ới quyết tâm xây dựng người Hà Nội ngày càng văn minh, thanh lịch, thời gian qua, các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn Thành phố đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh kỷ cương pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa của người Hà Nội, đưa Bộ Quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống. Nhiều mô hình mới, cách làm hay đã xuất hiện.

Tùy tình hình, mỗi địa bàn khu dân cư đã có những mô hình, cách làm hay để thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử và lan toả nét đẹp thanh lịch, văn minh của Thủ đô Hà Nội.

* Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ phường

Phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) là một trong 10 phường nằm trong khu phố cổ Hà Nội với những ngôi nhà cổ, mái ngói thâm nâu, tường vôi rêu phong đã in dấu, hằn sâu trong kí ức của biết bao thế hệ người Hà Nội. Nơi đây phần lớn người dân sinh sống bằng nghề kinh doanh mặt phố, là nơi tập trung tuyến phố chợ đêm Đồng Xuân nối từ phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường đến hết phố Hàng Giấy, là nơi khách du lịch từ mọi miền Tổ quốc và khách du lịch quốc tế khi đến Hà Nội đều ghé thăm. Diện tích toàn phường chỉ vỏn vẹn chưa tới 1 km2 nhưng lại là phường có nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng như: Di tích Cách mạng nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập tại 48 Hàng Ngang, di tích văn hóa cấp quốc gia chùa Cầu Đông - đình Đức Môn - 38 Hàng Đường…

Không chỉ vậy, nơi đây còn là trung tâm thương mại - du lịch, nơi buôn bán sầm uất bậc nhất Hà Nội với các con phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường, là địa bàn gắn liền với công tác phát triển du lịch của Thủ đô và cũng là nơi hội tụ, đại diện cho nét đẹp văn hóa của người Hà Nội. Nhận thức được tầm quan trọng của vị trí địa lý cũng như giá trị lịch sử, văn hoá của phường trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của quận Hoàn Kiếm, nhiều năm qua, phường Hàng Đào rất quan tâm đến việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử, lan toả nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Với vai trò là công chức văn hóa - xã hội của phường, anh Lê Minh Đức là ví dụ điển hình về một cán bộ luôn gắn bó với địa bàn, sâu sát với nhân dân nhằm phát hiện những hạn chế còn tồn tại, phát huy và gìn giữ nét hào hoa, lịch lãm của người dân đất Kinh kỳ, những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội xưa và nay.

Anh Lê Minh Đức cho biết: “Sinh ra và lớn lên trong một gia đình viên chức tại Hà Nội, tốt nghiệp đại học loại giỏi, tôi được tuyển thẳng tại kỳ thi tuyển công chức năm 2013 của quận Hoàn Kiếm và được phân công về công tác tại Ủy ban nhân dân phường Hàng Đào với chức danh công chức văn hoá - xã hội. Khi nhận công việc mới tại một địa bàn trung tâm của Thủ đô như phường Hàng Đào là một niềm vinh dự, tự hào, nhưng đòi hỏi bản thân phải phấn đấu để trở thành một cán bộ phường gương mẫu, lan toả nét đẹp thanh lịch, văn minh của người Hà Nội”.

Công chức văn hóa Lê Minh Đức đã góp phần rất tích cực để người dân địa phương luôn thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng

Theo anh Lê Minh Đức, nói đến văn hóa giao tiếp của người Hà Nội xưa, mọi người đều biết đó là trọng giao tiếp, trọng danh dự, lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử; mềm mỏng, tế nhị với sự hỗ trợ của hệ thống nghi thức phong phú. Tuy nhiên, do yếu tố chủ quan và khách quan nên hiện nay nét thanh lịch, hào hoa bị phai nhạt dần. Thay vào đó là lối sống xô bồ, trọng vật chất, xem nhẹ các giá trị tinh thần ở một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ như lời một nhà nghiên cứu văn hóa đã đúc kết: “Văn hóa sống ở Thủ đô đang thực sự có vấn đề”.

Trước thực trạng đó, để khôi phục và gìn giữ nét hào hoa, lịch lãm của người dân đất Kinh kỳ, phát huy những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội xưa và nay, năm 2008, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng và ban hành đề án “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ”. Kể từ khi thực hiện đến nay, đề án nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân trong khu phố cổ, bởi nó đã đi đúng hướng, khơi dậy những giá trị quý đang bị mờ dần, thu hút mọi tầng lớp nhân dân trong quận tham gia, từng bước xác lập những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ.

Các tuyến phố buôn bán như: Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân, Hàng Gai... vẫn tấp nập, nhộn nhịp nhưng cách ứng xử trong gia đình và xã hội đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tích cực. Những khẩu hiệu như “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” đã dần đi vào cuộc sống; cam kết bán hàng chất lượng, đúng giá được các hộ kinh doanh trên địa bàn kí kết và thực hiện... Người dân phố cổ ngày càng tích cực tham gia tổng vệ sinh vào sáng thứ Bảy hàng tuần, xóa quảng cáo, tờ rơi dán trên tường nhà cũng như khu vực công cộng, không vứt rác bừa bãi...

Đặc biệt, năm 2017 Hà Nội có một sự kiện văn hóa đặc biệt được mọi người quan tâm, đó là sự ra đời của “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Anh Lê Minh Đức đánh giá: “Đây là một bước chuyển mình rõ rệt của Thành phố Hà Nội trong việc nâng cao nhận thức, thái độ, lời nói, hành vi của người dân tại nơi công cộng và của cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan hành chính. Tại phường Hàng Đào, được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của các bác cán bộ cơ sở các tổ dân phố, những người có tiếng nói trong cộng đồng, cùng tham gia thực hiện. Chúng tôi đã lan tỏa Bộ Quy tắc ứng xử từ những phong trào, từ những hội nghị của các đoàn thể, của các tổ dân phố, vận động nhân dân tham gia bằng nhiều hình thức, thi đua phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa gắn với sự phát triển của toàn phường”.

Tuy nhiên, theo anh Lê Minh Đức, việc triển khai Bộ Quy tắc cũng gặp không ít khó khăn ban đầu do đặc thù địa hình phố cổ chật hẹp, một số nhà có nhiều hộ dân sinh sống, hệ thống nhà cũ nên gây khó khăn trong việc tiếp cận từng gia đình để tuyên truyền, vận động. “Ví như chỉ với một số nhà như số nhà 20 Hàng Đào nhưng lại là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân nên việc tuyên truyền Bộ Quy tắc lúc đầu gặp khó khăn trong việc tiếp cận. Ngoài ra, những hộ kinh doanh trên địa bàn phường đến từ nhiều vùng miền khác nhau, chứ không phải người gốc ở đây. Sáng họ đến kinh doanh rồi tối lại về nên có sự pha tạp của các nền văn hóa. Vì vậy, việc tìm được tiếng nói chung, sự đồng thuận cũng là một trở ngại”.

Thế nhưng khi Bộ Quy quy tắc ứng xử ra đời, nó như một làn gió mới, mang lại một sức sống mới, diện mạo mới cho nhân dân trên địa bàn phường, người dân nhận thức ra rằng đây là một vấn đề quan trọng, cần phải được quan tâm, phát triển, như một sức mạnh đóng góp vào sự phát triển của phường.

Đặc biệt, là công chức văn hóa - xã hội của phường, anh Lê Minh Đức đã có cách làm rất hay khi thực hiện tuyên truyền Bộ Quy tắc ứng xử và lan toả nét đẹp thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Đó là tại các cuộc họp của Tổ dân phố, khu dân cư, anh đều mời những người có uy tín, ảnh hưởng, những gia đình người Hà Nội còn gìn giữ được nền nếp, gia phong của người Kinh kỳ xưa để lấy đó làm gương cho người dân noi theo. Ví như nghệ nhân nhân dân Nguyễn Mai Hạnh (số 5 Chả Cá, phường Hàng Đào), bà là nghệ nhân cắm hoa nổi tiếng của Thủ đô, được mời đi biểu diễn và giảng dạy trong và ngoài nước. Bà cho biết: “Là người gốc Hà Nội, lại là một nghệ nhân, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, Đức thường xuống mời tôi đi cùng để phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các quy chế, quy định về văn hóa người Hà Nội hoặc các cuộc thi về làm hoa lụa, trưng bày hoa… Sự hăng hái, nhiệt tình của cán bộ văn hóa phường khiến tôi luôn bị cuốn theo phong trào chung”.

Bên cạnh đó, Bộ Quy tắc và Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn phường là một trong những mảng nội dung quan trọng đã được khéo léo lồng ghép với các phong trào, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện giữ gìn trật tự văn minh đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… với phương châm lấy người dân bản địa làm trung tâm. Chính vì vậy, mặc dù Hàng Đào là một phường tập trung nhiều người dân đến từ nhiều nơi khác nhau, nhiều phong tục, tập quán khác nhau nhưng nhờ có những nhân tố người dân bản địa làm trung tâm, các phong trào của phường đều được các tiểu thương và người tham gia mua bán… nhiệt tình ủng hộ.

Bên cạnh đó, phường Hàng Đào đã phát trên 5.000 tờ tuyên truyền thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử đến từng hộ gia đình, giải thích, vận động người dân hiểu và chấp hành theo. Duy trì công tác vận động nhân dân làm tổng vệ sinh sáng thứ bảy hàng tuần, phối hợp với đội ngũ tổ trưởng tổ dân phố kiểm tra, chấm điểm chéo về công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn các tổ dân phố; thực hiện trang trí vẽ hoa tại các tủ điện, phối hợp với Đoàn thanh niên phường ra quân bóc, xóa, xé quảng cáo rao vặt; vận động tiểu thương kinh doanh và nhân dân trong phường thực hiện tốt 5 tiêu chí văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ; vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, tham gia các phong trào tương thân tương ái giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn…

Từ những việc làm thiết thực đó, những năm qua, nhiều hộ kinh doanh trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào luôn thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Năm 2020 phường Hàng Đào có 776/849 hộ dân (chiếm 91%) hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 5/6 tổ đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa chiếm tỷ lệ 83%. Phường Hàng Đào cũng nhiều năm liền được quận công nhận và khen thưởng phường có thành tích xuất sắc về thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Bản thân anh Lê Minh Đức cũng vinh dự được Thành phố Hà Nội bầu là đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ X, giai đoạn 2020-2025.

* Hiệu quả từ nhóm nòng cốt tổ dân phố

Trong những năm qua, quận Hai Bà Trưng luôn quan tâm, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Minh chứng rõ nét là quá trình triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng do Thành phố ban hành tại các địa bàn dân cư, tổ dân phố đã có những cách làm hay, những giải pháp sáng tạo. Qua đó, nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, tác động sâu rộng đến từng con người, gia đình, cơ quan, đơn vị.

Là một phường nằm trung tâm của quận Hai Bà Trưng, phường Nguyễn Du có 16 tuyến phố và 1 ngõ, có hồ Thiền Quang phong cảnh đẹp và không khí trong lành thu hút rất đông người hằng ngày đến đây tản bộ, ngắm cảnh. Những con phố như Bà Triệu, Phố Huế, Lê Đại Hành lúc nào cũng có cảnh người ra vào tấp nập, buôn bán sầm uất bậc nhất của phường. Tuy nhiên, thời gian trước, nhiều quán ăn, hàng rong thường xuyên xả giấy, rác bừa bãi xuống vỉa hè khiến những con phố này trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Hai bên đường, cây xanh, bờ tường, cột điện… cũng trở thành nơi treo, dán các quảng cáo rao vặt tràn lan trông rất phản cảm.

Để lan toả Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng do Thành phố ban hành, các cán bộ các địa bàn dân cư đã thường xuyên phổ biến, tuyên truyền đến từng nhà cho người dân nắm được và thực hiện.

Ông Vũ Hy Chương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Nguyễn Du cho biết, Mặt trận Tổ quốc phường cũng thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm về thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công động. Các ý kiến phát biểu đều hoan nghênh những nội dung quy định nêu trong quy tắc ứng xử rất rõ ràng, cần thiết để xây dựng nếp sống văn minh của Thủ đô. Nhiều người liên hệ với địa bàn dân cư mình, xác nhận có nhiều nét trong nếp sống của các gia đình ở tổ dân phố bảo đảm được theo yêu cầu, nhưng vẫn cần giáo dục nhắc nhở thường xuyên để thực sự chuyển biến trong ý thức của người dân. Các ý kiến cũng nêu ra khu vực cần chấn chỉnh văn minh đường phố là các cửa hàng bán cà phê, đồ ăn uống không được bày bàn ghế lấn chiếm vỉa hè và sửa biển hiệu cho hợp lý.

Hội nghị đại biểu nhân dân phường Nguyễn Du bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cở sở năm 2022.

Từ ý kiến này, Chi ủy và Ban công tác Mặt trận đã mời Ủy ban nhân dân phường và Công an phường cùng đi dọc hè phố khảo sát hiện trạng, sau đó bàn thống nhất phương án chấn chỉnh cụ thể. Tổ công tác đã gặp trực tiếp các hộ bán hàng trao đổi, điều rất mừng là phần lớn các hộ đã tiếp nhận ngay ý kiến nêu ra, dẹp gọn bàn ghế, sẵn sàng sửa lại biển hiệu. Chỉ vài hôm sau, nhiều biển hiệu được sửa đẹp và gọn, làm khung cảnh hè phố đẹp hẳn lên.

Tuy nhiên, cá biệt vẫn có những hộ còn cố hữu, tấm nhựa che mái lớp trên lớp dưới đã cũ bẩn mà không thay. Ông Chương kể, tổ công tác đã gặp gia đình, ngồi bàn chuyện một cách nhẹ nhàng, gợi ý cách sửa mái che và biển hiệu. Có người bảo: “Ba mươi năm nay vẫn thế, chả sao”; có người lại cho biết cũng đã có ý muốn sửa. Nhân đó, Tổ công tác khích lệ: “Mái che cũ quá rồi, vừa hỏng vừa xấu. Gia đình sửa thay mới không chỉ đẹp cửa hàng của gia đình mà cũng đẹp cho phố nữa”. Sự chân tình và tôn trọng của Tổ công tác đã có tác động tích cực, ngay ngày hôm sau gia đình đã sửa mái che và biển hiệu đúng quy định. Vậy là cả một đoạn phố với các cửa hàng cà phê, bán đồ ăn uống, trở nên sáng sủa hẳn lên với những biển hiệu đẹp và hè phố gọn ghẽ. Qua đợt chấn chỉnh này, dễ dàng nhận ra hè phố được phong quang thoáng đãng hơn, khách đi bộ trên hè phố không còn bị vướng lối, hàng quán sắp xếp gọn gàng hơn, đẹp đẽ hơn.

Theo ông Vũ Hy Chương: “Suy nghĩ về chấn chỉnh trật tự văn minh đô thị và thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, chúng tôi rút ra là: Mọi người ai cũng muốn điều tốt đẹp và thuận tiện cho mình, nhưng cách nghĩ và làm của mỗi người không hoàn toàn giống nhau, nhiều người chưa có ý thức tôn trọng luật lệ chung và quan tâm, tôn trọng người khác. Muốn vận động mọi người thống nhất thực hiện theo một quy định chung, phải có những giải pháp tâm lý phù hợp, người biết điều dễ tiếp thu, còn người tính tình nóng nảy thì phải lựa cách nói với họ thế nào để họ không bộc lộ phản ứng. Tuyên truyền giáo dục xây dựng nếp sống văn minh phải rất kiên trì, thường xuyên, tương đối lâu dài. Nhất là thay đổi hẳn nếp nghĩ, cách sống của người dân là không hề đơn giản. Nhưng trên hết vì một nếp sống văn minh thanh lịch của Người Hà Nội vẫn là mong mỏi của tất cả người dân Thủ đô nên phải kiên trì quyết tâm thực hiện”.

Đặc biệt, việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh không chỉ bằng những cử chỉ văn hoá mà còn phải sống và làm việc theo đúng pháp luật. Sự ra đời của các Nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật của phường Nguyễn Du đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở, giảm tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người. Đây cũng là tiền đề để tỷ lệ “gia đình văn hóa”, “khu phố văn hóa” của phường tăng đáng kể. Các thành viên trong Nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật được phân công theo từng khu vực số nhà, để nắm bắt tình hình các gia đình, kịp thời phát hiện nhu cầu cần tham gia hỗ trợ tư vấn pháp luật.

Khi phát hiện một hộ dân nào đó có sự việc liên quan đến pháp luật, còn lúng túng trong cách xử sự, thành viên Nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật đã gặp gỡ hỏi rõ chuyện, kịp thời trao đổi giải thích hướng dẫn giúp đỡ về cách thức thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Cứ vậy, nên số vụ việc người dân vi phạm pháp luật ngày càng ít, hiệu lực và hiệu quả quản lý của chính quyền được bảo đảm.

Để giúp cho các thành viên về kỹ năng tuyên truyền vận động hỗ trợ pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Nguyễn Du đã 2-3 năm một lần tập hợp lựa chọn các văn bản pháp luật in thành tập tài liệu phát cho tất cả thành viên Nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật, thành viên Tổ Dân vận; đồng thời quy định các thành viên đều đặn tham gia giao ban hàng tháng tại địa bàn dân cư để nắm tình hình, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và giải pháp cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ.

Sau những buổi tuyên truyền tại địa bàn dân cư, Nhóm nòng cốt về tuyên truyền pháp luật và Tổ Dân vận lại có những buổi sinh hoạt chung để chia sẻ, trao đổi với nhau về những câu chuyện trong tiến hành vận động tuyên truyền với người dân. Thực tế đã cho thấy có vấn đề còn phải bàn bạc thêm khi tham gia vào một số vụ việc, nhất là vụ việc có tranh chấp đụng đến lợi ích của mỗi bên. Ông Chương kể: “Một số thành viên khi đó cảm thấy nản lòng, muốn tránh những vụ việc phức tạp. Chúng tôi phải động viên nhau, tìm cách hỗ trợ cho nhau, bố trí 2-3 thành viên cùng tham gia vào một vụ việc để đỡ lúng túng trong tháo gỡ các vụ việc”.

Các thành viên Nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật và Tổ Dân vận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Nguyễn Du đã tự rút ra bài học cũng như phương châm hành động trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân sống và làm việc theo pháp luật là: Phải thực lòng khi tiếp xúc với dân, chú ý lắng nghe người dân nói để hiểu được suy nghĩ và vấn đề họ nêu ra, đặt mình vào hoàn cảnh sự việc của họ để dễ thấu hiểu và nghĩ cách giải quyết như đó là việc của mình. Qua đó, dẫn giải quy định rõ ràng, đúng đắn để người nghe dễ tiếp nhận, đồng thời đưa ra hướng dẫn rành mạch từng bước khi thực hiện. Đó chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc học tập và làm theo Bác Hồ đối với các thành viên khi thực hiện công tác vận động tuyên truyền pháp luật tại địa bàn dân cư. Từ đó, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân, nếp sống văn hoá văn minh, thanh lịch của người Hà Nội ngày càng được giữ vững và phát huy.

Có thể thấy, tùy tình hình, mỗi địa bàn khu dân cư đã có những mô hình, cách làm hay để thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử và lan toả nét đẹp thanh lịch, văn minh của Thủ đô Hà Nội. Mong sao ngày càng có nhiều điểm sáng hơn nữa để lan toả ra các địa bàn khác trong Thành phố, tạo dấu ấn trong nhận thức của người dân để họ tự giác thực hiện, hình thành nếp sống văn minh đô thị, thiết thực nâng cao đời sống văn hoá tinh thần trực tiếp cho mỗi người dân Thủ đô.

Bài viết: Bùi Minh Phương

Đồ họa-Kỹ thuật: Hoàng Anh

Clip minh họa: Canva

Bài cuối

Để vượng khí Thăng Long mãi trường tồn