Những sai lầm khiến trẻ mắc viêm họng giữa mùa nóng
Các chuyên gia khuyến cáo, mùa hè, phụ huynh không nên cho trẻ ăn quá nhiều đồ lạnh để tránh gây hại cho trẻ. Ảnh minh họa |
Viêm họng vì ăn kem lạnh, nằm điều hòa cả ngày
Những ngày thời tiết nắng nóng đỉnh điểm cũng là lúc chị Bùi Thị Huyền (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) phải lo điều trị viêm họng cho cô con gái 8 tuổi. Con gái chị rất thích ăn kem, hơn một tháng nghỉ hè ở nhà, bé đã bị “quán triệt” chỉ được ăn từ 3-4 que một tuần để tránh bị viêm họng. Tuy nhiên, khoảng gần một tuần nay, chị phát hiện bé thường ho nhiều kèm đờm và kêu đau rát trong họng. Hỏi ra mới vỡ lẽ, chồng chị vì quá chiều con nên đã cho con ăn kem mỗi khi đón bé từ trường về. Lần thì một que kem, lần là hai đến ba que cho thỏa nỗi thèm của bé. Kết quả, bé nhà chị bị viêm họng nặng, phải uống thuốc điều trị.
Cũng đang phải chăm sóc cậu con trai 5 tháng tuổi bị sổ mũi, thở khò khè và ho có đờm, vợ chồng anh Nguyễn Bá Mạnh (quê ở Hải Dương) đành ngậm ngùi “cách ly” con khỏi chiếc điều hòa nhiệt độ. Anh Mạnh cho biết, những ngày vừa qua, vì thời tiết quá oi bức nên vợ anh đã để con nằm trong phòng điều hòa gần như 24/24 giờ. Hậu quả, chỉ sau vài ngày “ăn điều hòa, ngủ điều hòa”, con trai anh đã bị nhiễm lạnh dẫn đến những triệu chứng về đường hô hấp kể trên.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), nhiệt độ môi trường thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển. Thông thường ở đường hô hấp đã có sẵn virus, khi gặp điều kiện thuận lợi, virus sẽ hoạt động khiến trẻ nhiễm bệnh. Mùa hè, thời tiết nóng bức, trẻ nhỏ rất dễ mắc viêm họng cấp do bố mẹ cho uống nước lạnh, ăn kem lạnh, ở trong phòng điều hòa lạnh cả ngày. Khi đó, hệ hô hấp của trẻ trở nên yếu do niêm mạc mũi, họng bị khô dẫn đến khả năng tấn công của các loại virus, vi khuẩn trở nên mạnh hơn.
Bên cạnh đó, với những trẻ lớn, việc chơi đùa ngoài nắng, bị ra nhiều mồ hôi cũng dễ khiến trẻ bị nhiễm lạnh và mắc bệnh. Khi bị viêm họng cấp, trẻ thường có các triệu chứng như sốt cao 39 - 40oC, kèm theo là ho, nghẹt mũi, đau rát họng, quấy khóc, chán ăn. Một số trẻ còn có biểu hiện như ho khan, ho có đờm, chảy nước mũi. Viêm họng cấp có thể kéo dài từ 7 - 10 ngày, nếu không được điều trị kịp thời dễ gây ra nhiều biến chứng đối với sức khỏe của trẻ như: Viêm amidan, viêm tai, viêm xoang, viêm phế quản, thậm chí viêm phổi.
Phòng bệnh cho trẻ đúng cách
Để phòng bệnh viêm họng cấp cũng như các bệnh liên quan đến đường hô hấp cho trẻ trong mùa hè, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ cần hạn chế cho trẻ dùng đồ uống lạnh như kem, nước đá, các thực phẩm ướp lạnh.
Trong trường hợp trẻ muốn ăn, nên cho trẻ ăn chậm, không ăn nhanh, hấp tấp dẫn đến lạnh đột ngột. Nên dạy trẻ ngậm đồ lạnh 5 giây trong miệng rồi mới nuốt để làm giảm bớt độ lạnh khi đi qua vòm họng. Đối với sữa chua và các đồ ăn, yêu cầu phải bảo quản lạnh, sau khi lấy khỏi tủ lạnh, nên có thời gian để chúng “nguội” rồi mới thưởng thức. Ăn lạnh, uống lạnh sẽ khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống, vì vậy, sau khi thưởng thức xong, có thể cho trẻ uống một cốc nước lọc ấm để cân bằng nhiệt độ trong cơ thể.
Khi thấy trẻ bị viêm họng cấp kèm sốt cao, nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Trong trường hợp trẻ bị nhẹ, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol kết hợp lau mát hạ sốt cho trẻ. Tuy nhiên, lưu ý không dùng nước đá lạnh lau cho trẻ để tránh tình trạng trẻ bị sốc nhiệt. Bên cạnh đó, cho trẻ uống nhiều nước và nước ép hoa quả. Nếu bệnh của trẻ không đỡ, cần phải đưa trẻ đi bệnh viện khám để được điều trị. Bố mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ vì bệnh sẽ không khỏi mà đôi khi còn gây nguy hiểm, đặc biệt làm cho vi khuẩn kháng thuốc, nếu trẻ bị bệnh tái lại thì rất khó điều trị.
Với những trẻ đang bị viêm họng cấp, theo ThS.BS Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), nên chia nhỏ bữa ăn của trẻ và các khẩu phần ăn nên ưu tiên các thức ăn lỏng (cháo, súp) nhiều hơn. Nếu trẻ bị sốt, nên cho trẻ uống thêm sữa. Khi ăn sữa chua nên ngâm qua nước ấm để không làm trầm trọng thêm tình trạng viêm họng của trẻ. Khi thấy trẻ đỡ hơn, có thể chuyển dần sang cơm hơi nát, mỳ, bún phở để hạn chế làm tổn thương họng của trẻ.
Để tăng sức đề kháng cho cơ thể trẻ, hạn chế các loại virus, vi khuẩn tấn công gây bệnh, hàng ngày bố mẹ cần đảm bảo cho trẻ chế độ ăn hợp lý, cân đối, đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là đạm, tinh bột, trái cây, rau xanh; tăng cường những loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh. Ngoài ra, hạn chế cho trẻ chơi ở những nơi nắng gắt, dễ khiến trẻ ra nhiều mồ hôi. Nên cho trẻ chơi ở những nơi thoáng mát hoặc nơi có bóng râm. Sau khi chơi đùa, hoặc đi ngoài nắng về, không cho trẻ đi tắm ngay mà phải cho trẻ nghỉ ngơi để ráo mồ hôi, vì nếu trẻ tắm ngay có thể dẫn đến tình trạng cảm lạnh do thay đổi thân nhiệt đột ngột và khiến trẻ bị viêm họng.
Trong mùa hè oi bức, có thể cho trẻ ngủ trong phòng điều hòa, tuy nhiên không cho trẻ nằm ở nơi có luồng gió trực tiếp. Để an toàn cho trẻ, khi dùng điều hòa nhiệt độ, bố mẹ nên để từ 25 - 27oC là hợp lý. Không đưa trẻ đột ngột từ phòng điều hòa ra ngoài trời nắng để tránh sốc nhiệt. Tương tự, nếu sử dụng quạt, không nên bật quạt thốc thẳng vào mặt trẻ. Nên cho quạt quay và để tốc độ ở mức vừa phải. Nếu trẻ ngủ chung giường với bố mẹ, tốt nhất, người lớn nên nằm ngoài và để trẻ ngủ ở vị trí bên trong. Mặt khác, khi ra ngoài, bố mẹ nên đeo khẩu trang cho trẻ để tránh khói bụi gây hại đến vùng mũi, họng. Cho trẻ súc họng thường xuyên với nước muối loãng và tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa vi khuẩn tấn công, gây bệnh.
Ăn kem, uống nước lạnh dễ bị đau đầu Mùa hè, phụ huynh thường cho trẻ ăn nhiều kem, uống nước đá hoặc các thực phẩm ướp lạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này vừa khiến cơ thể trẻ dễ dàng bị lạnh đột ngột gây đau họng, viêm họng và có thể bị cảm lạnh hoặc sốt, vừa ảnh hưởng xấu đến răng như gây sâu, sún răng ở trẻ nhỏ. Mặt khác, những thực phẩm quá lạnh khi qua vòm họng còn yếu của trẻ sẽ kích thích mạnh niêm mạc và các cơ quan cảm giác khiến chúng bị co lại. Sau đó, mạch máu vùng não lại giãn phồng ra hơn bình thường, gần như bị tăng áp lực vỏ não gây đau đầu như bị giật và tạo nên chứng đau đầu với cảm giác nhói đau, nhức buốt ở đầu hay thậm chí là buồn nôn ở trẻ nhỏ. |
Theo Mai Thùy/Gia đình và xã hội
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phố Sách Xuân Ất Tỵ 2025 “Tết công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng”
Giáo viên Hà Nội sẽ được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/tháng từ 1/7/2025
Đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán 2025 đầm ấm, an toàn
Công nhân môi trường đô thị quận Long Biên ấm lòng đón nhận quà Tết của Công đoàn
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Tin khác
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Y tế 24/01/2025 10:38
Chủ động các biện pháp phòng chống bệnh dại dịp Tết
Y tế 23/01/2025 10:20
Hà Nội ghi nhận thêm 102 ca bệnh sởi
Y tế 21/01/2025 06:08
Duy trì trực 4 cấp ứng phó với các tình huống cấp cứu trong dịp Tết
Y tế 18/01/2025 14:40
Mỹ Đức: Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội chùa Hương
Y tế 16/01/2025 17:18
Nhập viện cấp cứu sau khi tiêm filler nâng ngực ở cơ sở chui
Y tế 16/01/2025 06:10
Gia tăng ca bệnh viêm phổi nặng khi trời lạnh
Y tế 15/01/2025 11:56
22 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố ghi nhận ca mắc sởi
Y tế 13/01/2025 16:51
Tự hào những chiến sĩ áo blouse trắng mang sứ mệnh cứu người
Y tế 13/01/2025 16:45
Tỷ lệ hài lòng của người bệnh với khối bệnh viện quý IV là 97,11%
Y tế 10/01/2025 08:47