“Gỡ khó” về vốn cho thị trường bất động sản
Giá căn hộ chung cư ở Hà Nội vẫn “neo” ở mức cao Quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản Thị trường đất nền đón sóng phục hồi những tháng cuối năm |
Tối giản hóa điều kiện vay vốn, giảm lãi suất
Theo Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Hà Thu Giang, 9 tháng năm nay, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng rất cao (tăng 21,86%), cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang dần phát huy hiệu quả.
Các tổ chức tín dụng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhà ở. Đơn cử, chương trình cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP có doanh số cho vay đạt 17.197 tỷ đồng, dư nợ hiện nay là 10.573 tỷ đồng với gần 40 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Hay như đối với Chương trình 120 nghìn tỷ đồng, đến nay, trên cơ sở danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình của 23 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng là 1.091 tỷ đồng, cho ba dự án, số tiền giải ngân đến nay là 105 tỷ đồng; đồng thời đã cam kết cấp tín dụng cho hai dự án với số tiền cam kết là 605 tỷ đồng…
BIDV hiện đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ cho 1 số dự án trong Chương trình 120 nghìn tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ) |
Cùng các gói tín dụng, lãi suất cho vay thời điểm hiện tại cũng được các ngân hàng thương mại kéo giảm về mức thấp nhất từ trước đến nay, thấp hơn trước giai đoạn dịch Covid-19. “Hiện tại lãi suất cho vay cá nhân khoảng 7-8%/năm; tổ chức, doanh nghiệp là 8-9%/năm trong khi cả thế giới lãi suất vẫn còn đang rất cao, nên việc kỳ vọng lãi suất thấp hơn nữa là rất khó”, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) Phạm Như Ánh nhìn nhận.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất động sản phản ánh mức lãi suất này vẫn còn cao và ngân hàng chưa giảm nhanh lãi suất như kỳ vọng. Về điều này, ông Phạm Như Ánh lý giải: Hiện nay, lãi suất huy động ngắn hạn của ngân hàng bình quân có thể ở mức 4,6-5%/năm. Nhưng để cho vay trung, dài hạn ngân hàng cần phải có nguồn vốn dài hạn. Trong khi theo quy định ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. “Giá vốn trung hạn, dài hạn bình quân của MB hiện tại ở mức 6,5-7%/năm, do đó, ngân hàng cho vay trung hạn, dài hạn 9-10% cơ bản hòa vốn.
Hiện tại, MB theo dõi sát sao diễn biến lãi suất, thời gian vừa qua cứ 3 tháng ngân hàng điều chỉnh một lần. Dự kiến đến quý IV/2023 và đầu quý I/2024 các khoản tiết kiệm trung, dài hạn lãi suất cao sẽ hết, và khi giá vốn bình quân của ngân hàng giảm, lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm từ quý II/2024”, ông Phạm Như Ánh bày tỏ.
Bên cạnh vấn đề lãi suất, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh Nguyễn Văn Cường đề xuất Ngân hàng Nhà nước có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản, thực hiện tốt chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, trong điều kiện pháp lý các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài như thời gian qua, ông Cường cũng đề nghị các ngân hàng tối giản hóa các điều kiện cho vay các dự án bất động sản, đồng thời kéo dài thời gian cho vay với doanh nghiệp lĩnh vực cung cấp vật liệu xây dựng, doanh nghiệp thi công giúp các doanh nghiệp giảm áp lực. “Thời gian qua, các nhà thầu, đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng chỉ được vay trong thời hạn từ 6-12 tháng, vô hình trung đã tạo áp lực trở lại với chủ đầu tư”, ông Cường nhận định.
Hoàn thiện các quy định pháp lý
Để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về vốn cho các doanh nghiệp bất động sản, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng khẳng định: Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn liên quan đến tín dụng và trái phiếu; đồng thời mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ thị trường bất động sản, tạo lập nguồn vốn ổn định, lâu dài cho các doanh nghiệp bất động sản.
Ngoài ra, theo đánh giá từ các doanh nghiệp và Hiệp hội bất động sản, bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, giá đất, bàn giao mặt bằng, phân cấp, phân quyền, tổ chức thực hiện,… thì vướng mắc quan trọng nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất tới hơn 70%, đó là vướng mắc về mặt pháp lý.
Nhiều nỗ lực từ phía nhà quản lý nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản. |
Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland Dennis Ng Teck Yow cho biết: Khó khăn về pháp lý chiếm tới 80% các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp bất động sản và gây ra nhiều hệ lụy xấu. Nếu không được giải quyết kịp thời, con số doanh nghiệp giải thể, phá sản trong những tháng tiếp theo sẽ tăng cao. Do đó, đại diện doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án đồng bộ đúng với chỉ tiêu được giao.
Chính phủ và Quốc hội cân nhắc xem xét, kiện toàn Luật Đầu tư để quy trình đầu tư-giao đất-quy hoạch-cấp phép được diễn ra nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm nguồn vốn cho xã hội. Bên cạnh sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ, Novaland cũng mong muốn chính sách tài khóa chung tay hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giãn thuế năm 2023 và nửa đầu năm 2024.
Chia sẻ về những khó khăn pháp lý ảnh hưởng tới việc cấp tín dụng của các ngân hàng, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho hay, BIDV đã 10 lần giảm lãi suất huy động và cho vay, lãi suất cho vay đã giảm hơn 20% so với trước. Các gói nhà ở xã hội rất tích cực tìm kiếm khách hàng để triển khai cho vay nhưng đến nay mới phê duyệt 385 tỷ đồng, giải ngân hơn 25 tỷ đồng.
“Ngoài ra, chúng tôi ban hành gói cho vay nhà ở thương mại giá rẻ với lãi suất rất cạnh tranh, nhưng các dự án vướng mắc pháp lý rất nhiều. Từ năm ngoái đến nay, BIDV phê duyệt khoảng 26.000 tỷ đồng và mới giải ngân 8.000 tỷ đồng, còn lại 18 nghìn tỷ đồng đang chờ các thủ tục pháp lý mới giải ngân được”, ông Lê Ngọc Lâm nêu rõ.
Để tháo gỡ khó khăn trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu nhất là đối với các dự án nhà ở xã hội. Đối với các vấn đề giải ngân, cấp tín dụng, giải pháp về tín dụng, lãi suất,…
Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ theo dõi, bám sát tình hình triển khai Chương trình 120 nghìn tỷ đồng để phối hợp Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững, đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến thời điểm ngày 31/10, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Trong đó, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đến 30/9 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế. Tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng, tự sử dụng chiếm 64%; dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Bộ Tài chính báo cáo bước đầu về tổng kiểm kê tài sản công
Tài chính 23/01/2025 06:49
Hà Nội thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước
Tài chính 21/01/2025 09:02
Tỷ giá USD hôm nay (18/1): Đồng USD tiếp tục tăng
Tài chính 18/01/2025 09:23
Chính thức chuyển giao bắt buộc GPBank cho VPBank và DongA Bank cho HDBank
Tài chính 17/01/2025 16:44
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 chứng khoán sẽ nghỉ giao dịch 5 ngày
Tài chính 17/01/2025 16:42
Hỗ trợ các doanh nghiệp thủ công, truyền thống tiếp cận với công nghệ
Tài chính 13/01/2025 09:57
12 triệu cổ phiếu DDB sẽ giao dịch trên sàn UPCoM ngày 15/1
Tài chính 12/01/2025 14:56
HNX chấp thuận hơn 9,3 triệu cổ phiếu KTT và TKG lên sàn UPCoM ngày 13/1
Tài chính 11/01/2025 17:35
Ngưỡng nợ thuế hoãn xuất cảnh như thế nào là phù hợp
Tài chính 08/01/2025 08:52
Báo chí góp phần vào thành công chung của ngành Tài chính
Tài chính 07/01/2025 21:20