Giao lưu trực tuyến: Nâng cao kiến thức pháp luật Lao động, Luật Bầu cử
Ngày 9/4: Giao lưu trực tuyến "Những điểm mới về chế độ chính sách cho người lao động" Giải đáp vướng mắc cho hơn 300 công nhân, viên chức, người lao động huyện Thường Tín |
Buổi giao lưu trực tuyến nhằm trang bị, nâng cao kiến thức về Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bầu cử cho đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động, qua đó góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp; hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đại biểu tham dự buổi giao lưu. |
Đến dự buổi giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Ngô Văn Tuyến - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Trưởng phòng Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; ông Hà Đông - Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; ông Lê Minh Hiệp - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm; ông Đỗ Văn Tiến - Chánh Văn phòng Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO; các đồng chí đại diện các Ban của Liên đoàn Lao động Thành phố; lãnh đạo Công đoàn các quận, huyện, ngành, thị xã. Đặc biệt tham gia buổi Giao lưu trực tuyến có gần 300 đại biểu là công chức, viên chức, người lao động Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có các chuyên gia: Ông Nguyễn Chí Đoàn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.
8h30: Buổi Giao lưu trực tuyến bắt đầu
Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động (1/5), hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2021 và hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật Lao động, pháp luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”.
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến. |
Mục đích của buổi Giao lưu trực tuyến nhằm trang bị, cập nhật tới đoàn viên, công nhân viên chức lao động và người sử dụng lao động kiến thức pháp luật, nhất là những quy định liên quan đến chế độ, chính sách đối với người lao động được điều chỉnh tại Bộ luật Lao động năm 2019 vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, góp phần sớm đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống.
“Đặc biệt, trước thời điểm cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang tới gần, chúng tôi cũng mong muốn thông qua buổi giao lưu trực tuyến này để thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, giúp mỗi đoàn viên, công nhân viên chức lao động nắm vững những nội dung chính của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là những quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử, từ đó lựa chọn bầu được những người tiêu biểu, có đủ các yêu cầu về phẩm chất, năng lực, uy tín tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp”, Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Lê Minh Hiệp - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm khẳng định, trong thời gian qua, phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động Công đoàn quận Nam Từ Liêm đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị của quận. Tổ chức Công đoàn đã không ngừng phát huy vai trò là người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tổ chức phát động các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao rộng rãi trong người lao động.
Ông Lê Minh Hiệp - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm phát biểu tại buổi giao lưu. |
Để công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, Luật Công đoàn, pháp luật bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp có hiệu quả cần phải bám sát vào sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự lãnh đạo của công đoàn cấp trên, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể; gắn với công tác triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng, nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp; tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; kịp thời tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới,... tới đoàn viên công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động.
“Buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến hôm nay là dịp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, người lao động quận Nam Từ Liêm được giao lưu, trao đổi, học hỏi nhằm nâng cao kiến thức pháp luật về lao động, công đoàn, pháp luật bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026... Ban Tổ chức hi vọng rằng, trong buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay, các đại biểu sẽ đặt nhiều câu hỏi, nêu những vấn đề, những tình huống trong thực tiễn xảy ra cần trao đổi làm rõ để các chuyên gia giải đáp trên tinh thần dân chủ, cởi mở, trao đổi thẳng thắn, để buổi giao lưu thành công tốt đẹp”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm khẳng định.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến cho biết, buổi Giao lưu trực tuyến “Nâng cao kiến thức pháp luật Lao động, pháp luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”, do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm tổ chức là hoạt động vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh ngày bầu cử đang tới rất gần cũng như công tác tư vấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhất là Bộ luật Lao động năm 2019 mới có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 đang là một yêu cầu cấp bách.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến phát biểu tại buổi giao lưu. |
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được ấn định vào ngày 23/5/2021. Công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọng góp phần để ngày bầu cử thật sự là ngày hội của toàn dân.
Thời gian qua, Công đoàn Thủ đô đã và đang tích cực tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó giúp công nhân viên chức lao động thực hiện tốt quyền lợi của mình, chọn lựa những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân. Giao lưu trực tuyến do báo Lao động Thủ đô phối hợp với các cấp Công đoàn tổ chức được đánh giá là kênh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục rất sáng tạo, mang lại hiệu quả, hữu ích với công nhân viên chức lao động.
“Tới dự và chứng kiến những buổi giao lưu trực tuyến mà báo Lao động Thủ đô phối hợp với các cấp Công đoàn tổ chức trong thời gian qua, tôi và các đồng chí trong Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố nhận thấy, nhu cầu tìm hiểu về kiến thức pháp luật, nhất là các chế độ chính sách của người lao động rất lớn, đồng thời những câu hỏi, những băn khoăn của người lao động, thậm chí của cả người sử dụng lao động tại các buổi giao lưu này cũng cho thấy quá trình thực thi pháp luật lao động, việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động trong thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Chính vì vậy, Liên đoàn Lao động Thành phố tiếp tục chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho báo Lao động Thủ đô phối hợp với các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức thêm nhiều các cuộc giao lưu trực tuyến để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Ngô Văn Tuyến bày tỏ.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố cũng mong muốn, với sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bầu cử, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hãy thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi để tìm hiểu rõ về các chính sách này và đề nghị các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiến thức lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn, trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất đối với người lao động.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, báo Lao động Thủ đô, Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm tặng hoa các chuyên gia. |
8h50: Chuyên gia giải đáp câu hỏi
Chị Phạm Thị Nhung (Công ty Cổ phần Sản xuất Hà Thành): Tôi có người quen làm cho một công ty, do dịch Covid-19 nên một số công nhân bị cho nghỉ luân phiên. Một số công nhân bị cho nghỉ không lương dài hạn không biết khi nào gọi đi làm lại, như thế có đúng luật lao động không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trường hợp của chị cũng là trường hợp mà nhiều công ty gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người lao động thiếu việc làm và nghỉ luân phiên. Theo Bộ luật Lao động năm 2019 có 2 hình thức xử lý.
Một là, người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động. Đương nhiên trong thời gian tạm hoãn này người lao động không được hưởng lương trừ khi 2 bên có thỏa thuận khác.
Hai là, nếu người lao động nghỉ việc luân phiên thì trong thời gian đó doanh nghiệp phải chi trả tiền lương nghỉ việc cho họ theo quy định của Bộ luật Lao động. Nếu doanh nghiệp không có sự thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng là vi phạm pháp luật.
Chị Nguyễn Thị Kim Ánh (Công đoàn Công ty Cổ phần Sông Đà 505 ): Bạn tôi là công nhân, ký hợp đồng lao động ghi rõ lĩnh lương vào ngày 5 hằng tháng. Tuy nhiên, đến 20 tháng này bạn tôi vẫn chưa được nhận lương. Phía công ty không báo trước và chỉ nói do đối tác chưa thanh toán tiền hàng. Trường hợp này công ty sẽ bị xử phạt như thế nào?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Về trường hợp thời hạn chi trả tiền lương đã được quy định rõ trong Bộ luật Lao động. Cụ thể, doanh nghiệp phải trả lương theo đúng nội quy lao động. Trường hợp doanh nghiệp chậm trả tiền lương theo quy định đã vi phạm quy định của pháp luật lao động. Đương nhiên, nếu vi phạm thì phải xử lý, xử phạt hành chính theo đúng sai phạm. Theo Nghị định 28, hành vi chậm trả lương cho người lao động sẽ bị phạt hành chính từ 5 triệu đồng - 50 triệu đồng, tùy thuộc vào số người bị chậm lương. Đương nhiên, hành vi chậm trả lương theo đúng quy định đương nhiên là vi phạm pháp luật.
Anh Lê Khắc Mạnh (Công ty Cổ phần Rikkeisoft) đặt câu hỏi liên quan đến hợp đồng đào tạo và hợp đồng ngắn hạn. |
Anh Lê Khắc Mạnh (Công ty Cổ phần Rikkeisoft): Công ty tôi chuyên làm công nghệ, thường tuyển các sinh viên về đào tạo và chúng tôi thường xuyên có các nhu cầu ký các hợp đồng đào tạo và hợp đồng ngắn hạn, tôi muốn hỏi theo luật thì hợp đồng đào tạo có vướng luật bảo hiểm không? Có cần thiết phải ký thời hạn hợp đồng không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trong quy định của Luật Lao động dạy nghề, doanh nghiệp có 2 hình thức tổ chức là gửi đi đào tạo và doanh nghiệp tự đào tạo. Với loại hình doanh nghiệp tự đào tạo để sử dụng thì theo quy định của Luật Lao động thời gian đào tạo không quá 3 tháng và sau đó phải ký kết hợp đồng lao động. Khi lao động làm ra sản phẩm có chất lượng phải trả lương cho sản phẩm họ làm ra và các chế độ phụ cấp khác theo quy định của Luật.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu bổ sung: Đối tượng trong trường hợp này không phải đối tượng đóng bảo hiểm.
Chị Đào Thị Bích Diệp (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Giang): Tại sao người lao động trong doanh nghiệp tư nhân đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương nhưng không được tính trượt giá hàng năm như doanh nghiệp nhà nước tính lương theo hệ số?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định, người lao động hưởng lương do người sử dụng lao động trả thì đều được hỗ trợ trượt giá như nhau chứ không có sự phân biệt về loại hình doanh nghiệp. Nếu chị muốn tìm hiểu cụ thể hơn về trường hợp của cá nhân chị thì liên hệ lại để chúng tôi giải đáp cụ thể hơn.
Chị Nguyễn Phương Hà (Công ty Thú y Xanh): 1. Trường hợp người đang cai nghiện trong trại cai nghiện thì có được tham gia bỏ phiếu bầu không?
2. Theo quy định hiện hành về đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn... nếu doanh nghiệp không tuân thủ sẽ bị xử lý như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Chí Đoàn: Câu 1 bạn hỏi, theo Khoản 5 Điều 29 của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Như vậy, quy định này chỉ áp dụng đối với cử tri là người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đối với cử tri là người tự nguyện xin vào cai nghiện, chữa trị tại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì việc bảo đảm thực hiện quyền bầu cử được xác định như đối với cử tri là người tạm trú quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, nếu đến trước ngày bầu cử những cử tri này trở về nơi thường trú thì được bổ sung tên vào danh sách cử tri ở nơi thường trú để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã. Trường hợp đến ngày bầu cử họ vẫn đang thực hiện việc cai nghiện, chữa trị ở cơ sở cai nghiện, nếu thời gian từ khi bắt đầu cai nghiện, chữa trị tại cơ sở đến ngày bầu cử chưa đủ 12 tháng thì những cử tri này được tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; nếu thời gian từ khi bắt đầu cai nghiện, chữa trị tại cơ sở đến ngày bầu cử là từ đủ 12 tháng trở lên thì họ được tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở cai nghiện.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đối với câu hỏi thứ 2 của bạn thì việc đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện… sẽ được đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng. Đối với trường hợp vi phạm quy định này sẽ phạt tiền từ 12-15% số tiền phải đóng bắt buộc và mức xử phạt có thể lên đến 75 triệu đồng (đối với trường hợp chậm đóng 1-6 tháng). Trường hợp chậm đóng 6 tháng trở lên đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó, trường hợp này sẽ bị phạt tù từ 50-200 triệu đồng và phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm và không giam giữ quá 1 năm. Nếu đơn vị chậm nhiều lần có thể phạt tù từ 2-7 năm và mức phạt từ 500 triệu-1 tỷ đồng.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Về kinh phí công đoàn, theo quy định của Luật Công đoàn, các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn hay không đều phải thực hiện trách nhiệm trích kinh phí đóng công đoàn cho tổ chức Công đoàn với số tiền là bằng 2% tổng quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Trong số 2% này sẽ để lại 70% cho doanh nghiệp để chăm lo cho người lao động, 30% sẽ chuyển về công đoàn cấp trên để tổ chức hoạt động. Theo chế tài nếu đơn vị trốn đóng kinh phí công đoàn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.
Chị Đào Thị Bích Diệp (Công ty TNHH Minh Giang) đặt câu hỏi liên quan đến chế độ nghỉ hưu. |
Anh Phạm Bảo Anh (Công ty Fecon): Hiện nay việc bỏ phiếu bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc nào?
Chuyên gia Nguyễn Chí Đoàn: Đây là câu hỏi rất thú vị. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 và Điều 1 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo 4 nguyên tắc là: Bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và nguyên tắc bỏ phiếu kín.
Tôi xin nói thêm, nguyên tắc bầu cử phổ thông là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử. Theo nguyên tắc này, mọi công dân, không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật (trừ những người bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự). Nguyên tắc này thể hiện tính công khai, dân chủ rộng rãi, đòi hỏi sự bảo đảm để công dân thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của mình.
Bình đẳng là một nguyên tắc quan trọng xuyên suốt quá trình bầu cử, từ khi lập danh sách cử tri cho đến khi xác định kết quả bầu cử. Nguyên tắc này nhằm bảo đảm tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bầu cử và ứng cử; nghiêm cấm mọi sự phân biệt, kỳ thị dưới bất cứ hình thức nào. Nguyên tắc bình đẳng đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, số lượng đại biểu được bầu ở từng địa phương, bảo đảm tính đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội; các dân tộc thiểu số và phụ nữ có tỷ lệ đại diện hợp lý trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực nhà nước. Điều 69 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: Cử tri không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư. Trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Nguyên tắc bỏ phiếu kín bảo đảm cho cử tri tự do lựa chọn người mình tín nhiệm mà không bị tác động bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Theo đó, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Cử tri viết phiếu bầu trong khu vực riêng, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Chị Nguyễn Phương Hà (Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Thú y xanh Việt Nam) đặt câu hỏi liên quan đến đối tượng tham gia bỏ phiếu. |
Chị Nguyễn Thị Hồng (Khách sạn JW Marriott Hanoi): Người lao động ở đơn vị tôi hỏi, trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được 19 năm 2 tháng, nếu muốn hưởng bảo hiểm một lần có được không?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP có quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu đã được quy định tại các điều khoản của Luật Bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội; ra nước ngoài để định cư; người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp sau bạn có thể được rút bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, nếu đủ điều kiện hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì vẫn được nhận mức bảo hiểm xã hội 1 lần.
Chị Phạm Thị Phương (Công ty Cổ phần Bưu chính Thành phố) đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề nợ bảo hiểm xã hội. |
Chị Nguyễn Thu Thảo (Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn ZYF Việt Nam): Tôi xin hỏi các chuyên gia câu hỏi như sau: Bầu cử lại là gì? Có bao nhiêu trường hợp phải bầu cử lại? Việc bầu cử lại phải tuân theo những trình tự, thủ tục nào?
Câu hỏi thứ 2 là: người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chứng minh nhân dân cũ nhưng hiện nay đã làm lại căn cước công dân, vậy điều này có ảnh hưởng gì đến việc giải quyết chế độ cho người lao động hay không?
Chuyên gia Nguyễn Chí Đoàn: Đối với câu hỏi thứ nhất của chị, tôi xin trả lời như sau: Theo quy định của Luật Bầu cử, bầu cử lại là việc bầu cử được thực hiện ở các đơn vị bầu cử mà tại cuộc bầu cử đầu tiên, số cử tri đi bỏ phiếu tại đơn vị bầu cử chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri hoặc việc bầu cử được thực hiện ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong cuộc bầu cử đầu tiên và kết quả bầu cử bị hủy bỏ theo quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, căn cứ vào biên bản do Ban bầu cử đại biểu Quốc hội chuyển đến, đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử lại đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri hoặc kết quả bầu cử lần đầu bị hủy bỏ do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định ngày bầu cử lại đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri sau khi đã báo cáo và được sự đồng ý của Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc kết quả bầu cử lần đầu bị Hội đồng bầu cử quốc gia hủy bỏ do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Trong trường hợp bầu cử lại thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên. Nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai. Danh sách cử tri của cuộc bầu cử lại được lập theo danh sách cử tri trong cuộc bầu cử đầu tiên.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến tặng quà cho công nhân, viên chức, lao động tham gia giao lưu. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu trả lời câu hỏi thứ 2: Việc thay đổi chứng minh thư và căn cước công dân không ảnh hưởng gì đến giải quyết chế độ cho người lao động nhưng người lao động sau khi thay đổi sang căn cước công dân thì cần thông báo lại cho chủ sử dụng lao động để chủ sử dụng lao động báo lại cho bảo hiểm xã hội thay đổi và lưu trữ thông tin.
Chị Đặng Diệu Thu (Công ty Cổ phần Giáo dục Hà Thành): Làm thế nào để biết được đại biểu nào xứng đáng, đại biểu nào không để bỏ phiếu? Hay cứ theo trào lưu chung là gạch bỏ người trẻ vì chưa có kinh nghiệm?
Chuyên gia Nguyễn Chí Đoàn: Việc lựa chọn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật đã trải qua quá trình sàng lọc hết sức chặt chẽ, từ khâu giới thiệu tại cơ quan, đơn vị đến tổ dân phố, lấy ý kiến cử tri… thông qua phương thức đánh giá tại các Hội nghị hiệp thương. Cuối cùng sau Hội nghị hiệp thương lần 3 thì chúng ta sẽ lựa chọn được danh sách những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Theo quy định và quá trình sàng lọc những người trong danh sách ứng cử đều đã đủ tiêu chuẩn đại biểu theo quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo dân chủ cử tri hoàn toàn có quyền lựa chọn người mình tin tưởng. Do đó, cử tri nên nghiên cứu kỹ các tiêu chuẩn, quy định của pháp luật về tư cách đại biểu, nghiên cứu tiểu sử của ứng cử viên, quá trình công tác, cống hiến của ứng cử viên… Từ đó, chúng ta sẽ bầu ra người xứng đáng nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội tặng quà cho công nhân, viên chức, lao động. |
Chị Nguyễn Thị Thu Hường (Khách sạn JW Marriott Hanoi): Người lao động nộp đơn xin nghỉ việc với thời hạn báo trước 30 ngày. Tuy nhiên còn 7 ngày nữa người lao động đã tự ý nghỉ việc và không đi làm. Xin hỏi trong trường hợp này người sử dụng lao động được áp dụng chế tài gì?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trong trường hợp này, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do. Người lao động chỉ cần báo trước với người sử dụng lao động; cụ thể với loại hợp đồng không xác định thời hạn là 45 ngày; với hợp đồng từ 12 - 36 tháng là 30 ngày. Trường hợp của chị là hợp đồng lao động thời hạn 12 - 36 tháng, người lao động làm việc đến 10 ngày nghỉ luôn do đó chưa hết thời gian báo trước. Thứ nhất, đây là hành vi chấm dứt hợp đồng trái pháp luật nên không được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của Bộ luật Lao động; thứ 2, người lao động phải bồi thường lại cho doanh nghiệp số ngày nghỉ không báo trước (trường hợp này là 20 ngày); thứ 3, bồi thường cho người sử dụng lao động tiếp nửa tháng lương của người lao động đó cho doanh nghiệp.
Chị Bùi Thu Hương (Công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư Viên Thành): Tôi xin hỏi các chuyên gia 2 câu hỏi như sau. Thứ nhất, trường hợp phiếu bầu bị hỏng có được đổi phiếu bầu khác hay không? Thứ 2, tôi xin hỏi quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn cấp trên đối với người lao động ở cơ quan, doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Chí Đoàn: Đối với câu hỏi thứ nhất, tôi xin trả lời bạn như sau: Khi đi bầu cử mà phiếu bầu bị hỏng thì cử tri hoàn toàn có quyền được đổi phiếu bầu, tuy nhiên, tôi cũng lưu ý là cử tri nên nghiên cứu kỹ danh sách ứng cử, tiểu sử người ứng cử để bầu cho chính xác, trong trường hợp sơ suất mà gạch hỏng, gạch sai thì cần phải thay đổi phiếu bầu ngay.
Chị Bùi Thu Hương (Công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư Viên Thành) đặt câu hỏi về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn cấp trên đối với người lao động ở cơ quan. |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Đối với câu hỏi thứ 2 tôi xin trả lời như sau, vai trò của công đoàn cấp trên tại doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở được quy định tại Điều 37 Luật Công đoàn. Theo đó, đối với doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của toàn bộ người lao động tại doanh nghiệp đó khi người lao động đề nghị, có nghĩa là trong trường hợp này, công đoàn cấp trên cơ sở đóng vai trò như công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp.
Chị Phạm Thị Phương (Công ty Cổ phần Bưu chính Thành phố): Trong bầu cử nếu có những sự kiện bất ngờ làm gián đoạn bỏ phiếu thì cần xử lý thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Chí Đoàn: Theo quy định tại Điều 71 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục trong ngày bầu cử. Trường hợp có những sự kiện bất ngờ làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu, thì Tổ Bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cho Ban bầu cử biết, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục. Trường hợp vì lý do đặc biệt phải hoãn ngày bỏ phiếu, thì Tổ bầu cử phải kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử biết để đề nghị Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định. Nói chung phải hết sức bảo vệ kết quả bầu cử. Qua đây tôi cũng đề nghị cử tri tích cực tham gia bầu cử, nỗ lực để bảo vệ kết quả bầu cử tốt đẹp.
Chị Phạm Thị Phương hỏi thêm: Trường hợp công ty nợ bảo hiểm xã hội trong khi người lao động vẫn phải trích lương trả bảo hiểm, vậy người lao động nghỉ sinh thì có được đảm bảo quyền lợi? Xin chuyên gia cho biết trường hợp công ty tôi thường thuê người lao động đi thu tiền, nhưng người lao động đi thu xong thì “bùng” vậy công ty có thể xử lý như thế nào?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Về việc nợ bảo hiểm, thực sự trường hợp này chúng tôi cũng đang tích cực tìm các biện pháp hữu hiệu để khắc phục. Với người lao động, khi nào doanh nghiệp đóng đủ thì người lao động sẽ đủ điều kiện để hưởng các chế độ.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định, trường hợp “bùng” tiền này hoàn toàn có thể áp dụng vào hành vi trộm cắp tài sản bởi bản chất của nó là chiếm đoạt tài sản. Ở đây doanh nghiệp phải chứng minh được lỗi để sa thải. Quá trình xét kỷ luật phải có nội quy lao động, chứng minh được lỗi của lao động, quá trình xét kỷ luật phải có sự tham gia của tổ chức Công đoàn và có biên bản. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể trình báo cơ quan công an để có hình thức xử lý pháp luật phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (Công ty TNHH Xây dựng ZYF Việt Nam) đặt câu hỏi: Bầu cử lại là gì và có bao nhiêu trường hợp phải bầu cử lại. |
Chị Đỗ Thị Xuân Nhung (Trường Trung học cơ sở Lý Nam Đế): Hiện em họ tôi đã ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi cư trú tại huyện Hoài Đức, nhưng dự kiến tháng 5 em họ tôi ra nhà bố mẹ sinh sống ở quận Hoàng Mai thì em họ tôi có được bầu cử ở quận Hoàng Mai không hay phải quay về nơi cư trú?
Chuyên gia Nguyễn Chí Đoàn: Theo Điều 29 đến Điều 34 Luật Bầu cử, tất cả cử tri được quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình cư trú hoặc tạm trú. Người thân bạn cư trú ở huyện Hoài Đức thì đã được ghi vào danh sách tại huyện, ngày 3/4/2021 vừa qua đã là ngày cuối cùng các tổ bầu cử niêm yết danh sách cử tri tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra.
Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24h, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình, đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Nam Từ Liêm Phùng Mạnh Dũng tặng quà cho công nhân, viên chức, lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu. |
Chị Nguyễn Thị Luyến (Trường Mầm non Cầu Diễn): Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp được quy định như thế nào? Ngoài ra, xin cho biết quy cách gạch phiếu bầu khi đi bầu cử?
Chuyên gia Nguyễn Chí Đoàn: Tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau, nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng nhân dân là 5 năm kể từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau. Chậm nhất là 45 ngày trước khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân khóa mới phải được bầu xong. Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về quy cách gạch phiếu bầu khi đi bầu cử, nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu. Khi cử tri gạch phiếu bầu, không ai được xem, kể cả các thành viên Tổ bầu cử. Nếu cử tri gạch nhầm hoặc bị hư hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác. Cử tri không thể tự gạch phiếu bầu thì nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Người gạch phiếu phải đọc đầy đủ họ và tên những người ứng cử trên phiếu bầu để cử tri tự mình quyết định. Người gạch hộ phiếu bầu phải ghi trung thực ý muốn của cử tri nhờ viết hộ và bảo đảm bí mật phiếu bầu. Khi viết hộ phiếu bầu xong phải giao lại phiếu bầu cho cử tri để cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu. Người khuyết tật không thể bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Chị Bùi Thị Kim Anh (Công ty Cổ phần Dịch vụ trường học Quang Minh): 1. Trong trường nào được nhờ người đi bỏ phiếu hộ? 2. Trường hợp đúng ngày bầu cử đúng ngày đi làm của người lao động, người lao động nghỉ việc đi bầu cử có bị trừ lương không?
Chuyên gia Nguyễn Chí Đoàn: Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân. “Nguyên tắc bỏ phiếu” thì mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Cử tri phải tự mình trực tiếp đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay. Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Trừ trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Còn trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử…
Về nội dung thứ 2, nếu ngày bầu cử đúng ngày đi làm của người lao động, người lao động nghỉ việc đi bầu cử có bị trừ lương không? Tôi xin trả lời, theo quy định pháp luật về bầu cử, chưa có quy định cử tri được phép nghỉ làm để đi bầu cử; pháp luật bầu cử cũng đã quy định, tổ chức thường vào ngày chủ nhật. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế đa thành phần hiện nay, vẫn có nhiều doanh nghiệp làm việc trong ngày chủ nhật. Tuy nhiên, việc bầu cử được tổ chức ở một khu vực trong dân cư, cơ sở kinh doanh nhất và bầu cử trong 12h, nên doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động, tạo điều kiện để người lao động tổ chức bầu cử mà không ảnh hưởng đến công việc chung. Trên thực tế, trong những năm qua, chưa thấy có trường hợp nào người bầu cử, cử tri đi bầu cử bị trừ lương.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Nghị định 145 của Chính phủ về Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định rất rõ: Thời gian người lao động được hưởng lương, trong đó có thời gian thực hiện nghĩa vụ công dân. Việc bầu cử là việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Sáng chủ nhật là ngày làm việc của doanh nghiệp thì người lao động đi bầu cử vẫn được hưởng lương.
Nguyễn Thị Lệ Xuân (Công ty Cổ phần Rikkeisoft): Người lao động bị bệnh tim mạch phải khám bệnh hàng tháng theo yêu cầu của bác sĩ. Vậy những ngày đi khám đó thủ tục sẽ do doanh nghiệp trả lương hay cơ quan bảo hiểm xã hội? Thủ tục như thế nào?
Người lao động làm việc tại 1 Công ty 3 năm có tham gia bảo hiểm xã hội, sau đó xin nghỉ và không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Sau 2 năm, người lao động lại xin làm ở 1 Công ty khác và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, xin hỏi có được cộng nối bảo hiểm xã hội không?
Bảo hiểm xã hội có cả bảo hiểm y tế điện tử, khi nào thì được sử dụng bảo hiểm y tế điện tử thay cho thẻ bảo hiểm y tế giấy hiện nay?
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Người lao động bị ốm đau, tai nạn không phải điều trị dài ngày mà chỉ đi khám thì coi như là ngày nghỉ ốm, trường hợp này nếu có giấy chứng nhận của cơ quan y tế nơi khám bệnh thì người lao động sẽ được hưởng lương do bảo hiểm xã hội y tế chi trả; còn nếu người lao động xin phép chủ sử dụng lao động và được người sử dụng lao động đồng ý thì người sử dụng lao động sẽ chi trả lương cho người lao động.
Về trường hợp nghỉ ngắt quãng bảo hiểm xã hội trong 3 năm mà bạn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì vẫn được cộng dồn; chỉ có đối với bảo hiểm y tế thì bạn không được nghỉ ngắt quãng quá 3 tháng mới được hưởng quyền lợi đóng 5 năm liên tục. vì thế nếu trong trường hợp bắt buộc phải nghỉ ngắt quãng thì bạn nên tham gia bảo hiểm y tế gia đình để đảm bảo quyền lợi của mình.
Về thẻ bảo hiểm y tế điện tử trên ứng dụng VssID, hiện nay đang được sử dụng tại 10 tỉnh miền Trung, còn đối với với Hà Nội thì bảo hiểm xã hội đang kiến nghị Bộ Y tế quyết định, dự kiến hết tháng 4 đầu tháng 5 sẽ được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử trên VssID tại Hà Nội.
Anh Đỗ Văn Tuấn (Văn phòng Hãng hàng không Nhật Bản tại Việt Nam): 1. Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là bao nhiêu %? 2. Tôi được biết từ 2021, việc tạm ứng tiền lương của người lao động sẽ có thay đổi, xin cho biết cụ thể những thay đổi này. 3. Văn phòng tôi đặt trong nội thành nhưng 2/3 nhân viên làm việc tại sân bay Nội Bài. Khi tham gia bảo hiểm xã hội, những năm trước đây chúng tôi được lựa chọn nơi khám sức khỏe, gần nhất chỗ làm. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại phải khám ở nơi rất xa. Như vậy phải làm như nào để giải quyết vấn đề này?
Chuyên gia Nguyễn Chí Đoàn: Ngày 11/01/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 để dự kiến số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Theo đó, số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.
Anh Đỗ Văn Tuấn (Văn phòng hãng Hàng không Nhật Bản tại Việt Nam) đặt câu hỏi: Cho tôi hỏi phần trăm người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội? |
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Bộ luật Lao động quy định về việc tạm ứng tiền lương cho người lao động như sau: Người lao động được tạm ứng khi nghỉ phép năm hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 1 tháng lương và phải hoàn lại số tiền đã tạm ứng trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra, khi người lao động có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau… thì việc tạm ứng do người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận với nhau.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Về quy định, nơi khám chữa bệnh ban đầu đã được nêu rất rõ trong Luật là phù hợp với nơi làm việc và nơi ở của đơn vị, người lao động. Với trường hợp này chúng tôi cũng chưa rõ nguyên nhân tại sao, tuy nhiên anh nên lưu ý một số lý do như: doanh nghiệp chủ động đăng ký khám tại bệnh viện đó. Bên cạnh đó, các bệnh viện tràn số thẻ quy định cũng có thể bị đổi nơi khám chữa bệnh. Thủ tục đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu rất đơn giản, trong vòng 1 tháng đầu tiên của quý, đơn vị và người lao động có thể đề nghị trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bế mạc buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, hàng năm, báo Lao động Thủ đô tổ chức hơn 10 cuộc giao lưu trực tuyến nhằm tuyên truyền kiến thức pháp luật cho đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động và cả người sử dụng lao động. Hôm nay là buổi giao lưu trực tuyến thứ hai với chủ đề "Nâng cao kiến thức pháp luật Lao động, pháp luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026", sau gần 3h đồng hồ, với rất nhiều cầu hỏi tập trung liên quan đến các chế độ, chính sách đối với người lao động như: Tuổi nghỉ hưu, chế độ bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thưởng, những quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp…
Do thời lượng có hạn vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc chưa được trả lời tại buổi giao lưu hôm nay, báo Lao động Thủ đô sẽ gửi tới cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục Tư vấn pháp luật trên báo Lao động Thủ đô.
Xem hình ảnh của chương trình tại đây
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Brighton vs Everton: 3 điểm nằm trong tay đội chủ nhà
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/1: Sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Wolves vs Arsenal: Pháo thủ phải thắng để tiếp tục cuộc đua
Giá vàng hôm nay (24/1): Đồng loạt giảm nhẹ
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Tin khác
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Vì lợi ích đoàn viên 23/01/2025 20:53
Công đoàn Viên chức Việt Nam tặng quà Tết cho đoàn viên, người lao động huyện Phúc Thọ
Công đoàn 23/01/2025 13:03
Bình Dương: Chuyến tàu nghĩa tình đưa 200 lao động khó khăn đầu tiên về quê đón Tết
Đề án TLĐ 23/01/2025 11:29
Đoàn viên công đoàn quận Hai Bà Trưng tranh tài bày mâm ngũ quả ngày Tết
Hoạt động 23/01/2025 09:07
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội
Hoạt động 22/01/2025 17:45
Tổ chức chợ Tết Công đoàn cho đoàn viên, người lao động quận Ba Đình
Hoạt động 22/01/2025 16:47
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Ra mắt Nghiệp đoàn lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở phường Ngọc Thụy với 81 đoàn viên
Hoạt động 21/01/2025 22:14
Rộn ràng Hội thi gói bánh chưng và bày mâm cỗ, mâm quả ngày Tết
Vì lợi ích đoàn viên 21/01/2025 21:49
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai thăm, chúc Tết và tặng quà người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 21/01/2025 19:57