Tăng quyền lợi thai sản cho người tham gia BHXH
Tăng thêm quyền lợi thai sản cho lao động nữ Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ thai sản |
Đề nghị tăng số lần nghỉ việc đi khám thai
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định "trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa là 5 lần, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho 1 lần đi khám thai". Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn tỉnh Hậu Giang) đề nghị tăng số lần đi khám thai là tối thiểu 5 lần, số lần có thể nhiều hơn 5 lần đối với trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất tăng quyền lợi thai sản cho người tham gia BHXH. Ảnh minh họa: Mạnh Quân |
Vì trên thực tế, người lao động mang thai, bình quân theo chỉ định của bác sĩ cứ một tháng người lao động phải đi khám một lần, chưa kể những tháng cuối của người mang thai để theo dõi sự phát triển bình thường của thai nhi. Vì vậy, nếu chỉ quy định lao động nữ được khám thai 5 lần trong thai kỳ thì lao động nữ nhiều lần phải xin nghỉ việc, nghỉ phép hoặc nghỉ khám bệnh không lương.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu cũng kiến nghị tăng số ngày nghỉ thai sản với nam giới khi vợ sinh con lên tối thiểu là 10 ngày với trường hợp thông thường và cao hơn đối với những trường hợp sinh đôi trở lên hoặc sinh phải phẫu thuật để đảm bảo tính trách nhiệm và tạo điều kiện cho người cha hỗ trợ người mẹ trong quá trình chăm sóc con nhỏ.
Đáng quan tâm, đại biểu Lê Thị Thanh Lan góp ý, cần quy định người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi không nghỉ việc vẫn được hưởng chế độ thai sản giống như những trường hợp sinh con thông thường.
Bởi, bản chất của chế độ thai sản là bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi phải chăm con hoặc được chi trả trên nguyên tắc đóng hưởng. Nếu người lao động đã đóng đầy đủ BHXH theo quy định thì phải được hưởng công bằng như các trường hợp khác. Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi con nuôi tham gia BHXH mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại Khoản 1 Điều 55.
Cần sửa điều kiện thời gian đóng BHXH
Về điều kiện hưởng trợ cấp thai sản, dự thảo Luật quy định người tham gia có thời gian đóng BHXH tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện từ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con được hưởng chế độ thai sản.
Góp ý vào quy định này, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn tỉnh Cần Thơ) đề nghị sửa quy định này, chỉ cần tham gia đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trước khi sinh con và tiếp tục đóng BHXH tối thiểu 6 tháng tiếp theo sau khi thời gian sinh con là được hưởng chế độ thai sản.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa cũng cho rằng, đối với trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia BHXH tự nguyện và sinh con chung thì cả cha và mẹ đều được hưởng chế độ thai sản, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa gia đình có cha mẹ cùng đóng BHXH tự nguyện so với gia đình chỉ có một trường hợp là mẹ hoặc cha đóng BHXH tự nguyện. Điều này sẽ đảm bảo tính hấp dẫn của chính sách trên nguyên tắc đóng nhiều thì sẽ được hưởng nhiều.
Bảo đảm quyền lợi cho lao động chữa trị hiếm muộn
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Thành phố Hồ Chí Minh) phản ánh, hiện nay có tình trạng người lao động bị hiếm muộn và nhiều trường hợp phải áp dụng các biện pháp y khoa để điều trị cho cả 2 vợ chồng. Việc điều trị hiếm muộn thường tốn kém về chi phí và thời gian. Trong khi đó, theo quy định tại Luật BHXH hiện hành, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó và thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
“Quy định nêu trên của Luật dẫn đến thực trạng là để đáp ứng yêu cầu điều trị hiếm muộn, lao động nữ sẽ bị gián đoạn thời gian đóng BHXH do phải nghỉ việc không lương trên 14 ngày trong tháng và kéo dài trong nhiều tháng, do đó không đáp ứng được điều kiện đóng từ đủ 3-6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Hệ quả là họ không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con, mặc dù trước đó đã có thời gian đóng BHXH nhiều năm liên tục”, lời đại biểu.
Mặt khác, do sức ép về kinh tế, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho biết, có nhiều trường hợp lao động nữ muốn đi làm sớm để có thu nhập nhưng không được giải quyết do chưa đủ thời gian nghỉ sau sinh tối thiểu theo quy định, trong khi họ không được hưởng chế độ thai sản, như vậy sẽ rất thiệt thòi, chưa kể đến thời gian nghỉ sinh con trong trường hợp này cũng không được tính là thời gian công tác...
Đại biểu dẫn kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 và thông tin của Bộ Y tế trong những năm gần đây cho biết, 21 tỉnh, thành phố trong cả nước, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh rất thấp và đang phải thực hiện các giải pháp khuyến sinh.
Tại các tỉnh, thành phố này là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và số lượng công nhân lao động tập trung cao. Gần đây, Công đoàn Dệt may Việt Nam và nhiều doanh nghiệp cũng đã có phản ánh vướng mắc nêu trên trong quá trình góp ý dự thảo Luật BHXH.
Do đó, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động nữ khi sinh con và cũng để thực hiện giải pháp khuyến sinh, cùng với việc cho phép người lao động được thỏa thuận với người sử dụng lao động đóng BHXH trong trường hợp nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng như đã quy định tại Khoản 6 Điều 32 dự thảo Luật, cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý Điều 52 dự thảo Luật theo hướng không quy định điều kiện, thời gian đóng BHXH trong 12 tháng trước khi sinh con đối với lao động nữ thuộc trường hợp hiếm muộn khi sinh con. Thay vào đó, trường hợp này chỉ cần có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc điều trị hiếm muộn.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội năm 2025
Chính sách 21/01/2025 06:05
Người nghỉ hưu sớm khi tinh gọn bộ máy sẽ không bị trừ phần trăm lương hưu
Chính sách 14/01/2025 22:00
Bảng lương của giáo viên năm 2025
Chính sách 11/01/2025 19:01
Đề xuất mới về điều kiện hưởng lương hưu từ 1/7/2025
Chính sách 10/01/2025 06:10
Đề xuất quy định về chế độ ốm đau của người lao động
Chính sách 05/01/2025 10:49
Tuổi nghỉ hưu của công chức, người lao động trong năm 2025
Chính sách 01/01/2025 17:31
Chính sách mới về thu hút nhân tài: Sinh viên xuất sắc được hưởng lương khởi điểm gần 14 triệu đồng/tháng
Chính sách 01/01/2025 10:00
Đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người thụ hưởng chính sách
Chính sách 26/12/2024 08:47
Thay đổi quy định về điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm từ 1/7/2025
Chính sách 24/12/2024 17:36
Luật quy định như thế nào về hành vi gian lận bảo hiểm?
Chính sách 24/12/2024 08:49