Chuyện phiếm với bác khỉ
Nỗi buồn khó nói! | |
Tản mạn cuối năm | |
Hãy thức tỉnh lương tri! |
- Rất sẵn sàng. Chú muốn “đa chiều” chuyện gì? Nhưng tớ là chúa ghét chuyện móc máy đó nhé. Nói gì thì cũng phải đúng và có tính xây dựng. Cuối năm bộn bề bao nhiêu công việc, tớ không có thời gian dông dài đâu nhé.
- Tuân lệnh bác. Trước hết em muốn hỏi bác khi bàn giao, chị Dê (Mùi) có tâm sự kín gì với bác không?
- Ký sổ sách xong xuôi, chị Dê có ghé tai tớ tâm sự năm rồi chị rất xấu hổ bởi cứ có vụ “yêu râu xanh” nào là người đời lại réo tên chị lên. Mà chị xấu hổ nhất là mấy vụ thầy giáo gạ tình học sinh; rồi cán bộ Mặt trận xã rủ rê bí thư thanh niên; đường dây “mua bán dâm” ngàn đô… dày đặc trên mặt báo. Mà tất cả chủ thể các vụ ấy đều được gán với chữ “máu dê”.
- Em nghĩ chị Dê đâu phải xấu hổ. Lỗi này đâu phải do chị Dê mà là do phim ảnh, mạng intenetr, trang web đen đầy rẫy sex; do đạo đức xã hội có nguy cơ xuống cấp vì mở cửa đã phần nào bị hòa tan cái bản sắc văn hóa dân tộc mình.
- Đành là thế, nhưng dù sao cũng thấy xấu hổ thật, mang máu gì chả mang lại mang máu “chuyện ấy”. Thôi tớ đề nghị thế này, nhân nói chuyện chị Dê, ta nói qua về về mỗi con giáp một chút. Hôm nhận bàn giao, tớ mời hết 12 con giáp đến chứng kiến. Nhìn chung, ai cũng có tâm sự cả.
- Em đồng ý. Vậy ta bắt đầu nói về anh Chuột (Tý), anh Chuột thì sao bác?
- Anh Chuột cũng lo lắm, trước đây họ hàng nhà anh ấy cứ yên tâm đục khoét bởi có câu thần chú “Ném chuột sợ vỡ bình”. Thế nhưng cứ nhìn lại năm qua, anh Chuột đã phải khuyên răn con cháu sống trong sạch, do cái câu thần chú “sợ vỡ bình” ấy đã không còn hiệu nghiệm nữa. Đấy, hàng loạt vụ án tham nhũng, đục khoét đã được đưa ra xét xử, chẳng kể sang hèn. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và phải chịu trách nhiệm với tội lỗi của mình.
- Chí phải, theo em sẽ chẳng còn “chuột sa chĩnh gạo” nữa đâu, anh Chuột nhận ra được điều ấy để sống trong sạch là rất đúng. Một tin mừng. Vậy còn anh Trâu (Sửu) thì sao bác?
- Anh Trâu thì cũng có chút tâm tư vì không còn là đầu cơ nghiệp của nhà nông nữa.
- Ấy, sao lại phải buồn về chuyện này. Đáng mừng mới phải chứ. Đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đâu lại cứ gặm nhấm mãi cái cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” được.
- Thì anh ấy cũng chỉ ngậm ngùi tý thôi, nhưng bù lại, anh Trâu đã được “trả lại tên cho em”. Ra chợ không còn bị mấy bà bán thịt xưng xưng nói là thịt bò, ngược lại được sánh vai với các loại đặc sản.
- Nhất là sau mấy cái hội “chọi trâu” ấy bác nhỉ, giá thịt trâu cứ lên gấp hàng chục lần. Cũng thấy có ích lắm chứ.
- Nói đến “chọi trâu” tớ thấy hơi cay cay sống mũi, ai lại trâu thắng, trâu thua đều lên mâm cả. Cứ chủ nghĩa hòa cả làng như thế thì lấy đâu động lực để phấn đấu.
- Thế còn cái anh “ngậm một mối căm hờn” chúa sơn lâm (Hổ - Dần) có căm hờn gì không bác?
- Không, không căm hờn gì cả. Ngược lại đi đâu, gặp ai, anh Hổ cũng nhắc mãi cái “trí khôn của ta đây”. Phục lắm, phục lắm!
- Phục là phải. Đấy bác xem, mấy bác nông dân chẳng bằng cấp, chẳng học hàm, học vị mà sáng chế ra đủ các loại máy gặt, máy gieo hạt, máy cứu hỏa mini dùng cho địa hình chật hẹp… thậm chí cả máy bay nữa. Tài, tài quá đi chứ.
- Tớ cũng bái phục mấy bác nông dân, rặt nỗi, mấy cái sáng chế ấy hình như không được nhân rộng phục vụ đời sống nhỉ. Thật là bộ lông vằn của anh Hổ rất đáng lắm cho cái “Trí khôn của ta đây”.
- Nói đến anh Hổ ắt phải nhắc đến chị Mèo (Mão) với miếng võ trèo giấu kín.
- Đúng, đây cũng được coi như một bài học về lòng trung thành, nếu ai cũng “lừa thầy phản bạn” để rồi cứ phải giữ miếng với nhau thì cuộc đời buồn lắm. Chị Mèo cũng quên chuyện này rồi. Chị chỉ buồn vì họ hàng nhà chị có nguy cơ tuyệt chủng, bởi người ta gọi chị là “tiểu hổ” rồi treo biển khắp nơi. Thịt “tiểu hổ” trở thành món ăn khoái khẩu của con người, họ lùng sục khắp nơi tìm chị để đưa lên mâm nhậu.
- Nỗi buồn của chị Mèo cũng là nỗi buồn của chúng ta, đồng nghĩa với tuyệt chủng loài mèo là ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Hóa ra cái “khoái khẩu” nguy hiểm bác nhể?
- Quá đi chứ lỵ. Theo tớ được biết thì cả thế giới đang đau đầu về cái biến đổi khí hậu, đâu như họp mấy ngày mà vẫn chưa tìm ra biện pháp khắc phục đó.
- Chung quy cũng tại con người cả….
- Thôi để tớ nói chuyện bác Rồng (Thìn) cho thay đổi không khí nhé. Gặp tớ, bác Rồng là vui nhất.
- Vui thế nào hả bác?
- Thì đấy, chả cứ năm vừa rồi, nhiều năm qua bác Rồng được nhắc đến như một hình tượng của thành công, của thăng hoa, của hiện đại… Nước nhà đã hội nhập quốc tế sâu rộng, là thành viên của nhiều hiệp định thương mại kinh tế, nhiều công trình hạ tầng hiện đại đã được khánh thành.
- Vâng, đất nước thật sự đã ở thế Rồng bay. Tự hào lắm chứ. Thật vinh dự cho bác Rồng. Nhưng chắc bác Rồng cũng có chút ngậm ngùi chứ bác?
- Chú muốn nói đến chuyện ở nơi này, nơi nọ hình tượng của bác Rồng còn bị lai căng, sính ngoại không đúng với truyền thống dân tộc chứ gì?
- Đúng đó bác, anh Văn hóa cũng đau đầu chuyện này lắm, dẹp rồi bác ạ. Thôi bác nói chuyện anh Rắn (Tỵ) đi. Anh Rắn chắc cũng nhiều chuyện đáng bàn bác nhể?
- Anh Rắn cũng có nỗi buồn như chị Mèo. Họ hàng nhà anh chẳng những bị băm viên, rán chả mà còn được quảng cáo là ngũ xà, cửu xà cực bổ, cực khỏe, khiến nòi giống nhà anh cứ bị mai một dần.
- Nhưng dù sao anh Rắn còn có tài luồn lách nên cũng khó hủy diệt lắm.
- Đúng là tài “luồn lách” có tác dụng thật. Cứ nhìn người đời đó thôi, khối kẻ bất tài, tội trạng rành rành mà nhờ luồn lách vẫn thăng tiến ầm ầm; từ có tội thành có công; kỷ luật chỗ này lại được chuyển chỗ khác cao hơn.
- Sang năm mới, em nghĩ bác cũng nên khuyên anh Rắn chớ có đổ lỗi gán ghép trách nhiệm cho người khác, như câu tục ngữ: “Rắn đổ nọc cho lươn” nữa nhé.
- Nhất trí. Thôi nói chuyện anh Rắn thì nhiều lắm. Dù sao cũng biết “Len lén như rắn mồng năm” rồi, biết sợ hãi sau khi làm điều lầm lỗi rồi.
- Vậy bác kể chuyện bác Ngựa (Ngọ) đi.
- Anh Rắn nhờ luồn lách mà tồn tại và phát triển, còn bác Ngựa thì lại không thể bỏ được cái tính “Thẳng ruột ngựa”, nghĩ gì nói đấy, thấy chướng tai gai mắt, bất bình chuyện gì là cứ tuồn tuột, thành ra cũng có nhiều ngậm ngùi.
- Ngậm ngùi là phải, người đời chả có câu “thẳng thắn thật thà thời thua thiệt” là gì.
- Đúng quá đi chứ, cứ xem mấy vị dám nói thẳng, nói thật chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực ở đơn vị này đơn vị nọ đều bị “soi”, bị “tẩy chay” thì thấy cái “thẳng ruột ngựa” cũng thiệt thòi lắm.
- Bác thạo chuyện đời nhỉ, thôi thì cái gì cũng phải dần dần bác ạ. Em tin cái tốt, cái đẹp sẽ thắng cái xấu. Rồi sẽ không còn chuyện “đấu tranh là tránh đâu” nữa đâu bác ạ.
- Tớ cũng tin thế. Năm nay cầm trịch tớ sẽ lưu ý chuyện này, chú khỏi lo. Tớ chỉ nói chuyện với chú được 15 phút nữa, ta tranh thủ nói chuyện chị Gà (Dậu) nhé, kẻo không kịp.
- Vâng, em nghe nói chuyện con gà, quả trứng phải chịu 14 loại phí, không hiểu chị Gà có báo cáo bác không?
- Có, có nói đấy. Tớ nghe thấy phi lý quá, hèn gì chăn nuôi không phát triển vì gánh nặng phí như thế làm sao cạnh tranh được với gà nhập khẩu. Chị Gà thường phải động viên đồng loại vượt lên chính mình để chống chọi với các loại cúm vì thương bà con nông dân đêm ngày chăm bẵm vất vả mà bị cái anh thịt gà thải loại nhập lậu lấn át, vậy là “vàng thau lẫn lộn” nên người nuôi gà vẫn phải mang nợ chồng chất.
- Nói đến chuyện ấy thì dài dòng lắm. Em cũng muốn bác nhắc chị Gà nói với họ hàng rằng đừng “Gà mượn áo công” dựa vào thế người có quyền mà hạnh họe người khác, ăn nói huyênh hoang.
- Tớ sẽ nhắc. Nhưng thôi “bai bai” nhé, tớ phải về nhận nốt cái bàn giao tài chính, đâu như năm rồi chị Dê chi quá tay nên nợ nần nhiều lắm.
- Ấy bác chưa về được đâu, còn anh Chó (Tuất) và chị Lợn (Hợi) nữa.
- À, đúng rồi, anh Chó có tâm sự mấy năm gần đây bỗng dưng có cụm từ “trộm chó” nhức nhối lắm. Trộm là nhằm mục đích thịt, đau lắm. Lại chỉ vì “trộm chó” mà nhiều vụ do đánh hội đồng, rất thương tâm, anh Chó thấy mình có trách nhiệm trong đó. Rồi anh Chó vốn nổi tiếng trung thành với chủ mà nhiều chủ không hiểu được nên cũng oan ức lắm. Lại còn cứ ghét ai là lại rủa “đồ chó má”, buồn lắm.
- Đấy là một số người không hiểu thôi, chứ con người vẫn có câu “Khuyển mã chí tình” mà, nghĩa là con người đã khẳng định sự trung thành tận tụy của anh Chó là gì.
- Tớ cũng nói vậy, dù sao cũng an ủi anh Chó ít nhiều. Tớ nói luôn chuyện chị Lợn không có muộn mất. Chị Lợn chỉ ấm ức chuyện “các nhà chăn nuôi” cho chị ăn cái thuốc tăng trọng, tạo nạc gì đó, khiến ai càng yêu mến chị càng có nguy cơ mắc bệnh ung thư. Chị rất ái ngại năm tới tai họa này có dẹp được không, nếu không chị sẽ bị người đời xa lánh thì buồn lắm.
- Buồn thật ấy chứ. Vì lợi nhuận mà người ta nỡ dùng chị Lợn để lừa lọc. Chao ôi, lòng tham đã làm mất đi sự lương thiện và trong sạch.
- Đúng vậy. Tớ sẽ lưu ý chuyện này. Thôi tớ cáo từ nhé.
- Ấy, còn bác nữa, bác cũng phải nói đôi điều về mình chứ.
- Tớ thì có gì đáng nói. Mà tớ cũng không thích nói, cái quan trọng là năm nay tớ sẽ làm được gì. Hãy chứng minh bằng những việc làm cụ thể.
- Em tin bác, nhưng bác cứ cho mấy cái tâm sự, chẳng nhẽ…
- Ừ thì tâm sự. Năm cũ sắp qua tớ cũng xin thổ lộ 3 nỗi buồn khiến tớ day dứt. Thứ nhất, tớ được mệnh danh là tổ tiên của loài người thế mà có hơn gì trâu, chó, dê, rắn, mèo… tớ bị con người mang lên bàn tiệc chiêu đãi nhau như một thú vui, bên bàn tiệc họ còn bàn kế này, mẹo kia nghe mà đau lòng lắm.
- Chuyện này thì quá rõ rồi. Thế còn nỗi buồn thứ hai?
- Nỗi buồn thứ hai là tên tớ vẫn còn được nêu tại nhiều vùng gọi là “Khỉ ho cò gáy”. Tớ có bị ho đâu, đó là do sự phát triển giữa thành thị với nông thôn, giữa miền xuôi với miền ngược còn khoảng cách lớn.
- Chuyện này bác khỏi lo nhé, vài năm nữa thôi, với chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ không còn “khỉ ho cò gáy” nữa đâu. Thế nỗi buồn thứ ba?
- Nỗi buồn thứ ba là mỗi khi ai đó làm việc không nên trò trống gì, người đời lại réo tên tớ lên mà nói “Chẳng ra khỉ gì”, rồi khỉ gió, khỉ già - toàn từ dùng để rủa nhau cả. Tớ lại xấu thế ư?!
- Em tưởng chuyện gì, chứ cái đó chuyện vặt. Nhiều khi yêu quý nhau, thân thiết nhau người ta cũng nói vậy mà. Bác yên tâm đi.
- Cảm ơn chú. Dông dài thế thôi, hãy rũ bỏ tất cả những ưu tư, đón một mùa Xuân mới với đầy ước vọng. Những cái xấu sẽ được thay bằng cái tốt. Cái tốt rồi sẽ tốt hơn nữa.
- Chúc cho đất nước ngời sắc Xuân, phát triển vững bền, hướng đến một tương lai tươi sáng với thế lực và nghị lực của NIỀM TIN CẤT CÁNH.
Thiện Tâm
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 25/1: Đêm và sáng sớm có mưa nhỏ, trời rét
Man City vs Chelsea, 0h30 ngày 26/1: Kỳ phùng địch thủ
TRỰC TUYẾN: Khởi động “Hành trình Tết Công đoàn” đưa công nhân về quê đón Tết
Công an tỉnh Nghệ An tổ chức Tết sum vầy và tặng quà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn
Tai nạn lao động tại Nhà máy xi măng Sông Lam 2 làm 3 công nhân tử vong
Ấm áp những món quà Công đoàn cuối năm
Người dân hối hả rời Thủ đô trong ngày làm việc cuối cùng của năm
Tin khác
Tập trung xóa nghèo để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới
Bình luận 08/01/2025 13:17
“Hóa rồng” từ khoa học, công nghệ
Bình luận 31/12/2024 08:14
Nguy cơ dân số già và tâm lý “ngại đẻ”!
Bình luận 26/12/2024 16:53
Hà Nội tự tin tạo kỳ tích trong kỷ nguyên mới
Thời sự 19/12/2024 16:28
Lại câu chuyện giá nhà!
Bình luận 19/12/2024 06:27
Chỉ đạo quyết liệt, triển khai phải nhanh, hiệu quả
Bình luận 13/12/2024 15:40
Giải bài toán giải phóng mặt bằng
Bình luận 12/12/2024 14:06
Cần góc nhìn đồng cảm!
Bình luận 10/12/2024 16:03
“Cách mạng” về môi trường
Bình luận 05/12/2024 11:52
Cấm thuốc lá điện tử, các bậc phụ huynh thở phào…
Bình luận 03/12/2024 07:25