Kỳ 2: Rơm, rạ là “tài nguyên” của nhà nông
Kỳ 1: Viết tiếp “chuyện của rơm” Ai cũng biết, đốt rơm là hành động gây ô nhiễm môi trường không khí trầm trọng. Nhưng nếu không đốt rơm, người dân sẽ ... |
Những cánh đồng không đốt rơm
Trong khi nhiều địa phương loay hoay lo giải quyết tình trạng đốt rơm, rạ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường thì ở huyện Đan Phượng, việc này được xử lý khá hiệu quả. Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, ngoài lượng rơm, rạ được tận dụng làm thức ăn dự trữ cho bò sữa, nông dân trên địa bàn huyện đã sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nhờ vào việc xử lý bằng chế phẩm sinh học.
Để có được kết quả này, Hội Nông dân huyện đã phải trải qua cả một quá trình dài tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng những mô hình điểm. Theo đó, từ năm 2017, huyện bắt đầu thử nghiệm mô hình xử lý rơm, rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học. Vụ Xuân năm 2019, huyện tiếp tục nhân rộng đại trà mô hình tại 9 xã trên địa bàn với diện tích 357ha. Ban đầu, để khuyến khích, động viên nông dân tham gia vào mô hình, huyện đã cung cấp miễn phí chế phẩm sinh học cho nông dân và tập huấn kỹ thuật. Việc hỗ trợ trong những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, người nông dân hào hứng tham gia.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son (giữa) chỉ đạo Hội nghị đầu bờ triển khai "Cánh đồng không đốt rơm" tại cánh đồng thôn Trung Hiền, xã Thượng Mỗ. |
Việc xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học đem lại lợi ích kép cho nông dân. Một mặt vừa bảo vệ môi trường, lại tiết kiệm chi phí sản xuất nhờ nguồn phân hữu cơ. So với những ruộng đốt rơm, rạ tại ruộng, ruộng được xử lý bằng chế phẩm sinh học tiết kiệm được 2 lần phun thuốc trừ vàng lá và nghẹt rễ sinh lý. Cùng với đó, giảm được 30% lượng phân lân cho bón lót và 15% lượng NPK bón thúc lần đầu. Bên cạnh đó, việc xử lý rơm, rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học khá đơn giản, chỉ cần trộn đều chế phẩm với cát, đất hoặc phân bón, dải đều khắp ruộng. Sau 13-15 ngày, rơm và gốc rạ tự phân hủy, ngấu trong đất.
Để nhân rộng thêm mô hình, ngay từ đầu vụ thu hoạch lúa Xuân năm 2021, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã xây dựng mô hình “Cánh đồng không đốt rơm”. Theo đó, Hội Nông dân huyện xây dựng kế hoạch và phối hợp Công ty Cổ phần Cpart, Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) lựa chọn 4 xã Hồng Hà, Liên Hồng, Thượng Mỗ, Tân Lập để tổ chức thực hiện “Các giải pháp giảm thiểu đốt rơm, rạ” sau thu hoạch vụ Xuân năm 2021 với diện tích là 25ha. Đồng thời giao cho Hội Nông dân 4 xã là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng kế hoạch, báo cáo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã và xin chủ trương tổ chức thực hiện.
Theo ông Thiều Văn Son, Hội xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo toàn bộ hệ thống Hội Nông dân trên địa bàn huyện tăng cường công tác truyền thông, thực hiện hiệu quả và triệt để mục tiêu đề ra của nhiệm vụ.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son: “Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Tài nguyên và Môi trường, Viện Phát triển Nông thôn và Miền núi tiếp tục tài trợ kinh phí mua chế phẩm cấp cho nông dân để xử lý rơm, rạ sau thu hoạch và chỉ đạo các xã, thị trấn cho nhân rộng mô hình “Cánh đồng không đốt rơm” để bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, phấn đấu là huyện đầu tiên không còn khói đốt rơm, rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch”. |
Sau những nỗ lực của chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng, “Các giải pháp giảm thiểu đốt rơm, rạ” sau thu hoạch vụ lúa Xuân 2021 đã giải quyết triệt để tồn dư rác thải sau thu hoạch; môi trường xanh, sạch, không ô nhiễm khói bụi; nâng cao nhận thức của hội viên nông dân, đặc biệt các hộ dân trồng lúa, không vứt rơm, rạ xung quanh ao, hồ, mương máng, các trục đường giao thông gây ảnh hưởng dòng chảy, đi lại của người tham gia giao thông, không ô nhiễm môi trường nước.
Đối với hiệu quả kinh tế xã hội, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, việc dùng chế phẩm phân giải nhanh các chất vô cơ sẽ tạo các chất hữu cơ cung cấp cho cây trồng; chuyển hóa lân khó tiêu (quặng phốt phát, phốt phát hữu cơ) thành dạng dễ tiêu mà cây trồng có thể hấp thụ được; tạo ra chất kháng thể tự nhiên làm ức chế các loại vi sinh vật gây bệnh; tạo ra chất kích thích tăng trưởng cây trồng như axit indolaccetic giúp cây sinh trưởng nhanh hơn; làm đất tơi xốp dễ canh tác, bộ rễ cây phát triển mạnh, vi sinh vật đất và động vật đất trở nên phong phú, đất có cấu tượng và giữ ẩm tốt, cây trồng chống chịu tốt với nhiều bệnh và điều kiện khí hậu bất lợi, tiết kiệm được tiền mua phân bón hóa học nên tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Cùng với đó, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp hiệu quả cao, hàng năm sản xuất ra hàng nghìn tấn phân bón hữu cơ thay thế nguồn phân bón khác góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch; phòng, chống bệnh vàng lá nghẹt rễ sinh lý cho cây lúa; giảm chi phí cho đầu tư sản xuất, giúp người dân tiết kiệm chi phí mua phân bón hóa học.
Việc dùng chế phẩm phân giải nhanh các chất vô cơ sẽ tạo các chất hữu cơ cung cấp cho cây lúa |
Tuy nhiên, ông Son cũng cho biết, do tập quán, thói quen của nhân dân đốt lấy tro để bón cho rau màu và cây ăn quả nên phần nào còn khó khăn khi tuyên truyền vận động hộ dân thực hiện theo phương thức xử lý rơm, rạ tại ruộng thành phân bón. Một số hội viên và nhân dân chưa nhận thức rõ hiệu quả kinh tế của việc dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, cũng như hiệu quả về cải tạo đất.
Chia sẻ về giải pháp ngăn chặn và tiến tới kiểm soát tình trạng đốt rơm, rạ, ông Son cho rằng, rơm, rạ là phần phụ phẩm của hoạt động nông nghiệp nhưng không phải là phế thải mà cần coi đó là nguồn tài nguyên. Nếu biết cách sử dụng hiệu quả rơm, rạ, có thể biến rơm, rạ thành nguồn nguyên liệu mới như làm phân bón hữu cơ, phân bón nhả chậm, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hay trồng nấm… Ngoài việc tập huấn, hướng dẫn bà con về các kỹ thuật xử lý rơm, rạ phù hợp với trình độ, nhận thức của người nông dân, các địa phương cũng cần thành lập quỹ hỗ trợ kinh phí mua các chế phẩm thực hiện các giải pháp xử lý rơm, rạ mới để bà con yên tâm thực hiện.
Ngoài ra, việc tạo ra các đầu mối thu mua các sản phẩm đầu ra từ hoạt động trồng nấm, phân bón sản xuất từ rơm, rạ cũng là cách tạo nguồn thu nhập ổn định, cho bà con thấy được lợi ích so với hoạt động đốt rơm, rạ tự phát. Song song với đó, Thành phố cũng cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để từng bước thay đổi nhận thức của người dân về tác hại của hoạt động đốt rơm, rạ đối với sức khỏe và môi trường. Đồng thời, khuyến khích các địa phương thực hiện kiểm soát và giám sát hoạt động đốt rơm, rạ lẫn nhau, tiến tới thực hiện mục tiêu Thành phố không đốt rơm, rạ.
Yêu rơm, đừng đốt!
Tuy vẫn còn một số địa phương các mô hình xử lý, chuyển đổi rơm triển khai chưa đạt hiệu quả cao, nhiều hộ dân vẫn còn đốt rơm, rạ sau vụ mùa, nhưng có thể thấy rõ, Hà Nội đang từng bước tiến đến việc thay đổi hoàn toàn thói quen gây ô nhiễm môi trường do đốt rơm, góp phần bảo vệ môi trường sống của Thủ đô.
Chuyên gia môi trường Đỗ Vân Nguyệt trong một chuyến đi khảo sát môi trường |
Theo thạc sĩ, chuyên gia môi trường Đỗ Vân Nguyệt (Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng Live & Learn Việt Nam), trong nhiều năm qua, Live & Learn Việt Nam đã phối hợp thực hiện các dự án về môi trường như “Không khí sạch - Thành phố xanh” và “Chung tay vì không khí sạch” được hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Trong các dự án này, Live & Learn đồng hành cùng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị trấn trên địa bàn Thành phố và các nhà khoa học để hỗ trợ tham vấn xây dựng Chỉ thị 15, thử nghiệm các giải pháp cộng đồng, kết nối các doanh nghiệp và giải pháp khác nhau cho các địa phương và hỗ trợ nghiên cứu để có các dữ liệu khoa học để theo dõi.
Qua các dự án, chuyên gia Đỗ Vân Nguyệt cho biết, trong 3 năm gần đây, với nhận thức về tác động của ô nhiễm không khí, đã có nhiều sự quan tâm của Thành phố để đưa ra các giải pháp cụ thể. Đặc biệt với sự ra đời của Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường Thành phố đã có thêm sức ép để các cơ quan đầu mối tại địa phương có kế hoạch và nguồn lực cụ thể để thực hiện. Bên cạnh đó, sự cởi mở của Thành phố trong việc phối hợp và huy động với các tổ chức xã hội như Live & Learn và các chuyên gia, nhà khoa học trong việc đưa ra những căn cứ khoa học, để theo dõi các điểm đốt và tác động của đốt rơm, rạ với không khí.
Chuyên gia Đỗ Vân Nguyệt: “Cần chia sẻ rộng rãi câu chuyện thay đổi của những người dân, hãy thực sự nghĩ và đặt người dân làm chủ quá trình và nhìn ra hướng đi tuần hoàn cho nông nghiệp tại địa phương: Không lãng phí rơm, tận dụng rơm, rác hữu cơ và không sử dụng hóa chất”. |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn có nhiều khó khăn. “Để không đốt rơm, rác sẽ cần có sự tham gia của người dân và các giải pháp thay thế hiệu quả và khả thi - đây là thách thức lớn nhất. Cần sự vào cuộc của các bên nông nghiệp, môi trường, lãnh đạo địa phương với phân chia trách nhiệm rõ ràng. Người dân cần có các mô hình áp dụng đủ một thời gian và với nhiều người để tiếp tục áp dụng và duy trì. Năm nay, với tình hình phức tạp của dịch bệnh, việc mở rộng các hoạt động cả về giải pháp kỹ thuật và truyền thông sẽ bị hạn chế”, chuyên gia Đỗ Vân Nguyệt cho biết.
Để triển khai những biện pháp giải quyết triệt để việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường, theo chuyên gia Đỗ Vân Nguyệt, Thành phố cần tiếp tục sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học để nhìn rõ tác động sức khỏe và cũng là thiệt hại kinh tế của ô nhiễm không khí, để có động lực từ trên xuống dưới thay đổi triệt để tình trạng đốt rơm, rạ và đốt rác cũng như các giải pháp khác trong kế hoạch quản lý chất lượng không khí của Thành phố. Có thể thành lập ra một cơ quan liên ngành ứng phó với ô nhiễm không khí để huy động nguồn lực và giải pháp hiệu quả. Với các mảnh đất nông nghiệp của Hà Nôi, Thành phố cần hướng tới thúc đẩy nông nghiệp sạch, hữu cơ - một nền kinh tế tuần hoàn để tận dụng rơm, rạ, giảm hóa chất.
Cùng với đó, khuyến nghị các huyện ngoại thành Hà Nội tiếp tục thành lập/chọn lọc các nhóm nòng cốt có đủ kỹ năng truyền thông và song song theo dõi, giám sát thực hiện các giải pháp cấp cơ sở; liên tục cập nhật thông tin giám sát thông qua các nền tảng khoa học công nghệ và ứng dụng trực tuyến (bản đồ, zalo groups,...); tiếp tục thực hiện, theo dõi, đánh giá kết quả bền bỉ qua vài mùa vụ. Như vậy, các giải pháp thay thế xác minh hiệu quả rõ ràng hơn để dễ dàng nhân rộng và bền vững hơn.
Ngày 18/9/2020, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ... Uỷ ban nhân dân Thành phố tăng cường và quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương. Theo đó yêu cầu Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn chủ động ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Chỉ thị như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt tại địa phương; chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ công tác xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và hướng dẫn các phương án xử lý đảm bảo hợp vệ sinh môi trường… |
Bảo Thoa
Ảnh: Nhóm PV
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/1: Ngày nắng, sáng sớm có sương mù
Môi trường 23/01/2025 06:48
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 22/1: Trời nhiều mây, không mưa, đêm và sáng trời rét
Môi trường 22/01/2025 06:10
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 21/1: Sáng và đêm trời rét
Môi trường 21/01/2025 06:02
Diễn biến thời tiết 10 ngày cuối tháng 1/2025
Môi trường 20/01/2025 06:31
Thời tiết Hà Nội ngày 20/1/2025: Sáng sớm có sương mù, trưa chiều trời nắng
Môi trường 20/01/2025 06:31
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 19/1: Gió nhẹ, trưa giảm mây, trời nắng
Môi trường 19/01/2025 06:53
Quyết liệt, kiên trì giữ gìn vệ sinh môi trường chung
Môi trường 18/01/2025 17:41
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 18/1: Sáng sớm có sương mù, trời nắng
Môi trường 18/01/2025 06:11
Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý phương pháp làm "sống" lại sông Tô Lịch
Môi trường 17/01/2025 13:54
Tết Nguyên đán Ất Tỵ, miền Bắc có rét không?
Môi trường 17/01/2025 06:41