Tự hào là những phóng viên trẻ, năng động, nhiệt huyết
Để Báo đến với đông đảo người lao động | |
Phóng viên nước nhà trực xuyên trưa săn tin Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều | |
Gần 3000 phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Hà Nội |
Phóng viên Lê Thị Hà - Ban Thời sự Pháp luật: Trưởng thành hơn sau mỗi bài viết
Phóng viên Lê Thị Hà (áo hồng) |
Tôi về công tác, gắn bó với báo Lao động Thủ đô chưa lâu, đến nay mới gần hai năm. Tham gia vào Ngôi nhà Lao động Thủ đô, điều khiến tôi thực sự ấn tượng là không khí làm việc tại “ngôi nhà” Lao động Thủ đô rất tình cảm, ấm áp và gần gũi. Và đặc biệt, phóng viên, nhất là các phóng viên trẻ được Ban Biên tập hết sức tạo điều kiện trong quá trình tác nghiệp.
Là phóng viên được phân công theo dõi lĩnh vực pháp luật, bạn đọc, tôi có dịp tiếp cận với những đơn thư của bạn đọc gửi về Báo cũng như nhiều vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn Thành phố. Nhận thấy đây đều là những vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải xác minh tỉ mỉ và không ngại “dấn thân”. Tôi đã cùng các đồng nghiệp tìm hiểu, xác minh và phản ánh nhiều vụ việc phức tạp ra công luận. Nhiều bài viết của tôi đã được bạn đọc đón nhận, được các cơ quan chức năng xem xét, nhìn nhận theo chiều hướng tích cực. Nhiều tác phẩm thực sự lan tỏa, có hiệu quả, giúp không ít bạn đọc đòi lại quyền lợi, thậm chí tìm lại cả công bằng theo pháp luật.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Làm phóng viên pháp luật thực sự được “dấn thân”, được gặp gỡ nhiều người với đủ mọi tầng lớp, nhanh chóng trưởng thành, vững vàng trong nghiệp vụ nhưng ngược lại, áp lực công việc cũng rất nặng nề. Không phải lúc nào, phóng viên pháp luật cũng được người dân, cơ quan chức năng vui vẻ đón tiếp. Chúng tôi gặp rất nhiều rào cản khi tiếp cận điều tra, viết bài về những mảng “tối”, những mảng tiêu cực của nhiều lĩnh vực xã hội,... Nhưng rồi vượt qua tất cả, lòng yêu nghề và mong muốn mang lại điều tốt đẹp cho bạn đọc, cho xã hội đã giúp tôi tiếp tục bền bỉ với mảng pháp luật để rồi trưởng thành hơn sau mỗi bài viết.
Hai năm làm việc tại báo Lao động Thủ đô, tôi đã nhận được nhiều lời cảm ơn từ bạn đọc. Đó thực sự là niềm vui của những người làm báo chúng tôi. Sự tin tưởng, yêu quý của bạn đọc chính là động lực để chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng bạn đọc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho họ.
Phóng viên Đỗ Đạt, ban Kinh tế- Xã hội: Sống hết mình bằng cái tâm của nghề để tiếp tục đi và viết
Phóng viên Đỗ Đạt (bên phải) |
Dẫu biết rằng, làm báo là phải đối mặt với những khó khăn, vất vả nhưng, hầu hết những người bước vào nghề đều chấp nhận “dấn thân” để viết và cho “ra đời” những “đứa con tinh thần” phục vụ bạn đọc. Vinh quang có, cay đắng cũng nhiều, nhưng khi ngòi bút đi đúng với suy nghĩ của mình, chân thành, không vụ lợi, người làm báo có thể mỉm cười tin tưởng rằng công chúng sẽ đồng hành trên mỗi vui buồn nghề nghiệp. Nghề báo không dễ dàng, thậm chí là nghề nghiệt ngã.
Đặc biệt, trong thời điểm báo chí đang bị “lấn lướt” bởi mạng xã hội, thì bản thân của những người làm báo cũng cần phải có sự thay đổi để thích ứng. Trách nhiệm và vinh dự của người làm báo là người đưa tin, mang đến độc giả những tin tức mới nhất; người định hướng, dẫn dắt dư luận bằng cái nhìn, cách phản ánh khách quan nhất. Cái hay dở, đúng sai trong bài viết của mỗi phóng viên đều ảnh hưởng rất nhiều tới uy tín của tờ báo và niềm tin của công chúng, độc giả đối với báo chí.
Công tác tại Báo Lao động Thủ đô đến nay đã được 5 năm, trong khoảng thời gian ấy tôi đã vỡ ra được nhiều điều. Quả đúng như các bậc đàn anh, đàn chị đi trước đã từng nói, nghề báo không “nhàn hạ” như những gì người ta nghĩ. Muốn có những tác phẩm báo chí thành công, người viết phải chịu khó tìm tòi đề tài, thu thập tư liệu, chụp ảnh… Ai cũng biết vậy nhưng không phải ai cũng làm tốt, bởi để đạt được điều đó, đòi hỏi người làm báo cần phải có đam mê, có sự dấn thân.
Đặc biệt với những phóng viên trẻ, là những người non nớt trong trải nghiệm nghề, thiếu kỹ năng làm báo thì ngoài việc đầu tiên là trau dồi kiến thức, thì việc “học hỏi” có vai trò rất quan trọng. Học, có thể học từ những nhà báo dày dặn kinh nghiệm, từ đồng nghiệp, học từ những va chạm ngoài xã hội, từ chính môi trường tác nghiệp mà mình trải qua. Để tác nghiệp chủ động, thành công, người làm báo cần phải có cho mình một tác phong chuyên nghiệp: Chuyên nghiệp từ khâu trang bị, sử dụng phương tiện làm việc như máy ảnh, máy ghi âm, máy tính, điện thoại liên lạc; chuyên nghiệp trong quá trình thực hiện đề tài, cách nhìn nhận vấn đề, cách đặt câu hỏi phỏng vấn, cách khai thác thông tin…
Và hơn hết, làm báo đòi hỏi người phóng viên phải có một tư duy nhạy bén, cách xử lý vấn đề khéo léo; cẩn trọng, luôn chỉn chu và cầu toàn trong từng câu chữ. Và đặc biệt, phải luôn tỉnh táo để thu thập thông tin đa chiều, tránh cái nhìn chủ quan, phiến diện.
Thú thực, không chỉ có các phóng viên trẻ, mà với tôi nhiều lúc theo nghề cũng cảm thấy nản, thấy khó khăn, đơn cử như việc bị từ chối cung cấp thông tin, bị áp lực thời gian, hay bị “ý kiến” vì những bài viết “có vấn đề”…Nhưng xét cho cùng, nghề nào chẳng có cái khó, cái nhọc nhằn. Một khi còn sức trẻ và còn nhiệt thành thì phải cố gắng. Những người đi trước vẫn dạy, nghề có phụ ai bao giờ, cố gắng chịu khó trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thì những bước đi chập chững ban đầu mới vững vàng hơn qua thời gian. Dẫu biết rằng phía trước mình là một chặng đường dài, nhưng mỗi phóng viên, nhà báo luôn cố gắng và nỗ lực, sống hết mình bằng cái tâm của nghề để tiếp tục đi, viết và làm tròn trách nhiệm của người cầm bút, trách nhiệm với độc giả…
Phóng viên Nguyễn Công - Ban Điện tử: Được đi và được thấy
Phóng viên nguyễn Công (thứ hai từ trái qua) tác nghiệp ở đảo Trường Sa Đông |
Thời gian trôi nhanh quá, thấm thoát đã gần 4 năm tôi gắn bó với “Mái ấm Lao động Thủ đô”. Nếu đem so với chặng hành trình tờ báo đã đi qua, thì quãng thời gian đó chưa là gì, nhưng với tôi, đó là khoảng thời gian ghi dấu ấn của cuộc đời. Tôi được bắt đầu với những công việc mình say mê, dù khởi đầu hơi khó khăn, do thói quen làm báo truyền hình mà lại phải tiếp cận với báo in, nhưng tình yêu với công việc, lại được môi trường ấm áp của báo Lao động Thủ đô nuôi dưỡng, đã giúp tôi sớm bắt nhịp được công việc, dần tạo được dấu ấn của bản thân.
Có lẽ những kỷ niệm trong chuyến đi tác nghiệp ở Trường Sa là niềm tự hào, là kỷ niệm không thể nào quên. Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp cầm bút của mình, tôi có vinh dự được đến với Trường Sa, lòng không khỏi xúc động và tự hào. Là phóng viên của báo Lao động Thủ đô, nên tôi luôn xác định nhiệm vụ phải khai thác được những thông tin, hình ảnh của Hà Nội với Trường Sa: Những người con Thủ đô đang ngày đêm chắc tay súng, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió; những tình cảm của Thủ đô Hà Nội gửi đến quân và dân trên huyện đảo Trường Sa.
Bên cạnh đó, tôi cũng luôn tranh thủ từng giây phút đặt chân lên các điểm đảo để ghi chép, thực hiện các phóng sự ảnh về đời sống của quân và dân trên đảo qua từng tác phẩm báo chí. Làm báo ở Trường Sa là tác nghiệp trong một điều kiện đặc biệt. Cái khó không chỉ là những cơn say sóng đến lả người, hay cả khi thuận buồm xuôi gió thì phóng viên cũng phải đối diện với sự quá eo hẹp về thời gian. Nhưng vượt qua gian khó, nhìn lại những sản phẩm về Trường Sa được đăng tải trên các trang báo của Báo Lao động Thủ đô thì thật đáng tự hào.
Với những người làm báo, Trường Sa không chỉ hiển hiện trong từng câu, chữ hay từng bức ảnh, thước phim; Trường Sa còn hiện diện thật sâu lắng trong trái tim và tâm thức. Trường Sa thực sự là một “địa bàn” tuyệt vời để mỗi nhà báo, phóng viên thấy trân quý hơn nghề mà mình đã chọn. Niềm tự hào, hãnh diện được ra với Trường Sa là động lực giúp tôi vượt lên chính mình, để cung cấp cho bạn đọc bức tranh đầy đủ về cuộc sống, chiến đấu và tình cảm của người lính nơi đảo xa.
Vậy là báo đã bước sang tuổi 27 với tràn đầy sinh lực mới, và những người trẻ như chúng tôi, càng cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, để xây dựng “Mái ấm Lao động Thủ đô” thêm đầm ấm, khang trang và có sức hút với bạn đọc nhiều hơn nữa.
Phóng viên Mai Quý, Ban Điện tử: Nghề báo đã chọn tôi!
Tôi đến với nghề báo như một cơ duyên đã định sẵn. Ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi đã rất hào hứng với các tiết học của môn Văn học – báo chí. Và rồi, khi đa phần sinh viên năm cuối đăng ký đi thực tập tại các trường học thì tôi lại chọn một tờ tạp chí để thử sức. Hết thời gian thực tập, ra trường tôi trở thành phóng viên của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, sau đó là Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo.
Cuối năm 2017, tôi vào làm việc tại Báo Lao động Thủ đô, là một phóng viên trẻ, tôi luôn được Ban biên tập và đồng nghiệp trong cơ quan nhiệt tình giúp đỡ, chỉ dạy về chuyên môn, nhờ đó tôi nhanh chóng hòa nhịp với môi trường làm việc mới và trưởng thành hơn trong nghề báo. Với mong muốn được góp sức làm cho báo Lao động Thủ đô ngày càng phát triển nên trong quá trình làm việc tôi luôn nỗ lực hoàn thành các công việc được giao, tìm kiếm và sản xuất các tin bài trên báo điện tử đảm bảo tính thời sự và thông tin chính xác. Ngoài ra, được giao đảm nhiệm trang khu công nghiệp và chế xuất trên báo giấy, tôi luôn tích cực tìm tòi, triển khai đề tài và nhờ vậy tôi có cơ hội được tiếp xúc với đông đảo công nhân lao động để có cách nhìn nhận đa diện, nhiều chiều về cuộc sống của họ. Từ đó có những bài viết chân thực, sinh động gửi tới độc giả.
Trong quá trình làm việc, tôi được Ban biên tập tin tưởng giao nhiệm vụ tiếp nhận đơn thư và giúp người lao động đòi lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng. Với một phóng viên trẻ như tôi, đây là một thử thách và để hoàn thành nhiệm vụ, đòi hỏi tôi phải có kiến thức về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về pháp luật lao động. Nhận thức được điều đó, tôi đã chủ động trau dồi và liên tục cập nhật những kiến thức mới về những chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động.
Mỗi khi tiếp nhận đơn thư của người lao động, tôi đều tìm hiểu thật kỹ những quy định liên quan, tham khảo ý kiến của những đồng nghiệp có kinh nghiệm, luật sư và Trung tâm tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội. Từ đó củng cố thêm kiến thức để giúp người lao động đòi lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ.
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác vui sướng khi phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm và Trung tâm tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đòi được quyền lợi cho một nhóm người lao động của Công ty TNHH phần mềm kế toán thông minh. Những người lao động này bị công ty nợ lương với số tiền hơn 180 triệu đồng, không chốt, trả sổ Bảo hiểm xã hội và giữ bằng đại học. Hay cảm giác hạnh phúc khi đọc thư cám ơn của một người lao động gửi đến tòa soạn báo vì tôi đã giúp họ đòi được tiền lương mà công ty không chi trả sau khi nghỉ việc…
Đây chính là động lực để tôi tiếp tục cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được Ban biên tập báo tin tưởng giao phó. Đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng làm báo để có thể giúp được nhiều hơn nữa những người lao động bị mất quyền lợi và góp phần xây dựng báo Lao động Thủ đô ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành tiếng nói hữu hiệu của người lao động.
Phóng viên Đinh Luyện, ban Thời sự- Pháp luật: Sự trung thực làm nên “màu sắc” riêng biệt
Với những người làm báo trẻ, ngoài chuyên cần không ngại khó ngại khổ cần sự trung thực trong câu chữ. Bởi sự trung thực đó sẽ rèn luyện cho người viết tâm tính, hơn hết nó là “liều thuốc” hữu ích để độc giả luôn giành sự tin tưởng cho tờ báo.
Tôi đam mê nghề báo từ khi còn là học sinh và có thể nói sự đam mê ấy đã giúp tôi vượt qua những khó khăn ban đầu với nghề. Làm nghề và trải nghiệm, tôi mới ngẫm ra rằng chỉ nói yêu, đam mê sẽ rất nhanh mất phương hướng. Chỉ có bằng sự lao động nghiêm túc, nắn nót trong câu chữ, sẵn lòng chạy hàng trăm cây số sau một cuộc gọi của bạn đọc ở một thôn làng nào đó khi chỉ là chạy đến và nghe một câu chuyện nhỏ…
Còn nhớ, hồi năm 2009, nhân ngày ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tôi từng có duyên được nghe nhà báo Hà Đăng, nguyên trưởng Ban tư tưởng Văn hoá Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản tâm sự, để trở thành nhà báo giỏi, vừa có đức, vừa có tài, mỗi phóng viên, nhà báo phải tự rèn luyện, học tập và không ngừng vươn lên trong từng giai đoạn. Chỉ có đi nhiều, tiếp xúc nhiều, và có khi bị chê nhiều, người cầm bút mới có được cái nhìn trung thực hơn, khách quan hơn và sâu sắc hơn. Hơn hết, ông nhấn mạnh, dù trong bất kỳ thời kỳ nào, người làm báo cũng phải luôn trung thực. Điều đó nói lên đạo đức của người cầm bút.
Sau nhiều năm làm nghề tôi lại càng “thấm” những chia sẻ của ông. Còn nhớ, đận cuối năm 2017, khi tôi đang trong giai đoạn chuyển công tác tại một cơ quan chuyên về pháp lý. Một người anh và cũng là đồng nghiệp mà tôi trân quý đã cho lời khuyên rằng, tôi nên tìm đến tờ báo biết trân trọng và đem sự chân thật trong thông tin lên hàng đầu. Lao động Thủ đô là một tờ báo như vậy. Thật may, khi tôi cầm hồ sơ đến, sau cuộc trò chuyện gần gũi Tổng biên tập báo chỉ yêu cầu tôi duy nhất một điều là: “Phải đi thật, viết thật”. Tôi biết mình đã tìm đúng tờ báo để cống hiến.
Những ngày tiếp sau, từ những câu chuyện, lời khuyên của Phụ trách Ban thư ký, Trưởng ban, đồng nghiệp báo Lao động Thủ đô… lại càng chứng thực cho sự tin tưởng của tôi. Đến nay, khi đã thực sự là một thành viên của mái ấm Lao động Thủ đô, cũng chính sự trung thực, chỉn chu trong đi và viết đã giúp cá nhân tôi có “trái ngọt” là những giải thưởng về báo chí, là sự ghi nhận của lãnh đạo báo, đồng nghiệp và bạn đọc.
Với tôi, những người làm báo trẻ ngoài sự trung thực cũng cần có sự tự bồi dưỡng trau dồi những cá tính riêng. Chẳng hạn, có thể có những người viết phải có tí châm chọc, có những người từ đầu tới cuối là nghiêm túc, thậm chí có người chuyên viết kết luận trước... nhưng không nên viết trăm bài như một, tròn trịa nhưng không dấu ấn.
Cuộc sống làm báo cho tôi tiếp xúc với nhiều người. Cho tôi được gặp các cô bác nông dân chân lấm tay bùn, anh công nhân sửa xe, chị lao công… cho đến những người giữ vị trí cao trong xã hội. Tôi gọi đó là trải nghiệm, là thanh xuân của tôi. Nghề báo cao quý cho tôi những giá trị cao quý như vậy. Cảm ơn nghề, cảm ơn Lao động Thủ đô, cảm ơn bạn đọc.
Phóng viên Phạm Thảo, Ban Kinh tế- xã hội: Khi bài viết được VTV1 điểm báo
Thấm thoát gần 4 năm tôi làm việc ở báo Lao động Thủ đô - một trong những địa chỉ tin cậy của công nhân lao động, để họ có thể san sẻ những tâm tư, nỗi niềm của mỗi người, mỗi nghề, mỗi câu chuyện thấm đẫm sự nhân văn, nhân ái. Mỗi nghề nghiệp đều phải có những phẩm chất riêng, nhưng nghề báo cần hơn cả là sự tâm huyết, luôn đề cao đạo đức của một người làm báo chân chính.
Ai cũng có những bước đi chập chững đầu tiên khi mới bước vào nghề, nhất là trong môi trường khắc nghiệt như làm báo. Hẳn ai cũng đã từng đặt ra trong đầu mình những câu hỏi, cách viết tin thế nào? Tác nghiệp ra sao? Khi phỏng vấn nhân vật thì cần phải chuẩn bị những gì? Sự bỡ ngỡ ban đầu như rào cản mà ai muốn vào nghề cũng cần phải phá vỡ nó.
Từ những tin sự kiện nhỏ tới những bài phỏng vấn chuyên sâu. Dần dần, tôi bắt nhịp được với sự chuyển động của báo chí, của sự kiện, hay những vấn đề nóng đang diễn ra trong đời sống xã hội. Gần 4 năm trôi qua, cái nhớ nhất là lần đầu tiên thấy tên Phạm Thảo được nhắc tới trong chương trình điểm báo sáng của VTV1. Tôi hiểu rằng, nếu bài viết hay, viết đúng hơi thở cuộc sống sẽ ăn sâu vào lòng bạn đọc.
Và tôi cũng hiểu rằng, trong thời buổi công nghệ thông tin với sự lên ngôi của báo mạng, song trong hệ thống quản lý Nhà nước, mỗi lần VTV1 điểm báo sáng thu hút được sự quan tâm của lãnh đạo tử cấp huyện, tỉnh, thành đến cấp Trung ương... do đó mỗi bài viết nếu được VTV1 điểm báo “sức nặng” sẽ rất lớn. Không phải vì được Ban Biên tập khen thưởng cho các tác phẩm báo chí của phóng viên được điểm báo, mà quan trọng hơn thấy đó cũng là một trong những tiêu chí để phấn đấu…
Phóng viên Phương Ngân - Ban Điện tử: Trưởng thành dưới ngôi nhà Lao động Thủ đô
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, được nhận vào làm việc tại tòa soạn báo Lao động Thủ đô đối với tôi đó là một sự may mắn. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lần bước đến cơ quanvào năm 2018. Một cảm giác bồi hồi xen lẫn háo hức lan tỏa khắp người ngay từ khi bước chân đến cửa. Nhìn các anh, chị phóng viên tất bật làm việc, trong lòng tôi trào dâng sự ngưỡng mộ vàthầm tự nhủ “Từ bây giờ mình sẽ giống các anh chị ấy, đây sẽ là nơi mình gắn bó, làm việc, xuất phát cho một cuộc hành trình mới”.
Bắt đầu làm việc với đầy sự bỡ ngỡ và không kém phần mộng mơ của cô sinh viên mới ra trường, chính vì thế những bài viết đầu tiên của tôi vẫn còn nhiều thiếu sót. Lúc ấy, tôi được các anh, chị trong cơ quan khuyên nên dành thời gian đọc các ấn phẩm của báođể làm quen với văn phong cũng như học tập cách lựa chọn, triển khai các đề tài. Các anh chị cũng cho tôi lời khuyên rằng: “Nghiệp cầm bút phải gắn liền với những chuyến đi. Chỉ có đi và trải nghiệm thì mới có nhiều đề tài mới, hấp dẫn và tạo ra những tác phẩm hay, chất lượng. Như thế thì mới có thể tiến bộ được”. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, tôi nghĩ câu nói đó quả thực rất đúng.
Mái ấm Lao động Thủ đô đã cho tôi cơ hội, đã mang đến cho tôi những “lần đầu” mà có lẽ, suốt cuộc đời này chằng thể quên. Trước đây, tôi chưa từng nghĩ sẽ có lúc một mình chạy xe máy hàng chục cây số để đến một xã, huyện nào đó để làm việc. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ thức giấc từ 4 giờ sáng để đến các Khu công nghiệp làm trực tuyến. Và cũng chưa từng nghĩ, đến một ngày, mình cùng các anh chị đồng nghiệp tối ngày “ra đường”, bắt từng khoảnh khắc muôn vẻ của cuộc sống, tham gia phản ánh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội. Hay tôi cũng chưa từng nghĩ đến sẽ được lên những chuyến tàu đi đến những vùng hải đảo thiêng liêng của tổ quốc, đến những nơi không phải ai cũng có thể đếnở những miền đất xa.
Nếu ai đó hỏi có cảm thấy vất vả không, tôi chắc chắn trả lời là có. Thế nhưng, bên cạnh nỗi vất vả, đó là niềm vui, đó là sự hạnh phúc khi tôi được sáng tạo ra những bài báo, những tấm hình chân thực, sinh động phục vụ độc giả. Thử thách càng nhiều thì cũng là lúc đam mê cứ lớn dần.Nếu không phải làm báo, nếu không phải Lao động Thủ đô, thì biết đến bao giờ tôi mới có những trải nghiệm như thế.
Thế rồi nhìn lại chặng đường đi qua, mới hay mình đã trưởng thành hơn rất nhiều so với thuở mới vào nghề, từ kiến thức cho đến tư duy làm nghề. Tôi cũng trở thành một thành viên của Ban Điện tử đòi hỏi sự nhanh nhẹn và“đa năng”.
Cảm ơn nghề đã cho tôi có́ nhiều trải nghiệm, được thắp sáng ngọn lửa đam mê. Cảm ơn nghề vì đã cho tôi có môi trường làm việc báo Lao động Thủ đô, nơi có Ban Biên tập, những đồng nghiệp tôi vô cùng trân quý đã cho tôi được học, được làm và được đồng hành cùng mọi người. Thời gian càng thêm gắn bó, chẳng biết tự bao giờ, logo Lao động Thủ đô đã trở nên thiêng liêng, không chỉ những lúc gắn bên trái tim mình.
Mỗi ngày làm báo với tôi vẫn luôn là một điều mới mẻ, thú vị, những trải nghiệm đáng quý. Chặng đường miệt mài 27 năm cống hiến cho độc giảcủa báo Lao động Thủ đô chính là động lực để chúng tôi- những phóng viên trẻgiữ lửa đam mê với nghề, cố gắng để bản thân luôn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để xứng đáng với sự tin tưởng của bạn đọc.
Phóng viên Nguyễn Hoa - Ban Điện tử: Đã và sẽ trải nghiệm nhiều điều về cuộc sống
Gắn bó với nghề báo đã bước sang năm thứ 5, song chỉ khi về làm việc tại Lao động Thủ đô mới là nơi tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, ở những môi trường khác nhau và công việc khác nhau. Đó là những người lái xe ôm, là những người công nhân lao động vất vả bên những phân xưởng sản xuất trong những khu công nghiệp, là số phận vượt lên khó khăn bằng nghị lực phi thường hay những con người rất đỗi giản dị nhưng có tấm lòng cao cả…
Trước đây, khi mới ra nghề, tôi rất mông lung với công việc của mình. Kiến thức được học ở trường đã được trang bị khá đầy đủ, song khi bước vào nghề lại không đơn giản chút nào. Mình sẽ viết mảng đề tài nào? Chính trị, kinh tế hay xã hội? Cuối cùng khi về Lao động Thủ đô, tôi chính thức được phân công viết các mảng liên quan đến: Dân sinh, Hà Nội trên đường phát triển và Khu Công nghiệp- Chế xuất. Trong đó, ấn tượng lớn nhất với tôi và cũng cho tôi nhiều trải nghiệm về tình yêu thương, sự tận tụy chính là khi tiếp xúc với công nhân lao động tại các Khu Công nghiệp- Chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhớ lại lần vào giữa đêm nhà mất điện, trời thi nóng nực, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại không sao ngủ được. Sáng hôm sau thức giấc, người mệt mỏi vô cùng. Tuy nhiên, cũng vào những ngày hè Hà Nội “rực lửa”, tôi được Ban Biên tập phân công đi viết về sinh hoạt của công nhân nơi xóm trọ, vậy là tăng tốc lên đường. Nơi đầu tiên tôi đến là khu nhà trọ của công nhân tại Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Chao ôi, có đi mới biết, có nhìn mới thấy nỗi vất vả những công nhân thuê trọ. Trong căn phòng chừng 15 m2, lập bằng mái tôn, không điều hòa, chỉ mỗi chiếc quát điện, 3 công nhân nữ đang hì hục nấu cơm tối sau giờ tan ca. Khi tôi hỏi: “Nóng thế này các bạn ngủ sao nổi”? Một trong số 3 công nhân trả lời: “Lâu cũng thành quen, mà không ngủ thì đi thuê khách sạn hả chị?”. Có lẽ câu hỏi thành tâm của tôi vô tình đã chạm vào lòng tự ái của các bạn, nên tôi phải lờ đi và bắt chuyện bằng cách khác.
Song cũng chính lần này, cho tôi cảm nhận về giá trị của cuộc sống, về sự nỗ lực vươn lên của con người nói chung, của công nhân lao động nói riêng. Và trong tôi không ngoài gì hơn sự đồng cảm. Một triết gia từng nói: Có những điều tưởng vĩ đại nhưng hóa đỗi bình thường, song có những điều cảm thấy bình thường song dạy cho ta nhiều điều bổ ích. Cảm ơn Lao động Thủ đô đã cho tôi có cơ hội để trải nghiệm nhiều điều về cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Công nhân môi trường đô thị quận Long Biên ấm lòng đón nhận quà Tết của Công đoàn
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Cổ động viên "tiếp lửa" cho CLB Công an Hà Nội ngược dòng kịch tính trên đất Malaysia
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Tin khác
Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân đón Tết
Nhịp sống Thủ đô 23/01/2025 16:21
Thanh Xuân: Trao 150 suất quà Tết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Nhịp sống Thủ đô 23/01/2025 09:21
Quận ủy Thanh Xuân trao Huy hiệu 75 tuổi Đảng tặng đảng viên lão thành
Nhịp sống Thủ đô 22/01/2025 20:24
Huyện Thường Tín phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 22/01/2025 14:07
Tại sao năm nay phố Hàng Mã ít đồ cúng ông Công ông Táo?
Nhịp sống Thủ đô 21/01/2025 22:28
Cụm thi đua số 1: Các phong trào thi đua đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực
Nhịp sống Thủ đô 21/01/2025 22:08
Sắm Tết với 40 gian hàng đặc sản vùng miền
Nhịp sống Thủ đô 21/01/2025 08:55
Đồng chí Bùi Huyền Mai thăm, chúc Tết các đơn vị ứng trực, phục vụ Tết
Nhịp sống Thủ đô 20/01/2025 20:21
Lễ hội Chùa Hương 2025: Mỗi lái đò có mã QR code tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách
Nhịp sống Thủ đô 20/01/2025 16:17
Đảng bộ phường Phương Liệt tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025 - 2030
Nhịp sống Thủ đô 19/01/2025 11:57