Văn nghệ sĩ nặng lòng với Người thợ
Ca sĩ Quỳnh Hoa:
Những gì tôi làm vẫn còn quá nhỏ bé
Tôi vẫn nhớ lần biểu diễn cho công nhân ở vùng xâu vùng xa. Sân khấu bị cắt ngang bởi 1 bể nước. Trong lúc chuẩn bị hậu trường, tôi đã bị trượt chân ngã xuống bể và uống no nước, quần áo ướt như chuột. Ngay lập tức tôi được mọi người kéo lên và đưa vào một nhà công nhân ở gần đó thay đồ. Mọi người cứ nghĩ tôi không thể biểu diễn được nữa. Nhưng chính sự quan tâm cũng như tình cảm, sự cổ vũ của các bạn công nhân ở đây khiến tôi lao lên sân khấu hát như chưa hề bị ngã.
Đời sống văn hóa tinh thần của công nhân ở các KCN – KCX còn quá nghèo nàn nên những chương trình giao lưu văn nghệ luôn được đón nhận nhiệt tình. Thường là những đêm diễn lưu động ngoài trời, nan giải nhất vẫn là vấn đề thời tiết, nhưng mặc mưa hay nắng, những người nghệ sĩ như chúng tôi vẫn quyết tâm, diễn và hát hết mình để phần nào lấp đi những khoảng trống văn hóa cho người lao động.
Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, song cuộc sống của CNLĐ còn vất vả với đồng lương thấp. Những điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa sau giờ làm việc còn thiếu. Vì vậy làm thế nào để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân luôn khiến tôi trăn trở và đau đáu trong lòng. Tôi chỉ biết cất cao tiếng hát bằng tất cả tấm lòng. Nhưng những gì tôi làm vẫn còn quá nhỏ bé, không thấm tháp được bằng những thứ họ cần.
Ca sĩ Minh Châu:
Dù có tuổi nhưng tôi vẫn diễn bằng nhiệt huyết tuổi trẻ
Là người phụ trách các lớp hát đào tạo hạt nhân văn nghệ cơ sở, lớp thanh nhạc phổ cập cho cán bộ, công nhân viên lao động thủ đô tại Đoàn văn nghệ tháng 5 của LĐLĐ TP, tôi đã có 17 năm gắn bó với phong trào văn nghệ cho công nhân với biết bao kỷ niệm. Tôi không thể nào quên được lần tham gia nhóm “Bông cúc vàng” do Tổng Liên đoàn lao động VN tổ chức hát phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp trên khắp các tỉnh thành cả nước. Mỗi buổi diễn đối với tôi như một cuộc thi khán giả bình chọn và lần đấy tôi đã đoạt giải nhất “Bông cúc vàng”.
Tôi thật sự xúc động khi được hát cho công nhân ở tận dưới hầm lò than sâu trong lòng núi.Do không quen xuống độ sâu trong lò than nên tôi bị tức thở, nước mắt chực trào, dàn dụa. Nhưng vì tình yêu,tình thương công nhân, vì cảm phục trước sức lao động bền bỉ của họ, tôi đã hát hết mình và được thợ lò vỗ tay hưởng ứng nhiệt tình. Tôi luôn chủ động tham gia các chương trình “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát” ở các quận, huyện của thành phố Hà Nội do Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô và LĐLĐ TP tổ chức vào mỗi tháng và các dịp lễ của đất nước. Đối với một người có tuổi như tôi, khi lên sân khấu để cất cao tiếng hát phục vụ cho người lao động, tôi luôn diễn hết mình, sôi động và nhiệt huyết như cùng trang lứa với họ. Tôi rất mong công nhân sẽ được xã hội quan tâm nhiều hơn nữa không chỉ có thu nhập mà cả đời sống tinh thần văn hóa. Bản thân tôi sẽ luôn mang giọng hát của mình làm điểm tựa, tạo niềm vui cho công nhân lao động.
Nhà Văn Võ Khắc Nghiêm:
“Vẫn còn nợ công nhân”
Ông là một trong những nhà văn nặng lòng với giai cấp công nhân, đặc biệt là công nhân ngành năng lượng với hai tác phẩm đạt hai lần giải nhất Văn học công nhân của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội nhà văn Việt Nam là Mảnh đời của Huệ (1990-1999) và Huyết Thống (1999-2009).
Gặp ông trong nhà riêng khi các cấp công đoàn, CN - NLĐ trong cả nước đang hăng say lao động chào mừng 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, dù mới đi viện về nhưng khi tôi nhắc đến công nhân, dường như ông khỏe hẳn ra, nói say sưa về họ - những công nhân ngành than, ngành điện đã quá đỗi thân quen trong mỗi tác phẩm của ông.
Nhấp ngụm nước chè, ông kể trước khi thành nhà văn nổi tiếng, ông từng là cơ điện trưởng công trường Bắc mỏ than Cọc 6 – Quảng Ninh từ năm 1963 rồi gắn bó cuộc đời sáng tác vì người thợ suốt nửa thế kỷ qua . Quãng thời gian ăn ngủ cùng than là chất liệu để ông viết nên những những tác phẩm tiêu biểu về công nhân gây tiếng vang mở đầu thời kỳ đổi mới như Kỷ niệm Đồi Trăng. Nhân danh công lý, Mảnh đời của Huệ, Huyết thống ... Ông luôn thông cảm với những nỗi khổ của người thợ, luôn đấu tranh bảo vệ lợi ích cho ngươi thợ. Ông đặc biệt quan tâm đến tình yêu, cuộc sống của những nữ công nhân còn nhiều thiệt thòi. Đến giờ đời sống của người thợ mỏ đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn cảnh đó - vợ một ca còn chồng thì một ca. Bữa cơm gia đình họ chẳng mấy khi được đông đủ thành viên. “ Đời người công nhân nơi nào cũng khổ, thợ lò còn cực hơn, hàng ngày họ phải chui xuống hầm có độ sâu hàng trăm mét so với mực nước biển,hệ số rủi ro,nguy hiểm rất lớn. Nóng, chật chội, tối tăm… Mỗi ngày, họ phải đổ 3-4 lít mồ hôi. Chưa kể những vụ sập lò… luôn rình rập. Vất vả là thế, thiệt thòi là thế nhưng giai cấp công nhân thời nào cũng vậy luôn vui vẻ chấp nhận mọi thiệt thòi. Họ không thích khoa trương mà âm thầm làm việc, âm thầm công hiến, tận tụy và trung thành- cho dù nhiều lúc nhiều nơi còn chưa thục sự công bằng đối với người thợ ” – ông nói.
Võ Khắc Nghiêm là nhà báo, nhà văn am hiểu sâu sắc tình hình năng lượng Việt Nam. Ông từng hai lần đi xuyên Việt theo đường dây điện 220 KV và 500KV Bắc Nam làm phim tài liệu và viết bút ký - phóng sự sự phát triển ngành điện Việt Nam, đặc biệt là về đường dây 500KV, với nhiều kỷ niệm về những người công nhân xây lắp điện dũng cảm, sáng tạo. Hơn 6 tháng trời lăn lê, bò toài dọc Trường Sơn làm phim tài liệu “ Cung đàn mùa xuân”. Hình ảnh những người thợ, những kỹ sư điện đã được ông cùng e kip khắc họa một cách chân thực nhất. Những cơn mưa rừng, những cái xém người của nắng Lào, ăn ngủ tạm bợ, thiếu nước, thiếu thuốc, sốt rét, ruồi vàng … gần như là bạn với các công nhân kéo đường điện. Họ phải lội suối, trèo đèo, vừa thiết kế, vừa thi công. Khi ấy vào đầu những năm 1990 - thời kỳ đầu đổi mới, máy móc còn hạn chế, tất cả đều dựa vào sức người. Kéo dây qua đỉnh đèo dài 1.400 km, kéo dây qua sông Gianh mà không có phà hỗ trợ…, hàng trăm người thợ âm thầm mang ánh sáng, mang nền văn minh cho dân tộc nhưng không một đòi hỏi. “ Thương lắm, cái cảnh công nhân sốt rét thiếu thuốc, thiếu nước nằm run lên bần bật trong những lán trại. Thương lắm, cảnh giữa cái nắng chang chang, họ cặm cụi dùng vai kéo sợi dây điện to như cổ tay lầm lũi nhích từng bước chân một trên những con đèo, trong những vạt rừng” – ông ngậm ngùi.
Đã hai mươi năm qua, đường điện 500 KV Bắc - Nam đã khẳng định vị trí, vai trò của mình,góp phần quan trọng cho kinh tế nước nhà tăng trưởng nhanh. Song với nhà văn Võ Khắc Nghiêm, ông vẫn cảm thấy day dứt như “mình còn nợ công nhân” rất nhiều bởi bên cạnh bộ phim tài liệu “ Cung đàn mùa xuân”, ký “Võ Văn Kiệt: Tầm nhìn năng lượng” vv … ông vẫn chưa hoàn thành được cuốn tiểu thuyêt “ Những ngõ tối trên đường sáng” dù đã hai lần được cấp giấy phép xuất bản.
NSND Quang Thọ:
“Mong thợ mỏ có tâm hồn trong sạch, sáng như nước Hạ Long”
Tên tuổi NSND Quang Thọ gắn liền với những bản trường ca : Sông Lô, Bình Trị Thiên khói lửa, Người Hà Nội, Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam… Đặc biệt, phải kể đến bài hát Tôi là người thợ lò (Hoàng Vân) – bài hát gắn liền với đời sống người thợ, cũng chính bài hát này đã tạo nên một Quang Thọ, một tiếng hát Quang Thọ.
Từng là người thợ điện trên mỏ than Cọc 6, nhưng trong sâu thẳm chàng trai trẻ Quang Thọ ngày ấy vẫn luôn ước mơ cháy bỏng trở thành ca sĩ. Anh hát bất cứ đâu, bất cứ nơi nào dù giọng hát lúc ấy, theo nghệ sĩ nói “ còn non trẻ lắm”. Năm 1964, lần đầu tiên tác giả bài hát Tôi là người thợ lò ôm đàn trình diễn tại mỏ than Cọc 6, nơi chàng công nhân trẻ Quang Thọ đang làm việc, giai điệu, ca từ đã cuốn hút anh. Sau đó, một vài lần nghe danh ca Trần Khánh hát bài này trên đài, Quang Thọ đã học lỏm được. “ Thật thú vị, lần đầu tiên tôi cùng đội văn nghệ của Công ty than Cẩm Phả chui vào hầm lò để biểu diễn cho thợ lò, và chính họ lại là những khán giả đầu tiên nghe tôi hát bài “ Tôi là người thợ lò”. Bài hát kết thúc, tôi được anh chị em đón nhận, cổ vũ nhiệt tình” – NSND Quang Thọ bồi hồi kể lại.
Nghệ sĩ cũng cho biết thêm: “Kể từ năm 1964 cho đến khi rời Quảng Ninh đi vào chiến trường 559 (đường Trường Sơn) năm 1971, đã có 7 năm là người thợ mỏ. Sau này trở thành sinh viên của Trường Âm nhạc Việt Nam, rồi trở thành danh ca của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam và cuối cùng trở thành người thầy đào tạo ra nhiều thế hệ ca sĩ đóng góp cho nền ca hát của nước nhà, tôi suy nghĩ rất nhiều về sự khởi nghiệp của mình, nó là những viên gạch đầu tiên xây nên một nền móng vững vàng để rồi từ người thợ mỏ trở thành NSND”. Khi đã thành danh, NSND Quang Thọ vẫn thường xuyên trở về quê hương tham gia nhiều chương trình nghệ thuật với tư cách một người con, một người thợ mỏ. Mỗi dịp như vậy với người nghệ sĩ tài hoa này, “ tôi được như sống lại những năm tháng xưa và những người đồng nghiệp trước đây và bây giờ, những người thợ mỏ đều coi tôi như một người thợ mỏ”. Chính lối sống có tâm và có tình của người nghệ sĩ nặng lòng với quê hương, nặng lòng với giai cấp công nhân nên ông cũng đã vinh dự được nhận danh hiệu “Thợ mỏ danh dự”.
Khi tôi hỏi, nếu có một điều ước, ông sẽ ước gì cho tầng lớp công nhân? Không chần chừ ông nói, điều ước của tôi cho những người thợ mỏ là mặc cho làn da của họ có nhuốm màu bụi than song tấm lòng họ và tâm hồn vẫn trong sạch, sáng như nước Hạ Long vậy.
N. Huyền - T. Hoài
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Cơn địa chấn Cúp C1: Man City và Bayern thua sốc, nguy cơ bật bãi đầy tủi hổ
Thể thao 23/01/2025 09:16
Nhận định trận Real Madrid vs Salzburg: Phần thắng nghiêng về đội chủ nhà
Thể thao 22/01/2025 06:31
Nhận định trận PSG vs Man City: Cuộc chiến sống còn của 2 gã nhà giầu
Thể thao 22/01/2025 06:18
Liverpool vs Lille, 03h00 ngày 22/1: Thắng để chắc suất vào vòng knock-out
Thể thao 21/01/2025 08:05
Benfica vs Barca (3h00 ngày 22/1): Barca ca khúc khải hoàn
Thể thao 21/01/2025 06:10
Nguyễn Xuân Son được định giá 700.000 euro
Thể thao 20/01/2025 08:03
Chelsea vs Wolves, 03h00 ngày 21/1: The Blues hạ gục Wolves
Thể thao 20/01/2025 08:03
Man United vs Brighton: Cuộc chiến cân sức, cân tài
Thể thao 19/01/2025 07:00
Everton vs Tottenham, 21h00 ngày 19/1: Chủ nhà nỗ lực giành điểm
Thể thao 19/01/2025 06:57
Arsenal vs Aston Villa (00h30 ngày 19/1): Pháo thủ đòi nợ cũ
Thể thao 18/01/2025 08:05