Trung thu ở Hà Nội: Tìm trăng trên phố
Trung thu trên phố cổ
Có lẽ đã từ hàng chục năm nay, tốc độ đô thị hóa và những ngôi nhà cao tầng ở Thủ đô đã khiến việc ngắm trăng hay việc thưởng thức bầu trời đã bị hạn chế hơn so với các vùng quê, nơi không gian thoáng, rộng và yên bình. Phải thừa nhận rằng, trẻ em đô thị có những em chưa từng được ngắm trăng vào dịp Trung thu, mà chỉ được ăn những chiếc bánh nướng, bánh dẻo cha mẹ mua sẵn từ cửa hàng về rồi… ngắm trăng qua màn hình tivi. Những thế hệ sau thiệt thòi hơn thế hệ cha mẹ, ông bà, bởi “tìm đâu trăng trên phố”, nơi những tòa nhà cao tầng cùng đèn điện phố thị đã che khuất mất cả vầng trăng.
Có nhiều người cho rằng, Trung thu có vui mấy đi chăng nữa, mâm cao cỗ đầy, hoạt động văn hóa văn nghệ tưng bừng đi chăng nữa thì điều cốt yếu vẫn là phải nhìn thấy trăng đêm rằm. Có trăng, có bầu trời, có rước đèn, có phá cỗ, có chú Cuội, chị Hằng, có những thức quà truyền thống gắn chặt với Trung thu như bánh nướng, bánh dẻo, đồ chơi thì mới là một đêm rằm trọn vẹn.
Nếu như ánh trăng nơi phố thị có lu mờ bởi đèn điện cao áp, bị khuất bóng bởi nhà cao tầng, thì ở trong lòng phố thị, Trung thu vẫn lung linh, ấm áp, tưng bừng bởi nhiều hoạt động “tìm về nguồn cội”. |
Thế nhưng, con người Hà Nội vốn yêu cái đẹp, yêu truyền thống và không dễ gì rời bỏ nét truyền thống, cũng như không chịu khuất phục hoàn cảnh. Nếu như ánh trăng nơi phố thị có lu mờ bởi đèn điện cao áp, bị khuất bóng bởi nhà cao tầng, thì ở trong lòng phố thị, Trung thu vẫn lung linh, ấm áp, tưng bừng bởi nhiều hoạt động “tìm về nguồn cội”.
Sự chuẩn bị cho Trung thu của người Hà Nội kéo dài cả tháng. Thay vì chỉ tập trung một ngày và “ăn Tết”, “phá cỗ” như trước, người ta chơi Trung thu nhiều hơn. Những không gian đón mùa trăng được trang hoàng khắp nơi cho người Hà Nội thoải mái thưởng thức không khí cổ truyền, chụp ảnh, hòa mình vào sắc màu lung linh của đêm hội trăng rằm.
Chúng tôi đến Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm) vào một ngày thu đầy nắng, hòa mình vào chuỗi hoạt động văn hóa “Tết Trung thu truyền thống năm 2023” do Ban Quản lý Phố cổ và Hồ Hoàn Kiếm tổ chức. Tại đây, chúng tôi được gặp những em học sinh với áo trắng tinh khôi - chủ nhân của “vầng trăng” sau này, nghe các em bộc bạch về cái Tết Trung thu nơi phố thị.
Em Đinh Diệp Anh - Học sinh lớp 6A Trường Trung học cơ sở Hoàn Kiếm cho biết: “Con nghe mẹ kể Trung thu hồi xưa ở quê, ông bà, mẹ và các bác thường trải chiếu ra sân, bày cỗ Trung thu ra rồi vừa ăn vừa ngắm trăng. Còn học sinh ngày xưa được tự làm, tự dán đèn ông sao rồi đi rước đèn cùng cả trường rất vui. Nhưng con thấy Trung thu ở Hà Nội cũng rất vui, bởi có nhiều hoạt động dành cho thiếu nhi. Năm nào con cũng được tham gia các hoạt động Trung thu ở phố cổ. Ở trường cũng tổ chức Trung thu, ở khu phố cũng tổ chức, ở đâu cũng có Trung thu. Mặc dù không được ngắm trăng nhưng con rất vui mỗi dịp Trung thu đến”.
Trẻ em được trải nghiệm Trung thu xưa nơi phố cổ. |
Say mê ngắm những món đồ chơi trung thu xưa được trưng bày tại không gian di sản, em Diệu Ngân, học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, Hoàn Kiếm không rời được mắt. Em cho biết ấn tượng nhất với em chính là những chiếc đèn ông sao, trống lắc tay, mặt nạ giấy bồi, trống ếch, đèn lồng. Em nói: “Con thấy ấn tượng nhất là những đồ chơi của người xưa, vừa đẹp vừa mang đậm nét truyền thống”.
Em Mai Tú Ngọc, một học sinh Hà Nội chia sẻ: “Những hình ảnh tài liệu về Tết Trung thu xưa, những mâm ngũ quả ở đây gợi nhớ cho con về cái Tết Trung thu trong gia đình, những hình ảnh trẻ em với Tết Trung thu trong làng quê đầm ấm. Con cũng thích những hình ảnh tư liệu về Tết Trung thu hoàng cung xưa”.
Có một điều dễ nhận thấy rằng, những năm gần đây Hà Nội rất chú trọng đến việc phục dựng, tái hiện, đưa những nét cơ bản của Trung thu truyền thống xưa trở lại với nhịp sống hiện đại. Hàng loạt các không gian đón trăng mang màu sắc của kí ức được chăm chút, tỉ mỉ từng chi tiết để người dân Thủ đô hòa mình vào không khí rằm tháng 8 của ngày xưa.
Đó là không gian trưng bày các loại đèn trung thu cổ truyền dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ xưa. Các mẫu đèn cổ đã thất truyền được phục dựng và trưng bày để du khách thưởng làm như đèn cá chép hóa long, đèn cá chép trông trăng, đèn cua sống, đèn cua chín, đèn thỏ, đèn bướm, đèn tôm, đèn trống... Bên cạnh đó vẫn là các gian hàng bày đồ chơi Trung thu truyền thống như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống ếch, trống bỏi, tàu thủy sắt tây, thỏ đánh trống, tò he, thiên nga nhồi bông...
“Thắp sáng” cho Trung thu truyền thống
Rời Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, chúng tôi đến với không gian bích họa phố Phùng Hưng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm. Nơi đây được Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với nghệ nhân, thợ thủ công của các làng nghề lân cận Hà Nội trưng bày, trình diễn giới thiệu các sản phẩm đồ chơi truyền thống dịp Tết Trung thu.
Phố Hàng Mã, "thủ phủ" của Trung thu Hà Nội đã rực rỡ từ 1 tháng trước khi trăng tròn. |
Đó là hoạt động trải nghiệm làm con giống bột với nghệ nhân Đặng Văn Hậu làng Xuân La, huyện Phú Xuyên. Đó là hoạt động trải nghiệm làm đèn ông sao truyền thống “Lồng đèn đón trăng” với nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. Đó là trải nghiệm làm đèn kéo quân với nghệ nhân thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai; mặt nạ giấy bồi với thợ thủ công làng Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; chuồn chuồn tre với thợ thủ công xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất...
Với tình yêu trẻ và đam mê tâm huyết với nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã gắn bó và “thắp sáng” cho đồ chơi Trung thu truyền thống. Bằng đôi bàn tay tài hoa, khéo léo cùng óc sáng tạo, hơn 50 năm qua nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã biến những cây nứa, tờ giấy màu thành những món đồ chơi Trung thu truyền thống được trẻ em yêu thích. Nghệ nhân vừa làm vừa giải thích với các em nhỏ: “Đèn ông sao vừa là biểu tượng cho ngôi sao năm cánh trên quốc kỳ, vừa thể hiện cho ước muốn hòa bình của người Việt Nam. Đèn con thỏ là dựa vào truyện thỏ ngọc cứu bạn trong đêm rằm tháng 8”.
Giữa những món đồ chơi Trung thu hiện đại, tò he mang vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần đặc sắc. Miệt mài nặn tò he lưu giữ nét Trung thu, nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ: “Tôi rất muốn giữ gìn và phát triển nghề tò he, làm sao cho đời con đời cháu tôi có thể theo nghề tò he!”
Cũng nhân dịp Tết Trung thu, tại Hoàng thành Thăng Long, nhiều em nhỏ thích thú khi được xem và cùng nghệ nhân làm đồ chơi Trung thu truyền thống do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức.
Nghệ nhân ưu tú Đặng Văn Khang, nghệ nhân tò he chia sẻ: “Tôi tham gia chương trình, chia sẻ với các em nhỏ những câu chuyện về con giống bột với mong muốn tiếp tục lưu giữ, phát huy nghề truyền thống của cha ông để lại”. Còn Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền vừa hướng dẫn các em nhỏ làm đèn ông sao, vừa cho biết, khác với đồ chơi ngoại nhập, đèn Trung thu truyền thống được làm bằng chất liệu tự nhiên như tre, nứa, giấy dó... Bên cạnh đèn ông sao, năm nay, các nghệ nhân còn làm một số đèn cổ như cá chép hóa long, đèn cá chép trông trăng.
Hình ảnh Trung thu xưa được tái hiện nơi phố cổ. |
Tại Hoàng thành Thăng Long, hàng nghìn thiếu nhi Thủ đô được trải nghiệm các khu trưng bày với chủ đề phố xưa, trong đó có bày bán đồ chơi Trung thu như các loại đèn lồng truyền thống; các hoạt động trải nghiệm tương tác cho thiếu nhi làm bánh nướng, bánh dẻo, đèn Trung thu, mặt nạ giấy bồi….
Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề làm đèn Trung thu xưa ở phố cổ Hà Nội, Thanh Oai… phục dựng các mẫu đèn đã bị thất truyền từ những nguyên liệu truyền thống giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán... Nổi bật nhất là đèn cá chép hóa long, đèn cá chép trông trăng, đèn cua sống.
Đồng thời, Trung tâm vẫn duy trì các gian hàng bày đồ chơi Trung thu truyền thống như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống ếch, trống bỏi, tàu thủy sắt tây, thỏ đánh trống, tò he, thiên nga nhồi bông...
Tiếp đến, chúng tôi đến với khu vực trước cửa chợ Đồng Xuân, chứng kiến cả không gian Phố cổ Hà Nội ngập tràn sắc màu của ánh đèn đêm hội. Không gian của Lễ hội kéo dài từ chợ Trung thu truyền thống Hàng Mã, khu vực chợ Đồng Xuân, kết hợp với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy, không gian bích họa phố Phùng Hưng, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, 6 phố trong khu bảo tồn cấp 1 Phố cổ Hà Nội và tại các điểm di sản văn hóa.
Tại đây có các gian hàng, quầy hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm phục vụ Trung thu, đồ chơi cho thiếu nhi; biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian; thi bày mâm cỗ; thi rước đèn đêm trăng của thiếu nhi; hoạt động phá cỗ đêm rằm Trung thu. Đặc biệt, sân khấu của đêm rằm Trung thu năm nay được trang trí lung linh bằng hệ thống đèn chiếu sáng rực rỡ muôn sắc màu, các em thiếu nhi được thấy chị Hằng Nga và chú Cuội trong câu chuyện cổ tích được tái hiện trong vở nhạc kịch “Thằng Bờm”.
Trung Thu xưa qua tư liệu lịch sử. |
Lễ hội Trung thu Phố cổ được tổ chức hàng năm có ý nghĩa thiết thực nhằm tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần gìn giữ giá trị lịch sử văn hóa quốc gia khu Phố cổ Hà Nội, phát triển không gian văn hóa mang tính cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách du lịch. Lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân quận Hoàn Kiếm nói riêng và người dân Hà Nội nói chung, nhất là từ khi khu Phố cổ Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia.
Trăng sáng trong không gian hẹp
Có lẽ, các hoạt động Trung thu của Hà Nội đã “bù đắp” lại một phần không nhỏ những thiệt thòi cho người dân cũng như trẻ em nơi phố thị. Dù không thể chơi trăng, ngắm trăng hay rước đèn ông sao đi khắp phố xá, nhưng các em được trải nghiệm cái Tết Trung thu vui tươi, đầm ấm và còn được tìm hiểu những tích Trung thu xưa và nay qua các tư liệu dồi dào, phong phú.
Giáo sư, tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ: Việc tổ chức Trung thu cho các em thiếu nhi là hoạt động hết sức ý nghĩa, bởi trong áp lực cuộc sống đô thị ngày nay, khi không gian quá chật hẹp, thì đây là những hoạt động sâu sắc. Ngoài phục vụ người dân, đặc biệt là thiếu nhi, thì các hoạt động Trung thu còn là nét văn hóa rất riêng của Hà Nội, hấp dẫn người dân Thủ đô và cả du khách đến với Thành phố.
Bà Lê Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, Tết Trung thu từ bao đời nay là dịp các gia đình cùng quây quần, vui vẻ sau thời gian lao động vất vả. Tục phá cỗ, trông trăng cũng thể hiện sự quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em cả về vật chất lẫn tinh thần một cách cụ thể, tinh tế, sinh động và độc đáo của người Việt. Mâm cỗ đêm rằm Trung thu không chỉ để ăn, mâm cỗ này cho mắt ngắm, tai nghe, mũi ngửi để thấy hồn trăng soi vào chiếc bánh nướng, bánh dẻo, nhìn thấy ánh mắt trẻ thơ tràn đầy trong những đồ chơi kỳ thú.
Bởi lẽ đó, Tết Trung thu còn là tết dành cho trẻ em, là dịp các em được vui chơi thỏa thích, được thỏa trí tưởng tượng và sáng tạo của bản thân trong các món đồ chơi đa dạng, giàu ý nghĩa. Không chỉ trẻ nhỏ, mà mỗi người lớn chúng ta cũng “xin một vé về tuổi thơ” đầy náo nức mỗi độ Trung thu về…
Các hoạt động văn hóa nơi phố cổ nhằm giới thiệu văn hoá truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội và những nét riêng có của Hà Nội ngàn năm tuổi. Với nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ mong muốn góp phần đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản của Thủ đô, nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng; hướng tới hình thành thế hệ công dân hiểu biết về văn hóa di sản và có sức sáng tạo…
Tết Trung thu còn là tết dành cho trẻ em, là dịp các em được vui chơi thỏa thích, được thỏa trí tưởng tượng và sáng tạo. |
Tết Trung thu là một lễ hội quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam, chỉ đứng sau dịp Tết Nguyên đán. Trung thu ngày nay không còn giữ được nhiều nét cổ truyền từ xa xưa nhưng vẫn có sức hấp dẫn đối với mọi thế hệ, dù là ai cũng háo hức chờ đón đến Trung thu, mong muốn được trở về nhà để đón Trung thu. Cuộc sống hiện đại hôm nay bận rộn với guồng quay cơm áo gạo tiền tết trung thu cũng đã được thay đổi đi rất nhiều. Tuy nhiên giá trị của nét văn hóa cổ truyền đẹp đẽ ấy không vì thế mà phai nhạt, nó vẫn giữ một vị trí quan trọng không thể thiếu trong lòng bất cứ người con đất Việt nào.
“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường/ Lòng vui sướng với đèn trong tay/ Em múa ca trong ánh trăng rằm”. Câu hát ấy đã nằm lòng với bao người, đã gắn bó với thời thơ ấu của bao nhiêu người dân Việt Nam. Và tết trung thu, cái tết thân thương ấy đã trở thành những hồi ức không thể nào quên của những ai đã đi qua những đêm say sưa trong ánh đèn ông sao và nhảy múa dưới ánh trăng rằm sáng rỡ.
Sau những buổi dạo chơi thưởng thức không gian Trung thu trên khắp phố phường Hà Nội, chúng tôi cùng nhau ngồi bên Hồ Linh Đàm, uống nước dừa đợi trăng lên. Tôi bảo với bạn, Hà Nội không phải không có trăng, mà do trăng bị lu mờ bởi đèn điện nên không thể nhìn thấy. Nhưng Hà Nội vẫn có những không gian riêng để ngắm trăng lên, đó là Hồ Linh Đàm, nơi vầng trăng tuyệt đẹp sẽ ló lên sau những ngôi nhà cao tầng sừng sững, tạo nên một vẻ đẹp riêng của “trăng nơi phố thị”. Và nếu muốn đi “tìm trăng” tôi có thể dẫn bạn lên cây cầu lịch sử trăm năm tuổi - cầu Long Biên; hay có thể ngồi bên Hồ Gươm đợi trăng sáng, hoặc ngồi trên một chiếc du thuyền dọc sông Hồng để thưởng thức cả một đêm trăng,… Đó là chưa kể đến những vùng ngoại thành có thể ngắm trăng trên đồng lúa…
Và quan trọng hơn hết thảy, chính là trăng rằm trong tim những người dân Hà Nội - những con người luôn yêu những nét đẹp truyền thống và có ý thức giữ gìn để cái đẹp ấy chẳng bao giờ phai mờ…
Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn hóa 23/01/2025 20:36
"Lộ diện" linh vật Rắn tại đường hoa Nguyễn Huệ
Văn hóa 23/01/2025 17:12
Hà Nội: Sẵn sàng mùa lễ hội an toàn, văn minh
Văn hóa 23/01/2025 12:21
Triển lãm Báo Xuân trực tuyến - ứng dụng chuyển đổi số phát triển văn hóa đọc
Văn hóa 23/01/2025 08:43
Tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 22/01/2025 14:18
Hà Nội sẽ trình diễn drone hỏa thuật với số lượng kỷ lục vào đêm Giao thừa
Văn hóa 20/01/2025 17:28
Bia đá kể chuyện - Góc nhìn mới về kho tàng di sản Văn Miếu
Văn hóa 20/01/2025 11:18
Tìm về cội nguồn Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 20/01/2025 10:53
Khoác "áo" mới cho thành phố Biên Hòa
Văn hóa 19/01/2025 17:05
Khám phá ý nghĩa Tết ông Công ông Táo và cách dọn bàn thờ đón lộc xuân
Văn hóa 18/01/2025 15:11