TRỰC TUYẾN: Chuyên đề "Sức khỏe và an toàn lao động tại nơi làm việc"
Trước buổi Đối thoại - giao lưu, các đồng chí lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, Sở LĐTB-XH và huyện Thanh Oai trao hỗ trợ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn. |
Đây là hoạt động truyền thông chính sách thường niên của Báo Lao động Thủ đô. Sự kiện là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Tháng Công nhân năm 2024; hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024). Đồng thời, nhằm giúp cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động hiểu rõ hơn về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; bệnh nghề nghiệp và các chính sách liên quan.
Đại biểu tham dự buổi Đối thoại - giao lưu |
Tham gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến và trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật lao động, chính sách An toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp: Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; Bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm Ô xy cao áp Việt Nga; ông Nguyễn Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Đoàn viên, người lao động tham gia buổi Đối thoại- giao lưu |
Dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; Bùi Hoàng Phan - Bí thư Huyện ủy Thanh Oai; Bùi Văn Sáng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai; Nguyễn Đình Đạo - Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn Lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); Nguyễn Thị Hảo - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Oai; Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô.
Đặc biệt, tham dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến có hơn 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Thanh Oai.
9h10: Khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến
Phát biểu khai mạc Đối thoại - Giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh: Sức khỏe của người lao động cũng là tài sản vô giá của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bởi người lao động có đủ sức khỏe mới có thể lao động, công tác tốt, từ đó giúp thúc đẩy hiệu quả công tác, nâng cao năng suất lao động.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi Đối thoại - giao lưu |
Trong khi đó, sức khỏe của người lao động tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lại phụ thuộc nhiều vào môi trường làm việc của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có được xanh, sạch đẹp, đảm bảo an toàn hay không? Nói một cách khác, sức khỏe của người lao động và vấn đề đảm bảo an toàn lao động là những điều được cả người lao động và chủ sử dụng lao động chú trọng, quan tâm.
Nhằm cung cấp cho cán bộ doanh nghiệp, đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ nói riêng và bạn đọc những kiến thức về chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn lao động, từ đó bảo vệ tốt hơn tính mạng, sức khỏe của người lao động tại nơi làm việc, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động, Ban Tổ chức đã lựa chọn chủ đề của buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến: “Sức khỏe và An toàn lao động tại nơi làm việc”.
Cán bộ công đoàn và Công nhân, viên chức, lao động tham dự buổi Đối thoại - giao lưu |
Tham gia chương trình có các vị chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) sẵn sàng giải đáp, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc cho đoàn viên, CNVCLĐ và bạn đọc quan tâm.
9h20: Bắt đầu phần hỏi đáp giữa CNVCLĐ, bạn đọc và chuyên gia
Ban tổ chức tặng hoa chuyên gia buổi Đối thoại - giao lưu |
Các chuyên gia của buổi Đối thoại - giao lưu - truyền thông chính sách "Sức khoẻ và an toàn lao động tại nơi làm việc". |
Chị Nguyễn Thị Nhung, Công ty TNHH dược phẩm Fusi hỏi: Xin chuyên gia giải đáp giúp tôi, trong quá trình làm việc, nếu người lao động phát hiện môi trường làm việc có nguy cơ cao, không đảm bảo an toàn lao động, tôi có quyền từ chối công việc đó không?
Chuyên gia Nguyễn Việt Đức: Điều 6 Luật ATVSLĐ có ghi rõ: Người lao động có quyền rời khỏi nơi làm việc khi phát hiện rõ nơi đó có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của mình. Tuy nhiên, khi người lao động rời khỏi nơi làm việc đó thì các bạn phải có trách nhiệm thông báo với người quản lý biết để họ khắc phục những mối nguy hại đó. Và người quản lý cũng có trách nhiệm phải khắc phục môi trường làm việc sao cho đảm bảo an toàn. Khi môi trường an toàn mới cho người lao động làm việc trở lại.
|
Chị Nguyễn Thị Thanh, Công ty Tanaphar hỏi đặt câu hỏi. |
Chị Nguyễn Thị Thanh, Công ty Tanaphar hỏi: Khi công nhân chưa ký hợp đồng lao động, đang trong thời gian thử việc, nếu xảy ra tai nạn lao động thì họ có được hưởng các chế độ, quyền lợi gì không?
Trường hợp người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động bị tai nạn lao động thì Công ty có nghĩa vụ gì?
Chuyên gia Nguyễn Việt Đức |
Chuyên gia Nguyễn Việt Đức: Nếu chưa ký hợp đồng lao động, theo Luật An toàn vệ sinh lao động có nói rõ, các đối tượng đang thử việc bị tai nạn lao động, theo luật được hưởng 2 nguồn hỗ trợ: Từ người sử dụng lao động và chi từ Quỹ Bảo hiểm lao động, bệnh nghề nghiệp.
Người lao động đang thử việc, theo quy định không bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội, không bắt buộc đóng bảo hiểm tai nạn lao động động. Vì vậy người lao động thử việc sẽ không được hưởng chế độ hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên người lao động sẽ được hưởng hỗ trợ từ người sử dụng lao động.
Đối với người lao động khi có hợp đồng lao động với nhiều đơn vị, nhiều người sử dụng lao động, thì mỗi người sử dụng lao động thì đều phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Nếu trong trường hợp người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, khi người lao động bị tai nạn lao động thì ngoài việc chi trả trợ cấp theo trách nhiệm, người sử dụng lao động sẽ phải thay Quỹ bảo hiểm lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả toàn bộ nội dung mà Bảo hiểm xã hội sẽ phải chi trả cho người lao động. Ngoài bồi thường trợ cấp, người lao động có thể được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, trợ cấp hàng tháng…
Câu hỏi bạn đọc: Hiện nay tỷ lệ người dân bị đột quỵ cao, những người trẻ tuổi bị đột quỵ không còn là chuyện hiếm gặp, xin bác sĩ chia sẻ những cách phòng tránh đột quỵ. Hiện nay có nhiều quảng cáo trên mạng về sản phẩm ngừa đột quỵ hiệu quả, nếu tôi sử dụng các thực phẩm chức năng được quảng cáo phòng ngừa đột quỵ thì có tốt không?
Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng |
Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 200 nghìn người bị đột quỵ, một nửa trong số đó không qua khỏi, còn một nửa giữ được tính mạng nhưng để lại nhiều di chứng, ảnh hưởng đến nguồn lực của xã hội.
Tuy nhiên bệnh đột quỵ hoàn toàn có thể phòng chống được. Người trên 50 tuổi thường có các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, ăn thực phẩm chế biến sẵn, ngủ không ngon, một số bệnh tim mạch nhưng không điều trị dự phòng,... đây là những nguy cơ làm tăng tỷ lệ đột quỵ.
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ: Đó là do mạch máu bị xơ vữa. Một phần do lão hóa tự nhiên dẫn đến khả năng đàn hồi của các mạch máu kém, tạo nên các cục máu đông dẫn đến đột quỵ. 70-80% ca đột quỵ là do bị nhồi máu não, tức là cục máu đông di chuyển lên não bị tắc lại, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu cục máu đông này không thoát được sẽ tạo vùng tắc gây thiếu máu não, gây nên các triệu chứng đột quỵ. Hoặc do dây thần kinh bị chèn ép gây đột quỵ.
Đột quỵ có 3 triệu chứng, đó là: Méo miệng, mặt lệch, liệt mặt; Tay chân yếu, bại, liệt; Giọng nói có thể thay đổi, khó nói hoặc nặng hơn thì nói ngọng, cấm khẩu.
Trong khi gặp các tình huống này, tốt nhất hãy duy trì được việc bệnh nhân thở được và mang đến bệnh viện trong vòng 3-5 giờ thì khả năng phục hồi hoàn toàn sẽ rất cao. Nếu muộn quá thì sẽ khó phục hồi. Trong những năm gần đây tỷ lệ bệnh nhân đến bệnh viện trong “giờ vàng” được cấp cứu phục hồi hoàn toàn đã tăng lên 20%.
Tại sao người trẻ đột quỵ nhiều: Hiện nay tỷ lệ người dưới 40 tuổi bị đột quỵ gia tăng cao, nguyên nhân có thể do áp lực công việc, ăn thức ăn nhanh, ít vận động, ngủ ít…
Để phòng chống đột quỵ, nên ăn thực phẩm lành mạnh, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn và ăn chậm trong bữa ăn, khoảng ít nhất 20 phút. Ngoài ra, cần dành thời gian tập thể dục như đi bộ, đạp xe, chạy, giúp các cục máu đông ít hình thành, giúp tinh thần đỡ căng thẳng; ngủ ngon, giảm rối loạn lo âu, trầm cảm.
Hiện nay trên mạng có nhiều sản phẩm quảng cáo có tác dụng phòng ngừa đột quỵ, về cơ bản vẫn có tác dụng, nhưng việc sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là thay đổi lối sống, thói quen bởi các sản phẩm chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không chữa được bệnh. Đối với một số trường hợp người có bệnh nền, bệnh mãn tính thì ngay cả sản phẩm hỗ trợ cũng cần có ý kiến của bác sĩ.
Đồng chí Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo thành phố Hà Nội tặng quà người lao động trả lời đúng câu hỏi về chế độ chính sách trong phần giao lưu. |
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, Công ty cổ phần Diên Hồng Hà Nội hỏi: Môi trường làm việc bên tôi khá đặc thù, chăm sóc người cao tuổi, trong trường hợp người cao tuổi không kiểm soát được hành vi hành hung nhân viên thì có được xem là tai nạn lao động không?
Chuyên gia Nguyễn Việt Đức: Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kì bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Các trường hợp: Bị tai nạn do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; do mâu thuẫn của chính người lao động với người gây ra tai nạn cho người đó mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; bị tai nạn do sử dụng các chất kích thích thì không được hưởng trợ cấp tai nạn lao động. Khi xảy ra tai nạn, Đoàn điều tra tai nạn lao động sẽ căn cứ vào quá trình điều tra để đưa ra kết luận. |
Chị Nguyễn Thị Ngọc - Công ty KoNa hỏi: Xin chuyên gia cho biết trong trường hợp công nhân trong giờ làm việc, do có việc gia đình xin về trước một tiếng nhưng trên đường về thì bị tai nạn. Trường hợp này có được xem là tai nạn lao động không?
Câu hỏi thứ hai, ở trường hợp công nhân đã nghỉ việc mà phát hiện bị bệnh về phổi do công việc cũ gây ra thì công nhân có thể quay lại công ty cũ để yêu cầu bồi thường không?
Chị Nguyễn Thị Ngọc - Công ty KoNa đặt câu hỏi |
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Với câu hỏi thứ nhất, nếu người lao động xin về trước, được người sử dụng lao động đồng ý, đi và về theo đúng cung đường, không tạt ngang mà bị lao động thì được xác định là tai nạn lao động.
Về câu hỏi liên quan đến bệnh nghề nghiệp, khi người lao động đã nghỉ làm nhưng khi khám vẫn được xác định bệnh nghề nghiệp là do liên quan đến công việc trước đó đã làm, đây là câu chuyện hết sức phức tạp. Bởi bệnh nghề nghiệp không phát tác ngay lập tức mà còn ảnh hưởng rất lâu dài. Đây là điều không đơn giản khi xác định những tác động liên quan.
Chuyên gia Nguyễn Việt Đức bổ sung: Trong Nghệ An từng có trường hợp người lao động bị bụi phổi, là bệnh nghề nghiệp dù họ đã nghỉ việc. Để chúng ta xác định bệnh nghề nghiệp, khái niệm và 35 nghề nghiệp được hưởng thì hoàn toàn không khó.
Cái khó là chúng ta phải xác định chúng ta bị bệnh nghề nghiệp trong quãng thời gian chúng ta làm ở công ty cũ hay không. Điều này lại phải căn cứ vào kết quả khám sức khỏe định kỳ ở thời điểm người lao động còn làm việc ở công ty cũ. Nếu bạn xác định chắc chắn và có chứng cứ chứng minh đã mắc bệnh nghề nghiệp ở công ty cũ thì hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường. Khó khăn trong vấn đề này rất nhiều, song hoàn toàn có thể tháo gỡ nếu có đủ chứng cứ để chứng minh.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô tặng quà người lao động tham gia phần giao lưu |
Anh Nguyễn Đăng Phan, Công đoàn xã Đỗ Động hỏi: Học sinh thi không đỗ cấp 3 và đi làm thì thời gian đó họ có được ký hợp đồng lao động không? Người lao động bao nhiêu tuổi thì được ký hợp đồng lao động?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Bình thường người dân tham gia giao dịch dân sự thông thường là từ đủ 18 tuổi trở lên. Còn với lĩnh vực lao động, có nhiều mảng lao động, với nhiều ngành nghề đặc thù. Có những ngành nghề, lĩnh vực lao động đặc thù thì người lao động dưới 18 tuổi vẫn có thể xác lập các quan hệ lao động. Tuy nhiên khi xảy ra các quan hệ pháp luật khác, ví dụ như xảy ra tai nạn lao động, thì sẽ phải có người đại diện, người giám hộ. Trường hợp người lao động chưa đủ 18 tuổi, người sử dụng lao động cũng phải lưu ý không được giao cho họ công việc nặng nhọc, độc hại. |
Chị Nguyễn Thị Lựu, Công đoàn Trường Mầm non thị trấn Kim Bài hỏi: Người lao động làm trong môi trường độc hại nguy hiểm được hưởng chế độ gì?
Chị Nguyễn Thị Lựu, Công đoàn Trường Mầm non thị trấn Kim Bài |
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Quyền của người lao động làm việc trong môi trường độc hại sẽ có nhiều ưu đãi hơn so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, cụ thể:
Về thời gian làm việc, người lao động được đảm bảo giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm; yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà |
Về nghỉ hằng năm, người lao động làm việc trong môi trường độc hại khi làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động thì sẽ được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương như sau: 14 ngày đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đối với lao động nữ, nếu lao động nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được giảm bớt 1 giờ làm việc/ngày hoặc chuyển công việc nhẹ hơn.
Đối với người lao động cao tuổi, chủ sử dụng lao động chỉ được sử dụng lao động cao tuổi khi đảm bảo điều kiện an toàn. Đối với người lao động khuyết tật, chỉ được sử dụng người khuyết tật làm công việc này nếu họ đồng ý.
Về chế độ hưu trí, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc; độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại; nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Chế độ ốm đau, người lao động làm việc trong môi trường độc hại được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày: 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày); 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày); 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày);
Người lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo một số quy định khác của Bộ LĐTB&XH.
Đồng chí Đỗ Quyết Thắng, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyệnThanh Oai tặng quà người lao động. |
Chị Hoàng Thị Nam, Công ty cơ điện Đại Dương hỏi: Anh tôi bị tai nạn lao động, đang nằm viện, không thể nhận lương trực tiếp, anh tôi có thể ủy quyền cho tôi để thay anh nhận lương không?
Trường hợp công nhân bị tai nạn trên đường đi làm về, chỉ có xác nhận của công an xã, nhưng khi nộp lên công ty thì bị từ chối và không được hưởng bảo hiểm. Xin hỏi nguyên nhân tại sao người lao độn lại không được hưởng bảo hiểm, công ty làm vậy đúng hay sai?
Chị Hoàng Thị Nam, Công ty cơ điện Đại Dương nêu câu hỏi |
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Người lao động bị tai nạn lao động đang điều trị tại bệnh viện không thể nhận lương hoàn toàn có thể ủy quyền cho người thân như anh, em… nhận hộ, điều này đúng quy quy định của pháp luật.
Liên quan tới tai nạn lao động của công nhân bị tai nạn trên đường đi làm về, Công ty không có quyền từ chối. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thành lập Hội đồng cũng như báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết… để đảm bảo các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi của một bạn đọc: Trường hợp giáo viên mầm non 17 năm, có đóng BHXH, nếu không may bị đột quỵ qua đời ngay trên lớp học thì được hưởng chế độ bảo hiểm như thế nào? Xin chuyên gia cho biết, khi đang công tác người lao động không may bị bệnh hiểm nghèo thì chế độ với người đó như thế nào?
Đồng chí Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô tặng quà người lao động tham gia phần giao lưu |
Chuyên gia Nguyễn Việt Đức: Với câu hỏi thứ nhất của bạn là người lao động làm 17 năm thì bị đột quỵ trong quá trình làm việc. Phải nói rõ, đột quỵ có nhiều nguyên nhân, nếu xảy ra trong quá trình làm việc thì được xem là tai nạn lao động và được hưởng các chế độ về tai nạn lao động bình thường.
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Với thắc mắc khi đang công tác người lao động không may bị bệnh hiểm nghèo thì cần phải xem xét trường hợp phát sinh trong quá trình làm việc và trường hợp bệnh tật bình thường. Trong trường hợp xem xét mà xác định là do phát sinh trong quá trình làm việc, do môi trường làm việc tạo ra thì sẽ là bệnh nghề nghiệp và người lao động sẽ được hưởng các chế độ theo Luật ATVSLĐ và Luật BHXH.
Trong trường hợp bệnh này không liên quan đến yếu tố môi trường làm việc mà do thể trạng chung của người đó thì chúng ta sẽ hưởng theo các chế độ BHXH.
Bạn đọc hỏi: Hiện nay, tỷ lệ người dân mắc các bệnh ung thư tăng cao, các bệnh viện tôi đều thấy có các gói khám xét nghiệm tầm soát ung thư, nếu để tầm soát hết các bệnh ung thư phổ biến thường gặp thì chi phí rất lớn, với đồng lương eo hẹp của công nhân chúng tôi thì chúng tôi nên chọn lựa tầm soát như thế nào để vừa đảm bảo tiêu chí tiết kiệm mà vừa khám, biết được tình trạng sức khỏe của cơ thể?
Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Xét nghiệm máu để tìm ra bệnh ung thư về cơ bản chỉ có giá trị tham khảo chứ không có nhiều ý nghĩa để tầm soát ung thư. Các xét nghiệm chỉ có giá trị khi ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư rồi, dùng các biện pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, dùng thuốc đích thì sẽ xét nghiệm để đánh giá mức độ đáp ứng điều trị như thế nào.
Trong trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm sinh thiết, xét nghiệm sinh thiết mới có giá trị là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh. Do vậy người dân không nên làm các xét nghiệm tầm soát ung thư một cách không có cơ sở, nên gặp bác sĩ và làm một số xét nghiệm chuyên biệt như người hút thuốc lá, bị giảm cân nhanh nên làm xét nghiệm tầm soát ung thư phổi, như chụp Xquang, cắt lớp… Đối với phụ nữ nên làm chụp nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú…
Chị Nguyễn Thị Lựu, Công đoàn Trường Mầm non thị trấn Kim Bài tiếp tục hỏi: Người lao động được hưởng quyền và lợi ích gì khi bị tai nạn lao động và các thủ tục hưởng bồi thường khi bị tai nạn lao động?
Chị Nguyễn Thị Lưu nêu câu hỏi |
Chuyên gia Nguyễn Việt Đức: Người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động sẽ được trợ cấp từ quỹ của cơ quan Bảo hiểm và từ phía người sử dụng lao động.
Thứ nhất, từ trợ cấp từ quỹ tai nạn lao động của cơ quan Bảo hiểm, tùy từng trường hợp căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động mà người lao động sẽ được hưởng trợ cấp khác nhau.
Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5% - dưới 31% thì người lao động hưởng trợ cấp 1 lần. Trường hợp mức độ suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên người lao động sẽ được trợ cấp hàng tháng. Suy giảm từ 81% trở lên, người lao động được trợ cấp phục vụ nếu như: cột sống bị liệt, cả hai mắt bị mù, tâm thần, hai chân bị liệt hoặc cụt. Khoản trợ cấp được hưởng tính bằng tiền lương cơ sở quy định tại thời điểm đó.
Ngoài các khoản tiền trợ cấp tính theo lương cơ sở, người lao động sẽ được cung cấp thêm một số dụng cụ, phương tiện. Các loại dụng cụ này để hỗ trợ cho người lao động do bị thương tật, suy giảm khả năng làm việc.
Sau quá trình điều trị, người lao động sẽ được nghỉ ngơi dưỡng sức để hồi phục sức khỏe, thời gian tính như sau: Nếu tỷ lệ suy giảm lao động từ 15% đến 30% thì thời gian nghỉ nhiều nhất 5 ngày. Nếu tỷ lệ suy giảm lao động từ 31% đến 50% thì thời gian nghỉ nhiều nhất 7 ngày. Trường hợp người lao động bị suy giảm trên 50% thì nghỉ tối đa 10 ngày. Trong thời gian nghỉ dưỡng sức, người lao động sẽ được hưởng một khoản trợ cấp.
Đồng chí Nguyễn Thị Hảo, Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Oai tặng quà người lao động tham gia phần giao lưu trả lời câu hỏi giao lưu. |
Thứ hai, chế độ từ phía người sử dụng lao động. Người lao động đang làm việc tại đơn vị mà đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn trong lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm: Thanh toán các chi phí các khoản không được bảo hiểm y tế chi trả đối với người có đóng bảo hiểm y tế. Đối với người không tham gia bảo hiểm y tế, người sử dụng lao động phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế trong quá trình điều trị; thanh toán tiền lương cho người lao động trong quá trình nghỉ việc để điều trị; bồi thường trong trường hợp tai nạn không do lỗi của người lao động với mức độ suy giảm theo quy định.
Thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động trong quá trình lao động: Người lao động cần chuẩn bị hồ sơ để đề nghị giải quyết chế độ tai nạn khi làm việc, như sổ BHXH xác nhận quá trình tham gia đóng bảo hiểm tại doanh nghiệp; hồ sơ bệnh án, giấy ra viện, giấy tờ, biên bản giám định thương tật,...
Chị Đào Thị Phương, Công đoàn trường Mầm non Liên Châu hỏi: Bạn tôi làm việc tại một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ nhựa và có tham gia BHXH bắt buộc. Trong giờ nghỉ trưa, có lỗi hệ thống làm bạn tôi bị máy dập trúng tay trái gãy dập xương bàn tay với tỷ lệ thương tật là 9%. Vậy cho tôi hỏi, trường hợp bạn tôi bị tai nạn lao động trong giờ nghỉ trưa có được hưởng bảo hiểm tai nạn không?
Chị Đào Thị Phương, Công đoàn trường Mầm non Liên Châu nêu câu hỏi với chuyên gia. |
Chuyên gia Nguyễn Việt Đức: Nếu nhiệm vụ gắn liền với thực hiện công việc như nghỉ ăn ca, đi vệ sinh, cho con bú... thì vẫn được hưởng chế độ tai nạn lao động bình thường. Trường hợp nghỉ trưa mà bị máy dập vào tay thì cần có điều tra để xác định nguyên nhân.
Chị Đào Thị Phương, Công đoàn trường Mầm non Liên Châu tiếp tục hỏi: Tôi có người cô đi làm tại công ty được hơn 13 năm và có tham gia BHXH nhưng cô mượn bằng tốt nghiệp cấp 3 của em gái để làm việc. Hiện cô đã nghỉ việc tại cơ quan. Vậy cô được hưởng chế độ như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Về quy định của pháp luật, đây là hành vi vi phạm. Khi các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, sẽ bị xử lý tùy mức độ vi phạm, xử lý hành chính hoặc cấp độ cao hơn.
Nếu chỉ mượn bằng cấp để thuận tiện trong quá trình lao động và do chính người lao động bỏ công sức ra để làm việc thì cơ quan BHXH sẽ xác minh, báo cáo Sở LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH sẽ ra kết luận. Nếu ở mức độ đơn giản chỉ phải điều chỉnh lại thông tin để hưởng chế độ theo quy định. Nếu mức độ ở mức cao hơn như giả mạo hồ sơ giấy tờ trục lợi hoặc một số vi phạm ở mức hình sự thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Chị Đào Thị Phương, Công đoàn Trường Mầm non Liên Châu hỏi: Hiện nay nguy cơ ung thư tuyến giáp cao đối với phụ nữ khá cao, xin hỏi mắc bệnh u tuyến giáp phải mổ mới khỏi có đúng không, liệu trình điều trị như thế nào?
Toàn cảnh buổi Đối thoại - giao lưu |
Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Hiện nay không khí ô nhiễm, đồ ăn nhiều dư lượng, hóa chất, người dân căng thẳng, áp lực hơn. Trước đây người dân ít có điều kiện kiểm tra khám sức khỏe, hiện nay người dân kiểm tra nhiều hơn vì thế bệnh được phát hiện nhiều hơn.
Những trường hợp người dân đi khám phát hiện có nhân xơ tuyến giáp… bác sĩ sẽ khuyên người dân thực hiện siêu âm tuyến giáp 2 lần/năm để theo dõi.
Có bảng phân độ đánh giá mức độ ung thư của tuyến giáp (Tirads) để đánh giá mức độ, từ Tirads 3 trở lại thì có thể yên tâm, Tirads 4 thì có nguy cơ ung thư, trường hợp này cần làm thêm các xét nghiệm khác như sinh thiết để chẩn đoán bệnh.
Trường hợp nếu là ung thư tuyến giáp thì người dân không nên quá lo lắng, ung thư tuyến giáp được điều trị bằng phẫu thuật, cắt một phần hoặc hoàn toàn tuyến giáp, dùng I-ốt 131 điều trị.
Trong trường hợp cắt hoàn toàn tuyến giáp sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, mặc dù sẽ dùng hooc môn tuyến giáp thay thế, tuy nhiên thể lực người bệnh giảm nhiều, hơi thở hụt hơi, ăn không ngon, ngủ không sâu, do đó trong một số trường hợp ung thư nhưng tế bào ác tính còn đang gọn gàng thì nên trao đổi bác sĩ cắt một phần tuyến giáp. Tuy nhiên khi còn một phần tuyến giáp người bệnh cần phải theo dõi, xét nghiệm, kiểm tra định kỳ để theo dõi bệnh.
Chị Hà Thị Thơm, Công ty DHA hỏi: Xin chuyên gia cho tôi hỏi, theo Bộ luật Lao động ít nhất một lần trong năm người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động và khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần đối với người lao động làm các nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại được quy định. Tuy nhiên chúng tôi muốn xin tiền hỗ trợ để được tự lựa chọn đơn vị khám có được hay không?
Chị Hà Thị Thơm, Công ty DHA |
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Theo Bộ luật Lao động, ít nhất một lần trong năm người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động và khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần đối với người lao động làm các nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại được quy định.
Trường hợp này bạn đề xuất tự chọn cơ sở khám, điều này cần nói rõ thêm, nếu người lao động tự đi khám thì dễ dẫn tới việc không đồng nhất trong công tác khám định kỳ. Bởi vậy, rất ít doanh nghiệp để người lao động chi tiền để người lao động tự đi khám. Tuy nhiên, bạn có thể đề xuất với người sử dụng lao động.
Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, bà Nguyễn Thị Hảo, Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Oai cho biết, một trong những chức năng của tổ chức Công đoàn là thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong đoàn viên và người lao động. Tìm hiểu pháp luật lao động không chỉ giúp người lao động có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính mình mà còn thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia quan hệ lao động và hoạt động công đoàn. Điều này có ý nghĩa quan trọng, do đó việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động, đoàn viên công đoàn và người sử dụng lao động là rất cần thiết, thông qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến hôm nay đã góp phần tuyên truyền phổ biến những quy định mới về pháp luật lao động, chính sách ATVSLĐ và sức khỏe cho lao động tới cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Tại buổi đối thoại, các chuyên gia đã trả lời cho đoàn viên, người lao động hiểu rõ, hiểu kỹ những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc; từ đó tiếp tục tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động thực thi tốt chính sách pháp luật; đồng thời trang bị thông tin đầy đủ, thiết thực nhất để chăm sóc sức cho bản thân. |
Bài viết cùng chủ đề
70 năm ngày Giải phóng Thủ đôCó thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
TRỰC TUYẾN: Công nhân, viên chức, lao động Thủ đô vui đón "Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng"
Giao lưu, trực tuyến 11/01/2025 08:01
TRỰC TUYẾN: Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và một số chính sách mới
Giao lưu, trực tuyến 30/10/2024 09:00
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Tuyên truyền Luật Thủ đô 2024 và những chính sách mới liên quan đến người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 30/10/2024 08:48
TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”
Giao lưu, trực tuyến 11/10/2024 08:43
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Tuyên truyền kiến thức về an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Giao lưu, trực tuyến 11/10/2024 08:37
TRỰC TUYẾN: Tôn vinh 100 gương sáng kiến, sáng tạo và 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động
Giao lưu, trực tuyến 02/10/2024 08:39
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Giai cấp công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô tự hào quá khứ, xây dựng tương lai
Chỉ đạo - Điều hành 26/09/2024 09:05
Tọa đàm trực tuyến: “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”
Chỉ đạo - Điều hành 26/09/2024 09:04
TRỰC TUYẾN: Biểu dương gia đình, khích lệ con công nhân, viên chức, lao động Thủ đô tiêu biểu
Hoạt động 28/08/2024 08:25
TRỰC TUYẾN: Trang trọng Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và tôn vinh cán bộ Công đoàn tiêu biểu
Hoạt động 28/07/2024 08:15