Hà Nội quyết liệt trở lại trạng thái "bình thường mới" - Kỳ cuối: Càng nới lỏng giãn cách, mỗi người dân càng phải nâng cao ý thức phòng dịch
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng ý thức của người dân quyết định thành công trong phòng, chống dịch |
PV: Ông nhận định như thế nào về các biện pháp phòng, chống dịch và kết quả tích cực sau 4 đợt giãn cách xã hội vừa qua của Hà Nội ?
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Thời gian qua, Thủ đô đang làm tốt công tác phòng, chống dịch. Nếu như giai đoạn trước, số ca nhiễm mỗi ngày lên tới khoảng 100 ca, thì hiện nay các ca mắc không còn nhiều, hầu hết ở trong các khu cách ly tập trung hoặc ở khu vực đã phong tỏa. Ứng phó với làn sóng dịch lần thứ 4 này, Hà Nội đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Do vậy, ngay từ khi nhận thấy tình hình dịch có chiều hướng phức tạp, Thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp chống dịch, trong đó đã áp dụng giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ khá sớm và tương đối dài (liên tục trong 2 tháng).
Qua theo dõi, tôi thấy người dân cũng đã chấp hành khá tốt việc giãn cách. Dựa trên kết quả giãn cách, Thành phố đã tổ chức xét nghiệm diện rộng, tăng cường xét nghiệm vùng nguy cơ cao và đối tượng nguy cơ cao. Kết quả là, Hà Nội đã phát hiện, khoanh vùng, phong tỏa, khống chế thành công nhiều ổ dịch, trong đó có ổ dịch khá phức tạp ở Thanh Xuân Trung với số ca nhiễm lên tới trên 400 người.
Đặc biệt, Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 rộng lớn chưa từng có trong lịch sử. Chỉ trong khoảng 1 tuần cao điểm, cộng dồn cả các đợt tiêm trước đó, tính đến ngày 15/9, khoảng 70% dân số Hà Nội đã được tiêm 1 mũi vắc xin, trong đó hơn 12% đã được tiêm đủ liều vắc xin (2 mũi). Những thành công bước đầu trong phòng chống dịch giúp Hà Nội từng bước nới lỏng giãn cách, chuyển sang giai đoạn vừa chống dịch, vừa duy trì các hoạt động dân sinh, kinh doanh và sản xuất.
PV: Việc thận trọng nới lỏng giãn cách của Thành phố trong thời gian qua có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Thời gian giãn cách dài vừa qua đã giúp Hà Nội khống chế hiệu quả các ổ dịch nhưng không giúp loại bỏ hoàn toàn dịch Covid-19. Tức là người nhiễm bệnh vẫn còn tồn tại trong cộng đồng. Bên cạnh đó, khả năng dịch xâm nhập từ các vùng đang có dịch khác ở trong nước vẫn còn rất cao và khó để kiểm soát hoàn toàn bằng các giải pháp kỹ thuật và hành chính. Nên thận trọng là đúng.
Vẫn biết, giãn cách xã hội kéo dài cũng gây ra nhiều hệ lụy liên quan tới đời sống dân sinh và kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Như chúng ta đã biết, dịch Covid-19 với những biến chủng mới vô cùng phức tạp nên thế giới phải tính đến chuyện "sống chung an toàn" với dịch mà Việt Nam và Hà Nội không là ngoại lệ. Để tiến tới như điều tôi vừa đề cập, Hà Nội đã chuẩn bị rất tốt từ xét nghiệm diện rộng đến thần tốc phủ vắc xin phòng Covid-19...
Tuy nhiên, khi nới lỏng giãn cách, việc xuất hiện các điểm dịch mới vẫn có thể xảy ra, thậm chí việc phát hiện, khống chế các ổ dịch sẽ khó khăn, phức tạp hơn. Chính vì vậy, đòi hỏi mọi người dân phải luôn cảnh giác cao với dịch bệnh, tuân thủ nghiêm quy định 5K. Các cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp cũng như từng hộ kinh doanh cần duy trì nghiêm phương án phòng chống dịch, đảm bảo “làm việc phải an toàn”, “an toàn mới sản xuất”.
Trong thời gian tới, theo tôi, Thành phố cần đưa ra lộ trình nới lỏng giãn cách rất chi tiết, cụ thể trên nguyên tắc các địa điểm, các hoạt động an toàn hơn và những đối tượng ít nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng hơn sẽ được nới lỏng trước...
PV: Nới lỏng giãn cách ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, hệ thống chính trị và toàn thể người dân, trong đó người dân đóng vai trò trung tâm. Nhưng sẽ thế nào nếu ý thức của một bộ người dân chưa cao, đêm Rằm Trung thu là ví dụ. Vậy ông có lời khuyên gì cho người dân?
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Trước tiên phải khẳng định, việc người dân “đổ” ra đường để vui Tết Trung thu là vi phạm Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành ngày 20/09/2021. Tại Chỉ thị 22, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu người dân áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Do vừa mới ban hành có thể người dân không tìm hiểu kỹ nội dung chi tiết của Chỉ thị, hơn nữa nhiều người có suy nghĩ bỏ kiểm soát giấy đi đường nên có tâm lý được "xả hơi" sau bao nhiêu ngày phải ở trong nhà; trong khi đó nơi người dân tụ tập đông người cũng không xử lý kiên quyết ngay từ đầu. Hậu quả là đã có hàng vạn người tụ tập, người xe san sát nhau trên những tuyến phố gần Hồ Gươm đêm Trung thu.
Những hành vi như vậy có nguy cơ rất lớn làm bùng phát dịch. Chỉ cần một vài người trong đó mang vi rút SARS-CoV-2 thì dịch có thể lan rộng ra toàn Thành phố và rất khó để truy vết, kiểm soát dịch.
Hiện nay, Hà Nội vẫn trong tình trạng có dịch, rải rác trên địa bàn Thành phố vẫn đang có một số điểm dịch đang phong tỏa. Việc thiếu ý thức của một bộ phận lớn người dân và việc lơi là, buông lỏng nhiệm vụ của các cấp chính quyền cơ sở tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát diện rộng, cần được khắc phục sớm, nếu không rất khó để chúng ta sớm trở lại “trạng thái bình thường mới”.
Điều tôi muốn nhấn mạnh, một số người lớn có thể đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin nên gây ra tâm lý chủ quan. Nhưng có biết đâu rằng, sau họ còn có các con, nhóm rất dễ bị tấn công bởi dịch. Vì vậy, càng nới lỏng mỗi chúng ta càng phải nâng cao ý thức phòng dịch. Bảo vệ chúng ta chính là cách tốt nhất bảo vệ con em chúng ta và cho cả cộng đồng. Do đó, tuyệt đối người dân đừng bao giờ chủ quản, lơ là trong phòng, chống dịch!
PV: Theo ông, việc thực hiện kiểm soát người ra, vào tại các cửa ngõ của Thủ đô ở thời điểm này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác phòng, chống dịch?
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Cũng như các tỉnh/thành khác, việc kiểm soát chặt chẽ người ra, vào Thành phố là rất cần thiết, giúp phòng ngừa và kiểm soát dịch xâm nhập. Kiểm soát người ra vào Thành phố cần hướng tới kiểm soát nguy cơ dịch xâm nhập chứ không phải nhằm tuyệt đối không để cho dịch xâm nhập.
Theo tôi, khi đã nới lỏng giãn cách Thành phố cần đề xuất với Chính phủ sửa đổi quy định trọng Công điện số 1063/CĐ-TTg theo hướng những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, người mắc Covid-19 khỏi bệnh và đã hết thời gian cách ly và những người vừa làm xét nghiệm âm tính với Covid-19 là những đối tượng có nguy cơ thấp làm lan truyền dịch cần được ưu tiên xem xét để ra, vào Thành phố.
Những người có nguy cơ cao làm lan truyền bệnh (không thuốc 3 đối tượng trên), kể cả những người tham gia chống dịch hoặc thực hiện công vụ cần hạn chế ra vào Thành phố. Các tỉnh, thành khác cũng cần áp dụng nguyên tắc này để đảm bảo người dân đi lại được thuận lợi và an toàn.
PV: Vậy, để trở lại trạng thái “bình thường mới”, chung sống an toàn cùng Covid-19 cần lưu ý điều gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Đến nay, trải qua gần 2 năm “chiến đấu” với dịch, mọi người đều nhận ra rằng: cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn dài. Chúng ta cũng không thể tiếp tục coi Covid-19 là “kẻ thù” để tận diệt, loại bỏ hoàn toàn chúng. Quan trọng là cách tiếp cận mới theo hướng chung sống an toàn với Covid-19.
Việc quan trọng nhất để chủ động phòng dịch, tránh quá tải hệ thống y tế và giảm thiểu tối đa hậu quả của dịch là bao phủ vắc xin cho người dân càng sớm càng tốt. Như tôi đã nói ở trên, thời gian qua Thành phố đã làm rất tốt chiến lược tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng. Tới đây, Hà Nội cần tiếp tục duy trì chiến dịch để sớm đạt được mục tiêu 70-80% người dân ở độ tuổi tiêm vắc xin được tiêm đủ 2 mũi; tuyên truyền, vận động để mọi người trong nhóm >50 tuổi, người có bệnh lý nền đều đi tiêm vắc xin; cần xem xét mở rộng đối tượng tiêm vắc xin cho trẻ em.
Ngoài ra, với công tác phát hiện sớm, dập dịch và điều trị hiệu quả, ngành Y tế Hà Nội cần tăng cường hơn nữa việc tầm soát phát hiện ca bệnh ở những đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là giám sát những người ho sốt. Ngành Y tế Hà Nội cũng cần củng cố, đảm bảo đầy đủ năng lực cho điều trị F0 tại cộng đồng và trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Một việc rất quan trọng thực hiện nới lỏng giãn cách thật khoa học, nhất quán và có lộ trình thật cụ thể. Theo đó, những hoạt động và những đối tượng ít có nguy cơ lây nhiễm nhất cần được nới lỏng giãn cách trước.
Cuối cùng, ý thức tuân thủ 5K và các quy định phòng chống dịch của người dân quyết định thành bại trong phòng chống dịch. Khi nới lỏng giãn cách xã hội là lúc mỗi người dân càng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, có lý trí, nhận thức và ý thức để tuân thủ nghiêm các quy định. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để có thể chung sống an toàn cùng dịch bệnh khi không thể bóc tách hết mầm bệnh ra khỏi cộng đồng. Cuộc sống “bình thường mới” trở lại nhanh hay chậm, tôi xin nhấn mạnh lần nữa hoàn toàn phụ thuộc rất lớn vào ý thức phòng, chống dịch của chính bản thân mỗi người.
Ngoài ra, để người dân tuân thủ nghiêm quy định 5K, ngoài công tác tuyên truyền, nhắc nhở, hệ thống chính quyền cơ sở cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát người dân, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp tuân thủ các quy định phòng chống dịch và có chế tài đủ mạnh đối với những trường hợp vi phạm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn hóa 23/01/2025 20:36
"Lộ diện" linh vật Rắn tại đường hoa Nguyễn Huệ
Văn hóa 23/01/2025 17:12
Đi đâu, xem gì tại Hà Nội dịp Tết Ất Tỵ?
Du lịch 23/01/2025 13:09
Hà Nội: Sẵn sàng mùa lễ hội an toàn, văn minh
Văn hóa 23/01/2025 12:21
Chủ động các biện pháp phòng chống bệnh dại dịp Tết
Y tế 23/01/2025 10:20
Triển lãm Báo Xuân trực tuyến - ứng dụng chuyển đổi số phát triển văn hóa đọc
Văn hóa 23/01/2025 08:43
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Central Retail trao tặng 5.100 phần quà Tết nhân ái
Cộng đồng 22/01/2025 14:20
Tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 22/01/2025 14:18
Dịch vụ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo trên “chợ online” hút khách, giá từ vài trăm nghìn
Cộng đồng 22/01/2025 08:33