Người lao động gặp khó, có tổ chức Công đoàn
Trên 13 ngàn lao động bị giảm việc, mất việc
Phóng viên (PV): Thưa Phó Chủ tịch, xin ông đánh giá đôi nét về tình hình việc làm, đời sống của công nhân lao động (CNLĐ) trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội ở thời điểm hiện nay?
Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng: Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 150 nghìn doanh nghiệp, với trên 2,5 triệu lao động. Những tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế Thủ đô bắt đầu khởi sắc, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân NLĐ đạt 8,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 9/2022, tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp gặp khó khăn, việc làm và thu nhập của NLĐ có chiều hướng giảm. Đối với các doanh nghiệp lớn có nguồn lực kinh tế mạnh thì gồng lỗ để duy trì lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp không có khả năng tài chính thì buộc phải thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng, công nhân làm 05 ngày/tuần hoặc làm việc 15 ngày/tháng và được khuyến khích “ứng” ngày nghỉ phép của năm sau (2023).
Một số doanh nghiệp đã xây dựng phương án cho NLĐ nghỉ dài ngày, có thể kéo dài cả tháng hoặc cho nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu vùng. Thậm chí, một số doanh nghiệp phải cắt, giảm lao động, chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng trao hỗ trợ cho người lao động khó khăn, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19 trong đợt dịch lần thứ 4 năm 2021. Ảnh minh họa. |
Theo số liệu thống kê từ LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đã có 31 doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở báo cáo phải giảm giờ làm, cắt giảm 13.016 lao động. Trong đó, có 10.374 lao động bị giảm giờ làm, 2.642 lao động bị chấm dứt HĐLĐ; 1.017 NLĐ bị nợ lương, số tiền nợ 9,977 tỷ đồng.
Riêng trong các khu công nghiệp và chế xuất, có 7 doanh nghiệp với 6.148 lao động bị ảnh hưởng, có 1.609 lao động bị giảm giờ làm; 647 người bị chấm dứt HĐLĐ; 100 người bị nợ lương, số tiền nợ 850 triệu đồng (thuộc Công ty TNHH Inkel Việt Nam). Những doanh nghiệp phải cắt, giảm giờ làm tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông.
PV: Nguyên nhân nào đã gây những tác động khó khăn tới sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng tới việc làm của người lao động, thưa Phó Chủ tịch?
Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng: Nguyên nhân của tình trạng cắt giảm lao động, chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ chủ yếu do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và đặc biệt là sự tác động từ cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, trong khi mùa đông ở Châu Âu đang bắt đầu. Suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, dẫn đến các thị trường có sức mua lớn, năng lực chi trả cao như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc phải điều chỉnh… buộc người dân phải cắt giảm chi tiêu, cắt giảm những nhu cầu chưa cấp thiết.
Dệt may là một trong những ngành chịu tác động nhiều nhất từ tình hình bất ổn về chính trị, kinh tế thế giới. Ảnh minh họa. |
Chính vì lý do đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội bị sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn. Những doanh nghiệp có khách hàng truyền thống thì có đơn hàng sản xuất đến hết năm 2022, có thể gối sang đầu năm 2023. Tuy nhiên, thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có khả năng kéo dài sang năm 2023, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành Dệt may, Da giày, Điện tử, Chế biến gỗ... Hơn nữa, ngoài việc các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, nhiều đối tác khách hàng còn đưa ra mức giá sụt giảm, chỉ bằng 50%, thậm chí 40% so với mức giá bình thường, điều này càng tăng thêm khó khăn đối với các doanh nghiệp.
Qua khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy, số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn từ 25% đến 50% so với quý II/2022, triển vọng đơn hàng quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của các doanh nghiệp không mấy khả quan. Dự báo của các nhãn hàng ở Mỹ và EU cho thấy đơn hàng rất ít vào mùa Xuân, mùa Hè tới. Do vậy, căn cứ tình hình thực tế hiện nay, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối diện với tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh, phải thu hẹp, thậm chí phải ngừng sản xuất. Điều đó dẫn đến hàng nghìn NLĐ sẽ tiếp tục bị giảm giờ làm, bị chấm dứt hợp đồng lao động; đồng nghĩa với thu nhập của NLĐ bị giảm sút, đời sống của NLĐ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ kịp thời cho NLĐ khó khăn
P.V: Thưa Phó Chủ tịch, trước tình hình đó, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã có những giải pháp gì để đồng hành với doanh nghiệp, giữ việc làm cho NLĐ?
Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng: Trước tình hình này, với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ, đồng thời luôn hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, LĐLĐ Thành phố đã nhanh chóng có văn bản chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện một số biện pháp, giải pháp. Trước hết, các cấp Công đoàn tăng cường nắm bắt tình hình quan hệ lao động, việc trả lương, thưởng, chế độ chính sách đối với NLĐ, tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp, doanh nghiệp có đông CNLĐ, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Tại nhiều Công đoàn cơ sở, cán bộ Công đoàn luôn đồng hành với doanh nghiệp, sát sao nắm bắt tình hình đời sống việc làm của NLĐ tìm những giải pháp duy trì việc làm, đảm bảo đời sống cho họ. Ảnh minh họa. |
Tại cơ sở, Công đoàn chủ động phối hợp với người sử dụng lao động đảm bảo chế độ chính sách đầy đủ, tốt nhất cho NLĐ; thực hiện giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại, thương lượng, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở... đảm bảo NLĐ phải luân phiên làm việc được trả lương đúng quy định và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ; đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các quyền lợi của NLĐ trong trường hợp phải giảm việc làm hoặc mất việc theo quy định của Bộ luật Lao động và thực hiện đúng theo các cam kết của doanh nghiệp với lao động thông qua Thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy quy chế, các cam kết khác...
Cùng đó, các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tìm giải pháp ứng phó với những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, như: tìm các đơn hàng gia công từ các công ty nhỏ về để NLĐ có việc làm tạm thời; tranh thủ thời gian đào tạo và đào tạo lại cho NLĐ; đổi mới công nghệ, tận dụng khoa học hiện đại nhằm mục tiêu đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của các đối tác.
Công đoàn cũng tích cực phối hợp, hỗ trợ NLĐ chủ động tìm kiếm việc làm thông qua việc giới thiệu nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khác trên địa bàn; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Ngày hội việc làm tại sàn giao dịch hoặc các phiên lưu động, giúp NLĐ mất việc nhanh chóng tìm được việc làm mới.
Công đoàn cũng tăng cường giám sát, theo dõi tình hình đơn hàng, việc giảm giờ làm, cắt giảm lao động, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp... để báo cáo về Công đoàn cấp trên, kịp thời phối hợp giải quyết khi có vấn đề phát sinh về quan hệ lao động. Trường hợp doanh nghiệp thật sự khó khăn, không thể duy trì sản xuất, Công đoàn chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chính sách cho NLĐ, nhất là lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ, lao động có thâm niên cao...
PV: Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã tới gần. Mất việc, thiếu việc, giảm thu nhập trong thời điểm này quà là điều vô cùng khó khăn đối với NLĐ, LĐLĐ Thành phố sẽ hỗ trợ như thế nào để giúp NLĐ bớt khó khăn, thưa Phó Chủ tịch?
Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng: Trước thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã tới gần, mới đây, LĐLĐ thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 69/KH-LĐLĐ hỗ trợ cụ thể và trực tiếp bằng tiền mặt cho NLĐ khó khăn do thiếu việc làm, mất việc, bị nợ lương…
Theo đó, đối tượng hỗ trợ là đoàn viên, NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có tổ chức Công đoàn thuộc LĐLĐ quản lý hoặc doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn nhưng đã thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn. Cụ thể, LĐLĐ Thành phố sẽ hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ có quan hệ lao động ký Hợp đồng lao động trước 1/10/2022 với những điều kiện và mức hỗ trợ như sau: đoàn viên, NLĐ đang bị tạm hoãn Hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không lương từ sau ngày 1/10/2022, do doanh nghiệp gặp khó khăn và đoàn viên, NLĐ bị nợ lương ít nhất 3 tháng do doanh nghiệp khó khăn hoặc chủ bỏ trốn, được hỗ trợ 1 triệu đồng/trường hợp.
LĐLĐ thành phố Hà Nội đã khẩn trương tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn, bị thiếu việc, mất việc, trong đó có việc tổ chức "Xe siêu thị đoàn viên Công đoàn" hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn được mua hàng trợ giá, chất lượng đảm bảo. Ảnh minh họa. |
Với những đoàn viên, NLĐ trong các doanh nghiệp gặp khó khăn, người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở không bố trí được tiền thưởng năm, thưởng Tết cho NLĐ và những đoàn viên, NLĐ bị cắt giảm thời gian làm việc tiêu chuẩn, bị ngừng việc có thu nhập bình quân tháng 10 và tháng 11/2022 dưới mức lương tối thiểu vùng được hỗ trợ 500 ngàn đồng/trường hợp.
Dự kiến, tổng số tiền hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn là 30 tỷ đồng, được trích từ nguồn kinh phí tích lũy của LĐLĐ thành phố Hà Nội được chuyển khoản về các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để thực hiện.
Chúng tôi đã yêu cầu Công đoàn cơ sở lập danh sách đoàn viên, NLĐ đủ điều kiện gửi đề nghị về Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trước ngày 31/12/2022. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở rà soát, thẩm định, lập danh sách đối tượng đủ điều kiện gửi về LĐLĐ Thành phố trước ngày 5/1/2023. LĐLĐ Thành phố sẽ xem xét ban hành quyết định hỗ trợ trước ngày 10/1/2023. Các hoạt động hỗ trợ đến với đoàn viên người lao động phải thực hiện xong trước ngày 16/1/2023 (25 Tháng Chạp năm Nhâm Dần). Chúng tôi cũng quán triệt tới các cấp Công đoàn là việc hỗ trợ phải được thực hiện khẩn trương, thiết thực, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng; trên tinh thần linh hoạt, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đoàn viên, NLĐ sớm nhận được hỗ trợ của tổ chức Công đoàn.
Thông qua việc hỗ trợ này nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn kịp thời chia sẻ khó khăn với đoàn viên, NLĐ; giúp đoàn viên, NLĐ thêm tin tưởng, gắn bó với tổ chức Công đoàn; tạo tâm lý an tâm, đồng hành, góp sức cùng với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động; đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố, đặc biệt trong dịp Tết đến, xuân về.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!
Phạm Diệp (thực hiện)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Sẵn sàng gác lại niềm vui Xuân để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
Quận Thanh Xuân phát động Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025
Tỉnh Nghệ An phát động 'Tết trồng cây" Xuân Ất Tỵ 2025
Huyện Chương Mỹ: Trên 91% lao động trở lại làm việc ngày đầu Xuân mới
Lãnh đạo LĐLĐ quận Long Biên thăm, chúc Tết người lao động ngày làm việc đầu Xuân mới
Quận Thanh Xuân: Đoàn viên, người lao động phấn khởi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết
Tổ chức lễ hội truyền thống đảm bảo vui tươi, lành mạnh
Tin khác
Công nhân, viên chức, lao động quận Hoàn Kiếm đón Tết đủ đầy, an toàn, đầm ấm
Vì lợi ích đoàn viên 03/02/2025 15:50
LĐLĐ quận Đống Đa tiếp tục hướng mọi hoạt động về cơ sở, vì đoàn viên và người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 01/02/2025 16:53
Khẳng định là điểm tựa vững chắc của người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 30/01/2025 21:15
Quận Hoàn Kiếm: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán 2025
Vì lợi ích đoàn viên 29/01/2025 17:03
Hàng nghìn đoàn viên, người lao động quận Đống Đa được chăm lo dịp Tết Ất Tỵ 2025
Vì lợi ích đoàn viên 29/01/2025 09:54
LĐLĐ huyện Gia Lâm thăm, chúc Tết đoàn viên, người lao động làm việc xuyên Tết
Vì lợi ích đoàn viên 29/01/2025 01:06
Ấm áp những món quà từ Công đoàn
Công đoàn 29/01/2025 00:33
Trên 8,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động được Công đoàn chăm lo dịp Tết
Vì lợi ích đoàn viên 27/01/2025 21:21
Đảng viên trẻ năng động, nhiệt huyết với hoạt động Công đoàn
Công đoàn 27/01/2025 18:50
LĐLĐ thị xã Sơn Tây: Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, vì người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 27/01/2025 13:59