền lửa cho những thế hệ kế cận. Nhưng cũng có những người vì cơm áo gạo tiền mà buộc phải từ bỏ đam mê từ sớm để chuyển sang một ngành nghề khác.
"Rất ít diễn viên xiếc sống được bằng nghề. Luyện tập thì không được ngừng nghỉ, nhưng suất diễn lại rất ít. Cả năm chỉ trông chờ vào Tết Thiếu nhi 1/6 hay dịp Trung thu mới nhiều suất diễn, chưa kể khán giả đến với xiếc ngày càng thưa thớt. Nhiều khi nhìn vào hàng ghế trống khán giả mà chúng em thấy chạnh lòng. Dù thế nào đi nữa thì đối với em, được sống với nghề đã là hạnh phúc lắm rồi”, Minh Thư nói./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Công an tỉnh Nghệ An tổ chức Tết sum vầy và tặng quà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn
Tai nạn lao động tại Nhà máy xi măng Sông Lam 2 làm 3 công nhân tử vong
Ấm áp những món quà Công đoàn cuối năm
Người dân hối hả rời Thủ đô trong ngày làm việc cuối cùng của năm
Trường Đại học Thủ Dầu Một trả lại tiền cho hơn 10.000 sinh viên do thu sai quy định
Bình Dương: Tổ chức bắn pháo hoa tại 10 điểm chào đón năm mới Ất Tỵ 2025
Hiện thực hoá giấc mơ du học Đức
Tin khác
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Văn hóa 24/01/2025 06:57
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn hóa 23/01/2025 20:36
"Lộ diện" linh vật Rắn tại đường hoa Nguyễn Huệ
Văn hóa 23/01/2025 17:12
Hà Nội: Sẵn sàng mùa lễ hội an toàn, văn minh
Văn hóa 23/01/2025 12:21
Triển lãm Báo Xuân trực tuyến - ứng dụng chuyển đổi số phát triển văn hóa đọc
Văn hóa 23/01/2025 08:43
Tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 22/01/2025 14:18
Hà Nội sẽ trình diễn drone hỏa thuật với số lượng kỷ lục vào đêm Giao thừa
Văn hóa 20/01/2025 17:28
Bia đá kể chuyện - Góc nhìn mới về kho tàng di sản Văn Miếu
Văn hóa 20/01/2025 11:18
Tìm về cội nguồn Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 20/01/2025 10:53
Khoác "áo" mới cho thành phố Biên Hòa
Văn hóa 19/01/2025 17:05