Gian nan chống hàng giả, hàng lậu dịp cận Tết
Tăng cường quản lý thị trường hàng hóa dịp Tết Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020 Đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng: Phát huy sức mạnh các mũi giáp công |
Diễn biến phức tạp
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước và đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đang có chiều hướng phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán. Nhiều vụ việc được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý thời gian gần đây.
Cụ thể, tại tỉnh Lào Cai, ngày 3/1/2021, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Lào Cai và Đội kiểm soát liên ngành chống buôn lậu bắt giữ 700 kg thực phẩm đông lạnh và 1.896 khẩu súng đồ chơi trẻ em bằng nhựa do nước ngoài sản xuất. Toàn bộ số hàng trên không có hóa đơn, chứng từ. Trong khi đó, tại Hà Giang, Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường Hà Giang đã phát hiện 150kg tam thất củ không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lô hàng có tổng giá trị gần 70 triệu đồng.
Hàng xách tay vẫn được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng (Ảnh: Lê Thắm) |
Tương tự, tại Lạng Sơn, những ngày cuối năm 2020, lực lượng chức năng tỉnh này đã liên tiếp phát hiện và thu giữ nhiều phương tiện đang vận chuyển số lượng lớn hàng may mặc, thực phẩm được các đối tượng mua gom hàng lậu, hợp thức hóa bằng hóa đơn và đưa vào các tỉnh nội địa tiêu thụ. Qua kiểm tra, xét thấy số hàng hóa trên chưa rõ nguồn gốc, lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ để xác minh.
Nghiêm trọng hơn, trước đó, chỉ trong ngày 31/12/2020, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội và Bắc Ninh đã thu giữ trên 15 tấn hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm tra 10 điểm kinh doanh trong khu vực trung tâm thương mại Sơn Long (khu chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội). Tại đây, 3 Đội Quản lý thị trường số 8, số 14 và số 17 đã nhanh chóng ập vào những điểm đã được trinh sát từ trước.
Ngay sau khi lực lượng chức năng xuất hiện, các cửa hàng còn lại đã nhanh chóng thu dọn hàng hóa, đóng cửa quầy kinh doanh, tắt điện, vội vàng ra về. Số còn lại vận chuyển hàng hóa đi nơi khác để “né” sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Sau đợt truy kích này, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ được gần 3.000 sản phẩm có dấu hiệu nhái các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Nike, Adidas, LV. Xử phạt vi phạm hành chính lên đến hàng trăm triệu đồng.
Cùng ngày, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đã kiểm tra khu vực tập kết hàng tại địa bàn xã Đình Bảng (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Sau 1 đêm mật phục, lực lượng Quản lý thị trường đã “tóm gọn” 6 xe chở hàng với khoảng 15 tấn hàng hóa di chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội đang tập kết tại xã Đình Bảng. Điểm đặc biệt của lô hàng này là trên mỗi bao tải đều ghi rõ tên từng người nhận. Có cả những dòng chữ nước ngoài và những ký hiệu, bí danh đặc biệt của người nhận. Toàn bộ số hàng hóa này đều là mặt hàng thời trang, túi xách có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như LV, Versace, Burberry…
Không chỉ nóng với các mặt hàng được bày bán trực tiếp, hiện nay hàng lậu, hàng giả, hàng nhái cũng đang nở rộ dưới hình thức kinh doanh online với nhiều chiêu trò biến tướng gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Đơn cử như hàng xách tay, nhập lậu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. minh chứng rõ ràng nhất là mới đây, Apple vừa ra mắt bốn mẫu iPhone 12 bao gồm iPhone 12 Mini, iPhone 12 tiêu chuẩn và hai bản nâng cấp 12 Pro và 12 Pro Max.
Ngay sau buổi ra mắt, rất nhiều cửa hàng chuyên bán iPhone xách tay đều cho khách hàng đặt cọc trước các phiên bản iPhone 12. Mức đặt cọc dao động từ 500.000 - 1 triệu đồng. Hay các mặt hàng thực phẩm chức năng, sữa, mỹ phẩm, giày dép, túi xách… vẫn được các tiểu thương bán trên mạng bình thường, nhưng không ghi là hàng xách tay, mà chỉ khi khách hỏi mới nói rõ.
Theo chia sẻ của một tiểu thương chuyên bán hàng Úc xách tay trên facebook, với khách lẻ, các hoạt động buôn bán trên mạng vẫn diễn ra bình thường. Tất cả việc trao đổi giờ được chuyển dịch vào các nhóm, diễn đàn và không công khai ra ngoài như trước. Còn đối với việc buôn bán trên các sàn thương mại điện tử, các tiểu thương cũng “né” sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng bằng cách viết lái tên mặt hàng.
Chẳng hạn như túi xách Dior thì sẽ lẩn tránh bằng từ “Dio” hoặc “D.I.O.R”… đồng thời làm mờ, lấy vật che logo hàng chính hãng... Thậm chí, một nhóm chuyên bán hàng châu Âu trên mạng còn sẵn sàng chia sẻ cách không bị lực lượng chức năng tuýt còi như sẽ giao dịch tại một điểm không phải là cửa hàng chính. Hay đối với các cửa hàng thì sẽ tháo gỡ biển hiệu buôn bán hàng xách tay ngoại nhập, chuyển sang bán hàng online, hoặc “núp” bóng kinh doanh mặt hàng khác, khi nào có khách hỏi sẽ bán.
Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Có thể thấy, dịp cận Tết là thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Lợi dụng dịp này, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để trà trộn, đưa ra lưu thông trên thị trường. Thông thường, hàng giả, hàng nhái tập trung ở các nhóm sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân như quần áo, giày dép, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo; các mặt hàng điện tử, điện lạnh; mặt hàng khẩu trang, cồn rửa tay, thiết bị dụng cụ y tế…
Nhiều người dân vẫn còn tư tưởng sính ngoại thích hàng xách tay trên mạng (Ảnh minh họa: Lê Thắm) |
Đặc biệt, năm nay tình hình dịch Covid-19 khiến cho thị trường gặp nhiều biến động, việc khan hiếm hàng hóa như vật tư y tế phòng, chống dịch khiến nhiều đối tượng vì chạy theo lợi nhuận đã tổ chức sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng hóa kém chất lượng, giả mạo nhãn hàng, bao bì, tên thương mại, địa chỉ của các doanh nghiệp uy tín, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ… gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả với quy mô, số lượng lớn có dấu hiệu gia tăng và ngày càng khó kiểm soát.
Chia sẻ với báo chí tại buổi Giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 29/12/2020, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, lợi dụng sự thiếu quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, sự thiếu hiểu biết và không được cập nhật kiến thức, thông tin đầy đủ của người tiêu dùng về phân biệt hàng thật, hàng giả, các đối tượng đã tìm cách nhập lậu hàng giả mang nhãn mác của Việt Nam hoặc thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài có nhu cầu tiêu thụ cao, cung cấp ra thị trường. Hành vi này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp Việt.
Trước tình hình trên, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, nguồn gốc xuất xứ và đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra hơn 5.700 vụ về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Trong đó xử lý 5.616 vụ với tổng số tiền là hơn 133,5 tỷ đồng. Trong đợt cao điểm triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường (từ 15/11/2020-15/12/2020) Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 677 vụ với tổng số tiền xử lý là hơn 9,1 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính là hơn 3,9 tỷ đồng; tịch thu hàng hoá vi phạm trị giá hơn 1,4 tỷ đồng; xử lý tiêu huỷ, tái chế buộc thay đổi mục đích sử dụng hàng hoá vi phạm trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.
Thời gian tới, để phục vụ nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 an toàn, lành mạnh, Cục Quản lý thị trường Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm là đấu tranh, phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng cấm (pháo, thuốc lá), thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, rượu, bia, nước giải khát… Ngoài ra, các Đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các kho, các điểm tập kết hàng hoá, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống, chế biến trên địa bàn được phân công quản lý.
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển thực phẩm vào Thủ đô gắn với các chốt kiểm dịch động vật liên ngành. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng với lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội, để ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, trong những tháng cuối năm và Tết Tân Sửu, Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường. Theo đó, yêu cầu Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch Covid-19; mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Tân Sửu 2021.
Theo đó, từ nay đến Tết Nguyên đán, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác điều tra, nắm tình hình thị trường; lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu lớn. Xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm tại những địa bàn trọng điểm.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn triệt để hàng lậu, đòi hỏi các hộ kinh doanh chấp hành quy định của pháp luật; phát hiện, tố giác các đối tượng, cơ sở buôn lậu, để lực lượng chức năng đẩy mạnh “triệt xóa” ổ nhóm hàng lậu, hàng giả, nhất là thời điểm cuối năm.
Có thể thấy, với sự nỗ lực của lực lượng chức năng, thời gian qua, nhiều mặt hàng nhái, hàng lậu đã được phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, với tâm lý dễ dãi trong mua sắm của người tiêu dùng đã tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái thương hiệu xuất hiện trên thị trường. Do đó, các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Khi tham gia mua, bán những mặt hàng này, quyền lợi của chính người mua cũng bị xâm phạm và còn “tiếp tay” cho các đối tượng có hành vi bất chính làm ảnh hưởng đến thị trường và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cần phản hồi ngay với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng để các đơn vị liên quan nhận biết đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính mình mà còn góp phần để thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Đặc sắc lễ hội hương bưởi Tân Triều
Tiêu dùng 17/01/2025 14:48
Mở cửa Phòng trưng bày nhận diện hàng thật - giả dịp cận Tết
Tiêu dùng 14/01/2025 22:36
Central Retail chung tay bình ổn thị trường cao điểm Tết qua “Lễ hội thịt heo”
Tiêu dùng 11/01/2025 20:22
Đổi mới nhiều hoạt động kết nối đầu tư sản xuất và xúc tiến thương mại
Tiêu dùng 05/01/2025 17:05
Cập nhật sinh trắc học trước “giờ G”: Khách hàng không nên “đủng đỉnh”!
Tiêu dùng 26/12/2024 08:47
Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc
Kinh tế 22/12/2024 18:31
Giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu của Hà Nội tại Tiền Giang
Tiêu dùng 20/12/2024 21:45
Quảng cáo trên mạng: Sẽ xử lý nghiêm các vi phạm
Tiêu dùng 19/12/2024 17:39
EVNHANOI tri ân khách hàng sử dụng điện năm 2024
Tiêu dùng 14/12/2024 11:00
Dồi dào nguồn cung hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Tiêu dùng 13/12/2024 11:52