“Hạ Long trên cạn” giữa đại ngàn Tây Bắc
Nơi giao hòa giữa thiên nhiên và con người
Đến Thung Nai mùa này, cảm nhận đầu tiên đó chính là sự thanh bình, yên ả, đâu đó từng vạt sương trắng bảng lảng, lẩn khuất cuốn vào vách núi, cánh rừng tạo nên một nét đẹp huyền bí và trầm mặc. Ngồi trên con thuyền nhỏ nhẹ nhàng rẽ nước giữa lòng sông, Thung Nai càng tạo nên nét đẹp khó cưỡng bởi làn nước xanh thẳm, bởi những cơn gió rừng rít nhè nhẹ tạt xuống mặt nước, thi thoảng những cơn gió ấy lại thốc thẳng vào mặt, vào người khiến cái lạnh trở nên tê tái hơn.
Mùa đông, có lẽ sẽ rất ít người tìm đến Thung Nai (huyện Cao Phong, Hòa Bình) để khám phá, hay trải nghiệm, nhưng tôi thì làm điều ngược lại. Vào mùa này, sông Đà càng trở nên trong xanh và phẳng lặng đến lạ kỳ. Cảnh sắc thiên nhiên hòa quyện giữa những ngọn đá núi, xen lẫn là những hòn đảo nhỏ được “mọc lên” giữa làn nước trong xanh, thơ mộng. Nhiều người từng chia sẻ, đến Thung Nai họ cảm nhận được sự thư thái, sự nhẹ nhàng và mộc mạc. Thiên nhiên và con người ở đây đều hoang sơ, nó thôi thúc bước chân người khách lãng du thêm thèm muốn kiếm tìm. Thậm chí, nhiều người còn ví von Thung Nai tựa như “cô gái Mường đang còn say giấc ngủ”.
Sông Đà nơi giao hòa giữa thiên nhiên và con người. |
Mong muốn đánh thức “cô gái Mường ngủ quên”, cũng giống như tôi, ngày càng nhiều du khách phương xa muốn tìm đến với Thung Nai, đến với lòng hồ sông Đà kỳ bí để trải nghiệm, để khám phá cuộc sống còn nguyên màu thiên nhiên hoang sơ mà hùng vỹ. Nhiều người đã chọn Thung Nai là điểm du lịch cuối tuần lý tưởng. Họ thường đến đây vào chiều thứ Sáu và ra về vào lúc hoàng hôn của ngày Chủ nhật. Như thế đã là thỏa cái thú khám phá, thư giãn, nghỉ ngơi. Để rồi chính từ sự tò mò, sự khám phá của du khách đã làm Thung Nai chuyển mình, như thể cô gái Mường “được đánh thức sau giấc ngủ dài”.
Sự thức giấc ấy qua lời kể của anh Bùi Văn Hải, một người dân bản địa lái đó chở khách du lịch tại Thung Nai chia sẻ, nhờ Thung Nai mà lòng hồ sông Đà được đánh thức và rồi người dân địa phương cũng được “đánh thức” theo. Ở đây, mọi người bắt đầu biết đến khái niệm thế nào là làm du lịch, thế nào là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… để rồi, nhiều gia đình bao năm vẫn miệt mài thả lưới, bắt cá, hay lên rừng làm nương phát rẫy, thì giờ đây không ít người đã đổi nghề chuyển hẳn sang làm du lịch.
Trong cái gió lạnh thổi táp vào mặt giữa lòng sông Đà, khung cảnh Thung Nai đẹp như một bức tranh vẽ hiện lên trước chúng tôi. Con thuyền nhỏ được anh Hải điều khiển rẽ nước chạy qua các dãy núi trùng điệp, trong lòng hồ, nhiều hòn đá nhỏ nhấp nhô hiện lên trên mặt nước tạo thành những “hòn đảo” lớn nhỏ, tạo nên kiệt tác thiên nhiên hùng vỹ giữa đại ngàn, bởi thế, nhiều người ưu ái đặt cho Thung Nai cái tên thơ mộng “Hạ Long trên cạn” giữa đại ngàn Tây Bắc.
Kiệt tác giữa đại ngàn
Để khám phá hết vẻ đẹp của Thung Nai, không có con đường nào khác buộc chúng tôi phải di chuyển bằng thuyền. Ở đây, từ bao đời người dân vẫn gắn bó với sông nước, với những con thuyền độc mộc mưu sinh giữa lòng sông Đà hùng vỹ và giờ đây vẫn những nét mộc mạc ấy, những con thuyền nhỏ lại tất bật đón đưa du khách khám phá vùng “Hạ Long giữa đại ngàn”.
Thung Nai được ví như “Hạ Long trên cạn” giữa lòng sông Đà kỳ bí. |
Nhẹ nhàng rẽ làn nước xanh biếc, con thuyền tiếp tục đưa chúng tôi vượt qua những “hòn đảo” lô nhô, nơi được ví như tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất đại ngàn Tây Bắc, điểm đặt chân tiếp theo trong hành trình khám phá Thung Nai đó chính là 2 ngôi đền thờ Chúa Thác Bờ. Hai ngôi đền được dựng lên ở hai bên bờ sông thuộc địa phận huyện Cao Phong và huyện Đà Bắc. Tại đây, một điểm kỳ bí nữa được hé lộ đó chính là nơi hiện hữu tín ngưỡng văn hóa hầu Đồng, một trong những nét văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo lời anh Hải, vào những ngày đầu xuân du khách khắp nơi tìm đến thăm thú và trẩy hội Đền Bờ rất nhiều, đặc biệt là những đồng cô, đồng cậu. Tương truyền, hai ngôi đền này đều thờ Bà chúa Thác Bờ linh thiêng. Chuyện kể rằng, vào năm 1431, Vua Lê Thái Tổ đem quân đi đánh giặc ở Đèo Cát Hãn (tỉnh Sơn La ngày nay), khi đến khu vực Thác Bờ, đoạn con sông Đà chảy qua xã Thung Nai, dòng nước chảy xiết, nhiều mỏm đá lớn nhấp nhô khiến quân sĩ của nhà vua không thể vượt qua. Lúc đó, hai người phụ nữ dân tộc Mường là bà Đinh Thị Vân và một người phụ nữ dân tộc Dao đã vận động người dân địa phương lên rừng xẻ gỗ đóng thuyền, bè giúp quân sĩ của nhà vua vượt sông đánh giặc.
Sau khi mất, 2 bà hiển linh giúp dân vượt sông an toàn nên người dân địa phương đã lập hai ngôi đền thờ và tôn hai bà làm bà Chúa Thác Bờ. Để đến được đền Chúa Thác Bờ, không có đường đi bộ mà thuyền đưa chúng tôi sát đến chân đền. Vào mùa này nước lên, việc lên đền cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Từ đền Chúa Thác Bờ, phóng tầm mắt ra xa là thấy cả một vùng lòng hồ sông Đà mênh mông và thơ mộng. Tại đây, chỉ cần di chuyển mất 10 phút đi thuyền, chúng tôi tiếp tục đến động Thác Bờ.
Động là sự kết hợp hoàn hảo của sông hồ và đá núi, động Thác Bờ là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Thung Nai. Động nằm sâu trong lòng núi và khá hoang sơ, nhưng phong cảnh bên trong thì tuyệt mỹ. Cả rừng nhũ đá đua nhau mọc lên, vươn xuống, với những hình thù kỳ lạ. Sau mùa nước dâng, du khách vào động có thể thưởng ngoạn
hàng đàn cá măng nhỏ xinh bơi lội tung tăng trong làn nước trong vắt. Với những hình ảnh ấy, theo cảm nhận của chúng tôi, Thung Nai thực sự không thích hợp với những trò giải trí ồn ào và quá rầm rộ, thay vào đó là những phút giây tĩnh lặng để có thể thư giãn bên người thân, bạn bè, để hòa mình vào cái không khí trong lành của thiên nhiên, của núi rừng. Như theo chia sẻ của anh Hải người chủ đò và cũng kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch, Thung Nai không chỉ đẹp bởi cảnh vật, con người, mà ngay tại nơi này một vẻ đẹp khác lạ được vẽ lên qua phiên chợ sông Thác Bờ khiến không ít người phải ngẩn ngơ. Chợ sông chỉ họp vào buổi sáng Chủ nhật nhưng cũng tan khá sớm. Do vậy, để có thể khám phá được hết vẻ đẹp của phiên chợ sông này, chúng ta phải đến rất sớm để có thể chứng kiến hình ảnh thuyền, đò tấp nập buôn bán những sản vật mà họ đánh bắt được.
Thung Nai, cái tên mới nghe đã khiến nhiều người phải tò mò mặc dù cách Hà Nội chỉ khoảng 100km, đặc biệt địa danh được ví như “Hạ Long trên cạn” này mùa nào cũng đẹp và lãng mạn. Đẹp nhất vào những ngày Rằm, trăng tròn vành vạnh. Khi đó, chúng ta có thể ngắm ánh trăng dịu dàng soi bóng xuống mặt hồ vào ban đêm tĩnh mịch, hay hòa mình vào đêm lửa trại bập bùng cùng tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng. Trong hơi men chếnh choáng của rượu cần, của những điệu múa xòe, hát đúm đến say lòng người… Thung Nai càng trở nên thơ mộng, khoáng đạt và kỳ vỹ.
Đỗ Đạt
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Đề xuất Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được tăng thêm không quá 15 Phó Giám đốc Sở
Đảm bảo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động ngành Thoát nước Hà Nội
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Tin khác
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Thời sự 23/01/2025 20:53
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng ông Đinh Thế Huynh
Tin mới 23/01/2025 17:04
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội dâng hương tại Nghĩa trang Mai Dịch
Tin mới 23/01/2025 14:42
Thủ tướng bổ nhiệm lại 2 Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
Tin mới 23/01/2025 14:38
“Nghẹt thở” từ TP.HCM về quê đón Tết
Tin mới 23/01/2025 11:57
Bí thư Thành ủy Hà Nội trao Huy hiệu Đảng tại Ba Đình
Tin mới 22/01/2025 16:22
Sửa Luật Quảng cáo: Đảm bảo bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng
Tin mới 22/01/2025 11:39
Hơn 2,7 triệu lượt khách đi tàu metro số 1
Tin mới 20/01/2025 15:24
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt kiều bào tiêu biểu tham dự Chương trình “Xuân quê hương 2025”
Tin mới 19/01/2025 20:11
Hướng dẫn cách tính chế độ nghỉ hưu sớm, thôi việc do sắp xếp bộ máy
Tin mới 18/01/2025 06:17