Lễ Vu Lan nhớ về một thuở nhuộm răng, ăn trầu
Hàng nghìn phật tử đổ về chùa Ngọa Vân dự lễ Vu Lan Làng vàng mã Phúc Am nhộn nhịp dịp lễ Vu Lan |
Trước tiên, về tục nhuộm răng, đã có từ rất lâu đời, nhưng chỉ thông dụng ở miền Trung và miền Bắc. Kinh đô Huế được coi là nơi cực thịnh của nghệ thuật nhuộm răng. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ XX, ở các thành thị lớn của Việt Nam, tục ăn trầu và nhuộm răng suy yếu, dần dần theo thời gian phong tục cũng biến mất.
Ảnh minh họa |
Theo quan niệm thẩm mỹ xưa, hàm răng đen được coi là chuẩn mực của cái đẹp, không chỉ riêng đối với phụ nữ mà ngay cả nam giới cũng vậy, tuy ở nam giới ít hơn. Người xưa tôn vinh răng đen là nét đẹp không thể thiếu của người phụ nữ. Nó được đánh giá, coi trọng cũng tương đương với quan niệm giữ gìn sự trong trắng của người con gái Việt, và được xếp thứ 4 trong 10 chuẩn mực đo nét duyên của người con gái: “Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua”.
Không chỉ là chuẩn mực của cái đẹp, lúc bấy giờ tục nhuộm răng đen trở nên phổ biến đến nỗi được coi là chuẩn mực đạo đức. Nếu như không làm sẽ bị xem là đi ngược với tập tục và không được đón nhận. Những người không nhuộm răng thì không được đến cưới hỏi. Đặc biệt vào các dịp lễ, Tết hay những ngày vui trọng đại như lễ hỏi, lễ cưới, họ phải nhuộm răng lại cho đen mới để tham dự.
Quy trình để nhuộm răng đen cũng vô cùng công phu, cầu kỳ và phải trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là phải làm sạch răng, thường kéo dài 3-5 ngày. Sau mỗi bữa ăn, người nhuộm răng phải đánh sạch răng bằng vỏ cau khô, có nơi còn dùng bột than củi. Sau đó xúc miệng kỹ bằng nước chanh hoặc dấm. Giai đoạn tiếp theo là nhuộm răng đỏ. Cục cánh kiến mua ở chợ được tán nhỏ ra thành bột, đổ rượu vào quấy cho sánh, sau đó phết lên mảnh lá chuối hoặc lá dừa, lá cau cắt miếng dài bằng hàm răng. Tối đi ngủ ấp mảnh lá chuối cánh kiến vào hai hàm rồi mím miệng lại. Cứ thế đến khi có hàm răng đỏ bóng, lên màu cánh gián ưng ý thì mới nhuộm răng đen. Lúc này vẫn dùng bột cánh kiến, nhưng hòa với phèn đen, quế chi, đinh hương, vỏ lựu khô đã được tán nhỏ thành bột, cho lên chảo quấy đều với dấm thanh. Cuối cùng là chiết răng để giữ màu đen cho răng. Người ta lấy gáo dừa già đã phơi khô để lên con dao rồi đốt cho gáo dừa chảy ra thứ nhựa đen sền sệt, rồi lấy nhựa đó phết vào răng, khi đó răng sẽ có màu đen bóng và lâu phai.
Để có được hàm răng đen đẹp, người nhuộm răng không chỉ phải trải qua những công đoạn phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức mà còn phải chịu đau đớn về thể xác: “Ả nào cũng gầy đi vì nhuộm răng. Bởi đêm đã vất vả thế, ăn uống lại phải kiêng, tránh nhai, sợ nhạt thuốc, cứ húp cháo hoa hai ba phiên dài dài..” (Chuyện cũ Hà Nội, Tô Hoài).
Giống như tục nhuộm răng, tục ăn trầu của Việt Nam cũng xuất hiện từ lâu đời, đi vào đời sống vật chất và tinh thần, trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của truyền thống văn hóa, của tập quán dân tộc, của tình nghĩa thủy chung son sắt giữa người với người.
Người xưa có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, trầu dùng để mời khách đến chơi nhà. Miếng trầu xuất hiện hầu như ở mọi mặt đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Từ mâm cỗ cúng gia tiên đến Lễ Tết, cưới hỏi. Miếng trầu còn tượng trưng cho tình yêu lứa đôi. Mâm lễ nhà trai đưa sang để thưa chuyện nhà gái, không thể thiếu được lá trầu, quả cau: “Miếng trầu ăn kết làm đôi/ Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng/Trầu xanh, cau trắng, chay hồng/Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên”.
Nguyên liệu ăn trầu cau gồm lá trầu (lá màu xanh sẫm bóng, có các gân nổi rõ ở mặt bên dưới), quả cau (màu xanh ánh vàng, hình nón, kích thước xấp xỉ cỡ quả trứng gà, bên trong lốm đốm) và ít vôi (loại vôi tôi để lâu, nhão, màu trắng hoặc màu hồng). Lá trầu và cau sẽ được cất trong cơi trầu làm bằng đồng, vôi thì đặt trong bình vôi. Cau được chọn phải là cau tươi hoặc cau khô được bổ ra làm sáu miếng nhỏ. Tiếp đến, người ta sẽ dùng chìa vôi để quét vôi lên lá trầu, gấp lại rồi lấy một miếng cau vào miệng nhai nát hỗn hợp 3 món này.
Trong đời sống hằng ngày, người ta ăn trầu theo một cách đơn giản. Thế nhưng, vào những dịp quan trọng như đám cưới, đám hỏi, lễ hội thì miếng trầu sẽ được xếp cầu kỳ hơn và cách têm đó gọi là têm trầu cánh phượng. Vẫn là những nguyên liệu lá trầu, cau và vôi nhưng những món đó lại được sắp xếp với hình dáng cầu kỳ, kiểu cách. Điều này vừa thể hiện sự sang trọng của trầu cau trong các dịp lễ, lại vừa nói lên sự khéo léo của những người phụ nữ Kinh Bắc xưa.
Cho tới ngày nay, tục nhuộm răng đã bị phá bỏ và tục ăn trầu, mời trầu cũng ít phổ biến như xưa. Tuy vậy nhưng trầu cau vẫn là thứ không thể thiếu trong mỗi dịp lễ Tết, cúng giỗ, cưới hỏi, kết thân. Và hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa với hàm răng đen bóng, môi đỏ vì nhai trầu sẽ mãi là hình ảnh mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc ta. Nhân lễ Vu Lan lại nhớ về một thuở nhuộm răng, ăn trầu để nhớ nét đẹp văn hóa của tổ tiên./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Đề xuất Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được tăng thêm không quá 15 Phó Giám đốc Sở
Đảm bảo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động ngành Thoát nước Hà Nội
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Brighton vs Everton: 3 điểm nằm trong tay đội chủ nhà
Tin khác
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Văn hóa 24/01/2025 06:57
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn hóa 23/01/2025 20:36
"Lộ diện" linh vật Rắn tại đường hoa Nguyễn Huệ
Văn hóa 23/01/2025 17:12
Triển lãm Báo Xuân trực tuyến - ứng dụng chuyển đổi số phát triển văn hóa đọc
Văn hóa 23/01/2025 08:43
Tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 22/01/2025 14:18
Hà Nội sẽ trình diễn drone hỏa thuật với số lượng kỷ lục vào đêm Giao thừa
Văn hóa 20/01/2025 17:28
Bia đá kể chuyện - Góc nhìn mới về kho tàng di sản Văn Miếu
Văn hóa 20/01/2025 11:18
Tìm về cội nguồn Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 20/01/2025 10:53
Khoác "áo" mới cho thành phố Biên Hòa
Văn hóa 19/01/2025 17:05
Khám phá ý nghĩa Tết ông Công ông Táo và cách dọn bàn thờ đón lộc xuân
Văn hóa 18/01/2025 15:11