Thủ tướng: Chúng ta phải tiếp tục thực hiện thành công hơn nữa mục tiêu kép
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai ứng phó khẩn cấp bão số 9 Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64 về quyên góp, hỗ trợ |
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng của năm 2020; công tác phòng chống lụt bão; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư; dự thảo Nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp khi tài trợ máy thở để phòng, chống đại dịch COVID-19; tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháng 10/2020 và một số nội dung quan trọng khác.
Ngay đầu phiên họp, Chính phủ đã dành một phút mặc niệm, chia sẻ sâu sắc những đau thương, mất mát to lớn về người và tài sản của đồng bào, người dân, sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ do bão lũ lịch sử gây ra ở miền Trung.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tháng 10 vừa qua đã xảy ra bão lũ liên tục, “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, gây thiệt hại rất lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân. Đến nay, đã có tới 230 người đã mất, trong đó có nhiều cán bộ, sĩ quan quân đội và công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Vẫn còn nhiều đồng bào gặp nạn ở biển khơi, bị núi lở vùi lấp ở miền núi xa xôi, chưa được tìm thấy.
Đánh giá cao các lực lượng chức năng, quân đội, công an đã tích cực tham gia các đợt cứu hộ, cứu nạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các cấp, các ngành đã có nhiều biện pháp cứu hộ, cứu nạn quyết liệt, kịp thời sơ tán 1,3 triệu dân đến nơi an toàn; đã thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban, không chỉ đóng ở Đà Nẵng mà còn di chuyển vào Tam Kỳ, Quảng Nam; một bộ phận trực tiếp vào Quảng Ngãi. Trong bão lũ, càng khó khăn chúng ta càng thấy rõ sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của cả dân tộc; tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí hướng về miền Trung ruột thịt.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình bão lũ, đưa ra các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả; khẳng định Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa các tỉnh gặp khó khăn trong khả năng nguồn lực cho phép; yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức các lực lượng hỗ trợ cần thiết; các cấp, các ngành, nhất là lực lượng quân đội, công an, các địa phương Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế tiếp tục tập trung cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm những người còn đang mất tích, bị đất đá chôn vùi, ngư dân bị mất liên lạc; tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão lũ, nhanh chóng đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Đồng thời, không để dịch bệnh xảy ra sau bão lũ, nhất là dịch tả, cúm mùa… Cả nước, đặc biệt các vùng bị thay đổi lớn về sinh hoạt do bão lũ, cần hết sức lưu ý đề phòng dịch Covid-19 quay trở lại.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai sớm tổng hợp, đề xuất Chính phủ những biện pháp hỗ trợ đối với các địa phương bị thiệt hại nặng nề, như hỗ trợ về sản xuất, an sinh… tạo sinh kế cho người dân, không để người dân bị thiếu đói; có biện pháp không để các loại vật liệu như tôn, ngói, xi măng… người dân vùng lũ cần mua lại không có hoặc bị đẩy giá lên cao. Thủ tướng nhất trí việc hỗ trợ một khoản tiền cần thiết cho những hộ dân có nhà bị sụp đổ, hư hỏng nặng; yêu cầu Bộ Tài chính sớm thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời hỗ trợ cho các địa phương. Ngành ngân hàng thực hiện việc giảm, giãn, hoãn, xóa những khoản nợ theo quy định của pháp luật đối với vùng bị thiệt hại bởi thiên tai. Bộ Công Thương bảo đảm về giá cả, cung cấp điện cho người dân.
“Để thể hiện tình cảm yêu quý, tình tương thân tương ái của nhân dân hai miền Nam-Bắc đối với nhân dân miền Trung, chúng ta phải tăng sức sản xuất, phải làm gấp đôi, gấp ba, quyết liệt hơn để bù đắp sự tổn thất, mất mất của nhân dân miền Trung”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho rằng, cùng với đại dịch Covid-19, mưa lũ lịch sử trong tháng 10/2020 đã ảnh hưởng tiêu cực và gây thiệt hại nặng đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với các tỉnh miền Trung. Song với sự chỉ đạo điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 nhìn chung vẫn duy trì được đà phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn các tháng gần đây. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 chỉ tăng 0,09% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020; tính chung 10 tháng năm 2020, CPI bình quân tăng 3,71% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, thị trường chứng khoán tiếp tục chuyển biến tích cực. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, tính chung 10 tháng xuất siêu ước đạt mức kỷ lục, 18,72 tỷ USD. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, trong 10 tháng giải ngân trên 321,5 nghìn tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 54,69%) .
Công tác bảo đảm an sinh xã hội được chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt. Trước tình hình bão lụt nghiêm trọng tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ, cung cấp lương thực, phương tiện… kịp thời cứu trợ khẩn cấp cho người dân; xử lý môi trường, hạn chế tối đa ô nhiễm và khả năng dịch bệnh sau thiên tai; nhân dân cả nước kịp thời chung tay cùng các cấp, các ngành chia sẻ, hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng giảm bớt khó khăn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 còn có nhiều điểm cần đặc biệt lưu ý, trong đó nổi lên là nền kinh tế đã có sự phục hồi nhưng còn chưa đồng đều, có sự khác biệt lớn giữa các ngành, lĩnh vực; qua số liệu thống kê về tình hình đăng ký doanh nghiệp và hoạt động doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng rất trực diện và lâu dài của đại dịch Covid-19; tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài vẫn ở mức thấp; tình hình thiên tai, bão lụt diễn biến phức tạp, trực tiếp đe dọa đến tính mạng, tài sản, đời sống người dân và làm gián đoạn các hoạt động kinh tế-xã hội, đây là một trở ngại lớn mà đất nước ta phải đối mặt, ứng phó.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ và đại biểu tham dự, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, công tác phòng chống bão lũ thời gian qua được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã chung sức, đồng lòng chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ, sạt lở ở miền Trung nhưng do bão lũ lịch sử, xảy ra liên tục, “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, nên đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Tình hình dịch Covid-19 ở nước ta tiếp tục được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu; xuất khẩu phục hồi khả quan, thặng dư thương mại đạt mức cao kỷ lục; giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh... Nền kinh tế nước ta đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III, khả năng năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 2 đến 3%.
IMF dự báo Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5 đến 3% năm 2020.
Dẫn lại nhận định, dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là cơ sở để chúng ta có thêm niềm tin, tuy nhiên, không được chủ quan khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Còn nhiều rủi ro, thách thức từ bên ngoài như căng thẳng thương mại và cạnh tranh công nghệ, bất ổn tài chính toàn cầu...; ở trong nước, thiên tai, lũ lụt vẫn diễn biến phức tạp. Ngành công nghiệp và xây dựng của nước ta tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng phục hồi chậm... Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương và các địa phương phải kích cầu tiêu dùng mạnh hơn. Về vấn đề tín dụng tăng trưởng còn thấp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực này, đồng thời kiểm soát tốt nợ xấu.
Nhấn mạnh việc “chúng ta phải tiếp tục thực hiện thành công hơn nữa mục tiêu kép”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, dồn “cả tâm, cả sức” khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề tại các tỉnh miền Trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân. Khẩn trương có phương án chạy đua với thời gian, cứu người là ưu tiên cao nhất, không để người dân bị đói, bị rét, màn trời chiếu đất.
Đồng thời, không được chủ quan, lơ là, để dịch bệnh bùng phát trở lại. Phải quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu, theo dõi y tế đối với người nhập cảnh. Cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân về nước, phải “thần tốc, thần tốc hơn nữa khi phát hiện có ca nhiễm”. Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng năm 2020 từ 2,5 đến 3%. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng; chú ý kích cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân, thúc đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa; tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm.
Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA, đồng thời bảo đảm chất lượng, không hình thức, lãng phí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì triển khai các chỉ đạo, dứt khoát gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu và bộ máy phụ trách liên quan đến nhiệm vụ này. Các địa phương trọng điểm, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cần làm gương cả về sản xuất, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công. Tất cả các địa phương trên cả nước, các ngành thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI; chuẩn bị tốt hơn về hạ tầng các khu công nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chiến lược số mà Thủ tướng đã ban hành. “Tôi xin nhắc lại, tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt vẫn đặt ra, cho nên cần cải thiện hạ tầng số, khu công nghệ thông tin, băng thông rộng quốc tế, hệ thống cơ sở để triển khai 5G quy mô quốc gia”, Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ hiện nay, đồng thời cũng có thể nghiên cứu, sớm đề xuất gói hỗ trợ bổ sung đợt 2 phù hợp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc rà soát tiếp thu ý kiến, có điều chỉnh phù hợp với bộ sách giáo khoa lớp 1 với tinh thần minh bạch, rõ ràng; có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh, sinh viên các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm duy trì chương trình, nội dung học tập.
Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế cho hoạt động khám chữa bệnh từ xa đã được phát triển rộng khắp tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện áp dụng mạnh mẽ Công nghệ thông tin, áp dụng điện thoại thông minh trong thanh toán bảo hiểm y tế, bảo hiểm trong thời gian tới. Đồng thời, rà soát, đánh giá tính hiệu quả trong triển khai chương trình sữa học đường giai đoạn 2016-2020 khi hiện nay còn nhiều tỉnh vẫn “án binh bất động” do chưa tìm ra nguồn tài chính để triển khai.
Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát bổ sung quy định về quản lý, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả các công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn, cắt giảm chi phí ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tiếp cận các ưu đãi, hỗ trợ về khoa học công nghệ.
“Tinh thần là càng khó khăn, chúng ta càng quyết tâm hơn nữa, ý chí hơn nữa để đưa đất nước tiến lên. Tình cảm tương thân tương ái của nhân dân với miền Trung chính là phải tăng sức sản xuất, phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp cho tổn thất, đau thương, mất mát về cơ sở vật chất, đời sống của người dân miền Trung. Vì vậy, các cấp, các ngành cần có kế hoạch tăng tốc 2 tháng cuối năm, chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch năm 2021”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phấn đấu thông xe đường song hành tuyến Vành đai 4 vào cuối năm 2025
Cuối năm, giá vàng đồng loạt tăng
Phố Sách Xuân Ất Tỵ 2025 “Tết công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng”
Giáo viên Hà Nội sẽ được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/tháng từ 1/7/2025
Đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán 2025 đầm ấm, an toàn
Công nhân môi trường đô thị quận Long Biên ấm lòng đón nhận quà Tết của Công đoàn
Tin khác
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Thời sự 23/01/2025 20:53
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng ông Đinh Thế Huynh
Tin mới 23/01/2025 17:04
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội dâng hương tại Nghĩa trang Mai Dịch
Tin mới 23/01/2025 14:42
Thủ tướng bổ nhiệm lại 2 Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
Tin mới 23/01/2025 14:38
“Nghẹt thở” từ TP.HCM về quê đón Tết
Tin mới 23/01/2025 11:57
Bí thư Thành ủy Hà Nội trao Huy hiệu Đảng tại Ba Đình
Tin mới 22/01/2025 16:22
Sửa Luật Quảng cáo: Đảm bảo bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng
Tin mới 22/01/2025 11:39
Hơn 2,7 triệu lượt khách đi tàu metro số 1
Tin mới 20/01/2025 15:24
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt kiều bào tiêu biểu tham dự Chương trình “Xuân quê hương 2025”
Tin mới 19/01/2025 20:11
Hướng dẫn cách tính chế độ nghỉ hưu sớm, thôi việc do sắp xếp bộ máy
Tin mới 18/01/2025 06:17