Thổn thức “hương vị” núi rừng Bản Phố
Chợ phiên Bắc Hà, nét chấm phá Tây Bắc | |
Nhiều sự kiện hấp dẫn tại Lễ hội “Sắc màu cao nguyên trắng” | |
Mộc Châu huyền ảo trong sương sớm |
Cao nguyên trắng với nét văn hóa đặc sắc
Huyện Bắc Hà nằm cách thành phố Lào Cai gần 70 km về phía Đông Bắc và nằm trên độ cao trên 1000 m so với mặt biển. Để đến với Bắc Hà, thông thường du khách sẽ lựa chọn đi xe khách để tiết kiệm thời gian đi lại, sau hơn 3 tiếng đi trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai và dừng chân tại Phố Lu (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), du khách chỉ cần bắt thêm 1 lượt xe nữa là có thể đến với vùng đất mơ ước này.
Rượu ngô được nấu tại một gia đình tại Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. |
Con đường rẽ từ quốc lộ 70 vào Bắc Hà sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ cho những ai lần đầu đến với vùng núi Tây Bắc. Khi di chuyển theo hướng về phía thị trấn Bắc Hà, du khách sẽ cảm nhận được sự khác biệt của cảnh vật cũng như khí hậu nơi đây, giữa mùa hè, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được cái lạnh sởn gai ốc khi màn đêm bắt đầu buông xuống.
Đến với huyện Bắc Hà đúng vào dịp hoa mận bắt đầu nở, du khách không khỏi nao lòng và xao xuyến bởi cảnh vật của vùng núi cao. Theo người dân bản địa, khi hoa mận nở cả vùng trời nơi đây phủ kín một màu trắng, cũng vì lý do này mà nơi đây còn được du khách mến mộ đặt cho tên gọi “Cao nguyên trắng Bắc Hà”.
Cứ mỗi đợt hoa mận bắt đầu nở là người dân trong các thôn bản lại rộn ràng đón tiếp các du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chụp ảnh. Chia sẻ với chúng tôi về cảm nhận khi lần đầu tới với cao nguyên trắng Bắc Hà, chị Nguyễn Thị Mai (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “ Đây là lần đầu tiên mình đến với Bắc Hà, trước khi đi mình đã tìm hiểu về Bắc Hà khá nhiều qua báo chí và qua lời giới thiệu của bạn bè.
Tuy nhiên, mình thấy rất bất ngờ và hạnh phúc khi được trực tiếp cảm nhận vẻ đẹp của vùng đất này, nó rất khác so với tưởng tượng của mình trước đó. Tới đây mình được ngắm nhìn những ruộng bậc thang nhuộm màu vàng của lúa chín, những hàng cây lá kim xanh mướt dọc các tuyến đường. Cùng đó mình cũng thấy khá ấn tượng với con người nơi đây, dù là lần đầu tiên tiếp xúc nhưng mình cảm nhận thấy người dân nơi đây rất thân thiện và thật thà”.
Ngoài thăm thú thiên nhiên, đến với Bắc Hà, du khách sẽ được tham quan Dinh thự cổ Hoàng A Tưởng xây dựng năm 1914 hoàn thành năm 1921. Nếu là người yêu thích lịch sử thì nơi đây hứa hẹn sẽ là địa điểm thăm thú không thể bỏ qua. Tới đây, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử xã hội, nghệ thuật kiến trúc theo phong cách đông – Tây kết hợp, bố cục hình chữ nhật liên hoàn, khép kín, mặt trước dinh thự trang trí nhiều họa tiết công phu, tinh xảo của Dinh thự của vị Vua Mèo giàu nhất xứ Bắc Hà xưa.
Một địa điểm du khách không nên bỏ qua khi ghé thăm thị trấn Bắc Hà đó là chợ phiên Bắc Hà. Chợ phiên Bắc Hà được coi là nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc vùng cao nơi đây, phiên chợ chỉ họp duy nhất vào 2 ngày cuối tuần. Trong những ngày này, các cô bé, cậu bé được cha mẹ mặc cho những bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình và dẫn đi thưởng thức các món ăn như phở đỏ, bánh rán, xôi ngũ sắc đặc biệt chỉ có trong phiên chơ. Cùng đó, khi đến phiên chợ, du khách sẽ được thưởng thức và tham gia các hoạt động văn hóa dân gian; đua ngựa, bắn nỏ, hát giao duyên; được cùng nhau bên chảo thắng cố tâm tình…
Đặc biệt, du khách không nên bỏ qua phiên chợ đêm Bắc Hà. Chợ đêm Bắc Hà được tổ chức vào tối thứ 7 hàng tuần và trở thành nơi giao lưu văn hóa giữa người dân Bắc Hà với du khách thập phương. Tham gia chợ đêm, du khách sẽ được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc của các dân tộc đang sinh sống tại các xã của huyện Bắc Hà, được hòa mình vào trong điệu múa xòe của các cô gái Thái bên lửa trại ấm cúng.
Rượu ngô Bản Phố say lòng người ở, níu chân người đi
Bắc Hà không chỉ có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà ẩm thực nơi đây cũng làm say lòng rất nhiều du khách. Với những ai đã từng đến với Bản Phố (huyện Bắc Hà) hẳn sẽ không thể quên hương vị đặc biệt của đặc sản rượu ngô. Rượu ngô Bản Phố không chỉ là vị cay của rượu, vị nồng của ngô mà còn là hương vị núi rừng, men say tình người.
Làm nghề nấu rượu đã ngót gần 20 năm, anh Vàng A Tráng – người dân tộc H’Mông (Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Để tạo ra một mẻ rượu ngô ngon thì khâu lựa chọn nguyên liệu rất quan trọng. Ngô có nhiều loại thế nhưng với những gia đình có truyền thống nấu rượu lâu năm thì loại cho ra nhiều rượu và có hương vị thơm ngon hơn cả là ngô vàng của người H’Mông.
Với khí hậu ôn đới đặc trưng nên người dân ở Bản Phố nói riêng và khu vực thượng nguồn Bắc Hà nói chung chỉ trồng được một vụ ngô một năm. Từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 đến tháng 11 Dương lịch thì thu hoạch, sau khi thu hoạch ngô được mang về nhà phơi thêm một vài nắng rồi lột áo treo lên gác bếp, gác nhà để bảo quản không bị mối mọt.”
Theo một số gia đình nấu rượu lâu năm tại Bản Phố, men rượu chính là bí quyết để tạo nên đặc trưng của rượu ngô Bắc Hà. Men rượu được làm từ loại cỏ Pa hay còn gọi là cây Hồng my, thân giống cây cỏ mần trầu, hạt màu đen nhỏ li ti, giống hạt kê. Vào thời điểm tháng 3, khi nương ruộng đã được bừa xong, người dân đem hạt Hồng my gieo ở một góc ruộng, đến khi mọc lá như cây mạ thì nhổ lên đem trồng xen ngay ở nương ngô, nương lúa.
Đến khoảng tháng 9, khi hạt Hồng my chín, người dân cắt về phơi khô, rồi treo trên sàn nhà hoặc gác bếp. Hạt hồng my để làm men được xay nhỏ như bột rồi trộn với nước rượu đầu và nước sôi nhào cho thật nhuyễn, nắm thành từng quả rồi đặt trên rơm phơi ở nơi thoáng gió, ít nắng đến khi khô trắng thì gác lên bếp hoặc treo trên sàn để dùng dần.
Có lẽ do có truyền thống nấu rượu lâu năm nên những người đàn ông tại Bản Phố đã nắm trong lòng bàn tay bí kíp nấu ra thứ rượu ngô thơm ngon nức tiếng xứ Bắc Hà. Theo đó, ngô bung trộn men theo tỉ lệ 12 đến 14 chiếc bánh men đã nghiền nhỏ với 60 kg ngô, đậy kín trong thùng, ủ ở nhiệt độ vừa phải, người làm quen chỉ cần cho tay vào trong ngô là có thể nhận biết để điều chỉnh. Đảm nhận công việc ủ men rượuthường là những người phụ nữ trong gia đình vì họ có bản tính cẩn thận, tỉ mỷ, dưới bàn tay khéo léo của họ ngô được ủ kín trong vòng 1 tuần rồi cho vào chõ để nấu rượu.
Nâng chén rượu ngô ấm nồng trong sự hiếu khách của người dân Bản Phố, chúng tôi được các già làng kể cho nghe bí quyết để tạo nên hương vị riêng của rượu ngô Bắc Hà. Để nấu được loại rượu mang đặc trưng của rượu ngô Bản Phố, nước dùng để nấu rượu phải là nước suối từ trên núi cao, thường là nước ở suối Hang Dế. Tiếp đó chõ để nấu rượu phải được làm từ gỗ tốt, dáng cao và khum hình trống.
Cuối cùng, rượu phải được nấu bằng củi, luôn giữ lửa nhỏ đều, tiếp đủ nước vào chảo để rượu không bị khê. Làm theo đúng cách thức đó thì chỉ sau 30 phút rượu bắt đầu chảy, khoảng 3 tiếng thì xong một mẻ rượu ngon, chuẩn vị.
Sau khi rượu nấu xong, các hộ dân ở đây thường chắt ra các can từ 5 tới 10 lít để vào góc nhà để chờ tới phiên chợ mang đi bán. Chưng cất cầu kỳ là thế, song mỗi lít rượu ngô được người dân bán tại chợ cũng chỉ có giá từ 17.000 –20.000đồng/lít. Rượu ngô Bản Phố có màu trong như nước suối, có mùi thơm nồng.
Lúc mới uống, khách sẽ cảm nhận vị tê tê cay nồng, rượu trôi xuống họng thì vị nóng lan tỏa khắp cơ thể. Mỗi phiên chợ Bắc Hà có từ vài trăm đến cả nghìn lít rượu được đem bán. Dù khách có mua hay không người bán cũng mời thử một chút bằng nút chai, và khách cũng vui vẻ hít hà, cảm nhận cái vị thanh thanh, cay cay nơi nơi đầu lưỡi.
Đối với người Mông rượu ngô không chỉ là thức uống trong những dịp lễ tết mà nó còn là một loại thần dược giúp họ thêm mạnh mẽ, có thêm niềm vui sau mỗi ngày dài làm việc mệt mỏi. Thứ rượu đặc sản này cũng trở thành sợi dây gắn kết tình cảm giữa mọi người. Bởi khi men hồng my chạy khắp cơ thể thì cũng là lúc họ thổi cho nhau những khúc đàn môi truyền thống, hát cho nhau nghe những khúc giao duyên tình tứ.
Lương Hằng
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phố Sách Xuân Ất Tỵ 2025 “Tết công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng”
Giáo viên Hà Nội sẽ được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/tháng từ 1/7/2025
Đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán 2025 đầm ấm, an toàn
Công nhân môi trường đô thị quận Long Biên ấm lòng đón nhận quà Tết của Công đoàn
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Tin khác
Đi đâu, xem gì tại Hà Nội dịp Tết Ất Tỵ?
Du lịch 23/01/2025 13:09
Đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2024, du lịch Việt Nam cán đích chỉ tiêu
Du lịch 08/01/2025 11:56
Du lịch Hà Nội khởi đầu năm mới ấn tượng
Du lịch 02/01/2025 06:34
Hà Nội tiếp tục khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch hàng đầu
Du lịch 30/12/2024 19:17
Ứng Hòa công bố điểm du lịch mới, phát triển thành miền di sản ngoại đô
Du lịch 28/12/2024 11:52
Khánh Hòa đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch
Du lịch 26/12/2024 08:44
Năm bứt phá ngoạn mục của du lịch Thủ đô
Đề án Hà Nội 24/12/2024 07:40
Khảo sát tuyến du lịch Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội
Du lịch 19/12/2024 09:00
Tour du lịch nước ngoài hút khách Việt dịp Tết 2025
Du lịch 08/12/2024 20:15
Điểm nhấn mới du lịch đêm của Hà Nội
Du lịch 06/12/2024 06:37