Cầu Long Biên chứng tích lịch sử
Phát triển không gian văn hóa khu vực vòm cầu Long Biên | |
Chuyện nhỏ về những cây cầu ở Hà Nội | |
Hà Nội: Cần chấm dứt hoạt động mua, bán hàng trên cầu Long Biên |
Với người Hà Nội, cầu Long Biên không chỉ là cây cầu nối hai bờ sông Hồng mà còn là một chứng tích lịch sử gắn liền với Thủ đô suốt nhiều thập kỷ qua.
Hà Nội là một thành phố bình yên và mang nhiều dấu ấn lịch sử. Đây cũng chính là lý do khiến cho một người con đến từ miền Trung như tôi cảm mến và yêu Thành phố này tha thiết như vậy.
Tôi yêu Hà Nội với dòng sông Hồng quanh năm ngầu đỏ màu nồng đậm của phù sa, lúc nước dâng cuồn cuộn hung dữ, lúc lại trôi lờ lững yên bình. Và tôi yêu cả những cây cầu nối liền hai bờ sông ấy.
Cầu Long Biên, chứng nhân lịch sử |
Thông thường, cứ khoảng một vài tháng tôi lại vượt sông Hồng đi thăm thú đâu đó cho thỏa thú xê dịch. Hay đơn giản chỉ là dạo xe vài vòng trên những con cầu để vừa ngắm cảnh, vừa mường tượng ra những sự kiện lịch sử về chúng mà sử sách ghi lại.
Xưa nay, cầu bắc qua sông Hồng không hiếm nhưng nếu nói cây cầu mang trong mình nhiều thăng trầm lịch sử, cũng như nét hào hoa của Hà Nội thì có lẽ không cây cầu nào sánh bằng cầu Long Biên. Hơn 100 năm qua, suốt lịch sử hình thành và tồn tại của mình, cầu Long Biên là chứng nhân quan trọng cho những thời khắc không thể nào quên của Hà Nội.
Ngược dòng thời gian, cầu Long Biên là cây cầu đầu tiên được xây vượt sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên bây giờ. Đi qua cầu, bên phía quận Hoàn Kiếm người ta có thể dễ dàng nhìn thấy một tấm biển sắt chạm nổi dòng chữ: 1899 - 1902; Daydé & Pillé, Paris. 1899 - 1902 là năm xây dựng và hoàn thành cây cầu. Còn Daydé & Pillé là tên một công ty xây dựng của Pháp trụ sở ở Paris có bản thiết kế được coi là phương án tối ưu nhất trong 6 công ty của Pháp tham gia đấu thầu xây dựng cây cầu lịch sử.
Ngày 13/9/1889, viên đá đầu tiên đã chính thức được Toàn quyền Paul Doumer đặt xuống tại vị trí mố cầu bên bờ tả ngạn sông Cái. Sau gần 3 năm thi công, ngày 28/2/1902, cầu đã chính thức được khánh thành và đặt tên là cầu Doumer.
Về sự kiện này, trong một lần cùng tôi thong dong dạo ngắm cảnh sông Hồng, PGS.TS Trần Xuân Dung – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, một người yêu thích tìm hiểu lịch sử Thủ đô đã kể lại rằng: Theo sử sách, vào một ngày cuối tháng 2/1902, chuyến xe lửa xuất phát từ ga Hàng Cỏ đưa Vua Thành Thái, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, nhà vua Malaysia, Hoàng gia Campuchia, Đô trưởng Viêng Chăn (Lào) tới làm lễ khánh thành cầu trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân bản xứ.
Báo chí thời ấy có mô tả lại: Cây cầu như con rồng xanh bắc ngang qua dòng nước; như dải cầu vồng đỡ lấy bầu trời, ngắm nhìn mà hoa cả mắt không sao kể xiết được. Từ đây, nhân dân qua lại, bách vật thông thương không còn xa cách.
Đến nay, dù đã hơn 100 năm trôi qua, nhưng mỗi khi đi trên cây cầu thép lịch sử ấy ta vẫn dễ dàng nhận ra một quá khứ hào hoa. Những dầm thép vươn cao đầy tinh tế và khỏe mạnh, kết cấu thép vừa tạo độ vững chãi cho cây cầu, vừa có sự lãng mạn, bay bổng từ bàn tay tài hoa của những kỹ sư đến từ Paris. Có thể nói tất cả những cây cầu xây trên đất Đông Dương thời điểm đó không cây cầu nào đẹp và độc đáo bằng cầu Long Biên.
Với mỗi người dân Hà Nội nói riêng, cầu Long Biên có ý nghĩa rất lớn bởi đó không chỉ là cây cầu nối liền hai thế kỷ, là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với phương Tây mà còn là “chứng nhân lịch sử”, là biểu tượng kiên cường, hiên ngang trong chiến tranh.
Vốn do thực dân Pháp xây dựng với ý đồ khai thác thuộc địa lần thứ nhất và phục vụ việc đàn áp các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của người dân Bắc kỳ, chính vì vậy mà cầu Long Biên đã được xây dựng bằng rất nhiều xương máu của người Việt Nam. Cây cầu ấy đã cùng người dân Thủ đô kiên cường, vững vàng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trở thành chứng nhân của lịch sử đồng thời tự mình hóa thân thành lịch sử.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cầu Long Biên đã chứng kiến cuộc rút lui “thần kỳ” để bảo toàn lực lượng anh dũng của Trung đoàn Thủ đô và một bộ phận nhân dân qua gầm cầu vào đêm ngày 17 rạng sáng ngày 18/2/1947. Những ngày tháng sau đó, chiến tranh diễn ra liên miên, cầu Long Biên trở thành huyết mạch chiến lược giao thông phải oằn mình chịu những tàn phá của chiến tranh.
Chiếc cầu này đã từng bị nghiêng vì những dòng chiến xa thực dân điều quân từ trong thành phố sang sân bay Gia Lâm để tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ. Rồi vào những ngày thu năm 1954, cầu Long Biên lại chứng kiến những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội theo Hiệp định Giơnevơ và cũng từ cầu Long Biên, những khẩu pháo ngạo nghễ cùng sông nước quật cổ lũ giặc trời, cùng cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại đi tới một Điện Biên Phủ trên không chấn động địa cầu.
Sau ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954), Đốc lý Hà Nội - bác sĩ Trần Văn Lai đã đổi tên thành cầu Long Biên. Từ đây, cái tên cầu Paul Doumer đã lùi dần vào dĩ vãng.
Khi sắp bước vào tuổi 70 cũng là thời điểm chiếc cầu huyền thoại phải chịu đựng những thử thách khốc liệt nhất. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ (1965 - 1972), cầu Long Biên bị ném bom 14 lần. Đã có 9 nhịp cầu bị đánh gục và 4 trụ bị hư hỏng nặng, nhưng cầu gãy lại được nối, cầu hỏng lại được sửa ngay để đảm bảo huyết mạch lưu thông. Hơn 1,8 cây số đường cầu dường như chưa bao giờ bị gián đoạn giao thông, cầu chưa bao giờ ngừng hoạt động.
Viết về những ngày ấy, thi sĩ Xuân Quỳnh đã từng thốt lên: Cầu Long Biên - đó là tên cầu cũ/Bắc qua sông bằng sắt thép già nua/Chiếc cầu ấy biết bao lần giặc phá/Không thanh sắt nào không vết đạn bom/Xe vẫn chạy trên chiếc cầu chắp vá/Tàu hỏa, ô tô có đoạn phải chung đường...
Dù mang trên mình không ít ký ức đau thương nhưng suốt những năm tháng khốc liệt ấy, cây cầu đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh phi thường của những người ngày đêm bảo vệ Hà Nội. Đối với các chiến sĩ, bảo vệ cầu Long Biên là một nhiệm vụ thiêng liêng. Nhiều trận đánh dữ dội diễn ra, máu của bao chiến sĩ ngã xuống để cầu Long Biên được đứng vững.
Hòa bình lập lại, chiếc cầu già nua đầy mình thương tích. Nó tiếp tục oằn mình chịu đựng sức nặng ngày càng tăng với sự phát triển của Thủ đô và đất nước cho đến khi hai chiếc cầu mới là Thăng Long và Chương Dương hoàn thành.
Trải qua không biết bao biến động với nắng gió thời gian, chiến tranh tàn phá, cầu Long Biên giờ chỉ còn lại một nhịp kép phía Bắc, một nhịp kép phía Nam cộng thêm với nửa nhịp kép nằm giữa sông là còn giữ được vóc dáng nguyên bản. Các nhịp cầu bị bom đánh đổ đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu có độ khẩu nắn đặt trên các trụ xây mới. Nhưng cầu Long Biên vẫn nằm đó, vắt ngang dòng sông Mẹ như con rồng xanh ngàn năm vẫn trầm tư ngắm thành phố thân yêu đang đổi thay từng ngày.
Hà Nội của hôm nay hối hả trong dòng chảy của thời đại mới và đã có thêm nhiều cây cầu hiện đại, bề thế. Vai trò huyết mạch giao thông đã không còn, cầu Long Biên giờ chỉ dành cho người đi xe đạp, xe máy và những đoàn tàu, nhưng cây cầu vẫn không mất đi vị trí vốn có của nó trong lòng những người con Hà thành.
Lê Thắm
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Central Retail trao tặng 5.100 phần quà Tết nhân ái
Cộng đồng 22/01/2025 14:20
Dịch vụ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo trên “chợ online” hút khách, giá từ vài trăm nghìn
Cộng đồng 22/01/2025 08:33
Ý nghĩa tục cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Cộng đồng 22/01/2025 06:55
Văn khấn cúng ông Công, ông Táo Tết Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 22/01/2025 06:52
Để tránh mất tiền oan dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 21/01/2025 12:21
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên đán
Cộng đồng 21/01/2025 10:57
Giờ nào đẹp để hóa vàng, thả cá cúng ông Công, ông Táo?
Cộng đồng 21/01/2025 06:06
Lưu ý khi dọn nhà đón Tết để cả năm tài lộc may mắn
Cộng đồng 20/01/2025 20:23
Nhiều quốc gia hành động quyết liệt bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội
Cộng đồng 19/01/2025 08:20
Người người rời phố về quê đón Tết sớm
Cộng đồng 18/01/2025 20:54