Mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5% năm 2025 không phải là "mục tiêu bất khả thi"
Thủ tướng yêu cầu thiết kế công cụ kiểm tra hàng hóa, quản lý thuế Chánh Thanh tra Cơ yếu có quyền xử phạt vi phạm hành chính đến 160 triệu đồng |
Sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các xã, phường, đặc khu trên cả nước.
2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Theo đó, kịch bản 1 xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%. Cụ thể, tăng trưởng quý III đạt 8,3% so với cùng kỳ, tương đương với kịch bản tại Nghị quyết 154/NQ-CP; quý IV đạt 8,5% (cao hơn kịch bản 0,1%). Quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.
Với kịch bản 2 (tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3 - 8,5%), Bộ ước tính tăng trưởng quý III đạt 8,9 - 9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6 - 0,9%); quý IV đạt 9,1 - 9,5% (cao hơn kịch bản 0,7 - 1,1%). Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2 (8,3 - 8,5%), tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.
Tương ứng với 2 kịch bản nêu trên, Bộ Tài chính đã dự kiến kịch bản tăng trưởng của các địa phương và tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, nhất là các địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước, như: Hà Nội tăng 8,5% (cao hơn 0,5%), thành phố Hồ Chí Minh 8,5% (cao hơn 0,4%), Quảng Ninh 12,5% (cao hơn 1%), Thái Nguyên 8% (cao hơn 0,5%)…; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.
Để đạt mức tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm 2025, Bộ Tài chính cho biết cần huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm là khoảng 111 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 8%.
Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm đạt khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 700.000 tỷ đồng). Các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025 và số vốn được giao bổ sung năm 2025 từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nươc năm 2024 (khoảng 152.700 tỷ đồng).
Đầu tư tư nhân khoảng 60 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước 8%; thu hút FDI đạt 18,5 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỷ USD; đầu tư khác khoảng 7 tỷ USD.
Về thúc đẩy đầu tư tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân và các chương trình hành động của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 (khoảng 16%) trong trường hợp cần thiết, bảo đảm vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các gói 500.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số, gói tín dụng cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội…
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cơ bản thống nhất những định hướng theo báo cáo của Bộ Tài chính; khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm 2025 hoàn toàn có khả năng thực hiện để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để tự tin bước vào giai đoạn 2026 - 2030, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược của cả giai đoạn 2021 - 2030.
![]() |
Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá bối cảnh, tình hình thời gian tới, nhất là những khó khăn, thách thức, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn trong thúc đẩy tăng trưởng; thảo luận các kịch bản, mục tiêu tăng trưởng quý III, quý IV và 6 tháng cuối năm của từng địa phương, ngành, lĩnh vực; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm, tác động mạnh mẽ và hiệu quả trong ngắn hạn, dài hạn; kiến nghị cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phối hợp hài hòa
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các mục tiêu chủ yếu gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng dưới 4,5%, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt từ 8,3 - 8,5% và năm 2026 đạt 10% trở lên, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tổng đầu tư xã hội năm 2025 khoảng 2,8 triệu tỷ đồng; trong đó đầu tư công khoảng 1 triệu tỷ đồng và các nguồn khác khoảng 1,8 triệu tỷ đồng. Cùng với đó, kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là mục tiêu rất khó và có nhiều thách thức rất lớn nhưng chúng ta không thể không làm và mục tiêu này cũng không phải mục tiêu bất khả thi. Nếu chúng ta không thực hiện được mục tiêu này trong năm nay thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng những năm tới và 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra”.
Chỉ rõ 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, phân công "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ổn định tỷ giá, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và sinh kế cho người dân, kiểm soát dòng vốn tín dụng đi vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nhà ở xã hội.
Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả, thúc đẩy giải ngân đầu tư công 100% (khoảng 1 triệu tỷ đồng); bảo đảm tổng đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 11 - 12% so với năm 2024. Mở rộng nguồn thu, đẩy mạnh tiết kiệm chi, phát hành trái phiếu Chính phủ dài hạn phục vụ các động lực tăng trưởng, các công trình trọng điểm quốc gia, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thủ tướng lưu ý, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả, hỗ trợ, thúc đẩy, nương tựa nhau để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
![]() |
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Về thực hiện 3 đột phá chiến lược, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành các mục tiêu về đường cao tốc, đường ven biển, khởi công các dự án đường sắt; các địa phương được giao công trình, dự án cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan tháo gỡ các nút thắt về thể chế. Về nhân lực, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho các ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện 4 nghị quyết "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện các dự thảo nghị quyết về đột phá phát triển y tế, giáo dục, văn hóa để trình Bộ Chính trị ban hành.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, cơ quan cần chuẩn bị tốt việc tham gia triển lãm quốc gia về "80 năm hành trình độc lập - tự do - hạnh phúc" với tinh thần khẩn trương, sáng tạo…
Về văn hóa - du lịch, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; có chính sách visa phù hợp đi đôi với đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch để đạt mục tiêu 25 triệu du khách trong năm 2025.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; cắt giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Các địa phương phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại theo tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thủ tướng yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa 3 trụ cột gồm: Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại; vừa phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vừa mở rộng đối ngoại và hội nhập.
Về an sinh xã hội, tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước ngày 31/8, trong đó xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng trước ngày 27/7; quyết liệt, hiệu quả triển khai chương trình nhà ở xã hội.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, tạo sự đồng thuận về nhận thức, tầm nhìn, hành động và tổ chức thực hiện với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp".
Thủ tướng chỉ đạo thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá, tổng kết linh hoạt, định kỳ và điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, gần dân, sát dân, tất cả vì nhân dân phục vụ, giải quyết ngay các công việc, vấn đề cho nhân dân tại cơ sở.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành trình nghị quyết của Chính phủ để giải quyết các vướng mắc liên quan quy hoạch, vốn ODA, giao mỏ vật liệu xây dựng thông thường, hoàn thành trong tháng 7. Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, nhưng không để ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng…
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Trưng bày “Bút sắc, lòng son” kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Hưng Yên khai trương Trung tâm thương mại GO lớn nhất tỉnh

Nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT: Hà Nội tăng cường đối thoại với doanh nghiệp

Không tiêm phòng sau nhiều lần bị chó cắn, nam tài xế nguy kịch vì bệnh dại

Quả bơ - "Siêu thực phẩm" từ thiên nhiên tốt cho sức khỏe

Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh

Khẳng định rõ nét vai trò của tổ chức Công đoàn Thủ đô
Tin khác

Người dân được khai thác thông tin miễn phí trên Cổng Pháp luật quốc gia
Tin mới 16/07/2025 15:09

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
Tin mới 15/07/2025 21:18

MC Hoàng Linh bị xử phạt 107,5 triệu đồng vì vi phạm về quảng cáo
Tin mới 15/07/2025 19:28

Điều kiện thi tuyển, xét tuyển, cộng điểm ưu tiên trong thi công chức
Tin mới 15/07/2025 16:55

UBND cấp xã sẽ cấp giấy phép xây dựng, quản lý nhà ở xã hội
Tin mới 15/07/2025 08:12

Thủ tướng yêu cầu thiết kế công cụ kiểm tra hàng hóa, quản lý thuế
Tin mới 15/07/2025 07:54

Chính thức đổi tên gọi BHXH khu vực thành BHXH cấp tỉnh, thành phố
Tin mới 14/07/2025 21:33

UBND cấp xã cấp “sổ đỏ”, quyết định giá bán nhà ở tái định cư
Tin mới 14/07/2025 20:20

Chi tiết Lịch trình Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9 tại Hà Nội
Infographic 14/07/2025 18:37

Thăng quân hàm Đại tướng cho Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trịnh Văn Quyết và quân hàm Thượng tướng đối với các đồng chí sĩ quan QĐND và CAND
Thời sự 14/07/2025 11:18