Chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa lớn của dân tộc
Chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa, người con ưu tú của Thủ đô | |
Người còn trong nước, thơ mãi trong dân |
Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên
Cụ Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình có truyền thống Nho học, tại làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm thống trị, Nguyễn Văn Tố đã chứng kiến nhiều phong trào đấu tranh yêu nước do các văn thân, sĩ phu lãnh đạo, như phong trào Duy Tân (1906-1908); vụ “Hà Thành đầu độc” (1908), phong trào chống thuế ở Trung kỳ... tất cả đều bị đàn áp dã man, bị dìm trong biển máu. Từ thực tiễn lịch sử đó, Nguyễn Văn Tố đã sớm tiếp thu truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc.
Chính phủ VNDCCH năm 1946, hàng đầu, từ trái sáng phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh tư liệu. |
Hấp thụ những tinh hoa của nền văn hiến Kinh kỳ, từ nhỏ Nguyễn Văn Tố đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, ham học, nổi tiếng là người tinh thông Nho học, giỏi ngôn ngữ Pháp và am tường văn hóa phương Tây. Năm 1905, khi mới 16 tuổi, Nguyễn Văn Tố đã đỗ đầu kỳ thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 1906, Cụ chính thức được nhận vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội (EFEO) - một cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội của Pháp ở Đông Dương thời đó.
Với trí tuệ uyên bác, chỉ sau mấy năm miệt mài nghiên cứu, Nguyễn Văn Tố đã trở thành một học giả nổi tiếng, có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây, nhất là về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Năm 1921, học giả Nguyễn Văn Tố được cử làm Chủ sự Tạp chí Trí Tri của Hội Trí Tri - một tổ chức có uy tín lớn trong việc hỗ trợ, thúc đẩy việc dạy - học tiếng Pháp ở Bắc Kỳ. Đến năm 1934, Cụ đã được bầu làm Hội trưởng Hội Trí Tri.
Với tầm hiểu biết sâu rộng, phương pháp nghiên cứu khoa học, tinh thần làm việc nghiêm túc, bản lĩnh vững vàng và bao trùm lên tất cả là tinh thần yêu nước, Nguyễn Văn Tố đã khảo cứu, biên soạn nhiều công trình, bài viết có giá trị về sử học, khảo cổ học, văn học, ngôn ngữ học, văn hóa học... của dân tộc, đăng trên những tạp chí có uy tín thời đó, như: Nam Phong Tạp chí, Đông Thanh Tạp chí, Báo Thanh Nghị và đặc biệt là Tạp chí Tri Tân.
Những công trình, bài viết này đã góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu, lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, những trang viết về lịch sử, văn hóa dân tộc của Nguyễn Văn Tố còn khơi gợi lên tinh thần đấu tranh yêu nước của nhân dân ta.
Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, đầu năm 1938, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập một tổ chức công khai lấy tên là Hội Truyền bá học quốc ngữ (gọi tắt là Hội truyền bá quốc ngữ), nhằm vận động nhân dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ.
Cụ Nguyễn Văn Tố và nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, như cụ: Bùi Kỷ, Lê Thước; GS. Hoàng Xuân Hãn; đồng chí Trần Huy Liệu (chủ bút báo Tin tức), GS. Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh và một số giáo sư trường tư thục Thăng Long ... đã tham gia thành lập Hội và nhất trí cử Cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng.
Trên cương vị Hội trưởng, Cụ Nguyễn Văn Tố đã vận động và tổ chức phong trào dạy - học chữ quốc ngữ sôi nổi trong cả nước, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Cùng với sự nỗ lực không ngừng của các thành viên trong Hội Truyền bá quốc ngữ, từ năm 1938 đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Cụ Nguyễn Văn Tố đã giúp cho hơn 7 vạn người Việt Nam thoát khỏi nạn mù chữ, góp phần làm thất bại “chính sách ngu dân” của thực dân Pháp.
Thông qua phong trào dạy - học chữ quốc ngữ, tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ cách mạng của nhân dân đã được bồi đắp và củng cố, nâng cao. Qua phong trào vận động học chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ, nhiều cán bộ của Đảng đã học được những kinh nghiệm quý giá, được tôi luyện và trưởng thành, nhất là trong công tác vận động, tổ chức quần chúng.
Mặt khác, dưới sự chỉ đạo của Cụ Nguyễn Văn Tố, Hội Truyền bá quốc ngữ, với hệ thống tổ chức và thành viên rộng khắp trong cả nước, đã tạo tiền đề quan trọng cho thành công của cuộc đấu tranh diệt “giặc dốt” của chính quyền cách mạng sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Chính những con người, kinh nghiệm, cách làm của Hội Truyền bá quốc ngữ đã được vận dụng vào công tác “bình dân học vụ”; “Diệt giặc dốt” của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nền dân chủ mới ra đời, song phải đứng trước những thách thức hết sức ngặt nghèo, bởi sự chống phá của thù trong, giặc ngoài. Với tinh thần đoàn kết dân tộc, quý trọng và kêu gọi những người có tài, có đức tham gia giúp nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng mời Cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ cách mạng lâm thời, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội.
Bằng nhiệt huyết của một chí sĩ hết lòng yêu nước, yêu dân, Cụ Nguyễn Văn Tố đã tổ chức thành lập các “Hội cứu đói” ở nhiều địa phương, vận động các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần tương thân tương ái, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “sẻ cơm, nhường áo”, cứu giúp những người đang bị đói.
Để giải quyết nạn đói về căn bản, cùng với những biện pháp cấp bách, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ động viên các tầng lớp nhân dân ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Nhờ sự chỉ đạo khẩn trương của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn dân, nạn đói đã bị đẩy lùi, thế và lực của cách mạng ngày càng tăng, góp phần đưa cách mạng nước ta vượt qua tình thế hiểm nghèo, từng bước củng cố và phát triển. Trong thành tựu chung đó của dân tộc, có phần đóng góp xứng đáng của cụ Nguyễn Văn Tố.
Với những đóng góp quan trọng và ý nghĩa, ngày 6/1/1946, trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của đất nước, Cụ Nguyễn Văn Tố đã được nhân dân bầu là đại biểu Quốc hội và ngày 2/3/1946, tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, Cụ đã được bầu là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tự hào là người con ưu tú của Thủ đô
Phát biểu tại buổi Lễ Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Cụ diễn ra vào ngày 2/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Noi gương Cụ, trong mọi hoạt động, công tác, mỗi chúng ta phải luôn luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc và của Đảng lên trên hết; không ngừng nỗ lực phấn đấu vì nền độc lập, tự do trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; kiên định con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc đã lựa chọn, ra sức xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các tiên liệt anh hùng dân tộc, trong đó có Liệt sĩ Nguyễn Văn Tố - Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của Quốc hội Việt Nam”.
Còn trong tham luận tại Hội thảo “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 1/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: “Hà Nội tự hào là quê hương của chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa, liệt sĩ Anh hùng Nguyễn Văn Tố, thành phố đã lấy tên cụ đặt tên cho một con đường thuộc phường Cửa Đông và một trường học - Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố thuộc quận Hoàn Kiếm.
Tấm gương sáng về trí tuệ, lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm không lùi bước trước thách thức và hy sinh của cụ Nguyễn Văn Tố là di sản văn hóa tinh thần quý báu. Đảng bộ, nhân dân Thủ đô luôn tự hào, khắc ghi, biết ơn, nguyện học tập và làm theo tấm gương trong sáng, cao đẹp trong công cuộc mở mang văn hóa và kiến thiết nước nhà của cụ.
Trên cơ sở những thành tựu đạt được, phát huy kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc của chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố cùng những bậc tiền bối cách mạng khác, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đẩy mạnh thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa Thủ đô tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện. Phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu cho cả nước về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa.”
H.P
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Cổ động viên "tiếp lửa" cho CLB Công an Hà Nội ngược dòng kịch tính trên đất Malaysia
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Đề xuất Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được tăng thêm không quá 15 Phó Giám đốc Sở
Tin khác
Đề xuất Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được tăng thêm không quá 15 Phó Giám đốc Sở
Sự kiện 24/01/2025 10:16
Các địa phương công bố quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy từ ngày 18 - 20/2
Sự kiện 23/01/2025 19:54
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sự kiện 23/01/2025 18:07
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ
Sự kiện 23/01/2025 15:55
Diễn đàn Nghị viện Hợp tác Pháp ngữ thành công tốt đẹp, thông qua Tuyên bố Cần Thơ
Sự kiện 21/01/2025 21:48
Hà Nội: Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Sự kiện 21/01/2025 15:18
Hà Nội đi đầu trong thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Sự kiện 21/01/2025 12:10
Hoàn thành nhiều công việc mang tính chiến lược cho phát triển Thủ đô
Sự kiện 21/01/2025 10:54
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội họp về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ
Sự kiện 21/01/2025 09:20
Báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền định hướng lớn của Đảng về "kỷ nguyên mới"*
Sự kiện 20/01/2025 22:13