gười Thủ đô ngày nay buồn bực khi thấy ai đó đã không có được thái độ, hành vi đẹp, làm tổn thương đến cốt cách thanh lịch, văn minh mà các thế hệ người Thăng Long - Hà Nội đã từng giữ gìn. Những băn khoăn, trăn trở đó không chỉ của các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý văn hóa mà còn là mối lo lắng của nhiều người Hà Nội hôm nay. Làm gì để gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống Hà Nội đồng thời tiếp biến luồng văn hóa mới mà không tạo nên sự “lai căng” văn hóa?

Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế, vấn đề văn hóa ứng xử trong gia đình bị chi phối bởi nhiều nhân tố như kinh tế, văn hóa vật chất, pháp luật, lối sống, chất lượng sống, vấn đề công danh, mưu sinh lập nghiệp và do đó thị hiếu, cảm thụ thẩm mỹ, sở thích giải trí… cũng có nhiều thay đổi.

* Va đập giữa cũ và mới

Vấn đề gia phong, gia lễ của từng gia đình ở Hà Nội vừa tiếp thu cái hay, điều thiện của văn hóa gia đình truyền thống, vừa bộc lộ những hiện tượng, thói bắt chước, a dua một số nếp sống du nhập ở bên ngoài với những mâu thuẫn mới giữa các thành viên trong gia đình một cách công khai hơn, dễ nhận thấy hơn.

Nhận định về vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hoá Thăng Long cho biết: “Theo tôi, về cơ bản đa phần người dân Thủ đô vẫn giữ được truyền thống thanh lịch của người Tràng An, của người dân đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Tuy nhiên không thể phủ nhận không ít người có những hành vi vô ý thức diễn ra hàng ngày ở mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội. Hàng ngày, chúng ta phải chứng kiến những hình ảnh phản cảm khi những người tham gia giao thông cố tình đi lấn làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu… Ở những nơi công cộng như các bến tàu xe, nhà ga, công viên, hành lang bệnh viện và nhiều nơi khác, hình ảnh người hút thuốc lá trước biển “cấm hút thuốc” rồi không phải hiếm. Sau các ngày lễ lớn, nhiều tuyến phố và các công trình văn hóa tràn ngập rác thải. Rồi, vì lợi nhuận một số người bán hàng không ngần ngại “chặt chém”, chèo kéo khách, bán cho khách “bún mắng, cháo chửi”… Mặc dù, những hiện tượng này chỉ là cá biệt, nhưng cái xấu phơi bày ra trước mắt khiến mọi người rất khó chịu”.

Trên truyền thông và mạng xã hội, nhiều cuộc tranh cãi nổ ra giữa những va đập cũ và mới trong văn hóa của người Hà Nội. Không ít người cho rằng, nguyên nhân Hà Nội xô bồ hiện nay là do dân nhập cư từ tứ xứ đổ về. Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức cho hay: “Nguyên nhân xuống cấp trong một số ít người, không phải chỉ là do sự nhập cư. Nhưng quả thực sự phát triển xô bồ cũng khiến văn hóa Hà Nội bị ảnh hưởng. Nhưng nếu cứ đổ hết cho người nhập cư thì những người Hà Nội gốc thử tự hỏi mình đã làm được gì cho Thủ đô? Nguyên nhân thực sự theo tôi là không thích ứng được với cuộc sống đô thị, không thích ứng được với sự phát triển quá mạnh mẽ của đời sống kinh tế thị trường, bị đồng tiền chi phối. Khiến con người trở nên xa cách, lừa lọc lẫn nhau, phai nhạt tình cảm gia đình, cãi nhau, chửi bới hàng xóm làng giềng... dần dần sinh ra những hành vi ứng xử xấu. Ở đây, quan điểm của tôi là không phân biệt được người gốc Hà Nội và những người từ nơi khác đến. Họ đều phải thực hiện quy tắc ứng xử chung để môi trường sống của mình được đảm bảo, tốt đẹp. Đặc biệt, người nhập cư càng phải thích ứng với đời sống đô thị, vì Hà Nội không giống với làng, xã họ từ giao thông đến phố phường...”.

Cho dù đã bộc lộ một số thiếu sót trong lối sống hàng ngày của một số bộ phận dân cư, một số khiếm khuyết trong sự thể hiện văn hóa đường phố, văn hóa lao động, văn hoá ứng xử… bởi cuộc sống xô bồ trong cảnh phát triển một thị trường còn sơ khai và những dòng người đổ về từ những vùng khó khăn để kiếm sống nhưng TS Nguyễn Viết Chức vẫn khẳng định: Hà Nội vẫn là một cộng đồng người mang trong nó những truyền thống tốt đẹp lâu đời, lòng tự hào về con người Kinh kỳ ngàn năm và lòng yêu nước đã được kết tụ và nâng lên sau những sự kiện lịch sử hào hùng. Đó là yếu tố tâm lý rất rõ nét, rất dễ nhận biết. Hà Nội là một nơi hội tụ những tài năng và đang là một nơi sản sinh ra nhiều tài năng vào loại bậc nhất so với các địa phương còn lại. Mặt khác, Hà Nội là nơi có mối giao lưu văn hóa, khoa học, nghệ thuật, giáo dục… rất đa dạng và phong phú. Sự giao lưu này được tiếp cận với văn hóa thế giới từng ngày. Cả nghìn năm nay, Hà Nội vẫn là cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng ra rất nhiều tài năng đất Việt.

Trí tuệ Hà Nội và những phẩm cách người Thủ đô đang tạo nên sự thay đổi từng ngày, từng giờ bộ mặt của thành phố: Những doanh nghiệp mọc lên như nấm, những khu đô thị mới đã mở rộng không ngừng; trường đại học, viện nghiên cứu, các loại hình trung tâm ngoại ngữ - tin học, trung tâm đào tạo nghề, trung tâm xúc tiến việc làm… nhiều không kể xiết; những câu lạc bộ, nhà văn hóa, thư viện hay các trung tâm dịch vụ thông tin ngày càng nhiều. Bên cạnh đó là những siêu thị, những khu chợ, những trung tâm thương mại và dịch vụ thương mại cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp địa bàn Hà Nội. Hệ thống giao thông hàng không, đường sắt, đường thuỷ và đường bộ đã thay đổi hẳn phong cách đi lại, vận chuyển của Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Lao động Thủ đô.

Hà Nội vốn có những “thương hiệu” lâu đời, nhưng Hà Nội hiện đại cũng có thêm rất nhiều thương hiệu mới trong giáo dục, văn hóa, du lịch, giao thông, hàng tiêu dùng, hàng mỹ nghệ, ẩm thực và thời trang, lễ hội và văn hoá tâm linh… Đó là yếu tố rất cơ bản để Hà Nội là một thị trường hấp dẫn về nhiều mặt và cũng là điều kiện quan trọng để thị trường Hà Nội liên thông với thị trường thế giới.

Nghiên cứu những phẩm chất đặc trưng của nhân cách người Thăng Long - Hà Nội, có thể khẳng định rằng, thanh lịch là nét đặc trưng cô đọng nhất trong nhân cách của cộng đồng người Thăng Long - Hà Nội. Trải qua những thăng trầm biến cố của lịch sử, với những đổi thay nhiều mặt vùng đất này vẫn còn lại rõ nét thanh lịch trong con người nơi đây, trong văn hoá Hà Nội. Và bởi lẽ đó, chúng ta luôn tin rằng với con người thanh lịch Hà Nội, những phẩm chất thanh lịch từ trong con người họ sẽ thể hiện ở mỗi sản phẩm vật chất hay tinh thần của mình qua những thương hiệu nổi tiếng ở đất Hà Thành ngày nay như thời trang, ẩm thực, du lịch, kiến trúc, nghệ thuật…

  • Bà Đàm Thị Hương Ngần

    Tổ trưởng Tổ dân phố 16, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai Quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc sẽ không xảy ra tình trạng mất dân chủ ở cơ sở.

    Ông Vũ Hy Chương

    Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Du Phải có những giải pháp tâm lý phù hợp, tuyên truyền giáo dục xây dựng nếp sống văn minh phải kiên trì, thường xuyên.
  • Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

    Nguyên phóng viên Báo Hà Nội Mới Chúng ta là những người công dân của Thủ đô thì trước tiên cần xây dựng lối sống theo Hiến pháp và pháp luật.

    Bà Ngô Ngọc Hân

    Bí thư Chi bộ địa bàn dân cư Hàng Cá – Chả Cá Mỗi hội viên phụ nữ chính là một tuyên truyền viên ngay trong gia đình mình thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử.
  • TS Nguyễn Viết Chức

    Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hoá Thăng Long Hà Nội vẫn là một cộng đồng người mang trong nó những truyền thống tốt đẹp lâu đời.

    Anh Lê Minh Đức

    Công chức văn hóa - xã hội phường Hàng Đào Lan tỏa Bộ Quy tắc ứng xử từ những phong trào, từ những hội nghị của các đoàn thể, của các tổ dân phố.

* Bồi đắp, lan toả những giá trị tinh hoa

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu quan điểm: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt, cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Đảng cũng có những nghị quyết về phát triển văn hóa, con người văn hóa, bởi lẽ “Văn hóa quyết định sự phát triển của cả một dân tộc”. Với Hà Nội - “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài…” - thì văn hóa Hà Nội bây giờ đa dạng, pha tạp? Đây cũng chính là những băn khoăn, trăn trở không chỉ của các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý văn hóa mà còn là mối lo lắng của nhiều người Hà Nội hôm nay.

Làm gì để gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống đồng thời tiếp biến luồng văn hóa mới mà không tạo nên sự “lai căng” văn hóa? Điều này đòi hỏi mỗi người dân Hà Nội, đặc biệt với đội ngũ cán bộ công nhân viên chức Thủ đô đều phải có ý thức cùng chung sức tìm cách tháo gỡ không chỉ bằng lý lẽ mà bằng cả những việc làm và hành động cụ thể.

Trong hơn 35 năm đổi mới, Đảng bộ Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, thành phố luôn đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đến nay, trải qua 8 kỳ đại hội kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xã hội được Đảng bộ Thành phố kế thừa và phát triển qua từng giai đoạn. Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ (2020-2025) tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Hà Nội thúc đẩy đưa các mô hình văn hóa gia đình, cộng đồng, trường học, nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đi vào thực chất, có hiệu quả, tạo sức lan tỏa xã hội cao...

Đại hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững”; và xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Thành phố sẽ chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Coi trọng xây dựng, thực hành văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Đảng về nêu gương và tinh thần Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII, XIII)... Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện 2 Quy tắc ứng xử của Thành phố; khuyến khích xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân mang bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội; thúc đẩy đưa các mô hình văn hóa gia đình, cộng đồng, trường học, nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đi vào thực chất, có hiệu quả, tạo sức lan tỏa xã hội cao...”.

Trong đó, việc thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố là “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. TS Nguyễn Viết Chức đánh giá: “Tôi cho đây là một cố gắng rất lớn của ngành văn hóa Thủ đô nói riêng và toàn ban ngành của thành phố Hà Nội nói chung. Không ai có thể làm ra một bộ quy tắc bao trùm hết các tình huống, các đối tượng... để ứng xử. Xã hội hiện đại có quá nhiều các tình huống khác nhau, quá nhiều các hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn ứng xử trong các cơ quan làm việc, khi tham gia giao thông phải như thế nào, ứng xử tại các nơi công cộng ra sao... Bộ quy tắc ứng xử không phải là luật, nhưng nó khuyên mọi người nên ứng xử như thế nào trong những tình huống khác nhau để hài hoà với nhau. Nếu có ai nói tại sao Thủ đô lại khắt khe khi xây dựng bộ quy tắc như thế, tôi cho rằng sự khắt khe ấy là cần thiết để giữ gìn văn hóa truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Điều thứ hai tôi muốn nhấn mạnh ở đây là bộ quy tắc thoả mãn nhu cầu cần thiết của người dân. Người dân mong muốn có bộ quy tắc này như là một chuẩn mực ứng xử giao tiếp. Đa phần người dân đều cảm thấy khó chịu khi ứng xử không có chuẩn mực ở mọi ngành lĩnh vực, trong cơ quan, ra ngoài đường hay về nhà... Vậy cho nên, hai bộ quy tắc là thể hiện một sự cố gắng rất lớn của ngành văn hóa Thủ đô, đáp ứng nhu cầu thực tế cần thiết của đời sống hiện đại”.

Không chỉ riêng ngành văn hóa, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thiết kế một bộ tài liệu riêng về đạo đức, lối sống thanh lịch cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn. Ông Đinh Đức Chính, Phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Nhiều năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Hà Nội” đưa vào dạy ở ba cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông, với đầy đủ các nội dung: Khái niệm thanh lịch, văn minh; những bài học về thưa gửi, chào mời, ăn mặc, giao tiếp bạn bè; ứng xử với môi trường, tự nhiên, di tích danh thắng… Bộ tài liệu nhằm từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành vi cho học sinh, xây dựng các thế hệ người Hà Nội thanh lịch - văn minh. Với những hình ảnh, câu chuyện, những bài học có tính thực tế cao đi vào cuộc sống người Hà Nội nên bộ sách được nhiều người đồng tình, ủng hộ”.

Giáo dục văn hóa, nếp sống văn minh - thanh lịch cho học sinh Hà Nội là bước đi khởi đầu tạo nền móng vững chắc trong giữ gìn, phát huy và định hướng văn hóa cho tương lai mai sau.

Là trường tư nhưng Trường Tiểu học, THCS, THPT Đoàn Thị Điểm rất chú trọng việc lồng ghép, giáo dục cho các em học sinh về nếp sống thanh lịch - văn minh của người Hà Nội. Thầy giáo Nguyễn Đức Trọng, Giáo viên dạy Văn Trường THPT Đoàn Thị Điểm cho biết: “Giáo dục nếp sống văn minh - thanh lịch cho học sinh Hà Nội, có thể nói là bước đi khởi đầu tạo nền móng vững chắc trong giữ gìn, phát huy và định hướng văn hóa cho tương lai mai sau. Vì vậy, trong các buổi sinh hoạt chuyên đề và hoạt động ngoại khoá, Nhà trường luôn lồng ghép những nội dung này một cách sinh động gắn với nhiều tình huống thực tiễn, không cứng nhắc để các em dễ tiếp thu. Từ đó, học sinh ý thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của người Hà Nội và cảm thấy tự hào với vai trò của những công dân Thủ đô trong tương lai”.

Để nhân cái cái tốt, đẩy lùi cái xấu, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, chúng ta những công dân Thủ đô cần giữ gìn truyền thống người Tràng An thanh lịch và phát huy nó trong cuộc sống hiện đại. Bất kỳ ai sinh sống, làm việc, học tập ở Thủ đô Hà Nội hãy vận dụng những bộ quy tắc ấy để ứng xử sao cho văn minh lịch sự, xứng đáng với truyền thống của Thủ đô yêu dấu. Hãy thể hiện lòng yêu mến Hà Nội bằng hành động giữ gìn những nét đẹp văn hóa trong ứng xử, giao tiếp. Xếp hàng trật tự, nói một lời hay, một cử chỉ giúp đỡ, hay không khạc nhổ vứt rác bừa bãi... đâu có lấy mất của ai một thứ gì. Đặc biệt là những bạn thanh niên ngày nay. Các bạn có thể những người trẻ năng động, tự do, phóng khoáng,... nhưng không bao giờ được buông thả mình trong ứng xử, lời ăn tiếng nói. Các bạn trẻ hãy biết tự rèn luyện bản thân, vận dụng bộ quy tắc để căn chỉnh văn hóa ứng xử của mình.

Đây không phải là những giáo điều cổ hủ, lỗi thời mà ngược lại là yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Người Thủ đô tuy không phải gánh một trách nhiệm cụ thể được ai đó giao, nhưng phải tự biết gắn cho mình trách nhiệm là con người đại diện cho đất nước Việt Nam, giữ vững được truyền thống tốt đẹp và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, của thời đại trong bối cảnh mới. Đặc biệt khi Hà Nội đứng trong mạng lưới 246 thành phố sáng tạo của UNESCO và hướng tới một mô hình thành phố tương lai được thúc đẩy bởi thiết kế sáng tạo, để vượng khí Thăng Long mãi trường tồn.

Bài viết: Bùi Minh Phương

Đồ họa-Kỹ thuật: Hoàng Anh

Clip minh họa: Canva

Bài đầu

Hiện thân của văn hóa Tràng An