Báo động áp lực cuộc sống
Coi chừng bệnh “bỗng dưng… chán ăn” | |
5 cách công việc hủy hoại sức khỏe mà bạn không biết |
15% dân số mắc các rối loạn liên quan đến stress
Đây là thông tin được TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng Đơn vị điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ trong hội thảo “Rối loạn liên quan đến stress và những gánh nặng” do Viện Sức khỏe tâm thần tổ chức. Được biết, tại Việt Nam theo khảo sát của Bộ Y tế có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress như: Hoảng sợ, ám ảnh, rối loạn sang chấn và lo âu. Đơn cử, tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 300 bệnh nhân.
Đơn cử như trường hợp nam bệnh nhân do lo lắng thái quá cho đám cưới đến phát bệnh phải nhập viện tâm thần điều trị. Bệnh nhân là Nguyễn Thế N. (SN 1991). Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ được biết, sau khi tốt nghiệp cấp 3, N. học lái xe ô tô và làm nghề lái xe. Công việc đều đặn, không quá vất vả hay căng thẳng.Thế nhưng cách đây gần một năm, khi chuẩn bị đám cưới, anh N. luôn trong tình trạng lo lắng, suy nghĩ, trăn trở một cách thái quá. “Bệnh nhân lo lắng quá mức về đám cưới, lo cưới tốn kém không đủ tiền, kèm theo lo lan man nhiều vấn đề như kinh tế, sức khỏe, việc sau cưới hai vợ chồng có hợp nhau không…”, bác sĩ Dương Minh Tâm kể.
Bác sĩ trò chuyện cùng bệnh nhân đang điều trị rối loạn stress. |
Thậm chí, nam thanh niên này còn luôn cảm thấy lo sợ sẽ có điều không may xảy ra với mình và gia đình. Anh lo sợ lái xe gặp tai nạn nên không dám ra ngoài đường. Sau khi cưới được 5 tháng, N. vẫn không thoát khỏi tình trạng lo lắng, suy nghĩ đủ chuyện. Hậu quả là N. bắt đầu xuất hiện tình trạng ngủ kém, khó vào giấc, đêm dễ giật mình, mệt mỏi nhiều, nặng hơn về chiều tối, kèm theo các cơn hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi, căng thẳng sợ hãi.
Bệnh nhân hay có cảm giác hay nóng ruột gan, khó tập trung, khó thư giãn, đau căng tức đầu. Không những thế, bệnh nhân còn thấy nghẹn tức cổ, thở hụt hơi, hay phải gắng sức để thở, ăn uống kém hơn. Cách đây khoảng 6 tháng, khi thấy sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, anh N mới đi khám tại một số bệnh viện nhưng không phát hiện bất thường. Chỉ đến khi đến khám tại Viện sức khỏe tâm thần, các bác sĩ chẩn đoán có biểu hiện rối loạn liên quan đến stress đó là: Rối loạn lo âu lan tỏa - một dạng nhẹ của rối loạn tâm thần.
Theo bác sĩ Dương Minh Tâm, đây chỉ là một trường hợp bệnh nhân điển hình phải nhập Viện tâm thần điều trị. Đáng lo ngại, thông thường người dân rất ít nghĩ đến mình bị rối loạn liên quan đến stress mà thường đi khám các bệnh khác, dẫn đến dễ chẩn đoán nhầm hoặc điều trị muộn khiến việc điều trị khó khăn và tốn kém. “Đa số bệnh nhân chỉ đi khám tại các chuyên khoa tim mạch, thần kinh trước khi được tư vấn về bệnh tâm lý. Nhiều người trong số này được chẩn đoán nhầm là rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não… Đáng nói, là có nhiều người bệnh còn tự điều trị bằng việc đi cúng bái khắp nơi khiến tiền mất tật mang”, bác sĩ Dương Minh Tâm chia sẻ.
Bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả
Bác sĩ Dương Minh Tâm lưu ý, mọi người khi thấy bản thân đột nhiên xuất hiện triệu chứng mệt mỏi âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch như hồi hộp, trống ngực, mà không tìm thấy căn nguyên và triệu chứng, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đặc biệt, người bệnh cần đi khám đúng chuyên khoa để được phát hiện và điều trị kịp thời. |
Theo bác sĩ Dương Minh Tâm, hiện nay rất nhiều người luôn trong trạng thái rối loạn liên quan đến stress. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân. Những rối loạn liên quan đến stress có thể khiến người bệnh có những biểu hiện cảm thấy cơ thể khó chịu, lo lắng, căng thẳng, dễ nổi cáu, không tự chủ được công việc hàng ngày, mất ngủ, sự lãnh đạm thay thế sự nhiệt tình… bệnh không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người bệnh mà còn gây tác hại xấu đến gia đình và xã hội.
Đáng lo ngại, hiện nay các rối loạn liên quan đến stress ngày càng gia tăng, tùy theo các quốc gia khác nhau và từng thể bệnh khác nhau thì tỷ lệ này cũng khác nhau. Các rối loạn liên quan đến stress thường khởi phát ở giới trẻ, nữ gặp nhiều hơn nam và tập trung ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp rối loạn liên quan đến stress ở lứa tuổi học đường. Theo bác sĩ Dương Minh Tâm, một số trường hợp học sinh THCS, THPT mắc bệnh, với những biểu hiện nguy hiểm như dùng dao rạch chân, tay, rối loạn hành vi trầm cảm.
Nguyên nhân có thể là do trẻ bị căng thẳng từ việc học tập, quan hệ bạn bè, nhà trường, gia đình hay liên quan đến việc cha mẹ định hướng nghề nghiệp, học tập. “Các cháu tự lấy dao lam cắt tay, cắt chân,… để giảm khó chịu và tự thỏa mãn bản thân. Trong quá trình điều trị, nhiều cháu chia sẻ với bác sĩ do lúc nào cũng cảm thấy áp lực, căng thẳng kéo dài vì không biết chia sẻ với ai”, bác sĩ Dương Minh Tâm nói.
Nghiêm trọng hơn, rối loạn liên quan đến stress kéo dài còn gây ra những hệ lụy rất lớn cho bệnh nhân. Người mắc phải tình trạng bệnh này có thể thường gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khỏe, tác động xấu đến hệ tuần hoàn, tim mạch, hô hấp, thần kinh, sinh sản… ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như tinh thần và chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, chi phí y tế cho điều trị rối loạn lo âu gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường.
Bởi vậy, bác sĩ Dương Minh Tâm lưu ý, mọi người khi thấy bản thân đột nhiên xuất hiện triệu chứng mệt mỏi âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch như hồi hộp, trống ngực, mà không tìm thấy căn nguyên và triệu chứng, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đặc biệt, người bệnh cần đi khám đúng chuyên khoa để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Thông thường, stress thì ai cũng gặp phải trong cuộc sống, ai cũng có những phản ứng cảm xúc căng thẳng ở mức nhất định, nhưng theo thời gian sẽ giảm và ổn dần. “Một người có nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh.Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh.Ngược lại, những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ, bệnh chậm hồi phục”, bác sĩ Dương Minh Tâm phân tích.
Bên cạnh đó, Trưởng Đơn vị điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết thêm, các rối loạn có liên quan đến stress hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị với chi phí không tốn kém. Điều quan trọng nhất là người bệnh cần có lối sống khoa học và luôn quan tâm tới sức khỏe bản thân; cân bằng thời gian hợp lý cho mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc và thư giãn... Bên cạnh đó người dân cần hiểu biết về bệnh, để có thể tìm sự trợ giúp khi cần thiết. Như vậy, mỗi người sẽ tự đẩy lùi stress, chủ động bảo vệ sức khỏe tâm thần của chính mình.
Minh Khuê
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phố Sách Xuân Ất Tỵ 2025 “Tết công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng”
Giáo viên Hà Nội sẽ được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/tháng từ 1/7/2025
Đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán 2025 đầm ấm, an toàn
Công nhân môi trường đô thị quận Long Biên ấm lòng đón nhận quà Tết của Công đoàn
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Tin khác
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Y tế 24/01/2025 10:38
Chủ động các biện pháp phòng chống bệnh dại dịp Tết
Y tế 23/01/2025 10:20
Hà Nội ghi nhận thêm 102 ca bệnh sởi
Y tế 21/01/2025 06:08
Duy trì trực 4 cấp ứng phó với các tình huống cấp cứu trong dịp Tết
Y tế 18/01/2025 14:40
Mỹ Đức: Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội chùa Hương
Y tế 16/01/2025 17:18
Nhập viện cấp cứu sau khi tiêm filler nâng ngực ở cơ sở chui
Y tế 16/01/2025 06:10
Gia tăng ca bệnh viêm phổi nặng khi trời lạnh
Y tế 15/01/2025 11:56
22 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố ghi nhận ca mắc sởi
Y tế 13/01/2025 16:51
Tự hào những chiến sĩ áo blouse trắng mang sứ mệnh cứu người
Y tế 13/01/2025 16:45
Tỷ lệ hài lòng của người bệnh với khối bệnh viện quý IV là 97,11%
Y tế 10/01/2025 08:47