Người thổi hồn cho tượng gỗ
Tinh hoa làng nghề điêu khắc gỗ Để làng nghề truyền thống phát triển bền vững |
Hơn 40 năm “thổi hồn” cho tượng gỗ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề điêu khắc gỗ truyền thống ở làng Nhân Hiền, ngay từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đã quen với mùi gỗ và đam mê đục chạm. Đến năm 1980, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Trúc lên đường nhập ngũ. Đến năm 1984, ông hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương và tham gia làm nghề tại Hợp tác xã thủ công Nhân Hiền. Ngay từ lúc này, ông đã là một trong những thợ giỏi của Hợp tác xã, được giao thực hiện nhiều sản phẩm. Năm 1989, ông Trúc cùng với anh em trong gia đình bắt đầu khởi nghiệp. Cùng với việc học nghề tại địa phương, ông còn đi khắp các chùa cổ trong nước để nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật điêu khắc của người xưa.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đã có hơn 40 năm gắn bó với điêu khắc gỗ. Ảnh: Kim Tiến |
Trong suốt quãng thời gian đầu lập nghiệp, không ít lần ông đã phải “trả giá” mới rút ra được kinh nghiệm trong việc lựa chọn và bảo quản nguyên liệu (gỗ mít). Rồi khi đứng ra sản xuất kinh doanh độc lập, ông lại phải nghiên cứu nhu cầu thị trường, học cách quản lý lao động, tài chính, khách hàng. Với ông Trúc, thương hiệu phải gắn với chữ Tín và chữ Quang. Chữ Tín thể hiện ở chất lượng sản phẩm làm ra, bên cạnh tuân thủ tính nguyên mẫu, mỗi bức tượng vừa phải đảm bảo giá trị văn hóa lịch sử và nghệ thuật, vừa làm sao “tượng không chỉ là tượng” mà trong tượng còn có một “sức sống” lôi cuốn đối với người chiêm ngưỡng… Còn chữ Quang là sự trong sáng của tâm hồn, khi tâm hồn trong sáng, thái độ yêu nghề và tôn trọng sản phẩm mình làm ra, người thợ mới có “duyên” chạm được nét thần thái của các bức tượng, thổi được hồn của những nhân vật mà tượng gỗ hóa thân”.
“Đã là người làm nghề, không phải riêng chúng tôi mà nghề gì cũng vậy, trước hết phải có sự đam mê, say đắm với công việc của mình. Chỉ có đam mê, say đắm mới có thể làm nghề giỏi và thành công. Nghề điêu khắc là một nghề tỉ mỉ và tinh xảo, vì vậy không những cần lòng đam mê công việc mà còn đòi hỏi sự bền bỉ, chịu khó. Chỉ có kiên trì, chăm chỉ mới tạo ra những sản phẩm có giá trị, được người tiêu dùng chấp nhận. Khi đã được khách hàng tin tưởng thì việc phát triển đầu ra của sản phẩm cũng dễ dàng hơn”, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc bày tỏ.
Theo chia sẻ của ông Trúc, trong suốt quãng đời làm nghề của mình, mỗi tác phẩm đều để lại trong ông một ấn tượng sâu sắc. Năm 2003, ông mang tác phẩm “tượng phật nghìn mắt nghìn tay” tham dự Hội chợ văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) và được giải Vàng. Nhờ vậy, năm 2004, ông được tham gia gặp mặt, giao lưu các nghệ nhân ASEAN tại Hà Nội.
Từ đó, tài năng, tên tuổi của nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc được nhiều người biết đến. Năm 2006, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và có chút ít thành quả, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh; lập một xưởng lớn ở cuối làng Nhân Hiền, thuê vài chục thợ và nhận thêm học trò. Từ đây, xưởng của ông bắt đầu nhận nhiều đơn hàng là những bức tượng Phật lớn.
Trong đó, pho tượng gỗ “Đức Phật Thích Ca” cao 8,5m, thờ tại chùa Đỏ (phố Lê Lai, Hải Phòng) là một trong những sản phẩm ấn tượng. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc cho biết, ông đã dành 6 tháng để hoàn thiện, khi mang đến chùa để ghép thì vừa khít không cần dùng chất liệu để kết dính. Những pho tượng Phật lớn do nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc và những người thợ phụ tạo nên không chỉ tinh xảo từng đường nét mà còn đảm bảo giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, “tượng không chỉ là tượng” mà trong tượng còn có “sức sống” lôi cuốn đối với người chiêm ngưỡng. Vì thế, nhiều hệ thống tượng Phật ở các ngôi chùa nổi tiếng trong và ngoài nước đều đặt xưởng của ông làm.
Nặng lòng truyền nghề cho lớp trẻ
Ngoài phương pháp chạm khắc truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc còn tự mày mò áp dụng chạm khắc gỗ vào lĩnh vực truyền thần. Chạm khắc truyền thần khó khăn hơn nhiều so với vẽ, nặn... truyền thần. Khi chế tác, chỉ một sai sót nhỏ cũng đủ làm cho cả bức tượng thành khúc gỗ bỏ đi. Từ ảnh trực diện được phóng to, người nghệ nhân phải tưởng tượng ra hình khối đường nét trong không gian ba chiều… Bên cạnh đó, theo cá nhân ông, người thợ đặc biệt cần sự mẫn cảm với nhân vật thì mới chạm trổ được hồn cốt của người đó.
Ông chia sẻ, khi chế tác, mỗi tượng Phật cũng phải mang một giá trị riêng, một thần thái riêng. Điều đó phụ thuộc vào bàn tay tài hoa và tâm hồn người tạc. Đây cũng chính là lý do mà những năm qua, khi rất nhiều xưởng đã áp dụng máy móc vào trong sản xuất nhưng riêng xưởng của ông vẫn làm thủ công, đục đẽo bằng tay. “Khi đầu tư máy móc vào thì lợi nhuận của tôi sẽ tốt hơn, nhưng tôi cho rằng nếu cứ để máy móc làm thay phần con người thì nghề nó sẽ mòn dần, người thợ người ta sẽ phụ thuộc nhiều vào máy. Do vậy, tôi đã quyết tâm không đầu tư máy móc, để mỗi người thợ làm thủ công, tạo ra mỗi sản phẩm có đặc tính riêng, đặc sắc riêng, kĩ thuật riêng thể hiện trí óc của mỗi người thợ”, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc chia sẻ.
Hiện tại, xưởng của nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đang có trên 30 lao động, trong đó khoảng 10 người đang học nghề. Ông luôn động viên, hướng dẫn chi tiết cho những người thợ, thực việc khoán sản phẩm để tăng thu nhập, tạo động lực làm việc. Ông quan niệm rằng, để có thể duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống thì những người thợ phải sống được bằng nghề. Vì thế, ông luôn nỗ lực để mở rộng xưởng sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, trao truyền kỹ thuật điêu khắc cho những người thợ; đưa những sản phẩm điêu khắc Nhân Hiền đến gần với thị hiếu của khách hàng và thị trường, góp phần đưa làng nghề điêu khắc Nhân Hiền hướng đến phát triển bền vững…
Trải qua hơn 40 năm làm nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đã trực tiếp dạy nghề tại xưởng cho hàng trăm người. Nhiều người thành nghề đã về phát triển xưởng riêng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung. Tại làng Nhân Hiền, có anh Hoàng Văn Kế là học trò ưu tú nhất của ông, đã được phong danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2015. Ông tâm sự rằng, khi mỗi học sinh của mình thành đạt hoặc lĩnh hội thêm các kinh nghiệm đều mang lại cảm giác hạnh phúc trong ông, bởi đó chính là đóng góp phần nào trong việc giữ gìn và phát huy giá trị điêu khắc gỗ Nhân Hiền./.
Với những gì đã cống hiến, nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc được các cấp, ngành địa phương và Trung ương khen thưởng, biểu dương. Nổi bật là danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2013 và Nghệ nhân Nhân dân năm 2016 do Chủ tịch nước trao tặng. Nhưng đối với ông, điều quan trọng nhất chính là giữ gìn, phát triển được nghề truyền thống của làng, của cha ông, đồng thời, tạo được công ăn việc làm cho anh em, con cháu, người dân trong làng. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân đón Tết
Nhịp sống Thủ đô 23/01/2025 16:21
Thanh Xuân: Trao 150 suất quà Tết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Nhịp sống Thủ đô 23/01/2025 09:21
Quận ủy Thanh Xuân trao Huy hiệu 75 tuổi Đảng tặng đảng viên lão thành
Nhịp sống Thủ đô 22/01/2025 20:24
Huyện Thường Tín phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 22/01/2025 14:07
Tại sao năm nay phố Hàng Mã ít đồ cúng ông Công ông Táo?
Nhịp sống Thủ đô 21/01/2025 22:28
Cụm thi đua số 1: Các phong trào thi đua đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực
Nhịp sống Thủ đô 21/01/2025 22:08
Sắm Tết với 40 gian hàng đặc sản vùng miền
Nhịp sống Thủ đô 21/01/2025 08:55
Đồng chí Bùi Huyền Mai thăm, chúc Tết các đơn vị ứng trực, phục vụ Tết
Nhịp sống Thủ đô 20/01/2025 20:21
Lễ hội Chùa Hương 2025: Mỗi lái đò có mã QR code tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách
Nhịp sống Thủ đô 20/01/2025 16:17
Đảng bộ phường Phương Liệt tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025 - 2030
Nhịp sống Thủ đô 19/01/2025 11:57