Muốn có "giao thông xanh": Sớm quy hoạch để "phủ sóng" nhanh trạm sạc
Việc sớm “phủ sóng” trạm sạc không chỉ là điều kiện kỹ thuật cần thiết mà còn đóng vai trò như một đòn bẩy chiến lược, giúp người dân an tâm chuyển đổi phương tiện, từ đó tạo lực đẩy mạnh mẽ cho mục tiêu phát triển bền vững.
Những bước tiến rõ nét
Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi sang các phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường. Tính đến tháng 7 năm 2025, Thành phố đã đưa vào vận hành 16 tuyến buýt điện với tổng cộng 248 xe, chiếm 12,86% tổng số xe buýt có trợ giá. Tỷ lệ này đã vượt kế hoạch đề ra cho năm 2025, cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của Thủ đô trong hiện thực hóa mục tiêu phát triển giao thông bền vững.
Không chỉ dừng lại ở xe buýt, quá trình chuyển đổi xanh còn được đẩy mạnh trong lĩnh vực taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Hiện nay, 47,4% số xe taxi đang hoạt động tại Hà Nội đã sử dụng điện, trong khi tỷ lệ này đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ là 46,5%. Đáng chú ý, 23 hãng taxi trên địa bàn đã chính thức cam kết sẽ chuyển đổi toàn bộ phương tiện từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện vào năm 2030. Bên cạnh đó, dịch vụ xe đạp công cộng với 1.100 xe cùng 118 điểm và trạm dừng cũng góp phần quan trọng vào việc xây dựng hình ảnh thành phố xanh - sạch - hiện đại.
![]() |
Việc phát triển rộng rãi các trạm sạc sẽ góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi giao thông xanh diễn ra nhanh và đồng bộ. |
Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Hà Nội đang tích cực xây dựng lộ trình hạn chế và tiến tới loại bỏ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nội đô. Cụ thể, từ ngày 1/7/2026, xe máy chạy xăng sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực Vành đai 1; tiếp đó, từ ngày 1/1/2028, phạm vi cấm sẽ mở rộng ra Vành đai 2. Đối với ô tô cá nhân sử dụng xăng, diesel, việc hạn chế trong Vành đai 2 sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2028 và tiếp tục mở rộng ra Vành đai 3 vào đầu năm 2030.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, quá trình chuyển đổi giao thông xanh tại Hà Nội hiện vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là về hạ tầng kỹ thuật và tâm lý người tiêu dùng.
Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay chính là hệ thống trạm sạc còn manh mún, thiếu đồng bộ. Việc chưa có quy chuẩn kỹ thuật thống nhất về trạm sạc, đầu sạc giữa các dòng xe khiến khả năng sử dụng chung hạ tầng giữa các hãng sản xuất gặp nhiều hạn chế, làm giảm tính linh hoạt trong khai thác.
Việc xã hội hóa đầu tư vào trạm sạc cũng chưa thực sự thu hút được khu vực tư nhân tham gia một cách mạnh mẽ. Nguyên nhân chủ yếu là do còn thiếu khung pháp lý rõ ràng liên quan đến cơ chế quản lý, vận hành, cũng như việc xác định giá dịch vụ trạm sạc… vốn được xem là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư và niềm tin của doanh nghiệp.
Ngoài ra, tâm lý e ngại của người tiêu dùng về độ bền, tuổi thọ pin và phạm vi di chuyển của xe điện vẫn là một rào cản không nhỏ trong việc mở rộng thị phần phương tiện xanh. Điều này cho thấy, nếu không nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng và chính sách đồng bộ, quá trình “xanh hóa” giao thông rất dễ rơi vào tình trạng phát triển nửa vời, thiếu tính bền vững.
Để giao thông xanh không chỉ là khẩu hiệu
Nhìn từ thực tiễn triển khai, nhiều chuyên gia cho rằng để giao thông xanh không chỉ là khẩu hiệu, quá trình chuyển đổi phải song hành giữa chính sách, hạ tầng và sự đồng thuận của người dân. Tại tọa đàm “Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau” do Báo Tiền Phong tổ chức, PGS.TS. Hoàng Anh Lê - Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra những gợi mở rất đáng chú ý.
Theo ông, để việc chuyển đổi thực sự hiệu quả, bên cạnh khung chính sách mang tính điều tiết, cần đặc biệt lưu tâm tới yếu tố kỹ thuật và sự thuận tiện trong sử dụng, đây là hai yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến quyết định của người dân. Nói cách khác, thay vì dàn trải hạ tầng sạc tại từng hộ gia đình, mô hình vốn khó triển khai trong không gian đô thị chật hẹp thì nên ưu tiên phát triển mô hình đổi pin nhanh. Điều này đòi hỏi các hãng sản xuất cần đồng bộ thiết kế pin sao cho việc thay thế có thể diễn ra dễ dàng, tiết kiệm thời gian, tương tự như thao tác đổ xăng hiện nay. Đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là cách tiếp cận giúp tháo gỡ tâm lý e ngại về phạm vi hoạt động hay thời gian sạc lâu của xe điện.
![]() |
Thông qua các phương tiện giao thông xanh, Thủ đô Hà Nội sẽ ngày một văn minh, hiện đại. |
Bên cạnh đó, PGS.TS. Hoàng Anh Lê cũng đề xuất việc tận dụng hệ thống cây xăng hiện hữu như một nền tảng để chuyển đổi công năng sang điểm sạc hoặc trạm đổi pin. Việc hợp tác với các doanh nghiệp sở hữu trạm xăng sẽ giúp giảm thiểu chi phí đầu tư mới, đồng thời đảm bảo yếu tố quản lý an toàn và tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có, một hướng đi khả thi và ít gây xáo trộn cho hệ sinh thái đô thị.
Cuối cùng, điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự thành công bền vững của giao thông xanh là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong công tác quy hoạch từ phát triển đô thị, giao thông đến năng lượng. Khi chính sách được xây dựng dựa trên sự thấu hiểu người dân và minh bạch trong thực hiện, người dân sẽ không bị động “làm theo” mà sẽ tự giác tham gia. Khi đó, chính quyền không còn đơn thuần là người quản lý mà sẽ trở thành người đồng hành, tạo điều kiện để cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trong khi các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới công nghệ và tận dụng hạ tầng hiện hữu, thì về phía cơ quan quản lý, Hà Nội cũng đang có những động thái tích cực nhằm cụ thể hóa lộ trình chuyển đổi bằng các bước đi mang tính thực tiễn cao.
Ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Tài chính đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện toàn thành phố có khoảng 1.000 trụ sạc các loại, gồm ba nhóm chính: trụ sạc cho xe công cộng, trụ sạc dành cho ô tô cá nhân và trụ sạc cho xe máy, xe đạp điện. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương rà soát, lập quy hoạch hệ thống trạm sạc một cách rõ ràng, bài bản.
Một trong những giải pháp đang được đẩy mạnh là tận dụng hệ thống bến bãi đỗ xe trong khu vực Vành đai 1 để tích hợp các trụ sạc điện. Cách làm này không chỉ góp phần “xanh hóa” giao thông khu vực nội đô mà còn tạo điều kiện cho người dân từ các địa phương lân cận có thể gửi xe, sạc điện, và tiếp tục di chuyển bằng phương tiện công cộng. Đây là hướng đi tích hợp, vừa giúp giảm phương tiện cá nhân vào nội thành, vừa thúc đẩy phát triển hệ sinh thái giao thông thông minh - xanh - linh hoạt.
Rõ ràng, để giấc mơ về một hệ thống giao thông xanh, sạch, hiện đại không chỉ dừng lại ở kế hoạch hay khẩu hiệu, Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng trạm sạc - yếu tố then chốt giúp phá bỏ những rào cản tâm lý và kỹ thuật của người dân. Khi trạm sạc không còn là nỗi băn khoăn, khi người dân có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ một cách an toàn, tiện lợi, quá trình chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện chạy điện sẽ diễn ra một cách tự nhiên, bền vững hơn.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

U23 Việt Nam nhận thưởng "khủng" sau khi giành vé vào chung kết U23 Đông Nam Á 2025

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thăm, tặng quà người có công

“Bữa cơm Công đoàn” ấm áp, gắn kết yêu thương tại Tập đoàn Thái Bình Dương

Lưu ý về ủy quyền nhận lương hưu từ tháng 7/2025

Nhận diện những khó khăn trong thực hiện triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh trở thành Đại sứ thương hiệu Văn Lang Empire T&T Golf Club

Đại hội Đảng bộ UBND phường Đống Đa: Sẵn sàng cho giai đoạn mới 2025 - 2030
Tin khác

Hà Nội tổng kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy
Giao thông 25/07/2025 19:19

Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1
Giao thông 25/07/2025 15:59

Lật xe khách trên Quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh, 9 người tử vong, 15 người bị thương
Giao thông 25/07/2025 09:13

Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông cầu Nhật Tân từ 25/7
Giao thông 24/07/2025 19:37

Công an Hà Nội thông tin vụ xe bán tải gây tai nạn liên hoàn tại phố Khâm Thiên
Giao thông 23/07/2025 22:25

Tai nạn liên hoàn trên phố Khâm Thiên, nhiều xe máy bị xe bán tải húc đổ
Giao thông 23/07/2025 19:32

Phấn đấu bàn giao mặt bằng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn qua TP.HCM trong tháng 12/2026
Giao thông 23/07/2025 19:28

Sân bay Vân Đồn và Cát Bi mở cửa trở lại từ 12h trưa 22/7 sau ảnh hưởng bão số 3
Giao thông 22/07/2025 15:11

Điện Biên: Cầu treo Pa Thơm đứt cáp, xe chở cán bộ xã rơi xuống sông khi đi chống bão
Giao thông 22/07/2025 11:33

Chủ động ứng phó bão số 3: Hà Nội chỉ đạo “nóng”, tăng cường bảo đảm an toàn giao thông
Giao thông 21/07/2025 15:53