-->

Công an Hà Nội - Mũi xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19

Trong "cuộc chiến" cam go, vất vả với đại dịch Covid-19, cùng với lực lượng Y tế, Quân đội... lực lượng Công an nhân dân cũng không ngại khó khăn, gian khổ, luôn phát huy vai trò xung kích, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, nhằm khống chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Từ vụ xưng "VTV", cần xử lý nghiêm hành vi chửi bới, xúc phạm người thi hành công vụ Xuyên đêm bám chốt kiểm soát trên các tuyến đường nội đô

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ

Bắt đầu từ 6h ngày 14/7, Công an thành phố Hà Nội chính thức triển khai lập 22 chốt (hiện nay 23 chốt) kiểm soát dịch Covid-19 đối với người và phương tiện ra vào cửa ngõ Thủ đô. Tất cả các tổ sẽ trực 24/24h, điều đó đồng nghĩa, các đơn vị trực thâu đêm suốt sáng tại các chốt nhằm kiểm tra rà soát việc thực hiện quy định phòng dịch của các cá nhân, tài xế, để bảo đảm xây dựng một tấm khiên chống dịch vững chắc ngay tại các cửa ngõ Thủ đô.

Những ngày giữa tháng 8, chúng tôi có dịp theo chân các chiến sĩ của Đội Cảnh sát giao thông số 11, thực tế 1 ngày làm việc. Thức dậy từ 5h sáng, Trung tá Bùi Xuân Phương, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 11 cùng các đồng đội tiến hành chuẩn bị quân phục cho ca trực của mình.

Là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh trung du miền núi Tây Bắc, hơn một tháng nay đoạn đường Hòa Lạc - Hòa Bình (địa bàn huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã trở thành "trận địa" của Đội Cảnh sát giao thông số 11, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội trên phòng tuyến chống Covid-19. Mỗi ngày, lưu lượng phương tiện di chuyển qua đây rất lớn, việc tiếp xúc gần với các tài xế là việc không thể tránh khỏi. Ở tuyến đầu, những chiến sĩ làm nhiệm vụ là những người có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Công an nhân dân - Mũi xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19
Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch Hòa Lạc - Hòa Bình (địa bàn huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Theo Trung tá Bùi Xuân Phương, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 11, thời gian trực các chốt được chia làm 4 ca, mỗi ca dài kéo 6 tiếng và luân phiên thay đổi. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ trực chốt, đa phần các chiến sĩ đều sinh hoạt tại đội vì ngoài công việc trực chốt còn phải đảm bảo các nhiệm vụ khác như tuần tra giao thông, thực hiện các công việc cứu hộ cứu nạn, trực ban cơ quan.

Tuy vậy, khi được hỏi về những khó khăn, vất vả trong quá trình tham gia trực chốt, các chiến sĩ cảnh sát giao thông đều khẳng định, khó khăn hay vất vả cũng sẽ cố gắng hoàn thành vì đây là trách nhiệm của bản thân và nhiệm vụ đối với nhân dân.

"Đã lâu rồi, anh em trực chốt dường như không có khái niệm về thời gian, hay ngày nghỉ cuối tuần, tất cả đều theo lịch trực luân phiên. Nhiều người có con nhỏ vừa mới sinh nhưng cũng không thể về thăm được. Mỗi lần anh em gọi điện về nhà, không khí của cả đội sôi nổi hơn hẳn, tiếng cười đùa của con trẻ vang lên, những câu hỏi quan tâm rất đỗi thường ngày như "hôm nay con ăn gì?, mẹ mua sách vở cho năm học mới chưa?...", trở nên thật ấm áp, thân thương..", Trung tá Bùi Xuân Phương chia sẻ.

Công an nhân dân - Mũi xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19
Những cơn mưa như trút nước, khiến cho nhiệm vụ bám chốt của cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 11 vất vả nhiều hơn.

Ngay từ khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ra Chỉ thị 17 về việc áp dụng giãn cách xã hội, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã triển khai các chốt kiểm dịch, trong đó có nhiều chốt giáp ranh với nhiều địa phương như Hà Nam, Hòa Bình nên lượng phương tiện vận tải "luồng xanh" ra - vào tại các chốt này khá nhiều.

Thượng tá Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Công an huyện Chương Mỹ, cho biết, các chốt giáp ranh đa phần đều là nơi hẻo lánh, lượng dân cư ít nhưng xe cộ qua lại nhiều, chúng tôi cũng rất khó khăn khi tính toán đến vị trí đặt chốt bởi địa hình hiểm trở một bên là đồi núi, một bên là vực sâu. Những khi thời tiết không thuận lợi như ngày mưa bão, anh em trực chốt thật sự càng khó khăn, vất vả.

Tại chốt giáp ranh xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) với huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), chúng tôi tận mắt chứng kiến sự khó khăn, vất vả của những cán bộ, chiến sĩ cùng các lực lượng dân quân, y tế.

Tại đây, một chiếc lán được dựng tạm làm nơi ăn nghỉ, tránh nắng, trú mưa cho lực lượng của chốt trong hơn 1 tháng qua. Vài thùng mỳ tôm, vài thùng nước cùng ít hoa quả... xếp ngay ngắn ở vị trí cao nhất trong lán.

Công an nhân dân - Mũi xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19
Chốt kiểm soát xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, giáp ranh giữa tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội.

Theo một cán bộ trực chốt, bữa ăn cũng chỉ là gói mỳ tôm úp vội nhưng cũng không phải tất cả cùng ngồi ăn mà lần lượt từng người thay phiên nhau ăn tranh thủ rồi ra thay cho người khác vào ăn. Trời nắng thì nóng, trời mưa thì dột, thậm chí có đêm bất ngờ gặp mưa lớn, cán bộ chiến sĩ cùng anh em trực chốt phải thức đêm để gia cố lán trại, khơi rãnh để thoát nước.

Đại úy Phạm Văn Hiếu, Phó trưởng Công an xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ cho biết, chốt giáp ranh giữa tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội, hàng ngày có rất nhiều xe "luồng xanh" đi qua, anh em luôn tập trung cao độ, đảm bảo kiểm soát toàn bộ người và phương tiện lưu thông qua chốt. Để quá trình cho xe thông chốt nhanh chóng nhưng đảm bảo an toàn, các cán bộ thực hiện đúng và đủ các quy trình đảm bảo an toàn phòng dịch. Đặc biệt là việc sử dụng mã QR Code kiểm tra đối với các phương tiện vận tải "luồng xanh" giúp quá trình kiểm tra, xác minh đối với các phương tiện được thực hiện nhanh và chính xác hơn.

"Thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch tuy có khó khăn, vất vả nhưng với những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế đang căng mình ở vùng tâm dịch, ở các cơ sở cách ly, điều trị bệnh nhân dương tính với Covid-19 còn khó khăn gấp nhiều lần. Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, bám chốt, bám đường, nhất định mình và toàn Đội sẽ giữ vững phòng tuyến, ngăn chặn sự lây lan của dịch từ bên ngoài vào Thành phố”, Đại úy Phạm Văn Hiếu khẳng định quyết tâm.

Công an nhân dân - Mũi xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19
Xuyên đêm bám chốt kiểm soát trên các tuyến đường nội đô.

Cũng như những "lá chắn thép" nơi cửa ngõ ra - vào Thành phố, thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn Thủ đô đã lập chốt, tăng cường tuần tra trên một số tuyến đường, thực hiện kiểm tra, kiểm soát bất kể ngày đêm các trường hợp ra ngoài đường khi không có nhiệm vụ cần thiết. Qua đó đã xử lý một số trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Tại các chốt kiểm soát dịch, các cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực hết mình, không ngại khó khăn, gian khổ. Dưới cái nắng nóng, oi bức của những ngày tháng 8, trong bộ quân phục ướt đẫm mồ hôi, Đại úy Đoàn Ngọc Việt, Phó trưởng Công an phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa chia sẻ, trong quá trình làm nhiệm vụ, dưới thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa rào bất chợt, cái nắng ngày chói chang, gay gắt, nhất là dịch bệnh nguy hiểm, những cán bộ, chiến sĩ phải đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Nhưng xác định được nhiệm vụ quan trọng, với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, mỗi cán bộ, chiến sĩ vẫn từng ngày, từng giờ vượt nắng, thắng mưa, kiên trì thực hiện nhiệm vụ, góp công sức của mình cùng với chính quyền và nhân dân chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh.

Hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân

Bên cạnh việc không ngại khó khăn, gian khổ, ngày đêm căng mình bám chốt giữa nắng nóng, mưa gió, bão lũ, để duy trì trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, đồng thời cùng các lực lượng khác kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, các cán bộ, chiến sĩ còn có nhiều hành động dũng cảm, kịp thời, giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19.

Điển hình như mới đây, Thiếu tá Nguyễn Thanh Phúc, Tổ trưởng Tổ Cảnh sát trật tự Công an phường Khương Thượng, quận Đống Đa đã dũng cảm nhảy xuống hồ Hố Mẻ để cứu người phụ nữ đang mang thai, có ý định tự tử.

Thời điểm đó, tổ công tác của Công an phường Khương Thượng, quận Đống Đa (Hà Nội) khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phòng, chống Covid-19 và giải quyết trật tự đô thị trước cổng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phát hiện một người đang ở dưới hồ, cách bờ khoảng 20m, đầu nhô lên mặt nước, trên mặt hồ có nhiều người dân theo dõi nhưng không ai nhảy xuống cứu.

Trong tình huống khẩn cấp, Thiếu tá Nguyễn Thanh Phúc đã nhảy xuống hồ cứu người, đưa vào bờ và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đại học Y để cấp cứu.

Công an nhân dân - Mũi xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19
Công an huyện Chương Mỹ và Công an xã Hoàng Văn Thụ đã đến thăm, tặng quà hai gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Hoàng Văn Thụ.

Trở lại với huyện Chương Mỹ, không chỉ nỗ lực cùng các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, Công an huyện Chương Mỹ còn tích cực thực hiện công việc thiện nguyện, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân nghèo trong thời điểm dịch bệnh và giãn cách xã hội.

Công an huyện đã đóng góp và vận động các nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, thực phẩm để giúp đỡ những gia đình neo đơn, những hộ nghèo, những người dân sống trong khu vực phong tỏa. Đặc biệt tại xã vùng sâu, vùng xa Hoàng Văn Thụ, nơi có nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 14/8 vừa qua, Công an huyện Chương Mỹ và Công an xã Hoàng Văn Thụ đã đến thăm, tặng quà hai gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Hoàng Văn Thụ. Trong đó gia đình chị Bạch Thị Lan có 3 con nhỏ, hiện đang mang bầu tháng thứ 6. Đáng chú ý, chồng chị Lan là người rất tích cực hoạt động trong Tổ Covid cộng đồng tại địa phương, anh vừa mất do tai nạn điện giật. Đoàn công tác đã hỗ trợ hai gia đình, tổng số tiền 7 triệu đồng bao gồm tiền mặt, nhu yếu phẩm và một số vật dụng gia đình thiết yếu.

"Những phần quà tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng chứa đựng nhiều tình cảm của các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Chương Mỹ và Công an xã Hoàng Văn Thụ, góp phần làm đẹp thêm truyền thống tương thân, tương ái, là nguồn động viên tinh thần, giúp cho các gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn", Thượng tá Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Công an huyện Chương Mỹ chia sẻ.

Kiên trì thực hiện "mục tiêu kép"

Nỗ lực làm việc không quản ngày đêm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được giao, các cán bộ, chiến sĩ Công an còn có mặt trên mọi ngõ ngách, đi đến từng ngõ, từng khu phố, từng thôn, xóm, buôn, sóc, bản, làng, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhanh chóng rà soát, truy vết người bị lây nhiễm, nghi lây nhiễm, đề xuất lên phương án cách ly, giãn cách, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ còn tham gia tích cực vào kiểm soát người nhập cảnh từ nước ngoài về, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu cách ly, thực hiện công tác hậu cần đảm bảo chỗ ăn ở sinh hoạt tại các khu cách ly…

Ngay khi dịch Covid-19 quay trở lại, nhiều trường hợp F0 trong cộng đồng có liên quan đến người có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, trước tình hình người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, ngày 7/5, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ký, ban hành Mệnh lệnh 01 về tăng cường rà soát, kiểm tra tạm trú nhằm chủ động phát hiện, xử lý kịp thời người nước ngoài nhập cảnh trái phép, tạm trú trên địa bàn Thành phố.

Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, xử lý 21 vụ, 120 trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, 10 công ty bảo lãnh 53 chuyên gia người nước ngoài không đúng quy định; đã khởi tố 15 vụ án, 25 bị can về các tội danh có liên quan.

Công an nhân dân - Mũi xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19
Công an Thành phố đã thành lập thêm 6 tổ công tác tuần tra, kiểm soát cơ động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra ngẫu nhiên người và phương tiện trên đường.

Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17 về đảm bảo giãn cách xã hội, từ ngày 14/7 đến nay, Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng lực lượng chức năng triển khai 23 chốt kiểm soát và 44 chốt tại các đường nhánh, đường ngang để kiểm soát người và phương tiện tại các cửa ngõ lớn ra, vào Thủ đô.

Mỗi chốt kiểm soát có 11 cán bộ tham gia ứng trực, trong đó có hai cán bộ Cảnh sát Giao thông và một Cảnh sát Cơ động, ngoài ra là thanh tra giao thông, cán bộ y tế, cán bộ quân đội và cán bộ tư pháp của địa phương...

Nhiệm vụ của các chốt này là kiểm soát phương tiện vận tải, ôtô cá nhân, xe máy (các địa phương giáp ranh có dịch), đảm bảo an ninh, trật tự, hướng dẫn, phân luồng giao thông. Mọi phương tiện vào thành phố đều phải dừng lại để lái xe, hành khách đo thân nhiệt, khai báo y tế, xét nghiệm nhanh Covid-19.

Những trường hợp nghi ngờ nhiễm, khử trùng trong trường hợp cần thiết, kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm. Người dân về Hà Nội kê khai y tế, đo thân nhiệt; các trường hợp nghi vấn, biển số tỉnh vùng dịch đề nghị quay lại hoặc phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Trong trường hợp phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ, nhân viên y tế sẽ sử dụng bộ test nhanh Covid-19 để lấy mẫu ngay tại chốt, cho ra kết quả sau 30 phút.

Bên trong thành phố, Công an các quận, huyện, thị xã tham mưu thành lập hơn 4.000 chốt trong nội độ vừa để kiểm soát người, phương tiện, vừa bảo vệ “vùng xanh”. Các chốt trên địa bàn Thành phố làm việc 24/24h, được bố trí nhiều lớp, nhiều vòng tại các khu dân cư, nơi tập trung đông người, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, thành lập các tổ tuần tra lưu động để kiểm soát, giám sát việc chấp hành giãn cách xã hội và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, ra khỏi nhà không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang…

Công an nhân dân - Mũi xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát... thực hiện nghiêm mọi nhiệm vụ được giao.

Kết quả, sau hơn 23 ngày giãn cách xã hội, đã phối hợp xử phạt 17.000 trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch. Mới đây nhất, ngày 16/8, Công an Thành phố đã thành lập thêm 6 tổ công tác tuần tra, kiểm soát cơ động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra ngẫu nhiên người phương tiện trên đường hoặc trong một tuyến phố, qua đó đánh giá hiệu quả các biện pháp về giãn cách xã hội để kịp thời tham mưu các biện pháp phù hợp…

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhất là sự bùng phát làn sóng thứ 4 của đại dịch đến nay, không khó để bắt gặp những hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an tích cực phối hợp cùng các lực lượng khác căng mình trên trận tuyến phòng, chống dịch Covid-19.

Họ thực sự là những chiến binh quả cảm, trở thành "tấm lá chắn" vững vàng giữa tâm dịch; ngày đêm bám trụ, túc trực tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, khu vực phong tỏa, hoàn thành tốt nhiệm vụ kép, vừa ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, vừa giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong tình hình dịch bệnh đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, cách làm hay, đây là những hành động, tấm gương rất đáng biểu dương, cần nhân rộng ra toàn lực lượng, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an “Vì Nhân dân phục vụ”.

Minh Phương

Có thể bạn quan tâm

Nên xem

Nguy kịch, suy hô hấp nặng do biến chứng sởi ở người lớn

Nguy kịch, suy hô hấp nặng do biến chứng sởi ở người lớn

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện đang tiếp nhận và điều trị một số ca bệnh ở độ tuổi 35 - 46 với biểu hiện sốt cao, ho, phát ban, thậm chí suy hô hấp cấp (ARDS) phải can thiệp VV ECMO (hệ thống oxy hóa máu qua màng ngoài cơ) do bệnh sởi.
Tổng Bí thư Tô Lâm: “Thủ đô không thể để mất an toàn thực phẩm”

Tổng Bí thư Tô Lâm: “Thủ đô không thể để mất an toàn thực phẩm”

Ngày 17/4, phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh việc Thủ đô không thể để mất an toàn thực phẩm, vì mất an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín của Thủ đô, sức khỏe của nhân dân, cũng như chất lượng đô thị nói chung.
Giá xăng giảm gần 400 đồng/lít từ 15h ngày 17/4

Giá xăng giảm gần 400 đồng/lít từ 15h ngày 17/4

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa phát đi thông báo cho biết, trong kỳ điều hành giá xăng dầu chiều ngày 17/4, giá xăng được điều chỉnh giảm mạnh ở mức từ 351 - 384 đồng/lít tuỳ loại. Trong khi đó, giá dầu cũng được điều chỉnh giảm từ 58 - 229 đồng/lít/kg.
Tại nạn lao động tại Bình Dương khiến 3 người chết

Tại nạn lao động tại Bình Dương khiến 3 người chết

Đến chiều ngày 17/4, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương vẫn đang phong tỏa hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động khiến 3 người chết xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Mời bạn đọc đặt câu hỏi giao lưu trực tuyến về Luật Thủ đô, Luật Công đoàn và những chính sách mới liên quan đến người lao động

Mời bạn đọc đặt câu hỏi giao lưu trực tuyến về Luật Thủ đô, Luật Công đoàn và những chính sách mới liên quan đến người lao động

Ngày mai (18/4), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Phổ biến Luật Thủ đô, Luật Công đoàn và những chính sách mới liên quan đến người lao động”. Trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi và tham gia gửi câu hỏi để các chuyên gia trả lời.
UBTVQH cho ý kiến về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu

UBTVQH cho ý kiến về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu

Ngày 17/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở

Chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở

Với mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đồng thời nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn, thời gian qua, Liên đoàn lao động huyện Ứng Hòa đã tập trung đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn.

Tin khác

Trao đổi kinh nghiệm công tác Mặt trận giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ

Trao đổi kinh nghiệm công tác Mặt trận giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ

Từ ngày 12 - 16/4, Đoàn cán bộ Mặt trận của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội đã tới thăm, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Tạo diện mạo Thủ đô xanh, sạch, đẹp trong mắt bạn bè quốc tế

Tạo diện mạo Thủ đô xanh, sạch, đẹp trong mắt bạn bè quốc tế

Chào đón các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc, những ngày này, các cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn Hà Nội đã tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường, làm sạch nhà, sạch phố, sạch nơi công cộng, xây dựng hình ảnh Hà Nội là điểm đến xanh, sạch, đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Lao động Thủ đô định vị thương hiệu ở phương Nam

Lao động Thủ đô định vị thương hiệu ở phương Nam

Văn phòng Báo Lao động Thủ đô tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 4/2022. Mặc dù thời gian chưa dài, nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ phóng viên, biên tập viên – đã không chỉ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích hoạt động của Báo; mà còn làm tốt việc kết nối với các tỉnh, thành phố để Báo Lao động Thủ đô từng bước ghi dấu ấn trong không khí làm báo sôi động tại vùng đất phương Nam.
Lãnh đạo Mặt trận thành phố Hà Nội thăm hỏi gia đình nạn nhân vụ cháy ở Trung Liệt

Lãnh đạo Mặt trận thành phố Hà Nội thăm hỏi gia đình nạn nhân vụ cháy ở Trung Liệt

Ngay khi nghe tin về vụ cháy xảy ra rạng sáng ngày 13/4 tại số 8 ngách 14 ngõ 69 Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội gây thiệt hại về người, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội đã tới gia đình thăm hỏi, trao hỗ trợ.
Vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Tổng Nam Phù

Vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Tổng Nam Phù

Sáng nay (12/4), huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín tổ chức Lễ kỷ niệm 930 năm Nhị vị Đại thánh Bồ Tát nhập niết bàn (1095 - 2025) và công bố quyết định ghi danh Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Quận Đống Đa tổng thu ngân sách quý I/2025 đạt 6.326 tỷ đồng

Quận Đống Đa tổng thu ngân sách quý I/2025 đạt 6.326 tỷ đồng

Chiều ngày 10/4, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ quận Đống Đa khoá XXVIII tổ chức Hội nghị lần thứ 25 để thảo luận cho ý kiến về các nội dung quan trọng, như: Báo cáo sơ kết quý I và phương hướng, nhiệm vụ công tác quý II/2025 của BCH Đảng bộ quận; Báo cáo Tổng kết 7 chương trình công tác của Quận ủy.
Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng

Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng

Ngày 9/4, Sở Dân tộc và Tôn giáo thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025 đối với các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cán bộ Mặt trận Thủ đô đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động

Cán bộ Mặt trận Thủ đô đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động

Chiều ngày 8/4, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác Mặt trận cho đội ngũ cán bộ.
Phát triển công nghiệp văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Phát triển công nghiệp văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Thực hiện các quy định tại Điều 21 Luật Thủ đô, thành phố Hà Nội đang tích cực xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa và dự thảo Nghị quyết về Khu phát triển thương mại và văn hóa. Hai dự thảo Nghị quyết này khi đưa ra lấy ý kiến đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của đông đảo người dân khi cho rằng, những điều này sẽ hướng tới việc phát triển thương mại, bảo tồn cũng như gia tăng cơ hội hưởng thụ các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống cho người dân Thủ đô.
Phát triển thương mại gắn với bảo tồn văn hóa

Phát triển thương mại gắn với bảo tồn văn hóa

Thời điểm hiện tại, dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện Khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô) đang được thành phố Hà Nội lấy ý kiến rộng rãi. Đóng góp vào dự thảo Nghị quyết, nhiều chuyên gia, người dân cho rằng, đây sẽ là nền tảng giúp phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa; thúc đẩy hoạt động thương mại bảo tồn các ngành, nghề truyền thống, từ đó góp phần cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế Thủ đô.
Xem thêm
Phiên bản di động