Kỳ 3: Khó xử lý tình trạng xây nhà xưởng lấn chiếm hành lang đê?
Kỳ 1: Nhức nhối tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều | |
Đê tả Đáy được nâng cấp cải tạo | |
Nỗi lo khi mùa mưa bão đang cận kề |
Nhiều vi phạm
Từ lâu, hệ thống đê điều được xem là tấm lá chắn vững chắc, giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trước lũ lụt bất thường. Việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những con đê, nhất là những tuyến đê xung yếu luôn là ưu tiên số một. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm liên quan đến hành lang đê lại diễn ra phổ biến. Theo ghi nhận, tại các địa phương như: Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên… các vi phạm xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và bãi sông, chiếm dụng mái đê, hành lang đê để dựng lều quán, nhà xưởng diễn ra khá phổ biến.
Nhà cửa được xây dựng kiên cố trong hành lang đê thuộc địa phận huyện Thường Tín. Ảnh Luyện Đinh |
Xã Liên Trung, huyện Đan Phượng là một ví dụ. Địa phương này từ lâu được biết đến với nghề sản xuất, chế biến lâm sản. Tuy nhiên, di chuyển trên tuyến đường đê Hữu Hồng đoạn qua địa bàn xã có thể dễ dàng chứng kiến cảnh nhiều xưởng sản xuất, chế bến gỗ trên địa bàn tập kết nguyên vật liệu là gỗ, tre nứa.
Theo phản ánh của người dân, có thời điểm, những nhà xưởng này tấp nập nên bày bãi nguyên liệu ngay sát mặt đường, khiến lòng đường đê Liên Trung vốn đã nhỏ lại bị thu hẹp hơn. Điều này không chỉ cản trở các phương tiện lưu thông, mà còn gây mất an toàn cho người dân di chuyển trên tuyến đường.
Tương tự, tại khu vực cảng Cống Thôn, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm tình trạng vi phạm hành lang an toàn đê điều, hành lang thoát lũ diễn ra suốt một thời gian dài nhưng UBND huyện Gia Lâm lại chưa thể xử lý dứt điểm. Theo tìm hiểu, khu vực này trước đây là những bãi đất nông nghiệp nhưng được nhiều cá nhân thuê san lấp làm nhà xưởng trái phép, gây ô nhiễm môi trường... đe dọa an toàn đê.
Tại tuyến đê Hữu Hồng chạy qua địa bàn xã Ninh Sở, huyện Thường Tín bãi tập kết vật liệu xây dựng, nhà xưởng kiên cố mọc ngay trên hành lang đê diễn ra phổ biến. Các nhà xưởng này không chỉ lấn chiếm đất nông nghiệp mà còn lấn chiếm cả cơ đê cũng như hành lang bảo vệ đê, gây nguy hiểm cho tuyến đê sung yếu khi mùa mưa bão đang cận kề. Theo quan sát của phóng viên, từ bến đò phà đến cống thủy lợi là kho xưởng và bãi tập kết gỗ nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ đê, vi phạm nghiêm trọng luật đê điều.
Đáng nói, ngay trên địa bàn này, nhiều trường hợp vi phạm, từng bị các ngành chức năng lập biên bản về hành vi lấn chiếm, dựng cột thép, nhà xưởng, đổ đất thải lên hành lang đê như hộ ông Phạm Văn Bảy vi phạm tại km85+850; hộ Nguyễn Hồng Hải tại km87+600… vẫn là những tồn tại, chưa được xử lý dứt điểm. Hành vi vi phạm trên cũng xảy ra ở các địa phương như Ứng Hòa, Sóc Sơn, Phú Xuyên…
Cụ thể, tại huyện Ứng Hòa có hộ Nguyễn Văn Sả, tại xã Đồng Tiến, tự ý dựng cốt thép, móng nhà trên km62+355 thuộc đê Tả Đáy; ở huyện Sóc Sơn có hộ Nguyễn Văn Dũng thuộc xã Tân Hưng có vi phạm xây tường bao, lấn chiếm mặt bằng tại km23+200; hộ Nguyễn Văn Thi và Hoàng Văn Canh thuộc xã Xuân Thu có hành vi đổ đất thải trong hành lang đê tại km6+600; hộ Nguyễn Văn Chất và Nguyễn Văn Quyết tại xã Việt Long có hành vi xây tường bao trái phép, tự ý xẻ mái để làm dốc lên đê tại km20+100…
Cách đó không xa, tại địa phận huyện Thanh Trì, theo tìm hiểu từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện phát sinh 9 vụ vi phạm pháp luật đê điều nhưng đến nay nhiều công trình trong số này vẫn ngang nhiên tồn tại. Việc xây dựng nhà cửa, trong hành lang thoát lũ trên địa bàn cũng diễn ra hết sức phức tạp, đơn cử như xã Vạn Phúc có 2/3 khu dân cư nằm trong vùng thoát lũ, điều này trực tiếp gây khó khăn cho công tác xử lý của địa phương.
Không chỉ lấn chiếm, nhiều điểm đê hiện đang bị đe dọa bởi hành vi đổ trộm phế thải xây dựng. Theo ghi nhận, trên tuyến đường đê tả sông Đáy, đoạn chạy qua địa phận xã An Thượng, huyện Hoài Đức xảy ra tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng. Tại khu vực này, dù đã được chính quyền địa phương nhiều lần vào cuộc xử lý nhưng đất, phế thải xây dựng vẫn được một số đối tượng lén lút đổ trộm rải rác dọc đê. Việc phế thải xây dựng đổ trên mái và cơ đê, trực tiếp gây ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thoát lũ và sự an toàn của tuyến đê bao này.
Gặp “khó” ở đâu?
Theo đánh giá của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là vi phạm xây dựng công trình, đổ đất san lấp mặt bằng và tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng vi phạm chỉ giới đê điều. Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai còn có hiện tượng né tránh, hiệu quả xử lý thấp. Các đơn vị liên quan thực hiện chưa tốt quy chế phối hợp xử lý vi phạm đê điều của UBND thành phố.
Hệ lụy là, các vụ việc xâm hại đê điều liên tiếp nảy sinh. Theo tìm hiểu, riêng trong tháng 4/2018, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 22 vụ vi phạm Luật Đê điều. Tuy nhiên, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương mới giải toả được hai vụ, trong đó một vụ được xử lý ngay và một vụ của các tháng trước năm 2018.
Tập kết nguyên vật liệu là gỗ, tre nứa trong hành lang bảo vệ đê tại địa phận xã Ninh Sở. Ảnh: Luyện Đinh |
Trên khía cạnh khác, theo tìm hiểu, nhiều người dân tỏ ra khá “vô tư” khi không hề biết công trình xây dựng của mình vi phạm hành lang bảo vệ đê. Nói cách khác, bản thân nhiều người dân chưa được phổ biến các quy định pháp luật liên quan. Theo tìm hiểu, tại khoản 2 Điều 23 Luật Đê điều quy định về hành lang bảo vệ đê.
Cụ thể, hành lang bảo vệ đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5m về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 m về phía đồng, 20m về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200m về phía biển đối với đê biển; Hành lang bảo vệ đối với đê cấp IV, cấp V do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được nhỏ hơn 5m tính từ chân đê trở ra về phía sông và phía đồng.
Được biết, hiện Hà Nội có hơn 626km đê đi qua địa bàn 26/30 quận, huyện, thị xã, với 224 xã, phường, thị trấn nằm ven đê. Bên cạnh đó, 11 xã có địa giới hành chính nằm hoàn toàn ngoài bãi sông, trong hành lang thoát lũ nhưng chưa tổ chức di dời…
Theo đánh giá của các ngành chức năng, một trong những nguyên nhân khác khiến các vi phạm nảy sinh, khó xử lý đó là do chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp. Hệ lụy là công tác xử lý gặp nhiều hạn chế, tính răn đe giáo dục không cao. Một số cấp chính quyền xã, phường, quận chưa coi trọng việc xử lý giải tỏa và còn hình thức, xử lý không dứt điểm, dẫn đến tái vi phạm, coi thường pháp luật.
Tình trạng xe quá tải chạy trên đê diễn ra phổ biến. Ảnh: Bảo Bình |
Chia sẻ về những khó khăn trong xử lý vi phạm liên quan, ông Đỗ Cao Mạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sở cho biết, các vi phạm phần lớn đều là những tồn tại lâu năm. Ngoài ra, hơn 10 năm thực hiện Luật Đê điều và một số văn bản dưới luật, thực tế đã bộc lộ những bất cập. Ví dụ, Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 còn có những quy định chưa cụ thể về hành vi vi phạm, dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất, gây khó khăn cho người xử phạt; mức phạt thấp, chưa bảo đảm tính răn đe…
Theo Luật sư Lê Thế Vinh – Trưởng văn phòng Luật sư Thái Minh (Đoàn luật sư Hà Nội), hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xử lý vi phạm lấn chiếm an toàn đê điều đã có và được hệ thống hóa đầy đủ. Chẳng hạn, theo Điều 12 - Nghị định 139/2013/NĐ-CP quy định rất rõ việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp vi phạm.
Cụ thể, phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt. Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm. Đồng thời, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng đối với hành vi vi phạm quy định.
Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều. Theo đó, việc lấn chiếm bãi sông, lòng sông làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục sẽ bị phạt tới 25 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều là 100 triệu đồng.
Mặt đê nứt toác, xuống cấp. Ảnh: Bảo Bình |
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính...
Dẫn như vậy để thấy rằng, việc xử lý vi phạm liên quan hoàn toàn không khó. Và việc các Ngành chức năng liên quan vào cuộc xử lý vi phạm là hết sức cần thiết, góp phần đảm bảo an toàn cho đê điều mùa mưa bão.
Liên quan đến việc xử lý các vi phạm này, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cũng đã có hàng trăm văn bản đôn đốc các địa phương xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ việc đã được giải quyết còn rất thấp so với tổng số vụ vi phạm. Để đốc thúc xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có công văn số 2242/VP-KT đề nghị Sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã có đê xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Công văn chỉ rõ, UBND TP nhận được các văn bản của Tổng cục Phòng, chống thiên tai thông báo kết quả thực hiện dự án cấp bách, xung yếu đê điều, phòng chống thiên tai, kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều và công tác quản lý đê điều năm 2018 và đề nghị xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu: Chính quyền các cấp tổ chức xử lý dứt điểm các vụ vi phạm, đồng thời, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính về đê điều, nhất là những vụ vi phạm mới phát sinh; thông báo rộng rãi kết quả chỉ đạo, xử lý đến người dân tạo sự đồng thuận; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân. Các cấp, các ngành tăng cường phối hợp thực hiện trách nhiệm trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định của pháp luật. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Brighton vs Everton: 3 điểm nằm trong tay đội chủ nhà
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/1: Sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Wolves vs Arsenal: Pháo thủ phải thắng để tiếp tục cuộc đua
Giá vàng hôm nay (24/1): Đồng loạt giảm nhẹ
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Tin khác
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/1: Sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Môi trường 24/01/2025 07:02
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/1: Ngày nắng, sáng sớm có sương mù
Môi trường 23/01/2025 06:48
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 22/1: Trời nhiều mây, không mưa, đêm và sáng trời rét
Môi trường 22/01/2025 06:10
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 21/1: Sáng và đêm trời rét
Môi trường 21/01/2025 06:02
Diễn biến thời tiết 10 ngày cuối tháng 1/2025
Môi trường 20/01/2025 06:31
Thời tiết Hà Nội ngày 20/1/2025: Sáng sớm có sương mù, trưa chiều trời nắng
Môi trường 20/01/2025 06:31
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 19/1: Gió nhẹ, trưa giảm mây, trời nắng
Môi trường 19/01/2025 06:53
Quyết liệt, kiên trì giữ gìn vệ sinh môi trường chung
Môi trường 18/01/2025 17:41
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 18/1: Sáng sớm có sương mù, trời nắng
Môi trường 18/01/2025 06:11
Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý phương pháp làm "sống" lại sông Tô Lịch
Môi trường 17/01/2025 13:54