heo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu về Hà Nội, họ đồng tình cho rằng: “Phẩm cách, nhân cách đặc trưng của người Hà Nội được hình thành trên nền tảng và cốt cách truyền thống lâu đời của văn hóa Kinh kỳ Thăng Long ngàn năm văn vật, nhưng nó lại không ngừng góp nhặt, sàng lọc, kết tinh những phẩm chất nhân cách đặc trưng của cả nước, thông qua giao lưu, lan toả, bởi những con người hội tụ về Thăng Long - Hà Nội”.

Có ai đó đã đặt câu hỏi: Ai, cái gì đã làm cho Thăng Long - Hà Nội lắng hồn sông núi? Câu trả lời có lẽ cần quay ngược thời gian mà cũng khó được đủ đầy. Muốn xác định văn hóa, phẩm cách con người một vùng thì điều đầu tiên là phải tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành và đặc tính của cộng đồng dân cư vùng đó từ thời phong kiến, tiếp biến văn hóa Pháp... đến nay.

* Con người và cõi đất Thăng Long

Là một người đã dành nhiều năm nghiên cứu về văn hóa và con người Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định: Người Thăng Long - Hà Nội là con người xã hội trong tổng hoà các mối quan hệ xã hội của nó, được quy định bởi chính hoàn cảnh xã hội nơi nó được sinh ra và tồn tại, được quy định bởi các điều kiện cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng giai đoạn phát triển của xã hội đó. Thăng Long xưa, Hà Nội nay, trải dài hơn nghìn năm vẫn luôn là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội lớn của cả nước, với những đặc điểm và lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội, thực sự trở thành lực hút của dòng di dân ngoại tỉnh về Hà Nội. Trung tâm thương mại của Thăng Long, lấy cửa Đông, sông Tô, sông Hồng làm giới hạn, là vùng sầm uất nhất Kinh thành, ở đây tập trung nhiều phố phường, chợ bến, kết hợp với khu vực buôn bán, các phường thủ công ngày càng phát triển.

Cư dân gốc Thăng Long - Hà Nội không nhiều mà luồng nhập cư vào Thăng Long - Hà Nội diễn ra thường xuyên. Dân “tứ chiếng” đổ về Thăng Long - Hà Nội làm ăn. Ngoài ra còn có một số nguồn cư dân khác gia nhập vào cộng đồng Thăng Long - Hà Nội, đa số là người Hoa, rồi đến người Chăm từ phương Nam ra. Có bao nhiêu thế hệ “tứ chiếng” ấy kéo về Thăng Long sinh cơ lập nghiệp, lập ra các phố phường trải qua chiều dài của hàng chục thế kỷ. Tất nhiên, bấy nhiêu thế hệ đã đem đến Thăng Long - Hà Nội những lề thói của địa phương mình song chung đúc lại, chắt lọc ra, hòa với người Thăng Long bản địa tạo nên cái phong tục riêng của Kinh kỳ, cái mà tục ngữ gọi là “đất lề quê thói”.

“Cứ thế, trải qua nghìn năm, miền đất đẹp đẽ, linh thiêng Thăng Long - Hà Nội đã thành một vùng văn hóa với phong tục tập quán nảy sinh từ sự hòa hợp các cư dân của nhiều miền hội tụ về”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho hay.

Theo quan niệm của triết học, Thăng Long - Hà Nội là nơi giao thoa của các dòng văn hóa các địa phương, nơi chắt lọc các giá trị thích hợp với Kinh đô trước đây, Thủ đô ngày nay. Những giá trị qua chắt lọc đã được kết tinh theo hướng “Hà Nội hóa”, rồi đến lượt nó lại tác động trở lại các địa phương. Do vậy, khi soi vào Thăng Long - Hà Nội, soi vào cộng đồng dân cư Thăng Long - Hà Nội, người ở các địa phương khác đều cảm thấy có mình trong đó, thấy Thăng Long - Hà Nội gắn bó xương máu với mình.

Và khi sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, vào những năm thế kỷ XIX, nhận xét: “Tập tục thích xa hoa… việc tang tế phần nhiều xa xỉ quá mức...”. Và những nhận xét ấy đã cho thấy rõ tính chất đô thị - thành thị của hệ thống phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội. Những phong tục nảy sinh từ giới quý tộc giữa đô thị kinh thành. Cấm thành - vùng cư trú và bảo vệ cho hoàng đế, hoàng gia và cũng là nơi thiết triều) và bao bọc Cấm thành là Hoàng thành - khu có dinh thự các công hầu khanh tướng, những thị dân - quan lại. Những phong tục tập quán của giới quý tộc giữa kinh thành sẽ tiếp tục lan tỏa ra ngoài. “Ngoài” nói ở đây là khu cư dân sĩ nông công thương, những thị dân - bình dân. Họ là dân bản địa Thăng Long nhưng một số không ít là từ bốn phương kéo về làm các nghề như dạy học (thầy đồ), nghề thủ công và buôn bán. Họ được che chở bằng vòng thành thứ ba mà nhiều nhà sử học gọi là Kinh thành.

Như vậy, Thăng Long - Hà Nội có hệ thống phong tục tập quán hình thành nên phẩm cách người dân nơi đây, được sản sinh từ hai nguồn lực mà không phải đâu cũng có được. Một là từ bộ phận đông đảo, đa dạng về nguồn gốc. Hai là cuộc sống ở chốn đô thị phồn vinh, có căn cốt là một đô thị hàng đầu của đất nước kết hợp với văn hóa cung đình, quý tộc và văn hóa dân gian. Cả hai yếu tố “con người” và “cõi đất” đã cùng nhau tạo nên một sắc thái văn hóa nói chung, một hệ phong tục tập quán nói riêng, chỉ riêng ở chốn Kinh kỳ này mới có.

Thăng Long - Hà Nội còn là nơi tụ hội, kết tinh của những tinh hoa văn hóa, nhân cách của nhiều vùng, miền, địa phương trong cả nước.

* Dấu ấn tiếp biến văn hóa

Nói về phẩm cách thanh lịch của người Thăng Long xưa, trong tập bút ký Tràng An thanh lịch (Báo Nhân dân các số ra ngày 2, 3, 5 tháng 10 năm 1994), nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Đạo Thúy, người đã sống lâu năm trong thời Hà Nội cũ, giải thích hai từ “thanh lịch” như sau: Người Tràng An là người kinh kỳ “thanh”, không tục, không thô lỗ, lại “lịch”, lịch thiệp, lịch sự. Vì vậy mới có câu ca dao ca ngợi rằng: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Chỉ bằng một câu nói ví von ngắn gọn, nhã nhặn, nhún nhường vậy thôi cũng đã cho ta thấy cái lịch lãm, tế nhị, tự tin của người Hà Nội. Những con người sống trên mảnh đất là nơi hội tụ, tích hợp các luồng văn hoá, để rồi thẩm thấu, chắt lọc và toả sáng. “Thanh” trong lời nói... chính những yếu tố đó làm nên văn hoá Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến, thì thử hỏi làm sao người Hà Nội không thanh lịch cho được. Sự thanh lịch ấy thể hiện trước hết ở lời nói: “Người thanh tiếng nói cũng thanh. Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu”, cái thanh, cái đẹp của tiếng nói Hà Nội là ở chỗ chuẩn xác, phát âm đúng, mẫu mực cho cả nước.

Ở Thăng Long - Hà Nội nếp sống thanh lịch trong ứng xử văn hóa gia đình được ghi lại trong điều ước, tục lệ, hương ước của nhiều phường và làng. Ví như, Hương ước phường Xã Đàn ghi rõ: “…Dạy lòng kính để tôn trọng thánh thần, dạy lòng thuận để biết phân biệt lớn nhỏ, khiến cho luân lý có trước có sau. Thận trọng suốt đời mà luôn ghi nhớ công lao người đi trước, tất cả những điều này chẳng gì không lấy dân làm gốc…”. Tục lệ phường Kim Mã thì nhấn mạnh: “Đối với người già cả thì bất cứ ở đâu cũng được kính trọng”…

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, có lẽ hấp dẫn người ta với sức quyến rũ rất lớn là cái chất học thức, tài hoa trong trí tuệ, cao sang trong cách sống, tinh tế trong ứng xử của những người ở đất Kinh kỳ. Và ở đó không thể không nhắc tới một đời sống vật chất vừa điển hình cho nếp sống người Việt, vừa mang đặc trưng riêng của mảnh đất “thượng đô cho muôn đời” thể hiện rất rõ trong những thế kỷ XVI, XVII. Minh chứng là người Hà Nội vốn nổi tiếng sành ăn, sành mặc bởi đất Hà Nội là nơi chắt lọc những tinh hoa, nét đẹp của mọi miền để tạo nên nét đẹp cho riêng mình. “Nếp sống của Thăng Long - Hà Nội một mặt phản ánh những nét văn hóa chung của xã hội nông nghiệp lúa nước Việt Nam truyền thống mang đặc tính thanh đạm, giản dị, mặt khác lại mang đặc trưng của con người đô thành Kẻ Chợ với điểm nổi bật của sự tinh tế, lịch duyệt, cầu kỳ, hướng tới một cuộc sống tiện nghi, sang trọng, xa xỉ mang tính thụ hưởng cao”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho hay.

Trong ẩm thực, người Thăng Long tỏ ra kỹ tính và sành điệu, các món ăn thường được kén chọn từ những sản vật tươi ngon, cách chế biến cầu kỳ, kiểu cách, cung cách ăn uống lịch sự, bặt thiệp. Các gia đình khá giả thường dùng mâm gỗ sơn son thếp vàng, bát chén đồ sứ Giang Tây, đũa đầu bịt bạc. Khi ăn uống, người Hà Nội bao giờ cũng giữ nền nếp “trông nồi, trông hướng” và luôn luôn thận trọng, ý tứ khi trong mâm có người già cao tuổi hay khách khứa, mọi người trong mâm cơm thường mời chào, tiếp gắp đồ ăn theo thứ tự tuổi tác. Cũng giống như các gia đình Việt Nam truyền thống, thành phần bữa ăn của người Kẻ Chợ chủ yếu gồm cá và cơm với những đặc sản nổi danh đã đi vào ca dao, dân ca Thăng Long - Hà Nội như cá chép hồ Tây, cá rô Đầm Sét. Sự tài hoa, cầu kỳ của người Kinh kỳ trong ẩm thực thường được thể hiện một cách rõ nét chính là ở các bữa tiệc cỗ với những món ăn quý hiếm, đắt tiền như canh thịt nấu tổ yến, “thức ăn thừa mứa, thịt thà và bánh trái” bởi đây là dịp người Hà Nội khoe sự giàu sang, đẳng cấp hơn người của mình. Ngoài các bữa cơm chính, người Thăng Long - Hà Nội, nhất là giới nữ, thường thích ăn quà, trong đó có nhiều loại quà đặc sản như cốm Vòng, “bánh cuốn Thanh Trì”, chè Quán Tiên, bánh phục linh Hàng Đường…

Một phẩm chất theo hướng vươn tới sự hoàn mỹ nhân cách của người Thăng Long - Hà Nội là niềm tự hào, tính trọng danh dự của người khí tiết, cốt cách của đất Kẻ Chợ - Kinh kỳ. Có thể hiểu được tâm lý hãnh diện của một số gia đình, dòng họ mang tính chất “Hà Nội gốc, nhiều đời” của họ. Nhưng Thăng Long - Hà Nội còn là nơi tụ hội, kết tinh của những tinh hoa văn hóa, nhân cách của nhiều vùng, miền, địa phương trong cả nước. Sau một thời gian “ngụ cư”, các thành phần cư dân này thực sự đã trở thành người Thăng Long - Hà Nội đích thực, cùng với gia đình, con cháu của họ, mang trong mình phẩm chất, nhân cách đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội.

Người Thăng Long - Hà Nội rất coi trọng danh dự, khí tiết, cốt cách trong đời sống, những giá trị tinh thần cao cả. Theo đó, người Thăng Long - Hà Nội muốn sống cao đẹp với tài năng và lòng tự trọng của mình, không chịu thua kém và nhất là không chịu sống hèn, với một tinh thần “Hà thành chính khí”, ý thức “vô tốn” không chịu thua. Trong những tấm gương tuẫn tiết hy sinh đầy ấn tượng của Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu khi chống lại quân Pháp, ngoài trung quân ái quốc, còn là lòng tự trọng, khí tiết, thể hiện sự gắn bó và tinh thần quyết tử với Thăng Long - Hà Nội. Ở một tuyến khác, trong những gương mặt văn hóa lớn của đất Kinh kỳ, còn có nhiều nhân vật nổi trội, thể hiện nhân cách Thăng Long - Hà Nội với tố chất Thăng Long - Hà Nội như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát...

Bước sang thời kỳ Pháp đô hộ, văn hóa Hà Nội lúc này có những chuyển biến mạnh mẽ. Trước khi thực dân Pháp xâm lược, văn hoá Hà Nội mang đậm dấu ấn văn hoá phương Đông. Từ khi Hà Nội trở thành thủ phủ của toàn xứ Đông Dương, văn hóa Hà Nội có sự giao lưu và tiếp xúc mạnh mẽ với phương Tây. Trong những năm đầu thế kỷ XX, Hà Nội dưới sự cai trị của thực dân Pháp đã có một diện mạo mới theo phong cách hiện đại kiểu châu Âu với các khu phố người Hoa, người Pháp và người Việt. Các loại hình văn hoá phương Tây như kịch nói, báo chí, điện ảnh, nhiếp ảnh, thể thao, văn học, hội hoạ… phát triển mạnh mẽ, các thiết chế văn hóa được chính quyền thực dân xây dựng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của dân chúng Hà Nội. Xu hướng Âu hóa tăng tiến cùng với đà đô thị hóa. Nhưng điều đáng chú ý là văn hóa Hà Nội tuy tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa mới hiện đại của phương Tây, nhưng vẫn giữ gìn được những tinh hoa văn hóa truyền thống.

Nói về tiếp biến văn hoá Pháp, nhà văn hóa Hữu Ngọc cho biết: “Hà Nội ảnh hưởng văn hóa phương Tây thời Pháp thuộc sâu đậm bắt đầu từ những năm 20-30 của thế kỷ 20. Khi chữ quốc ngữ phổ biến và tiếng Pháp cũng được nhiều người sử dụng ở Hà Nội thì Tây hóa ngày càng rõ rệt. Ví dụ việc đa thê, lập gia đình sớm thể hiện trong truyền thống cộng đồng của người Việt mất dần. Còn một số phong tục tập quán thể hiện thanh lịch cổ truyền cũng biến mất và bị thay thế bằng những yếu tố phương Tây như nhuộm răng đen dần dần ở Hà Nội thay thế bằng để răng trắng. Vì ngày xưa các cụ cho là răng trắng là răng của đầu lâu (người chết). Đó là sự khác nhau về quan niệm cái đẹp - răng đen mới đẹp. Mới đầu, me Tây, gái giang hồ mới cạo răng trắng còn con nhà tử tế, có giáo dục không bao giờ để răng trắng.

Một tiếp biến văn hóa khác là áo dài. Năm 1925, Pháp mở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương để đào tạo hoạ sỹ. Bài học đầu tiên là vẽ thân thể người. Khi đó, sinh viên Việt Nam mới thấy được cái đẹp của thân thể con người và đã cải cách áo dài cổ, áo tứ thân tạo thành áo dài Lemur do hoạ sỹ Cát Tường cách tân bấy giờ. Áo dài tân thời khác áo tứ thân ở chỗ, áo tứ thân như hộp tròn che giấu những nét cong gợi cảm của thân thế phụ nữ, đây được coi là hiện tượng tiếp biến văn hóa trong trang phục.

Thời kỳ này, Pháp sử dụng chữ quốc ngữ rộng rãi với mục đích cai trị dễ hơn. Những nhà yêu nước tìm cách phổ biến chữ quốc ngữ với mục đích dùng làm công cụ đấu tranh chống thực dân. Lúc này các gia đình ở Hà Nội khuyến khích con cái đi học chữ quốc ngữ nhiều hơn. Vào những năm 30 của thế kỷ 20, với sự phát triển của chữ quốc ngữ đã mở đường cho phong trào Thơ mới với những sáng tác độc đáo, khẳng định cái tôi, đòi hỏi quyền lợi cá nhân và sự tự do cho dân tộc. Đa số nhà văn thuộc phong trào Thơ mới đã theo cách mạng.

Kết quả là, gia đình truyền thống ở Hà Nội đã có hơi hướng của gia đình hiện đại với sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Phụ nữ được học hành, làm chủ gia đình, kinh tế. Đặc biệt là trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ khi đàn ông ra mặt trận, đàn bà ở lại gánh vác kinh tế gia đình và đóng góp vào kháng chiến, huy động đi dân công. Ví dụ rõ nhất là đóng góp của phụ nữ trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi phụ nữ đi tải gạo, súng đạn, đào đường…”

Đặc biệt, người Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh đã viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc. Người Hà Nội hào hoa đã tạm cất bút nghiên và cây đàn, đào hầm khắp phố phường, đem bàn ghế, giường tủ… chặn địch khắp các ngả. Người Hà Nội chế bom ba càng và ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, người Hà Nội đã “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. “Hà Nội cháy, khói lửa ngút trời… Hà Nội vùng đứng lên”, Hà Nội mùa Đông năm 1946 đã đi vào lịch sử với đầy sự hy sinh và lòng quả cảm.

Trong 12 ngày đêm khói lửa năm 1972, khí phách Hà Nội lại một lần nữa lay động nhân loại. Hơn 10.000 tấn bom trút xuống, 1.600 người chết, nhiều nhà ga, trường học, bệnh viện, khu dân cư bị phá huỷ... Đau thương, mất mát nhưng người Hà Nội vẫn điềm tĩnh, oai hùng. Ngay sau khi dứt tiếng bom và ngưng tiếng súng, người Hà Nội lại nghe “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, người Hà Nội vẫn bước đi với “lòng ung dung tự hào” và hoa Ngọc Hà vẫn khoe sắc bên xác pháo đài bay B52.

Tâm hồn người Hà Nội, hào khí người Hà Nội còn thể hiện qua những trang nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm và những thế hệ người Hà Nội xếp bút nghiên lên đường ra trận. “Từ trong gian khổ mới hiểu rõ hơn giá trị của những người cách mạng. Ai đứng vững trong lửa đỏ và nước sôi, người đó là người chiến thắng” (Đặng Thuỳ Trâm). Và trong sự khắc nghiệt đến tàn bạo của đạn bom vẫn lắng đọng một tâm hồn lãng mạn: “Đêm trắng trong là đêm của em/Đèn thành phố và sao trời lẫn lộn/Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn/Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa” (Nguyễn Văn Thạc). Tâm hồn của người Hà Nội trong những thử thách ác liệt nhất giữa sự sống và cái chết vẫn đẹp ngời ngời, những giá trị nhân văn và cao cả.

Bài viết: Bùi Minh Phương

Đồ họa-Kỹ thuật: Hoàng Anh

Clip minh họa: Canva

Bài 3

Bồi đắp và lan toả nét đẹp người Hà Nội