Kỳ cuối: Thông điệp bảo vệ rừng, thiên nhiên
Những ngôi nhà gần gũi với thiên nhiên “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam Đưa du khách trở lại thiên nhiên xanh |
Rừng thiêng và tập tục chia của cho người mất
Ở bản Cheng có tới 3 cánh “Rừng ma”, hai trong số đó liền với dải đất của bản. “Rừng ma” cuối cùng nằm tách biệt, sát với suối La La. Từ lâu, mỗi dòng họ trong bản được chọn một khoảng rừng để làm nơi yên nghỉ cho người thân. Theo cánh tay chỉ của ông Hồ Ta Búp, Bí thư Chi bộ bản, cánh rừng trước mặt, nơi có khá nhiều cây to là nơi yên nghỉ của người thân thuộc dòng họ ông.
“Rừng ma” theo tay chỉ của ông Hồ Ta Búp, Bí thư Chi bộ bản Cheng là nơi xa nhất bản, nằm ngay dưới chân con suối La La. Ảnh: K.H. |
Xưa, mỗi khi bản có người chết, tang lễ phải được tổ chức trong bảy ngày. Dân bản phải dừng mọi việc để toàn tâm giúp gia đình có người xấu số. Đưa một người chết nữa vào “Rừng ma”, người trong bản mới có dịp bước chân vào chốn linh thiêng này. Những xoong, nồi, bát đĩa, dao rừng… cùng nhiều vật dụng khác bị thú rừng tha đi, quăng, nhét vào những gốc cây, bụi gai. Thấy thế nhưng tuyệt nhiên người sống không được đụng vào, vì đó là ý muốn của người chết, của thần rừng. Quan niệm của người Vân Kiều, người chết tức là bước sang một thế giới khác giống hệt thế giới mà họ từng sống nên cũng cần những vật dụng hàng ngày. Vì vậy, người dân ở đây mới có tục chia của cho người chết.
Trưởng bản Hồ Ta Ai, giọng thoang thoảng: “Người chết sau khi được chôn thì những người đưa tiễn phải quay về ngay, không ai được ngoái đầu lại”. Tôi thắc mắc: “Vì sao phải kiêng kị như vậy?”. “Là để người chết không luyến tiếc, bám theo con cháu về nhà”, vị Trưởng bản giải thích. Nhưng sâu xa hơn, dân bản sợ người chết theo về bắt người sống phải chết cùng. Trong bảy ngày đầu, người thân trong nhà được phép đem cơm cho người chết nhưng không phải mang vào tận nơi. Đi được nửa đường, người đem cơm sẽ dừng lại, hạ đồ cúng xuống và khấn mời người vừa mất tới ăn, sau đó quay về, đồ ăn được để nguyên ở đó.
Theo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Hướng Hóa, toàn huyện có tới 29 dự án điện gió hoạt động, hòa tải vào đường điện quốc gia. Người dân toàn huyện nói chung và người Vân Kiều nói riêng có nhiều cơ hội vào làm việc tại những nơi này. Có dự án, toàn bộ đội bảo vệ đều là người Vân Kiều. Cũng nhờ đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) của các doanh nghiệp điện gió nên người Vân Kiều có điều kiện đầu tư kĩ hơn vào việc trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao đời sống. |
Anh Hồ A Thông chia sẻ: "Người dân ở đây khi mai táng người chết xong là không làm đám giỗ như người đồng bằng. Đã chết là thành con ma ở trong rừng rồi vĩnh viễn không được quay về nhà nữa, người sống không ai dám đến gần. Chỉ cần đặt chân vào rừng là phải nộp phạt một con trâu".
Con đường ngang qua những cánh “Rừng ma” ngày trước nhỏ lắm, nhỏ như sợi dây leo vắt qua thân cây cổ thụ, không ít dân bản đi làm rừng về muộn khi ngang qua đây nghe thấy người chết của dòng họ cất tiếng gọi mình. Họ sợ quăng cả đồ nghề làm rừng mà chạy. Có người ngày hôm sau không dám đi làm tiếp nên người nhà phải nhờ già làng hay thày cúng trong bản làm lễ gọi hồn, vía của người này đang chốn trong gốc cây, khe suối mau quay về.
Trong ánh lửa bập bùng, giọng ông Búp như đang ở cõi xa xăm: “Trước do nghèo khó cộng với quan niệm đơn giản nên người chết thường được cuốn chiếu, kĩ càng hơn thì đặt trong một thân cây lớn được khoét rỗng ruột, sau một thời gian mưa xói thì một số bộ phận hài cốt và vật dụng chôn theo nổi lên mặt đất. Nhiều mộ bị thú dữ mò tới đào xác.
Đêm. Cả bản tối om, từ “Rừng ma” vọng lại tiếng cà uôm của cọp chúa. Nó đi đến đâu mùi hôi theo đến đó. Người già trong bản bảo cọp về bắt linh hồn người chết mà nó thấy hợp theo hầu. Thỉnh thoảng từ nơi âm u ấy lại vọt lên ánh lân tinh màu xanh khiến rừng càng thêm liêu trai, huyền bí. Những năm đánh Mỹ, vùng này vẫn còn nhiều cọp lắm”.
Rừng là nơi kết nối giữa hai thế giới âm dương
Trời sáng hẳn, dẫn tôi ra con suối La La, phía bên kia là “Rừng ma” xa nơi ở của dân bản nhất, Trưởng bản Hồ Ta Ai cùng những già làng đi cùng hướng vào rừng với vẻ thành kính. Với họ, “Rừng ma” hay nói chính xác hơn là linh hồn của người thân trong đó vẫn có mối liên hệ mật thiết với người sống. Những năm hạn hán, những khi bản sắp có người mất, từ những cánh “Rừng ma” vọng về những âm thanh mơ hồ, có lúc nghe rõ như tiếng cồng chiêng, như một thông điệp cảnh báo từ thần rừng và người đã khuất.
Trưởng bản Hồ Ta Ai kể từ xa xưa cây đã phủ kín, không còn thấy đường vào “Rừng ma”. Ảnh: K.H. |
Giờ cuộc sống văn minh hơn, chuyện phạt trâu, bò mỗi khi ai đó vô tình bước chân vào “Rừng ma” gần như không còn nữa, cùng lắm người đó chỉ bị phạt nhẹ con gà hoặc chút xôi, rượu. Chỉ những kẻ có ý định vào rừng chặt hạ cây to sẽ bị phạt rất nặng. Cũng nhờ tập tục này mà người Vân Kiều còn giữ được nhiều cánh rừng xanh ngút ngàn với những cây cổ thụ to vững chãi và đầy oai nghiêm vươn mình lên trên nền trời xanh thẳm.
Ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Liên, Hướng Hóa nói: “Hiện người Vân Kiều có gần 700 người, chiếm một số lượng nhỏ dân cư toàn xã nhưng những tập tục của họ liên quan đến “Rừng ma” vẫn được chính quyền tôn trọng. Người chết nay đã được đặt trong áo quan, chôn sâu xuống đất chứ không sơ sài như trước. Điều đáng quý nhất ở những bản làng nơi có người Vân Kiều sinh sống là ý thức giữ rừng. Rừng ở những nơi này bao giờ cũng xanh tươi, nhiều cây gỗ to, quý”.
Người Vân Kiều rất tự hào về “Rừng ma”. Với họ “Rừng ma” không chỉ là nét văn hóa riêng của dân tộc mình, ẩn chứa trong đó là hình bóng tổ tiên gắn bó với con cháu các thế hệ, là lời nhắn nhủ cho những ai đi xa luôn tự hào nhớ về cội nguồn. Những khoảng xanh trải dài không chỉ nhắc nhở người dân trong bản mà còn cả người dân nơi khác ý thức giữ gìn màu xanh của rừng, biết trân trọng những gì rừng đem lại cho con người. Giờ chỉ vào mảnh đất dưới chân, người già tự hào kể rằng, ngày xưa nơi đây là chiến tranh, còn hiện tại là cuộc sống ngày một no đủ. Điều này hiện hữu qua cuộc sống đổi thay từng gia đình, qua sắc cây, màu hoa đang đua nở đón gió Xuân, mừng ngày mới.
Khắc Hạnh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Sửa Luật Tổ chức Chính phủ: Tiếp tục hoàn thiện các quy định về “phân cấp”, “ủy quyền”
Sắc Xuân rực rỡ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
VFF đặc biệt chú trọng công tác đào tạo trẻ
Quận Ba Đình phát động Tết trồng cây "đời đời nhớ ơn Bác Hồ"
Thủ tướng chỉ đạo tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết
Khen thưởng 5 tập thể và 38 cá nhân có thành tích trong xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi)
Liên tiếp phát hiện nữ tài xế điều khiển ô tô đi ngược chiều trên cao tốc
Tin khác
Vụ 1,2 triệu đồng 3 bát bún riêu: Khách hàng chấp nhận lời xin lỗi của chủ quán
Cộng đồng 04/02/2025 21:49
Cảnh báo nguy cơ bị kiểm soát điện thoại từ số tài khoản ngân hàng lạ
Xã hội 04/02/2025 17:07
Thông tin mới về đợt gió mùa đông bắc
Cộng đồng 03/02/2025 09:36
Quán bún riêu thu 1,2 triệu đồng 3 bát và quyết định xử phạt "nhanh như điện" của UBND phường Bách Khoa
Cộng đồng 01/02/2025 17:39
Tết ở trạm radar cao nhất Vịnh Bắc Bộ
Cộng đồng 01/02/2025 16:06
Mâm cỗ Tết đậm chất Hà Nội
Cộng đồng 01/02/2025 06:11
Cảnh giác chiêu trò lừa đảo lì xì online dịp Tết
Xã hội 30/01/2025 09:12
Ngày hóa vàng năm Ất Tỵ và những điều cần biết
Cộng đồng 30/01/2025 06:38
Đầu năm mới nên mua gì để rước may mắn vào nhà?
Cộng đồng 29/01/2025 22:17
Tại sao đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi?
Cộng đồng 29/01/2025 22:15