Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo Thủ đô
Tuyên dương nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo Trao giải cuộc thi viết “Tấm gương Nhà giáo Thủ đô tiêu biểu” |
Nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu
Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, người thầy luôn có vị trí quan trọng trong việc đào tạo ra những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Thời gian qua, bằng tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp "trồng người", đội ngũ các nhà giáo Thủ đô đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, sáng tạo để truyền tải kiến thức, đưa những bài giảng chất lượng, giờ học hay đến với lớp lớp các thế hệ học trò. Thầy giáo Nguyễn Đức Trường (giáo viên Trường Trung học cơ sở Đa Tốn, huyện Gia Lâm) là một ví dụ.
Thầy, cô giáo là những người truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh say mê học tập và tham gia các hoạt động trải nghiệm cuộc sống. |
Do ảnh hưởng di chứng chất độc mầu da cam trong chiến tranh từ người cha để lại mà thầy Trường sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi. Đôi chân thầy bị chứng teo cơ nên đi lại hết sức khó khăn. Với thầy Trường, Toán học chính là ngọn lửa của niềm đam mê, để rồi khi chọn con đường sư phạm, thầy đã trở thành người "giữ lửa" và "truyền lửa" cho biết bao thế hệ học trò. Trong các bài giảng, thầy Trường luôn chú ý khơi gợi và khuyến khích tính chủ động, khả năng tự học ở học sinh. Thầy giảng dạy theo chuyên đề, biến học sinh thành “chuyên gia” nghiên cứu, sưu tầm, phân dạng bài tập... Đồng thời chú trọng đến phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh; hướng các em vận dụng kiến thức để giải quyết những bài toán đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. Thầy giúp học sinh phát triển năng khiếu bằng cách tiếp cận các kì thi, hướng dẫn thi giải toán... Nhờ vậy, trong mắt các em học sinh, bộ môn Toán đã không còn là những con số khô khan, những công thức vô hồn mà trở thành thế giới của những niềm vui hào hứng, say mê. Ở đó, các em được khuyến khích và nâng đỡ, được khám phá và sáng tạo, được thể hiện và khẳng định bản thân...
Hay như cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai (giáo viên Trường Tiểu học Nông nghiệp 1, huyện Gia Lâm) - người đã có tròn 20 năm gắn bó với học sinh lớp 1. Với vai trò là “người đi gieo hạt ước mơ”, mỗi bài giảng của cô Mai không chỉ được xây dựng bằng kiến thức, trình độ chuyên môn mà còn ấp ủ trong đó những tình cảm, sự bao dung, lòng nhiệt huyết và cái tâm của một người thầy. Là một giáo viên năng động, có lòng say mê, nhiệt huyết với nghề, qua nhiều năm tích cực nghiên cứu, áp dụng các biện pháp, đặc biệt là sự thay đổi phương pháp dạy học, cô Mai đã có những ý tưởng sáng tạo để xây dựng “lớp học hạnh phúc” và đã tạo dựng được nhiều “giờ dạy hạnh phúc”, truyền năng lượng cho các em học sinh. Thông qua các hoạt động, cô đã giúp các em học sinh xây dựng mục tiêu cá nhân, chia sẻ những điều muốn nói để từ đó giáo viên thấu hiểu học trò của mình, giúp các em cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, cô giáo Đặng Hoàng Hà (giáo viên Trường Tiểu học Giáp Bát, quận Hoàng Mai) nhận thấy học sinh tiểu học có trí nhớ trực quan - hình tượng phát triển chiếm ưu thế hơn. Từ đó, cô đã tìm tòi, học hỏi thêm về công nghệ thông tin để ứng dụng vào công tác dạy học.Để tránh đi vào lối mòn của cách giảng dạy truyền thống, cô Hà đã biến lớp học của mình thành một rạp chiếu phim mini. Những đoạn phim hoạt hình vui nhộn được chọn lọc với độ dài phù hợp do chính cô tạo ra đã kích thích trí tò mò của học sinh, khiến học sinh không còn cảm giác khô khan, cứng nhắc khi tiếp nhận những kiến thức mang tính lý thuyết, trừu tượng. Từ việc vận dụng hoạt hình hóa các nội dung học tập, học sinh lớp cô Hà đã yêu thích môn học hơn, có sự gắn kết, yêu thương, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Đồng thời cũng từ những tình huống đạo đức có trong đoạn phim hoạt hình, học sinh đã tự tin và biết cách tự giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.
Hoặc ở phân môn Tập làm văn, giáo viên thường hướng dẫn, dạy học sinh cách viết các câu văn theo mẫu, nhiều câu văn không có sự sáng tạo, thiếu vắng những từ ngữ hồn nhiên của trẻ nhỏ. Trăn trở và khao khát sự thay đổi, cô Hà đã điều chỉnh phương pháp và hình thức dạy học theo hướng phát triển trí lực. Trong giờ giảng, cô Hà đã đề nghị học sinh tự nói lên những suy nghĩ, những hiểu biết của mình về chủ đề sách giáo khoa yêu cầu. “Từ việc phải tư duy và nói ra thành lời rồi nhớ và viết lại, học sinh sẽ nhớ lâu hơn những kiến thức thu nhận được. Những đoạn văn của học sinh được thể hiện sinh động hơn với các từ ngữ hồn nhiên đúng với lứa tuổi. Bản thân học sinh cũng tự tin hơn, ngôn ngữ phát triển tốt hơn” - cô giáo Đặng Hoàng Hà chia sẻ.
Nền tảng quyết định chất lượng giáo dục
Những năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hiện, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước, trong đó 100% giáo viên đứng lớp ở các cấp học, bậc học có trình độ đào tạo đạt chuẩn. Đây là yếu tố giữ vai trò then chốt, góp phần tạo nền tảng cho ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát triển bền vững.
Năm học 2020 - 2021, Hà Nội tiếp tục là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2.800 trường học với hơn 2,1 triệu học sinh. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chương trình công tác năm 2020 của Uỷ ban nhân dân Thành phố, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô xác định năm học 2020 - 2021 là năm học tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.Với số học sinh và giáo viên tăng, đòi hỏi toàn Ngành phải nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Ảnh: P.T |
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô, trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế từ những năm học trước, tập trung thực hiện tốt 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp trọng tâm. Trong đó, đặc biệt coi trọng việc hình thành và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên theo định hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp; phấn đấu có nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý mẫu mực với phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.
Cụ thể, Ngành sẽ rà soát, điều chỉnh và tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng đội ngũ; tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực của Ngành và đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tham mưu xây dựng Đề án đào tạo giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019; quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán các bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi; bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức và chất lượng đội ngũ nhà giáo, tập trung bồi dưỡng kỹ năng quản trị nhà trường cho Hiệu trưởng; xây dựng các chính sách đãi ngộ nhà giáo như bồi dưỡng, sử dụng, phát huy sở trường của từng nhà giáo; cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ khen thưởng, chính sách bảo hiểm xã hội…/.
P.T
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Đề xuất Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được tăng thêm không quá 15 Phó Giám đốc Sở
Đảm bảo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động ngành Thoát nước Hà Nội
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Brighton vs Everton: 3 điểm nằm trong tay đội chủ nhà
Tin khác
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Trường học đầu tiên tại Việt Nam nhận chứng nhận an toàn thực phẩm ISO 22000:2018
Giáo dục 21/01/2025 12:54
Nhiều trường đại học bổ sung tổ hợp tuyển sinh
Giáo dục 21/01/2025 06:05
Đáp án các môn thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025
Giáo dục 20/01/2025 22:05
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mở cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực năm 2025
Giáo dục 20/01/2025 17:29
Hà Nội tiếp tục dẫn đầu kỳ thi học sinh giỏi quốc gia
Giáo dục 18/01/2025 16:56
Công bố kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025
Giáo dục 18/01/2025 15:54
Hà Nội chưa "chốt" môn thi thứ ba vào lớp 10 năm học 2025 - 2026
Giáo dục 17/01/2025 13:32
Gặp mặt, tặng quà vợ, con chiến sĩ đang công tác tại biển đảo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Giáo dục 16/01/2025 16:08
Sân chơi lành mạnh cho học sinh có năng khiếu và đam mê âm nhạc
Giáo dục 16/01/2025 06:08