Làng cổ còn mãi trầm mặc theo tháng năm
Vẻ đẹp đá ong xứ Đoài Sơn Tây chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng cổ ở Đường Lâm |
1. Làng cổ Đường Lâm là cái tên chung chỉ quần cư 5 làng cổ, nay là các thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm, thuộc thị xã Sơn Tây. Theo Kiến trúc sư Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Đường Lâm nằm ở vùng đất châu thổ sông Hồng, thuộc trấn Sơn Tây xưa. Các thôn thuộc làng cổ Đường Lâm nằm liền kề nhau, gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng qua bao đời nay không hề thay đổi. Đầu thế kỷ XIX, Đường Lâm là nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Tây.
Một góc Đường Lâm. Ảnh: Giang Nam |
Ngoài ý kiến của Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nhiều học giả cũng cho rằng Đường Lâm là làng cổ đã có tuổi đời nghìn năm. Minh chứng là, một số tài liệu còn ghi Đường Lâm vốn thuộc đất Phong Châu và đã tồn tại từ thời Hùng Vương. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng tôi có điều chắc chắn rằng, Đường Lâm là đất “địa linh, nhân kiệt”.
Chẳng thế mà nơi đây được mệnh danh là “đất hai vua”, nơi sinh ra Phùng Hưng và Ngô Quyền. Không chỉ vậy, đây còn là quê hương của nhiều danh nhân như bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), Thám hoa Giang Văn Minh, bà chúa Mía (vương phi của chúa Trịnh Tráng, người xây chùa Mía), ngoài ra còn là nơi sinh ra của những người góp nhiều công xây dựng đất nước như Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An...
Hơn nữa, trải qua những bể dâu của lịch sử, Đường Lâm ngày nay vẫn giữ được quần thể kiến trúc - cảnh quan mang đậm dấu ấn cấu trúc làng Việt cổ với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, quán, điếm canh, đồng ruộng, ao hồ, gò đồi.
2. Nhắc đến Đường Lâm, nếu không đề cập tới những nếp nhà cổ được xây dựng bằng đá ong thì sẽ là thiếu sót. Trong những chiều cuối tuần, khi nhẩn nha, lang thang ở vùng đất này tôi như được thả mình khỏi cuộc sống xô bồ. Và rồi, đọng lại sau những buổi lãng du ấy, phảng phất trong tâm trí tôi là bóng dáng đá ong trên cổng làng, tường rào, giếng khơi ở vùng đất này.
Có một điều ít người biết, ở Đường Lâm những căn nhà nơi đây được xây dựng bằng các vật liệu đặc trưng của vùng xứ Đoài xưa, đó là đá ong, là các loại gỗ quý, kèm theo là các phụ kiện như: Rơm, rạ, bùn non, trấu, đất sét mịn… Cách xây dựng nhà đá ong cũng mang đầy tính dân dã. Theo như chủ của một căn nhà cổ ở Đường Lâm kể: Nhà được xây cất bằng đá ong sẽ luôn đảm bảo không khí trong nhà mát về mùa hạ, ấm áp về mùa đông. Xưa, khi người làng chưa biết đến các vật liệu kiểu như xi măng, cát, thép… thì thời bấy giờ, việc xây dựng chỉ sử dụng đá ong kết hợp với bùn non trộn vôi để miết mạch. Đá ong gắn bó và thân thương và chân quê cũng là vì thế.
Còn nhớ đận qua thăm ông Vương Văn Hùng, chủ cơ sở chế tác đá Hùng Châu - một trong những người được mệnh danh “đôi bàn tay vàng” trong xã Bình Yên (huyện Thạch Thất), người nghệ nhân bảo, đá ong là tài nguyên và cũng là “đặc sản” sẵn có ở các huyện Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì.
Để có được nguồn nguyên liệu đá ong, thợ đá phải đi săn lùng, thăm dò và xin phép khai thác từ chính quyền địa phương. Thứ nữa, người thợ phải dùng dụng cụ đặc biệt có tên gọi là “thó”, xén từng mạch đá theo những kích thước mong muốn để đưa khối đá lên. Sau khi di chuyển đá về xưởng, những người thợ sẽ dùng dao gọt đẽo dần dần thành những viên có hình thù vuông vức. Do làm hoàn toàn thủ công nên dù tay thợ nào đào giỏi, “đánh vật” cả ngày cũng chỉ đào được 15 đến 20 viên là nhiều.
Ông Vương Văn Hùng bảo với tôi, dù hiện có máy móc hỗ trợ song với đá ong, các thao tác thủ công vẫn là chính. Trước vậy, bây giờ cũng vẫn vậy. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là trước chỉ có những người nghèo, những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn mới dùng đá ong để xây dựng nhà cửa thì nay chỉ những đại gia, những gia đình có điều kiện mới dùng đá ong trong xây nhà hoặc trang trí.
Ảnh: Đinh Luyện |
3. Đến với làng cổ Đường Lâm, không khó khi bắt gặp hình ảnh những “thảm” ngô vàng ruộm đang được phơi ngoài khoảng sân đầy nắng của mỗi gia đình. Người ở làng cổ niềm nở tiếp đón khách vãng lai, họ không e dè, ngại ngùng hay xa cách. Cuộc sống nơi đây chậm rãi, nhịp nhàng, giống như hơi thở của những cây đa, cây si đầu làng đung đưa trong gió suốt trăm năm qua. Mỗi người khách vãng lai tới đây dễ dàng được đánh thức bên trong tình yêu với đức tính niềm nở, hiếu khách. Chủ nhà luôn vui vẻ tiếp đón, sẵn sàng mời khách lạ vào ngồi giữa khoảng sân lát gạch trắng uống trà, kể chuyện về thôn xóm.
Đằng sau những ngôi nhà lấm tấm rêu phong, loang lổ vết ố màu đen theo thời gian, không khó để ngửi thấy mùi cơm đun bằng bếp củi âm ấm, ngọt ngào vấn vít xung quanh con ngõ hẹp. Sự chân quê, mộc mạc đã đánh thức không ít hoài niệm của những khách ghé thăm Đường Lâm. Anh Nam Khánh - một du khách đến làng cổ bảo với tôi, anh sinh ra ở vùng quê, lên Hà Nội sống và làm việc. Đã ba mươi năm trôi qua, nhiều điều đã quên mất. Nhưng, khi ngửi thấy mùi cơm nấu bằng củi thì anh lại nhớ về ký ức với gia đình vào thời ngày xưa, lúc ấy, bố mẹ còn nghèo lắm…
Đường Lâm giờ đã khác nhiều, người làng đã cởi mở và chuyên nghiệp và bắt nhịp tốt hơn với hoạt động du lịch. Thẳng thắn mà nói, người làng cổ đang ít nhiều hưởng những điều tốt đẹp từ việc phát triển du lịch tại địa phương. Anh Cao Văn Hiền, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Hiền Bao (xã Đường Lâm) bảo với tôi, hiện trung bình mỗi tháng gia đình anh làm ra khoảng 1,5 tấn kẹo các loại, tạo công ăn việc làm ổn định cho một số người dân địa phương với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/ người/ tháng. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, gia đình anh mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, trang thiết bị đóng gói…. Đến nay, thương hiệu bánh kẹo Hiền Bao do gia đình anh sản xuất đã đứng vững trên thị trường, có mặt không chỉ ở các cửa hàng trên địa bàn mà còn đến các tỉnh, thành lân cận.
Tôi rời Đường Lâm khi trời dần xế bóng. Nhìn bóng chiếc cổng làng thấp thoáng xa dần, tôi ước mong rằng làng cổ vẫn mãi là làng cổ. Là một chốn để những người mải miết nơi guồng quay của phố thị như tôi tìm về sống chậm, tìm kiếm bản ngã của mình. Hẳn là vậy, Đường Lâm đã, đang và sẽ như vậy, sẽ là một viên ngọc tỏa sáng lấp lánh./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Chỉ đạo - Điều hành 23/01/2025 20:53
Ông Nguyễn Tiến Cường được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND huyện Thanh Trì
Chỉ đạo - Điều hành 23/01/2025 19:42
Hà Nội chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu tư bất động sản
Chỉ đạo - Điều hành 23/01/2025 17:15
Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân đón Tết
Nhịp sống Thủ đô 23/01/2025 16:21
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú
Chỉ đạo - Điều hành 23/01/2025 15:37
Thanh Xuân: Trao 150 suất quà Tết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Nhịp sống Thủ đô 23/01/2025 09:21
Quận ủy Thanh Xuân trao Huy hiệu 75 tuổi Đảng tặng đảng viên lão thành
Nhịp sống Thủ đô 22/01/2025 20:24
Huyện Thường Tín phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 22/01/2025 14:07
Tại sao năm nay phố Hàng Mã ít đồ cúng ông Công ông Táo?
Nhịp sống Thủ đô 21/01/2025 22:28
Cụm thi đua số 1: Các phong trào thi đua đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực
Nhịp sống Thủ đô 21/01/2025 22:08