Họa sĩ Trần Quốc Hưng: Người tạo nên những bức tranh thiền trong chiều sâu cõi sáng
Khát vọng tỏa sáng thủ công mỹ nghệ Việt Tranh sơn mài và tranh thư pháp: Tiếng vọng của thời gian Nghệ thuật sơn mài trong không gian tín ngưỡng |
Tôi đang nói về họa sĩ Trần Quốc Hưng. Anh là một “cá tính” không lẫn vào đâu được, đủ làm “ngợp” cho bất kỳ ai trong buổi đầu tiếp xúc bởi kiến thức, sự hiểu biết và cả trong các tác phẩm đẹp đẽ đến lạ kỳ.
Vài nét chấm phá
Tôi biết và định bụng sẽ có ngày gặp, viết về anh qua giới thiệu của một đồng nghiệp đi trước. Trần Quốc Hưng khiến tôi bị thu hút ngày từ lời giới thiệu bởi sự đa tài. Anh biết bốc thuốc, bắt bệnh, am tường Phật học, là chuyên gia phong thủy, nhà nghiên cứu thư pháp, cổ vật và cũng là họa sĩ đầy tài năng trong dòng tranh sơn mài, dòng tranh được xem là “quốc họa” của hội họa Việt Nam.
Có lẽ vì Trần Quốc Hưng “ôm đồm” quá nhiều thứ nên đôi lúc tôi không biết phải bắt đầu con chữ từ đâu để kể về anh. Thôi thì đôi nét chấm phá, nghĩ sao viết vậy, thấy sao kể vậy và cảm sao nói vậy để hầu bạn đọc.
Chân dung họa sĩ Trần Quốc Hưng. |
Buổi sáng trung tuần tháng 3, tôi ghé nhà riêng của Trần Quốc Hưng. Kỳ thực, đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Trần Quốc Hưng và cuộc chuyện buổi sáng hôm ấy trôi qua quá nửa bởi những khúc triết anh ngẫm được từ Phật học. Tôi vỡ ra rằng, nếu soi chiếu ở góc độ này thì những tác phẩm của anh ẩn chứa muôn điều kỳ lạ, đủ để dẫn lối cho những nghiệp dư như tôi đến sự thiện lành trong cuộc sống.
Trong dòng suy tưởng vẩn vơ, tôi thấy Trần Quốc Hưng có một tâm hồn “đa đoan” đến không ngờ. Tôi dùng “đa đoan” là có dụng ý, bởi anh dường như đang nợ duyên với nhiều thứ quá. Và nhiều thứ ấy cũng vận vào Trần Quốc Hưng một cách hữu ý, hữu tình.
Sinh năm 1972, Trần Quốc Hưng từng có thời gian sang Trung Quốc để tìm thầy học về môn địa lý, phong thủy; từng học Khoa Triết của Trường Đại học Tổng hợp; cũng từng kinh qua Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Học nhiều, đi nhiều và bản thân cảm thụ cũng nhiều, anh nhiệm ra rằng, mỗi con người đều có khả năng giống nhau, chỉ là có khai phá hết được tiềm năng hay không mà thôi. Chẳng thế mà, từ phong thủy, thư pháp, hội họa… anh đều có sự am tường cùng lối luận giải, khai phá độc đáo.
Anh bảo, ngay như chuyện “lấn sân” sang hội họa cũng là từ vô số các nhân duyên đưa đẩy, giống cổ nhân từng dạy: “Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”.
Kể về quá trình dẫn duyên vào tranh, Trần Quốc Hưng kể, bản thân rất thích sưu tầm đồ cổ. Là chuyên gia đồ cổ nên ở đâu có đồ cổ đẹp, tranh đẹp là bỏ công đi sưu tầm.
Những tác phẩm của Trần Quốc Hưng đầy mới mẻ, hướng đến sự chân - thiện - mỹ, mang hơi thở và vẻ đẹp của thiên nhiên. |
Thế nhưng, sưu tầm tranh là quá trình gian nan vô cùng. Có đợt lang thang ra khắp các hàng tranh đường Nguyễn Thái Học, Trần Quốc Hưng bắt gặp chỉ toàn tranh chép, không có chiều sâu. Thế là anh quyết định đi vào hội họa, như một phương cách để thỏa thuê niềm yêu thích của nội tại.
“Tôi bỏ công 5-7 năm sưu tầm, bỏ nhiều công mà không ưng bức nào, để kiếm bức tranh treo ở nhà là việc quá khó. Tôi quyết định: Vẽ. Bước vào dòng tranh sơn mài này chỉ để thỏa ý thích. Tôi quyết định đi vào riêng một dòng tranh là sơn mài. Hơn 30 năm tôi đi không mỏi mắt, không mỏi chân để chiêm nhiệm về phong thủy, địa lý và dường như những trạng thái, khí tiết ấy cứ ngấm vào. Và giờ, ở sơn mài nó cứ thế tuôn trào ra” – họa sĩ Trần Quốc Hưng chia sẻ.
Nét đẹp ẩn trong chiều sâu cõi sáng
Trong quá trình tìm hiểu về dòng tranh sơn mài, Trần Quốc Hưng thấy không ít điểm kỳ lạ. Tranh sơn mài được chế tác bằng kỹ thuật có tính cổ truyền qua các công đoạn như: chuẩn bị cốt - vóc; vẽ nhiều lớp; phủ dày; mài vẽ; đánh bóng hoàn thiện hoặc sơn quang bằng những nguyên vật liệu có tính chất truyền thống.
Thế nhưng, tranh sơn mài truyền thống lại bị giới hạn bởi các sắc màu. Nói cách khác, dù quý song dòng tranh này tương đối đơn điệu về màu sắc. Những bức tranh ban đầu Trần Quốc Hưng làm ra, anh không ưng ý. Những kỹ thuật sơn mài cũ, ra tranh có màu không trong, không tươi như mong muốn.
Anh muốn phá vỡ những bó hẹp đó. Và rồi, anh thể nghiệm ra khi dùng kết hợp nhiều màu, qua kỹ thuật xử lý cá nhân thì tranh sẽ có những hiệu ứng không thể ngờ. Càng tìm hiểu, càng ham mê, như một người khát cháy đi giữa sa mạc gặp được dòng suối ngọt, anh lại càng đi đào sâu, tìm hiểu về sơn mài.
Cũng với một góc nhìn nhưng nếu soi chiếu một chút ánh sáng thì mỗi tác phẩm của Trần Quốc Hưng lại có chiều chiều sâu khác biệt, "đánh thức" người xem vào một thế giới đa chiều. |
Vợ anh – chị Thu Huyền, một nhà sưu tầm đồ xưa và thiết kế sắp đặt không gian tranh nghệ thuật bảo, ở sơn mài, có lúc Trần Quốc Hưng dành một ngày tận 16 tiếng cho nó. Anh dường như quên đi hết thảy những hiện hữu xung quanh để toàn tâm và nghệ thuật. Chị ủng hộ, nhưng cũng xót anh, khi bẵng quên sức khỏe bản thân để hiến dâng hết mình cho những khát khao, suy tưởng.
Mày mò, tìm kiếm suốt 2 - 3 năm trời, cuối cùng Trần Quốc Hưng cũng thành công khi tìm ra những quy trình để làm sao có thể ra được bức sơn mài đẹp nhất. Anh khoe, tranh của anh có nhiều yếu tố làm nên “chất” riêng. Đó là màu tươi sáng, không giống như màu truyền thống cũ. Mỗi tác phẩm tựa như ngọc thạch, chạm đến là có cảm giác mát như chất đá và chất ngọc. Cái lạ nữa là trong tranh anh hoàn toàn không có nét bút. Đặc biệt, tranh càng để lâu, càng cổ, càng đẹp. Khi ngắm là đủ để tác phẩm như một chất xúc tác khiến tâm hồn được thả lỏng, dẫn lối người xem về tự nhiên.
Có một câu chuyện vui mà Trần Quốc Hưng ít kể, đó là đận Chuyên gia kinh tế, Giáo sư Hà Tôn Vinh đồng thời cũng là một nhà sưu tầm cổ vật và tranh có tiếng ghé thăm anh. Khi xem tranh của Trần Quốc Hưng, ông ngạc nhiên lắm. Giáo sư Hà Tôn Vinh bảo, tranh của Trần Quốc Hưng làm ra kỳ lạ, khó diễn tả bằng lời. Nhìn vào tranh, mỗi người sẽ tự có một góc nhìn soi chiếu và ở ông, ngắm tranh nhưng dường như bản thân ông đang được nghe một bản nhạc giao hưởng.
Trần Quốc Hưng nói tranh tranh của anh là “lạc vào những cõi sáng”. Cũng chẳng ngoa, bởi kỳ thực khi tôi xem tranh của anh nếu chỉ quan sát đơn thuần, người ta sẽ không “cảm” được. Chỉ tựa như bản thân đang xem tranh 2D. Thế nhưng, kỳ lạ thay, cũng với một góc nhìn, nếu kết hợp với một chút ánh sáng thì dường như bản thân được đi vào thế giới đa chiều.
Những tác phẩm của Trần Quốc Hưng có "chất" riêng, mang đến sự tươi sáng, không bó hẹp như cách thể hiện và làm tranh sơn mài truyền thống. |
“Dòng tranh tôi vẽ là dòng thiên nhiên, thiên nhiên tươi đẹp. Tôi nghĩ tất thảy phải trả về quang cảnh tự nhiên tươi đẹp. Bởi cuộc sống này đẹp lắm, đời mỗi người chỉ có trăm năm là hết. Mình phải giữ cái đẹp này cho hậu thế. Phải bảo vệ thiên nhiên, tồn trữ thiên nhiên để cho đời sau” - Trần Quốc Hưng bộc bạch.
Soi chiếu từ cõi nhân sinh
Trần Quốc Hưng bảo với tôi, có những bức tranh, để hoàn thiện được có khi anh phải mất thời gian cả năm ròng. May thay, tranh của anh luôn được các nhà sưu tầm nước ngoài như Nhật, Áo… đón nhận. 03 bức tranh đầu được các khách hàng nước ngoài mua với giá khá cao.
Trần Quốc Hưng kể nhẹ tênh nhưng tôi hiểu rằng, tiền bạc quan trọng nhưng nếu cứ đem những thứ vật chất ấy ra so sánh và coi đó là giá trị để đo một tác phẩm thì vô hình chung nó làm tầm thường hóa nghệ thuật.
Một chuyện bên lề khi trao đổi với Trần Quốc Hưng mà tôi thấy khá thú vị và dường như nó cũng là khởi duyên cho vô số những tài của anh.
Chẳng là, khi bàn về Phật học, Trần Quốc Hưng luận giải rằng, tôn giáo nào cũng hướng cho người ta đến chữ “thiện”, nhưng để trở về được với chữ “thiện” lại rất khó. Bởi để tạo ra con người, quá trình con người được sinh ra là nhờ “dục”. Sinh ra trong bể dục, để thoát ly được lại cần quá trình tu tập.
Xưa, ngay từ thuở đôi mươi, Trần Quốc Hưng đã từng có không ít những giấc mơ kỳ ảo về Phật pháp. Anh hiểu rằng, với Phật giáo, con người và cuộc đời tất thảy đều được đề cập một cách tổng quát qua giáo lý Ngũ uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Ngũ uẩn hiện hữu khắp mọi nơi, chỉ là người trong cõi nhân sinh thường không để ý.
Giáo sư Hà Tôn Vinh và chị Thu Huyền – vợ họa sĩ Trần Quốc Hưng bên bức tranh sơn mài độc đáo. |
Sự giác ngộ liên quan đến phương pháp tu tập của mỗi cá nhân. Sự giác ngộ ấy lại nằm ở ngoài mỗi người. Bởi chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài qua sáu cửa gồm: thị giác để nhìn hình ảnh, sắc diện; thính giác để nghe, tiếp thu được những âm thanh bên ngoài; khứu giác để phân biệt các loại hương; vị giác để cảm nhận thực phẩm qua ăn uống; xúc giác để cảm nhận nóng lạnh; cuối cùng là cửa ý. Người chịu tu tập, giác ngộ là thường sẽ vận dụng được cả sáu cửa này, để rồi sẽ đạt đến độ không có gì không biết, không có gì không hiểu.
Viết đến đây, có thể bạn đọc ít nhiều sẽ có người cho rằng lan man, nhưng tôi trộm nghĩ rằng đây cũng là khởi duyên cho sự “đa đoan” của Trần Quốc Hưng. Nó giúp anh thoát ra được sự bó buộc trong suy tưởng, giúp anh có những kiến giải nhiều mặt trong giới nhân sinh. Và hơn cả, điều này cũng tạo nên những bức tranh thiền mang “thương hiệu” Trần Quốc Hưng với cách thể hiện có chiều sâu trong cõi sáng.
Với anh, con đường đang đi, những khám phá mới mẻ, riêng biệt của mình ở sơn mài đơn thuần chỉ là để thỏa thuê niềm ham thích khám phá. Nhưng nhìn rộng hơn, Trần Quốc Hưng có lẽ là một người đang lặng thầm đóng góp thêm vào những giá trị vào dòng chảy phong phú của dòng tranh sơn mài Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn hóa 23/01/2025 20:36
"Lộ diện" linh vật Rắn tại đường hoa Nguyễn Huệ
Văn hóa 23/01/2025 17:12
Hà Nội: Sẵn sàng mùa lễ hội an toàn, văn minh
Văn hóa 23/01/2025 12:21
Triển lãm Báo Xuân trực tuyến - ứng dụng chuyển đổi số phát triển văn hóa đọc
Văn hóa 23/01/2025 08:43
Tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 22/01/2025 14:18
Hà Nội sẽ trình diễn drone hỏa thuật với số lượng kỷ lục vào đêm Giao thừa
Văn hóa 20/01/2025 17:28
Bia đá kể chuyện - Góc nhìn mới về kho tàng di sản Văn Miếu
Văn hóa 20/01/2025 11:18
Tìm về cội nguồn Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 20/01/2025 10:53
Khoác "áo" mới cho thành phố Biên Hòa
Văn hóa 19/01/2025 17:05
Khám phá ý nghĩa Tết ông Công ông Táo và cách dọn bàn thờ đón lộc xuân
Văn hóa 18/01/2025 15:11