--> -->

Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội

Tiếp nối truyền thống đoàn kết, gắn bó mật thiết với Nhân dân và vận dụng những bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh của Nhân dân; trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác dân vận, đặc biệt đã triển khai sâu rộng, có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân Hà Nội, trở thành một nét đặc sắc trong công tác dân vận của Đảng bộ Thủ đô.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc Hà Nội: Chính thức chốt 6 đội vào Chung khảo Hội thi “Dân vận khéo” Gắn biển công trình “Dân vận khéo” tại quận Hoàng Mai

Hiệu quả từ sự đồng thuận và tinh thần tự nguyện

Cách đây 15 năm, Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả nước bằng Kế hoạch số 70-KH/BDVTW ngày 26/2/2009. Đây là chủ trương rất đúng đắn, là hành động thiết thực, cụ thể hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” và quan điểm của Đảng ta về công tác dân vận.

Từ đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai rộng khắp, nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân Hà Nội, từ những mô hình, điển hình tiêu biểu, những việc làm tốt, cách làm hay, bình dị nhưng mang lại hiệu quả bền vững, nhất là, đã phát huy tinh thần tự nguyện và sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn gắn biển công trình “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Thực hiện các kế hoạch, hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy đã chủ động ban hành các văn bản triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong từng năm và từng giai đoạn, với các nội dung thiết thực, cụ thể, bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các vấn đề khó khăn, phức tạp của từng địa phương, đơn vị và toàn Thành phố. Đã tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 05/12/2016 “Về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2020”; Công văn số 88-CV/TU ngày 15/3/2021 “Về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025”.

Thành phố đã triển khai cuộc thi viết về gương “Dân vận khéo” năm 2018, 2020; tổ chức hội thi “Dân vận khéo” bằng hình thức sân khấu hóa năm 2019 và đang tổ chức hội thi năm 2024; phát hành cuốn sách Những điển hình “Dân vận khéo” của Thủ đô năm 2020, “Dân vận khéo trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” năm 2023; hưởng ứng cuộc thi Báo chí viết về gương “Dân vận khéo”;… đồng thời chú trọng khảo sát, đánh giá, biểu dương, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thành ủy Hà Nội đã xác định đúng, trúng và thống nhất quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng cơ quan, địa phương, đơn vị và toàn Thành phố, với các cuộc vận động, các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Công tác tuyên truyền phong trào thi đua “Dân vận khéo” được tăng cường với nhiều hình thức phong phú. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã triển khai phong trào với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả, như tổ chức Hội thi “Dân vận khéo”, Ngày hội “Dân vận khéo”, các hội nghị tọa đàm, cuộc thi viết, xuất bản sách về gương điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu... tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên địa bàn về công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng.

Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm, toàn Thành phố có hơn 10.000 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký thực hiện trên 4 lĩnh vực: Xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và được đăng ký triển khai tại 3 cấp: Cấp cơ sở; cấp quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy và cấp Thành phố. Hàng nghìn mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở ghi nhận, biểu dương khen thưởng và nhân rộng, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

Đặc biệt, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” càng được đẩy mạnh khi thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, trong những hoàn cảnh cam go, thử thách như: thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với khủng hoảng kinh tế và các vấn đề an ninh phi truyền thống... Thông qua đó, đã phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội, được nhân lên bằng những nghĩa cử cao đẹp và tinh thần tự nguyện; huy động nguồn lực to lớn từ sức mạnh và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, tạo động lực quan trọng để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.

Lan tỏa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội

Với sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Thành phố đến cơ sở, với cách làm bài bản, bám sát thực tiễn, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã thực sự thấm sâu, lan tỏa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tiêu biểu như:

Trong lĩnh vực kinh tế: Nhiều mô hình “Dân vận khéo” về phát triển sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng; “khéo” vận động để người lao động hăng say sản xuất, tập trung xây dựng môi trường làm việc thân thiện, cải tiến chế độ tiền lương, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân... được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai hiệu quả. Các mô hình “Dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động nông dân hiến đất làm đường, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân khu vực nông thôn... đã giúp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; đồng thời tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã đã đạt.

Thành phố đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới với toàn bộ 382/382 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 7/17 huyện đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế…, đời sống Nhân dân Thủ đô cơ bản được nâng lên, các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút được nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân tham gia, lan tỏa.

Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội
Hội thi “Dân vận khéo” thành phố Hà Nội năm 2024 được tổ chức sôi nổi từ Thành phố đến cơ sở.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội: Tập trung 3 lĩnh vực: giáo dục, y tế, phát huy giá trị các di tịch lịch sử, văn hóa, cách mạng. Nổi bật là mô hình vận động xã hội hóa xây dựng thư viện, tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng các thiết chế văn hóa, xã hội, thể dục thể thao; chỉnh trang đô thị, xóa điểm đen chân rác thành vườn hoa; tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng...

Mô hình “Dân vận khéo” trong việc vận động nhân dân tại các quận, huyện, thị xã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thu được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực triển khai, tạo chuyển biến rõ nét, xuất hiện ngày càng nhiều đám cưới được thực hiện theo nếp sống mới, tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa, tổ chức tiệc trà, báo hỷ, không ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày, đám cưới không có thuốc lá,…

Trong việc tang, hầu hết các thôn, làng đã thành lập Ban tổ chức tang lễ thống nhất quy trình, nghi thức phù hợp với điều kiện của địa phương, ít tốn kém, thể hiện mối quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Các hủ tục trong tang lễ (lăn đường, khóc mướn, chơi cờ bạc…) hầu như không còn. Các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện hình thức tang hỏa táng với tỷ lệ rất cao, nhiều hơn hơn 80%, 90%, có thôn, tổ dân phố đạt tỷ lệ 100%.

Các mô hình vận động tín đồ, chức sắc tôn giáo tiết kiệm trong tổ chức các nghi lễ tôn giáo, vận động hội viên, nhân dân không tham gia các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, mô hình “Họ giáo không có người nghiện ma túy và mắc các tệ nạn xã hội”… đã phát huy tác dụng, hiệu quả, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố. Phong trào “Dân vận khéo” đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với đồng bào sinh sống tại các xã miền núi thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ tập trung vào việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; hỗ trợ vay vốn cho các hộ đồng bào dân tộc thoát nghèo và làm giàu.

Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng: Nhiều mô hình “Dân vận khéo” giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được triển khai hiệu quả như: mô hình “Dân vận khéo” trong vận động Nhân dân lắp đặt camera an ninh đã góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; mô hình “Sổ tay phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật”; mô hình “Khu dân cư không tội phạm, tệ nạn và tội phạm ma túy”, “An ninh tự quản trong dòng họ”, “An ninh tự quản trong họ giáo”, “Cổng trường an toàn”… được các đơn vị triển khai hiệu quả. Các lực lượng quân đội đã xây dựng được nhiều mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả, tiêu biểu là mô hình “Huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận” của Bộ Tư lệnh Thủ đô…

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng bộ phận “một cửa” hiện đại, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được các quận, huyện, thị xã triển khai hiệu quả; nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí; mô hình “Dân vận khéo” trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở, góp phần hạn chế phát sinh các vụ việc phức tạp trong cộng đồng dân cư…

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng các cơ chế để tăng cường đối thoại, cầu thị tiếp thu góp ý, tích cực giải quyết các kiến nghị chính đáng của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Hằng năm, đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân từ Thành phố đến xã, phường, thị trấn đều tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với cán bộ, hội viên, đoàn viên và Nhân dân; đã có hàng chục nghìn ý kiến tại các hội nghị được tiếp thu, giải quyết kịp thời, góp phần ổn định tình hình từ cơ sở, giảm khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, đóng góp những ý kiến quý báu đối với cấp ủy, chính quyền trong xây dựng và phát triển địa phương, Thủ đô, đất nước.

Một số minh chứng tiêu biểu về hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” có thể kể đến như: Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống dân vận Thủ đô đã huy động hàng trăm nghìn cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị-xã hội tham gia hơn 26.000 “Tổ Covid-19 cộng đồng” ở 579 xã, phường, thị trấn để vận động Nhân dân thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ Thủ đô bình yên, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Trong triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, công tác dân vận đã chủ động, tích cực, vào cuộc từ sớm, từ đầu, với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo, trong vòng 01 năm đã giải phóng mặt bằng được trên 90% diện tích phải thu hồi, góp phần khởi công dự án đúng tiến độ.

Gần đây nhất, trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) gây ảnh hưởng nặng nề tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc trong đó có Hà Nội, cán bộ dân vận, các tổ dân vận đã thể hiện vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, giúp đỡ Nhân dân phòng, chống bão lụt, nhất là di chuyển cây xanh gãy đổ, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, di dời người và tài sản khỏi các khu vực nguy hiểm... Mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và Nhân dân qua khó khăn, thử thách lại càng được củng cố, tăng cường; bầu không khí đoàn kết, gắn bó, chia sẻ bao trùm toàn Thành phố, với quyết tâm cao và niềm tin chiến thắng mọi khó khăn, thử thách.

Mô hình sáng tạo, diễn đàn lớn của hệ thống dân vận Thủ đô

Năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Ban Dân vận Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 48-KH/BDVTU về tổ chức Hội thi “Dân vận khéo”, xác định đây là hoạt động trọng điểm của ngành Dân vận Thủ đô kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” (15/10/1949-15/10/2024), 94 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2024), 25 năm “Ngày Dân vận của cả nước” (15/10/1999-15/10/2024), đặc biệt là kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), mốc son lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô và cả nước.

Điểm mới trong tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” thành phố Hà Nội năm 2024, Ban Dân vận Thành ủy đã ban hành kế hoạch và hệ thống văn bản từ sớm để các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động triển khai từ thôn, tổ dân phố. Công tác tổ chức Hội thi được tiến hành bài bản, khoa học, qua đó khơi dậy tinh thần hăng hái, nhiệt tình và thi đua sôi nổi giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị. Căn cứ kế hoạch của Ban Dân vận Thành ủy, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tổ chức hàng trăm hội thi từ cấp cơ sở, qua các vòng sơ khảo, chung khảo tại cấp mình để lựa chọn ra đội thi xuất sắc, tiêu biểu nhất tham dự vòng thi cấp Thành phố.

Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn thăm tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp do cán bộ và nhân dân xã Đặng Xá chung tay thực hiện.

Kết quả, đã có 35 đội thi xuất sắc đại diện cho các địa phương, cơ quan, đơn vị trên toàn Thành phố đã tham gia Hội thi cấp Thành phố. Ban Dân vận Thành ủy đã tổ chức sơ khảo tại 06 cụm thi, tương ứng với 6 cụm thi đua của hệ thống Dân vận Thủ đô. Trải qua các vòng thi sôi nổi, hấp dẫn, các đội thi đã mang lên sân khấu những mô hình “Dân vận khéo” được triển khai rất thành công từ thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị; chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm quý trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận, công tác vận động quần chúng nhân dân cùng chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị và Thành phố; thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ của cán bộ dân vận Thủ đô. Qua 6 vòng sơ khảo, Ban Tổ chức Hội thi đã lựa chọn 6 đội xuất sắc, tiêu biểu nhất để tham gia vòng Chung khảo Hội thi “Dân vận khéo” cấp Thành phố.

Hội thi “Dân vận khéo” năm 2024 tiếp tục là một điểm nhấn đáng chú ý của công tác dân vận Thủ đô, là dịp để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân, khẳng định vững chắc hơn nữa về vị trí, vai trò công tác dân vận; góp phần lan tỏa, nhân rộng những cách làm hay, những mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả. Đặc biệt, Hội thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ Thành phố về công tác dân vận nói riêng, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nói chung; là ngày hội của những người làm công tác dân vận Thủ đô.

Trong thời gian tới, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thủ đô và từng cơ quan, địa phương, đơn vị; phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại Đảng bộ Hà Nội sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác dân vận; nhất là đối với những vấn đề phức tạp phát sinh, những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó... và được triển khai đồng bộ, từ sớm, từ đầu, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị.

Cùng với xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” mới, Hà Nội tiếp tục quan tâm duy trì hiệu quả, nhân rộng và phát huy các mô hình, điển hình đã có. Tăng cường tuyên truyền về cách làm hiệu quả của các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” bằng các hình thức phong phú, gần gũi, phù hợp với từng đối tượng; ứng dụng công nghệ thông tin, các loại hình truyền thông hiện đại để tăng hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa các tấm gương, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu; kịp thời khảo sát, đánh giá, khen thưởng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” hiệu quả, qua đó khích lệ, động viên sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, công tác Dân vận của Đảng bộ Thành phố nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng sẽ không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả, thực hiện tốt hơn vai trò, sứ mệnh là cầu nối xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; vận động và tập hợp Nhân dân, phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến, văn minh, hiện đại”.

Đỗ Anh Tuấn

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

Ý kiến bạn đọc

Nên xem

Ngành Y tế Thủ đô đảm bảo công tác y tế phục vụ Đại lễ Vesak

Ngành Y tế Thủ đô đảm bảo công tác y tế phục vụ Đại lễ Vesak

Trong những ngày tổ chức Đại lễ Vesak tại Hà Nội, Tổ Y tế đã cấp cứu, hỗ trợ y tế 97 ca, không có các trường hợp nặng, chủ yếu là hạ đường huyết, say nóng nắng.
Quận Bắc Từ Liêm tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW

Quận Bắc Từ Liêm tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW

Ngày 16/5, Quận ủy Bắc Từ Liêm đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) và biểu dương các tổ chức Đảng, đảng viên đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tiêu biểu 5 năm 2020 - 2024.
Phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Hà Nội liên quan đến lĩnh vực đất đai

Phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Hà Nội liên quan đến lĩnh vực đất đai

Sáng 16/5, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân (giai đoạn 2014 - 2024) trên địa bàn Thành phố. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.
Công an Đồng Nai và TP.HCM lần đầu tiên tổ chức kỳ thi sát hạch, cấp GPLX

Công an Đồng Nai và TP.HCM lần đầu tiên tổ chức kỳ thi sát hạch, cấp GPLX

Đây là kỳ thi sát hạch đầu tiên kể từ khi Bộ Công an tiếp quản mảng sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũ.
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh thăm, tặng quà công nhân lao động ngành Dệt - May

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh thăm, tặng quà công nhân lao động ngành Dệt - May

Nhân dịp Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025, ngày 16/5, đồng chí Phạm Quang Thanh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đã đến thăm, tặng quà đoàn viên, người lao động thuộc Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội.
Quận Tây Hồ: Nhiều kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05

Quận Tây Hồ: Nhiều kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05

Ngày 16/5, Quận ủy Tây Hồ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật: Quy định cụ thể để sử dụng hiệu quả, tránh trục lợi

Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật: Quy định cụ thể để sử dụng hiệu quả, tránh trục lợi

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 16/5, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Tin khác

Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật: Quy định cụ thể để sử dụng hiệu quả, tránh trục lợi

Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật: Quy định cụ thể để sử dụng hiệu quả, tránh trục lợi

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 16/5, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân: Cần cụ thể, rõ ràng để khả thi

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân: Cần cụ thể, rõ ràng để khả thi

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 16/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Chính phủ trình 5 nhóm chính sách lớn để phát triển kinh tế tư nhân

Chính phủ trình 5 nhóm chính sách lớn để phát triển kinh tế tư nhân

Nhằm hiện thực hoá mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 68-NQ/TW, Chính phủ đề xuất 5 nhóm chính sách lớn phát triển kinh tế tư nhân.
Chuyển tiếp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi sắp xếp bộ  máy

Chuyển tiếp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi sắp xếp bộ máy

Ngày 15/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tạo động lực mới cho đất nước phát triển nhanh và bền vững

Tạo động lực mới cho đất nước phát triển nhanh và bền vững

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, ngày 15/5, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất với việc cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về năng lượng nguyên tử để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành.
Đại biểu Quốc hội: Tài năng trong hoạt động công vụ là tài năng đặc thù

Đại biểu Quốc hội: Tài năng trong hoạt động công vụ là tài năng đặc thù

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, tài năng trong hoạt động công vụ là một loạt tài năng đặc thù, không chỉ đòi hỏi chuyên môn, kỹ năng tổ chức mà còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị. Do đó, người có tài năng cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, có khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, sáng 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung phát triển các kỹ năng sáng tạo cho học sinh

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung phát triển các kỹ năng sáng tạo cho học sinh

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hệ thống giáo dục phải được đổi mới sâu rộng, tập trung phát triển các kỹ năng sáng tạo, STEM, ngoại ngữ, kỹ năng số và công nghệ hiện đại. Giáo dục trí tuệ cần đi đôi với giáo dục văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ, sức khỏe để hình thành những cá nhân toàn diện.
Đại biểu Quốc hội: Cán bộ, công chức làm việc từ xa phù hợp với yêu cầu mới

Đại biểu Quốc hội: Cán bộ, công chức làm việc từ xa phù hợp với yêu cầu mới

Góp ý vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, chiều 14/5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, quy định về làm việc từ xa sẽ là một bước đi phù hợp, thích ứng với yêu cầu mới trong quản trị nhà nước hiện đại; đề nghị phân cấp rõ trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quyết định cho phép làm việc từ xa, bảo đảm nguyên tắc về hiệu quả và kiểm soát được tiến độ chất lượng công việc.
Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý về sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý về sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp dù ở phạm vi, quy mô nào cũng là một công việc rất hệ trọng, rất thiêng liêng.
Xem thêm
Phiên bản di động