Kỳ 2: Kiên cường những đôi “mắt thần” giữ biển
Kỳ 1: Mang hương Xuân đến với các đảo Tây Nam | |
Ấm áp lời chúc Tết từ đảo tiền tiêu của Tổ quốc | |
Thăng hoa, vỡ òa cảm xúc với U23 Việt Nam nơi đầu sóng |
Gian nan lên đỉnh
Rời Hòn Đốc, tàu 632 Hải quân lại tiếp tục hành trình đưa chúng tôi đến với Quần đảo Nam Du - nơi có cán bộ, chiến sĩ Trạm Rada 600 (Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) cắm chốt. “Trong 5 điểm đảo đoàn tới thăm lần này, đây là một trong những điểm đóng quân cao nhất so với mực nước biển - 309m”, “hướng dẫn viên” của đoàn công tác - Đại úy Bùi Tuấn Khanh - Chính trị viên tàu 632 giới thiệu.
Đường lên Trạm Rada 600 (Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) trên điểm cao 309m so với mực nước biển |
Theo lời Đại úy Khanh thì quần đảo Nam Du (thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) bao gồm 21 đảo lớn, nhỏ gồm: Củ Tron, Hòn Giang, Hòn Nấm Ngoài, Hòn Nấm Ngữa, Hòn Nấm Trong, Hòn Dâm, Hòn Hàng, Hòn Mộc, Hòn Nhạn, Hòn Mấu, Hòn Dấu, Hòn Sau, Hòn Lo, Hòn Dụng, Hòn Ông, Hòn Áo, Hòn Khô, Hòn Bờ Dập... Trong đó, xã An Sơn (nằm trên đảo Củ Tron) – ngoài lực lượng bộ đội Rada Trạm 600 đóng quân còn có khoảng 1.146 hộ dân với khoảng 4.994 nhân khẩu, có Đồn Biên phòng, trạm Hải đăng Nam Du...
Kể thêm về Củ Tron, Đại úy Bùi Tuấn Khanh cho biết, đảo Củ Tron còn có một chiều dài lịch sử khá hấp dẫn. Tương truyền, cuối thế kỷ 18, chúa Nguyễn Ánh đã chạy ra cụm hòn này lánh nạn. Vì thiếu thức ăn và nước uống, nên chúa Nguyễn Ánh sai đoàn tùy tùng đào giếng lấy nước ngọt và đào củ nầng có hình tròn ăn cho đỡ đói. Sau khi lên ngôi để ghi nhớ lại một thời bôn ba nhà vua đã chiếu dụ đặt tên cho hòn này là Củ Tròn, nhưng lâu ngày đọc ra thành Củ Tron. Đến nay, Củ Tron vẫn còn nhiều địa danh gắn với những huyền thoại của chúa Nguyễn Ánh như Bãi Giếng, Bãi Ngự...
Tàu cập cảng, mặc dù các cán bộ, chiến sĩ có bố trí phương tiện để đoàn lên trạm, nhưng vì muốn khám phá thêm những địa danh huyền thoại như Bãi Giếng, Bãi Ngự nên nhiều phóng viên trong đoàn quyết định thuê xe máy chạy lên núi. Mặc dù đã nghe Đại úy Khanh giới thiệu nhưng chúng tôi vẫn không thể tưởng tượng nổi khi vượt núi để đến với đỉnh cao 309 của Trạm Rada 600 lại gian nan đến vậỵ.
Xuyên qua con đường rừng hơn 3km thăm thẳm, hun hút, dốc đứng, ngoài đoàn khách chúng tôi, không có bóng người vì đây là điểm đóng quân. Suốt đường đi, gần như xe máy chúng tôi chỉ có thể cài số 1, tiếng động cơ gầm rú, xe giật liên hồi, ống xả khói cuộn đen, khét lẹt, có lúc tưởng chừng như chiếc xe máy chúng tôi thuê chuẩn bị bốc cháy đến nơi khiến cả đội phải dừng lại cho xe máy thở và người cũng thở vì quá căng thẳng.
Đại úy Đinh Văn Phong - Trạm trưởng Trạm Ra đa 600 phát biểu cảm ơn sự quan tâm của đoàn công tác đã mang hương Xuân, hơi ấm đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo |
Đại úy Đinh Văn Phong - Trạm trưởng Trạm Rada 600 đã gắn bó với quần đảo Nam Du năm nay là năm thứ 11, cho biết anh đã phải 2 lần thay “chiến mã” vì độ hư hao, xuống cấp xe ở đây quá nhanh. Đại úy Phong chia sẻ, ở đây, dù được bảo quản thường xuyên, một chiếc xe máy mới loại tốt cùng lắm cũng chỉ dùng được khoảng 5 năm. Đoạn đường từ dưới chân núi lên đến đỉnh chỉ khoảng 3km, nhưng do đường dốc đứng, xe chỉ chạy số 1 nên lên đến trạm máy móc nóng ran, đó là chưa kể hơi nước biển mặn khiến máy móc cũng nhanh han rỉ. Mùa khô còn đỡ, mùa mưa bão, con đường trơn trợt càng trở nên nguy hiểm gấp bội phần. Vì vậy, cứ chiều thứ sáu hàng tuần, bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên là bảo quản vũ khí, trang thiết bị, anh em của trạm còn có thêm nhiệm vụ bảo dưỡng, tra dầu nhớt, kiểm tra phanh, đảm bảo độ an toàn cho xe máy của mình.
Tưởng đoạn đường khó đó chỉ có ở Nam Du, nào ngờ đến với điểm cao Hòn Khoai - nơi cán bộ, chiến sĩ Trạm Rađa 595 (Tiểu đoàn 551 Vùng 5 Hải quân) đóng quân, chúng tôi còn có dịp thử sức đoạn đường khó khăn hơn gấp nhiều lần. Vượt qua đoạn đường đá gồ ghề, dựng đứng gần 1km, chúng tôi tiếp tục thử sức hành trình cuốc bộ trong cung đường rừng dài thăm thẳm và hun hút. Cánh phóng viên báo viết, báo nói phương tiện tác nghiệp đơn giản còn đỡ vất vả, còn anh em truyền hình lỉnh kỉnh vác trên vài đồ nghề, nào là máy quay, chân máy khiến mồ hôi vã ra ướt đầm.
Phóng viên truyền hình khá vất vả với cung đường lên tác nghiệp tại Trạm Rađa 595 (Tiểu đoàn 551 Vùng 5 Hải quân) |
Trên đường đi, ban đầu, cánh phóng viên chúng tôi còn đùa vui, sau, ai nấy đều mệt, cắm cúi bước và dừng lại... thở. Thỉnh thoảng, có chiến sĩ hải quân chạy xe máy ngược lại hô to “Cố lên, sắp đến nơi rồi”... Vậy mà, phải đến cả chục lần nghe câu nói đó, chúng tôi mới lên được đến Trạm. Dưới trời nắng gắt, lên được đến nơi, anh em trong đoàn chúng tôi ai nấy đều mệt nhoài, vậy mà, con đường đó, cung đường đó, hàng ngày, hàng đêm, bất luận giờ giấc hay thời tiết, nhận được nhiệm vụ là cán bộ, chiến sĩ các trạm phải di chuyển để thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo sinh hoạt. Hành trình chinh phục độ cao và quản lý tầm xa của lính rada quả là không hề đơn giản chút nào.
Một đồng nghiệp của chúng tôi - phóng viên Lê Doãn Chiêu (báo Cựu chiến binh Việt Nam) được ưu tiên chở xe máy đoạn từ Đồn Biên phòng Hòn Khoai lên Trạm Rada, khi chia sẻ cảm giác “lên đỉnh” bằng xe máy, đã bảo: Ngồi lên xe rồi thì đành liều vậy, chứ nhiều phen hú vía, thót tim vì đoạn đường lên trạm dốc đứng, nhiều rãnh trơn trượt và quá nguy hiểm. Và điều đầu tiên khi đặt chân về đất liền, anh đã kiến nghị với lãnh đạo Vùng 5 Hải quân cần xem xét đầu tư phương tiện đi lại đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Bền bỉ cắm chốt tiền tiêu
Trong số 5 điểm đảo chúng tôi đến thăm: Hòn Đốc - Nam Du - Hòn Chuối - Hòn Khoai - Thổ Chu, Hòn Chuối là điểm duy nhất phải di chuyển và vận chuyển hoàn toàn bằng sức người. Thượng úy Hoàng Văn Thuận - Chính trị viên Trạm Rada 615 đóng quân trên đảo Hòn Chuối - cho biết: Đảo chủ yếu vách đứng , không có bãi cát, trạm lại đóng quân trên cao (đỉnh cao nhất là 176m so với mực nước biển), do không có đường giao thông nên điều kiện sinh hoạt và công tác trên đảo còn thiếu thốn. Quá trình vận chuyển hàng hóa 100% dựa vào sức người, nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt phụ thuộc 100% vào nước mưa...
Gác lại những khó khăn, khắc nghiệt, lính rada vẫn kiên cường bám trụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ quan sát, phát hiện, đảm bảo an toàn đơn vị và khu vực đóng quân. Ảnh: Thu Hà |
Chia sẻ về công việc của cán bộ, chiến sĩ trên trạm, Thượng úy Thuận cho biết: Đường xá đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt... đã ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ, nhưng công tác tuần tra, canh gác được các cán bộ, chiến sĩ duy trì nghiêm túc, đảm bảo an toàn đơn vị và khu vực đóng quân. Bên cạnh đó, trạm còn phối hợp với các đơn vị và lực lượng trên đảo thực hiện tốt công tác an ninh trên địa bàn. Cũng chính vì đóng quân trên cao và nhiệm vụ đặc thù, cần sự theo dõi thường xuyên (24/24 giờ) với độ tỉ mỉ, chính xác và tập trung cao nên theo Thượng úy Hoàng Văn Thuận “anh em ở đây nói ít đi và làm nhiều hơn”.
Nói về tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, Đại úy Hoàng Huy Hùng - Trạm trưởng Trạm Rada 595 (đóng quân trên đảo Hòn Khoai) cho biết: Tuy thời tiết khắc nghiệt, mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5), đảo thường rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt, vào mùa mưa, giông sét ảnh hưởng đến nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quan sát phát hiện và các nhiệm vụ khác, nhưng 100% cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều nêu cao tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng chiến đấu và hi sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Quá trình di chuyển và vận chuyển hàng hóa lên đảo Hòn Chuối 100% dựa vào sức người |
Ngày Xuân, khi mỗi gia đình, mái ấm ở quê nhà đang vui Xuân, đón Tết, thì trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, những chiến sĩ Rada hải quân vẫn thầm lặng, miệt mài trực 24/24 giờ để quan, phát hiện mục tiêu, kịp thời cảnh báo về hoạt động của tàu lạ xâm nhập trái phép vào vùng biển nước ta, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn cho vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì nhiệm vụ, các anh không được phép lơ là, mất cảnh giác, dù chỉ một giây. Các anh chính là những đôi “mắt thần” kiên cường của biển, từng phút, từng giây giữ yên vùng biển, vùng trời, cho đất nước trọn niềm vui.
Kiên cường và bền bỉ giữ biển, giữ đảo nhưng có một điều đặc biệt, trong câu chuyện với chúng tôi, các anh không bao giờ nói nhiều về công việc của mình, bởi đó là nhiệm vụ và hơn thế nữa, khi đã gắn bó với đảo - mỗi người lính đều coi nơi đây là nhà, là quê hương thứ hai của mình. Ngoài nhiệm vụ gìn giữ sự bình yên vùng biển, vùng trời Tổ quốc, họ còn đem theo khát vọng xây dựng vùng đảo tiền tiêu ngày càng văn minh, giàu đẹp, phát triển, góp phần thu hẹp khoảng cách với đất liền.
Kỳ 3: Khát vọng ươm mầm nơi đảo xa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Cổ động viên "tiếp lửa" cho CLB Công an Hà Nội ngược dòng kịch tính trên đất Malaysia
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Đề xuất Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được tăng thêm không quá 15 Phó Giám đốc Sở
Tin khác
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Thời sự 23/01/2025 20:53
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng ông Đinh Thế Huynh
Tin mới 23/01/2025 17:04
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội dâng hương tại Nghĩa trang Mai Dịch
Tin mới 23/01/2025 14:42
Thủ tướng bổ nhiệm lại 2 Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
Tin mới 23/01/2025 14:38
“Nghẹt thở” từ TP.HCM về quê đón Tết
Tin mới 23/01/2025 11:57
Bí thư Thành ủy Hà Nội trao Huy hiệu Đảng tại Ba Đình
Tin mới 22/01/2025 16:22
Sửa Luật Quảng cáo: Đảm bảo bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng
Tin mới 22/01/2025 11:39
Hơn 2,7 triệu lượt khách đi tàu metro số 1
Tin mới 20/01/2025 15:24
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt kiều bào tiêu biểu tham dự Chương trình “Xuân quê hương 2025”
Tin mới 19/01/2025 20:11
Hướng dẫn cách tính chế độ nghỉ hưu sớm, thôi việc do sắp xếp bộ máy
Tin mới 18/01/2025 06:17