Ở nơi ho ra sương, thở ra khói
Dạo một vòng Sa Pa, khám phá thiên đường ẩm thực Tây Bắc Sương mù phủ kín Sa Pa những ngày hè |
Mảnh đất từng ngày đổi khác
Đường lên Sa Pa quanh co dốc núi. Sau nhiều chặng nghỉ, chúng tôi từ thành phố Hà Nội cũng băng qua những dốc đèo trơn trượt trong gió bấc mưa phùn để đến với mảnh đất này. Sa Pa đẹp kỳ lạ. Trong suy nghĩ của tôi, nơi đây dù không hoa lệ như Sài Thành, không phóng khoáng như Phú Quốc, không trầm mặc như Hội An nhưng lại có sức hút rất lạ kỳ.
Một góc Sa Pa. Ảnh: Luyện Đinh |
Sa Pa tựa như một cô sơn nữ được đánh thức, mang trong mình vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng nhưng lại xúng xính trong bộ váy áo lấp lánh đẹp đẽ, hiện đại. Chẳng nói đâu xa, từ một thị trấn nhỏ bình dị nép giữa núi non điệp trùng của tỉnh Lào Cai, Sa Pa đã vươn mình khỏi những dãy núi biếc xanh để vượt ra ngoài thế giới rộng lớn, được mọi người nhắc đến như một chốn cửa miệng, nhất định phải ghé đến khi lên Lào Cai.
Lên Sa Pa đến ngày thứ hai, thời tiết nơi đây mới bắt đầu ngớt mưa. Để tận hưởng không khí khô ráo, tôi cùng Duy – một đồng nghiệp công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tản bộ dọc trên những triền dốc quanh co, chìm trong sương mù giữa thị trấn. Từ khu vực nhà thờ đi xuôi xuống dốc dẫn ra chợ, Duy nói với tôi rằng chợ Sa Pa vẫn nguyên như hơn 10 năm về trước. Vẫn những cô gái Dao đỏ rực đứng chen chúc cùng các chàng trai người dân tộc Mông quần áo đen chàm, dưới chợ vẫn bán hoa bất tử tươi và những mẹt su su, ngồng cải biết chắc luộc lên sẽ ngọt lịm… Chỉ có điều khác là vẻ sương khói u huyền như cổ tích đã ít nhiều mất đi. Dễ thấy là sự mọc lên quá khủng khiếp các khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng ở nơi có địa thế đẹp. Quả thực, tôi và Duy đã đi tìm và đã không còn cảnh lãng mạn với cây cối, vách đá xưa nữa. Duy tiếc. Cũng phải, bởi anh là một người hoài cổ. Thế nhưng, đô thị hóa là điều không thể tránh khỏi với các thiên đường du lịch. Với Sa Pa cũng vậy. Người dân nhiều nơi đổ về đây làm ăn buôn bán, kinh doanh. Điều đó đồng nghĩa với việc, những nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa sẽ ít nhiều vơi đi.
Bỏ lại Duy ở chợ với ngổn ngang những thứ rau định “cắp nách” về xuôi, tôi bắt xe ôm về Sử Pán, một địa danh mới, có sức hấp dẫn ở Sa Pa. Tôi chọn đi bằng xe ôm bởi không giống như Thủ đô, tại thị trấn du lịch này xe ôm đứng tại các điểm đón khách cũng có quy định riêng để tránh tranh giành. Nghề xe ôm đã nuôi sống hàng trăm người dân bản địa, cũng như những người di cư từ các tỉnh khác lên Sa Pa sinh sống. Đặc biệt hơn cả, đi xe ôm vừa tiện, vừa rẻ, có thể linh hoạt di chuyển vào các bản, các điểm du lịch quanh thị trấn. Phải khẳng định, Sa Pa có rất nhiều địa danh du lịch homestay trong "bộ nhớ" của du khách bốn phương, như Tả Van, Bản Hồ, Tả Phìn, Thanh Kim… Sử Pán cách thị xã Sa Pa chừng 15 km, xuôi về phía Nam. Trong làn sương mây mờ ảo, Sử Pán hiện ra trước mắt tôi với những ngôi nhà sàn gỗ ẩn hiện sau lớp sương trắng tựa như đang từ dưới thung sâu trùm lên. Ðiều lạ lùng, homestay ở đây không hề có bóng dáng của xi-măng cốt thép, mái tôn, mái bằng như ở nơi khác.
Qua lời kể của người dân bản địa, chỉ cách đây ít năm, Sử Pán là nơi thuộc diện nghèo nhất thị xã Sa Pa. Đất đai ít, lại toàn đá khô cằn, khí hậu lại lạnh rét… cái đói, cái nghèo khiến những người nơi đây quyết thay đổi cuộc sống. Nhờ tầm nhìn, sự tạo điều kiện của chính quyền, Sử Pán chọn hướng thoát đói nghèo bằng phát triển du lịch cộng đồng. Đến thời điểm này, Sử Pán là nơi vẫn còn giữ nguyên nhiều ngôi nhà cổ người H’Mông đen dòng họ Tẩn, với khoảng hơn 20 homestay mới và một vài resort đón khách bốn mùa, đảm bảo lượng khách lưu trú lớn. Sử Pán bừng thức dậy. Năm 2019, Sử Pán có hơn 100 hộ dân thoát nghèo, được xem là những điểm điển hình về xóa nghèo nhanh, bền vững.
Những sắc màu riêng khác
Không chỉ được đầu tư phát triển về du lịch, khoảng 5 năm trở về đây Sa Pa cũng thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhắc chuyện này, một đồng nghiệp bảo tôi, nơi đây có những diện tích trồng hoa ly, hoa lan đã cho thu nhập lên đến cả tỷ đồng, hoặc như việc trồng rau xanh cũng mang lại cho nông dân đến vài trăm triệu đồng/ha canh tác trong một năm. Thì ra, khí hậu mát mẻ quanh năm, không ít người đã mạnh dạn tìm đến nơi đây để đầu tư, phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Chợ Sa Pa, nơi người dân nhiều nơi đổ về đây làm ăn buôn bán, kinh doanh. Ảnh: Luyện Đinh |
Có những loại cây hoa trước đây chưa từng xuất hiện tại vùng núi, thế nhưng, khi trồng tại Sa Pa lại sinh trưởng và phát triển tốt. Nhắc chuyện này, anh Nguyễn Văn Cường (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) một người lập nghiệp đã được hơn 4 năm tại đây kể, nơi đây đặc biệt thích hợp với các loài hoa ưa lạnh. Do trồng được các loài hoa ưa lạnh ngay cả trong mùa hè nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm không quá khó khăn. Phần lớn các loại cây đều được các thương buôn đặt trước, số lượng hoa được bán lẻ ra ngoài không nhiều. “Từ khi trồng hoa ở Sa Pa, hiệu quả kinh tế mang lại khá ổn định. Làm hoa ở đây mùa hè dễ làm hơn ở quê nhiều, trong khi đó giao thông vận tải đi lại thuận tiện nên các thương buôn ở dưới xuôi lên mua khá nhiều, hoa đẹp và được giá” – anh Cường cho hay.
Phát huy những lợi thế sẵn có, Sa Pa đang trở thành điểm sáng thu hút đầu tư về mọi lĩnh vực. Riêng tôi, ngoài những thứ này, tôi còn thấy có một “đặc sản” nữa của thị trấn sầm uất nhưng vô cùng lãng mạn này đó là cái lạnh. Đêm cuối, trước khi về Hà Nội, tôi được trải nhiệm cái lạnh thấu vào tận trong xương. Rét nơi này thật kinh hoàng. Ngồi trong sảnh khách sạn tôi thấy vẫn thấy thênh thênh như ngoài đường. Đắp chăn lên người vẫn nghe sương giá từ đâu mò vào. Giường nệm dầy dặn nhưng vẫn cảm tưởng lạnh như nước đá…
Và đêm ấy, qua khung cửa sổ khách sạn, giữa cái lạnh tê cóng, ho ra sương, thở ra khói, trong tâm tưởng của tôi thấp thoáng ánh mắt trong veo của những đứa trẻ, nụ cười tươi vui của những người đang từng ngày âm thầm làm giàu cho mảnh đất này. Mùa xuân đang về. Và chắc chắn sẽ là một mùa xuân no ấm, yên bình với đất và người Sa Pa.
Luyện Đinh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Công an tỉnh Nghệ An tổ chức Tết sum vầy và tặng quà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn
Tai nạn lao động tại Nhà máy xi măng Sông Lam 2 làm 3 công nhân tử vong
Ấm áp những món quà Công đoàn cuối năm
Người dân hối hả rời Thủ đô trong ngày làm việc cuối cùng của năm
Trường Đại học Thủ Dầu Một trả lại tiền cho hơn 10.000 sinh viên do thu sai quy định
Bình Dương: Tổ chức bắn pháo hoa tại 10 điểm chào đón năm mới Ất Tỵ 2025
Hiện thực hoá giấc mơ du học Đức
Tin khác
Central Retail trao tặng 5.100 phần quà Tết nhân ái
Cộng đồng 22/01/2025 14:20
Dịch vụ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo trên “chợ online” hút khách, giá từ vài trăm nghìn
Cộng đồng 22/01/2025 08:33
Ý nghĩa tục cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Cộng đồng 22/01/2025 06:55
Văn khấn cúng ông Công, ông Táo Tết Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 22/01/2025 06:52
Để tránh mất tiền oan dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 21/01/2025 12:21
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên đán
Cộng đồng 21/01/2025 10:57
Giờ nào đẹp để hóa vàng, thả cá cúng ông Công, ông Táo?
Cộng đồng 21/01/2025 06:06
Lưu ý khi dọn nhà đón Tết để cả năm tài lộc may mắn
Cộng đồng 20/01/2025 20:23
Nhiều quốc gia hành động quyết liệt bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội
Cộng đồng 19/01/2025 08:20
Người người rời phố về quê đón Tết sớm
Cộng đồng 18/01/2025 20:54