Phải loại bỏ “vi rút” chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19
Khi các quy định bị phớt lờ
Đến nay, Việt Nam đã trải qua ba đợt dịch và vẫn đang đối phó với đợt dịch thứ 4 kéo dài. Số ca mắc hàng ngày trong mấy ngày qua đều vượt 10.000 ca, trở thành một trong những quốc gia có số ca nhiễm tính trên ngày cao nhất Đông Nam Á. Tính đến thời điểm 29/11, cả nước có trên 1,1 triệu ca mắc, với trên 24.000 ca tử vong. Tỷ lệ bệnh nhân nặng, phải thở oxy, thở máy còn khá cao. Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 2,1%, tương đương thế giới.
| |
Người dân tập trung ăn uống đông đúc tại quán bia số 104 đường Yên Phụ vào lúc 18h30 ngày 27/11 (phường Nguyễn Trung Trực, Ba Đình). (Ảnh: Lê Thắm) |
Tính chất khó lường và luôn biến đổi của dịch bệnh đã khiến Bộ Y tế phải xây dựng tới 7 phiên bản về hướng dẫn điều trị bệnh nhân Covid-19, liên tục cập nhật, bổ sung phác đồ, thuốc điều trị. Trong tình hình mới, Việt Nam đã không còn hướng tới mục tiêu “zero Covid-19” như trong 3 đợt dịch đầu mà chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt để nỗ lực đạt được hai mục tiêu là kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội…
Là một trong những thành phố có tỷ lệ mắc Covid-19 cao trên cả nước, những ngày này, số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trong cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội gia tăng nhanh với nhiều chùm ca bệnh, ổ dịch phức tạp. Chỉ tính riêng ngày 28/11, Thành phố đã ghi nhận 301 ca mắc mới, trong đó có 141 ca trong cộng đồng, con số mắc mới trong một ngày cao nhất từ trước tới nay.Những con số trên cho thấy, tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp. Thế nhưng, trên thực tế, sau khi Hà Nội tiêm phủ vắc xin cho người trên 18 tuổi và nới lỏng các hoạt động sản xuất kinh doanh thì tâm lý chủ quan của người dân về phòng, chống dịch đã xuất hiện.
PGS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, đến nay Việt Nam đã có hơn 1,1 triệu ca mắc, với hơn 24.000 ca tử vong. Hiện còn hơn 78.000 bệnh nhân đang điều trị, trong số này có khoảng 4.000 ca nặng phải thở oxy, thở máy, tỷ lệ còn khá cao. Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 2,1% tương đương so với thế giới. Tử vong chủ yếu tập trung ở đợt 4, trong khi 3 đợt đầu chỉ có 35 ca tử vong trong tổng số gần 3.500 ca mắc (chỉ khoảng 1%). Theo thống kê, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, người trên 65 tuổi là 47,5%. Trong đó, tử vong chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh (gần 73%), Bình Dương (gần 11%), Đồng Nai (khoảng 3%), Long An (2,4%), Tiền Giang (2%)… Trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của vi rút. Vì vậy, Việt Nam phải hết sức cảnh giác một đợt dịch thứ 5 luôn rình rập. |
Đơn cử như tại một số cửa hàng ăn uống, cà phê ở quận Ba Đình. Theo ghi nhận của phòng viên trong 2 ngày cuối tuần 27-28/11, tại dọc phố Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực, số lượng người tới quán các quán cà phê rất đông. Đa số khách hàng đều lựa chọn ngồi ở vỉa hè để tiện ngắm phố xá cuối tuần. Đáng nói, dù cửa hàng có trang bị mã QR, tuy nhiên không ai mảy may bận tâm tới việc quét mã.
Đặc biệt,ở cửa hàng số 104 đường Yên Phụ, mặc dù chủ quán đã “khéo léo” dùng bạt che đi tên cửa hàng nhưng vào khoảng từ 16h-20h khách hàng vẫn uống bia rất đông. Thậm chí các nhân viên cửa hàng phải bày bàn ghế kín cả 20m vỉa hè mới đủ chỗ cho khách ngồi. Trong một không gian nhỏ, hàng chục người ngồi san sát cạnh nhau, vô tư cười nói, choàng vai, bá cổ, nâng ly chúc tụng mà không hề để ý tới các biện pháp 5K hay quy định của Thành phố về phòng, chống dịch.
Tương tự, tại một số tuyến phố trên địa bàn phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) nhiều nhà hàng, quán ăn tuy đã có mã QR nhưng rất ít khách vào thực hiện quét mã. Nhiều quán ăn, cà phê trên phố Võ Thị Sáu, khách hàng vào đông hơn 50%, song nhà hàng vẫn tiếp nhận. Ở quận Cầu Giấy, một số quán cà phê, trà sữa vẫn du di cho phép khách hàng ngồi quá 21h… Tình trạng không giữ khoảng cách an toàn, phớt lờ việc quét mã QR không chỉ diễn ra tại các cửa hàng mà còn xuất hiện ở các khu chợ dân sinh hay các siêu thị lớn. Ghi nhận tại một số siêu thị như Co.op Mart Hà Đông, Big C Trần Duy Hưng, Vinmart Võ Thị Sáu… việc kiểm tra thân nhiệt vẫn được duy trì nhưng vấn đề giữ khoảng cách lại không được tuân thủ, đặc biệt là vào thời gian cao điểm mua sắm.
Còn tại các chợ dân sinh như chợ Bưởi, phố Thụy Khuê, phường Bưởi (quận Tây Hồ), ở các cổng chợ tại phố Thụy Khuê và phố Hoàng Hoa Thám luôn có lực lượng chốt trực đo thân nhiệt, nhắc người đi chợ quét mã QR, sát khuẩn tay. Phía trong chợ, một số chủ cửa hàng tạo mã QR để khách khai báo thông tin cá nhân. Chợ không đông lắm nên việc giữ khoảng cách được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, không phải 100% người dân đến chợ đều thực hiện quét mã QR hoặc sát khuẩn.
Chị Trương Thị Nga, chủ một quầy hàng thực phẩm khô chia sẻ, chị tạo mã QR dán tại quầy và thường nhắc khách quét mã, nhưng có người thực hiện, có người không.Anh Phạm Xuân Trà, nhân viên Ban Quản lý chợ Bưởi, cho biết, dù cố gắng kiểm soát và nhắc mọi người, nhưng cũng có khách không chấp hành quy định. Có những lúc, anh phải chạy theo yêu cầu khách quay ra quét mã QR và đo thân nhiệt. Một số hộ bán hàng ngoài cổng chợ cũng không thực hiện đủ các quy định phòng, chống dịch, “để lọt” khách không quét mã QR.
Cần nâng cao ý thức của người dân
Thực tế từ các đợt dịch Covid-19 bùng phát, cứ sau mỗi đợt giãn cách dài, tâm lý chủ quan rất hay xuất hiện, đặc biệt khi số lượng người đã tiêm vắc xin đạt tỷ lệ cao như hiện nay. Khi mọi người không còn tâm lý e dè dịch, sẽ tăng tiếp xúc xã hội và tự thấy không cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, cũng sẽ là thời điểm nhạy cảm, dễ tái phát sinh dịch bệnh. Chỉ cần một người lơ là có thể tạo nên hậu quả lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến cả cộng đồng.
| |
Người dân tập trung ăn uống đông đúc. |
Hiểu rõ mối nguy hiểm từ sự chủ quan của người dân, trong các cuộc họp, chỉ đạo, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đặc biệt nhấn mạnh, khi dịch bệnh tiếp tục tiềm ẩn trong cộng đồng thì mỗi người dân cần thực hiện “5K”, tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR như thói quen, nếp sống hằng ngày và tiếp tục tin tưởng, đồng hành cùng Thành phố giữ vững thành quả chống dịch, duy trì trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Và dù chuyển sang bình thường mới, chính mỗi người dân vẫn “cần phải biết sợ”, vì dịch Covid-19 đang hiện hữu ngay trong cộng đồng, ai cũng có thể bị nhiễm bất cứ lúc nào. Vậy nên, dù khi đã tiêm đủ vắc xin, đạt miễn dịch cộng đồng, không có nghĩa là không thể nhiễm bệnh, mọi người vẫn cần tuân thủ 5K và quy định phòng, chống dịch của ngành Y tế, chính quyền địa phương nếu không muốn rơi vào thảm cảnh.
Tuy nhiên, việc ý thức của người dân có được nâng cao hay không, ngoài ở chính bản thân họ còn phải dựa vào sự quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, thời gia qua, lực lượng chức năng các phường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp xử lý vi phạm để tăng sức răn đe đối với người dân. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, trên địa bàn quận có 953 cơ sở, trong đó, có 664 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đăng ký và cam kết thực hiện các phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thời gian qua, các đoàn kiểm tra liên ngành của quận, phường đã liên tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Hiện, quận xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch cao điểm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh đối với các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ăn uống. Đồng thời, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm.
Nhiều cửa hàng có dán mã QR nhưng không nhắc nhở người dân quét mã, không sử dụng tấm chắn theo quy định. Ảnh: Lê Thắm |
Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương, hiện trên địa bàn quận đang có các trường hợp F0. Quận đã yêu cầu các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương các phường trên địa bàn quận nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Theo đó, lực lượng chức năng 13 phường thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ phải có nước sát khuẩn trước cửa ra vào, khai báo y tế khi khách vào nhà hàng và đóng cửa trước 21h.
Bên cạnh đó, quận cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả hơn, nhanh hơn bằng nhiều hình thức thiết thực, phát huy hình thức tuyên truyền trên loa, đài truyền thanh các xã, thị trấn, khu chung cư, trên không gian mạng; các hình thức tuyên truyền lưu động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống dịch Covid-19...
Có thể thấy, trong các đợt dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn Thủ đô từ năm 2020 đến nay, đặc biệt là trong đợt dịch thứ 4, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội là xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trên hết và trước hết; giữ vững an toàn cho Thủ đô, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng thời điểm này để phát huy hơn nữa hiệu quả chống dịch chính là sự hợp tác của từng người dân và mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Bởi đâu đó vẫn còn một bộ phận người dân mang tâm lý chủ quan, lơ là, không tuân thủ quy định 5K./.
Ý kiến người dân: Ông Trương Đình Quý - Bí thư Chi bộ 5, Phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm): Phát huy sức mạnh từ cơ sở Hiện nay, Tổ Covid cộng đồng tại phường Trung Văn vẫn được duy trì và trở thành cánh tay nối dài của phường trong việc phòng, chống dịch tại địa phương. Khi Thành phố thực hiện giãn cách, nhiệm vụ của Tổ là trực chốt vùng xanh, đỏ, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống dịch; phối hợp với lực đi từng ngõ, gõ từng nhà rà soát, truy vết các trường hợp tiếp xúc liên quan tới người nghi mắc Covid-19 (F1, F2). Cùng đó, sàng lọc các trường hợp trở về từ các tỉnh có dịch để có biện pháp phòng, chống dịch đúng quy định, hỗ trợ đôn đốc người dân đi tiêm chủng. Khi Thành phố nới lỏng giãn cách, Tổ vẫn tiếp tục duy trì việc tuyên truyền về công tác phòng chống dịch tới người dân. Hằng ngày, các thành viên trong tổ đều đi tuần tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh phải thực hiện nghiêm quy định 5K, dán mã QR và yêu cầu người dân quét mã khi tới mua sắm, ăn uống, không được nhận quá 50% công suất của cửa hàng. Nếu phát hiện vi phạm sẽ nhắc nhở và báo lại với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý. Nhờ đó, trình trạng vi phạm về phòng, chống dịch tại địa phương diễn ra khá ít và được kiểm soát kịp thời. ---------------------------------------- Ông Trần Văn Kiên - Bí thư Đảng ủy xã Phú Thị (huyện Gia Lâm) Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân Mặc dù huyện Gia Lâm có một số xã, thị trấn đã có trường hợp F0 tại cộng đồng, nhưng trên địa bàn xã Phú Thị đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp F0. Tuy nhiên, để nâng cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan với dịch bệnh, xã Phú Thị đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Để việc tuyên truyền phát huy hiệu quả tối đa, xã bố trí 1 xe lưu động có gắn loa cùng nhiều xe máy tuyên truyền dọc tuyến đường chính của xã, vào từng ngõ nhỏ thông tin về tình hình dịch bệnh; các khuyến cáo của ngành Y tế. Đối với các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn xã, ngoài việc kiểm tra, xử phạt, xã đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên tiến hành hỗ trợ cài đặt mã QR đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn việc quét mã. Lực lượng Công an xã cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở. Vì vậy, nhìn chung, bà con kinh doanh đều tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch như cài đặt mã QR địa điểm, lắp vách ngăn, yêu cầu quét mã QR… ---------------------------------------- Bà Lê Thị Hồng, phường Hà Cầu, quận Hà Đông Mỗi người dân là một pháo đài chống dịch Việc Thành phố chuyển từ mục tiêu “zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt là một quyết định hết sức đúng đắn và nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân. Khi các hoạt động sản xuất kinh doanh, buôn bán được nối lại, cuộc sống của người dân cũng từng ngày được cải thiện và trở lại với trạng thái bình thường. Tuy nhiên, hiện nay dịch Covid-19 đang rất phức tạp, đặc biệt là việc xuất hiện chủng vi rút mới Omicron được dự báo là có thể lây lan nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta. Trước tình hình đó, mỗi người dân phải tự có ý thức bảo vệ mình trước dịch bệnh, không nên chủ quan vì đã tiêm phòng đầy đủ vì trên thực tế, đã có các trường hợp tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn nhiễm bệnh và thậm chí là tử vong. Trong thời điểm này, thay vì tụ tập quán xá, cà phê “chém gió” với bạn bè, người thân, chúng ta hãy trở về nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác khi không cần thiết. Nếu phải ra ngoài làm việc hãy tuân thủ nguyên tắc 5K và các quy định chống dịch của Thành phố. Với những việc làm nhỏ đó, mỗi chúng ta sẽ tự trở thành một pháo đài chống dịch, cùng góp sức với Thủ đô, đất nước đẩy lùi dịch Covid-19. ---------------------------------------- GS. Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội) Hiệu quả đến từ vắc xin ý thức Cả xã hội không nên chủ quan với dịch Covid-19, không được lơ là với công tác phòng chống dịch Covid-19. Chúng ta đã chống dịch bằng 5K, bằng vắc xin, bằng công nghệ, bằng thuốc nhưng có một loại vắc xin quan trọng nhất đó là tinh thần trách nhiệm đối với sức khỏe chính cá nhân mình, với sự an toàn của cộng đồng. Đó là loại vắc xin xã hội cần thiết nhất, giá trị nhất mà ai cũng đang có, xin hãy dùng ngay. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn hóa 23/01/2025 20:36
"Lộ diện" linh vật Rắn tại đường hoa Nguyễn Huệ
Văn hóa 23/01/2025 17:12
Đi đâu, xem gì tại Hà Nội dịp Tết Ất Tỵ?
Du lịch 23/01/2025 13:09
Hà Nội: Sẵn sàng mùa lễ hội an toàn, văn minh
Văn hóa 23/01/2025 12:21
Chủ động các biện pháp phòng chống bệnh dại dịp Tết
Y tế 23/01/2025 10:20
Triển lãm Báo Xuân trực tuyến - ứng dụng chuyển đổi số phát triển văn hóa đọc
Văn hóa 23/01/2025 08:43
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Central Retail trao tặng 5.100 phần quà Tết nhân ái
Cộng đồng 22/01/2025 14:20
Tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 22/01/2025 14:18
Dịch vụ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo trên “chợ online” hút khách, giá từ vài trăm nghìn
Cộng đồng 22/01/2025 08:33