-->

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen

(LĐTĐ) Sáng nay (9/5), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thạch Thất tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen”.
Tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần và trí tuệ của đoàn viên, người lao động Quận Hoàn Kiếm: Chú trọng an toàn, vệ sinh lao động và chăm lo tốt nhất cho người lao động Mời bạn đọc đặt câu hỏi giao lưu trực tuyến về những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen

Nhằm trang bị cho các đơn vị, doanh nghiệp, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) những kiến thức thiết thực liên quan tới các chế độ, chính sách mới, cách nhận diện những biểu hiện, hình thức của tín dụng đen, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Thạch Thất tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen”.

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Đại biểu tham dự buổi giao lưu.

Đến dự buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Nguyễn Minh Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Lê Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Văn Toàn - Ủy viên Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội, Huyện ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ huyện Thạch Thất; bà Đăng Thị Việt Thu - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Thất…

Buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến còn có sự tham dự của đại diện các ban LĐLĐ thành phố Hà Nội; LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và đặc biệt là sự có mặt của hơn 200 đoàn viên, CNVCLĐ huyện Thạch Thất.

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Toàn cảnh buổi giao lưu.

Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tội phạm học, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) gồm: Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest.

8h15: Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Đối với bất kỳ NLĐ nào khi đi làm, tham gia vào quan hệ lao động đều đặc biệt quan tâm đến các chế độ chính sách dành cho mình, nhất là tiền lương, BHXH, hợp đồng lao động (HĐLĐ)… Ở góc độ người sử dụng lao động (SDLĐ), việc nắm rõ và triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với NLĐ là điều cần thiết, từ đó xây dựng quan hệ lao động hài hòa, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Trên thực tế, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, các ban ngành chức năng lại thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng thời điểm. Bên cạnh đó, thời gian qua, tình hình tín dụng đen trở thành một vấn nạn phổ biến trong đời sống công nhân.

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô, phát biểu khai mạc buổi giao lưu.

“Buổi đối thoại giao lưu trực tuyến nhằm góp phần tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là những chính sách pháp luật về lao động mới được điều chỉnh tới công nhân, viên chức, lao động, góp phần để chính sách pháp luật được thực thi hiệu quả, bảo vệ được quyền lợi của NLĐ và xây dựng quan hệ lao động hài hòa. Chúng tôi cũng mong muốn thông qua buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến hôm nay sẽ cung cấp kiến thức, giúp công nhân, viên chức, lao động nhận diện, tránh xa được cạm bẫy của tín dụng đen”, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.

Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết thêm, để buổi đối thoại, giao lưu đạt hiệu quả thiết thực, Ban Tổ chức đã mời các vị khách mời là chuyên gia về tội phạm học, Luật sư, cán bộ công đoàn, cán bộ BHXH… những nhà hoạch định, triển khai chính sách, rất am hiểu về pháp luật lao động và các chính sách pháp luật liên quan tới NLĐ, sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà NLĐ quan tâm.

8h20: Phát biểu tại buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thạch Thất, cho biết, thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, trong nhiều năm qua, LĐLĐ huyện Thạch Thất đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả.

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thạch Thất, phát biểu tại buổi giao lưu.

Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động giáo dục và tư vấn pháp luật miễn phí cho NLĐ về các chế độ chính sách pháp luật liên quan như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động…; các chế độ chính sách liên quan đến chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động.

Nhiều năm qua, LĐLĐ huyện phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ; những hoạt động hết sức cần thiết, có ý nghĩa giúp đa dạng hóa hình thức tuyên truyền của các cấp Công đoàn.

“Hy vọng qua buổi giao lưu trực tuyến hôm nay, cán bộ, đoàn viên, NLĐ sẽ được các chuyên gia giàu kinh nghiệm trao đổi, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc về chính sách mới liên quan đến NLĐ và nhận diện tín dụng đen đang được đông đảo NLĐ tại các Công đoàn cơ sở quan tâm”, ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh.

8h30: Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo tại buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng nhấn mạnh, trong các chức năng cơ bản của tổ chức Công đoàn có tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, lao động…

Với các cuộc giao lưu trực tuyến do báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện tổ chức, LĐLĐ Thành phố ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị. Có thể nói đây là kênh bổ trợ tốt nhất trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đoàn viên thực hiện tốt chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính quyền lợi và trách nhiệm của NLĐ.

Không chỉ riêng đoàn viên tham gia trực tiếp tại hội trường, thông qua hình thức trực tuyến, đông đảo đoàn viên ở Hà Nội và cả nước cũng có thể tiếp cận được thông tin, thông qua đó nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho NLĐ.

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Ông Lê Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, phát biểu tại buổi giao lưu.

Nhấn mạnh chủ đề “Những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen” hôm nay là rất nóng và thiết thực, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho hay, trên thực tế, nhiều đoàn viên "sập bẫy" tín dụng đen do chưa có nhận thức đúng đắn về pháp luật, việc không có khả năng trả nợ ảnh hưởng lớn đến đời sống việc làm của bản thân NLĐ và gia đình. Không chỉ vậy, xuất hiện tình trạng NLĐ rút bảo hiểm một lần sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy.

Chính vì vậy, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng rất mong muốn đoàn viên, người lao động mạnh dạn trao đổi những vấn đề của cá nhân, đồng nghiệp, nói lên nguyện vọng để trao đổi với chuyên gia. Trên cơ sở đó, các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiến thức lý luận, thực tiễn, chuyên môn để trang bị đầy đủ thông tin tới đoàn viên công đoàn và NLĐ.

8h40: Các chuyên gia bắt đầu trả lời các câu hỏi, thắc mắc của đoàn viên, CNVCLĐ

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Lãnh đạo Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ huyện Thạch Thất tặng hoa chuyên gia tham gia giải đáp tại buổi giao lưu.

* Chị Nguyễn Thị Vũ Oanh, Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp giáo dục thường xuyên huyện Thạch Thất, hỏi:

Xin chuyên gia cho biết, NLĐ thử việc có phải đóng BHXH không?

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, NLĐ cứ làm việc 1 tháng trở lên là phải đóng BHXH. Tuy nhiên, trong Bộ luật Lao động cũng có quy định, NLĐ có thời gian thử việc. Trong thời gian thử việc, NLĐ không phải tham gia BHXH.


* Chị Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Công đoàn xã Bình Phú, hỏi:

Thời gian qua, tôi có xem trên báo đài tình hình cho vay tín dụng đen xuất hiện rất nhiều, đặc biệt là trong công ty nhiều người dính vào hoạt động này gây hậu quả khó lường. Làm thế nào để nhận diện tín dụng đen và những chiêu thức cụ thể, để NLĐ chúng tôi có thể tránh xa?

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Chị Nguyễn Thị Vũ Oanh - Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp giáo dục thường xuyên huyện Thạch Thất ,đặt câu hỏi.

- Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu:

Thời gian qua, tình trạng tín dụng đen hoành hành và diễn biến phức tạp. Thực tế, cho đến nay chưa có định nghĩa cụ thể như thế nào là tín dụng đen, tuy nhiên có thể hiểu đây là hình thức cho vay với mức lãi suất cao.

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu

Hình thức cho vay là tín chấp, với cách thức giải ngân nhanh… về bản chất tín dụng đen là cho vay nặng lãi. Theo quy định Khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự, lãi suất tối đa tại Khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự là 20%/năm, tức 1.66%/tháng. Tuy nhiên với tín dụng đen, lãi suất có thể lên đến 1.000%. Trong đó, phổ biến nhất là vay qua mạng, qua các app.

NLĐ thường “va” vào tín dụng đen khi có hoàn cảnh khó khăn song không dễ gì tiếp cận với các khoản vay ngân hàng. Hiện, mạng internet, điện thoại thông minh có các app vay, bởi vậy các đối tượng cho vay tín dụng đen dễ tiếp cận với NLĐ.

Hiện nay có một hiện tượng, các đối tượng tín dụng đen yêu cầu cho đồng bộ hóa thông tin cá nhân trên điện thoại. Khi nợ đến hạn, các đối tượng dùng các thông tin cá nhân này để đòi nợ. Nhiều người không liên quan cũng bị quấy rối. Nhiều đối tượng còn ghép ảnh những người liên quan thậm chí người không liên quan với những hình ảnh tục tĩu, phản cảm. Lực lượng Công an đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm liên quan, tuy nhiên hệ lụy để lại rất nhiều. Có những nạn nhân đã chọn cách thức tự tử để chấm dứt những liên quan đến tín dụng đen, đây là điều rất đáng tiếc và đau xót.


* Ông Nguyễn Thế Lương, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần kết cấu thép Bình Phú, hỏi:

1. NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được nhận thêm những chế độ gì so với NLĐ bình thường?

2. HĐLĐ và Thỏa ước lao động có những quy định khác nhau thì thực hiện theo quy định nào?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Anh Nguyễn Thế Lương - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Kết cấu thép Bình Phú đặt câu hỏi.

- Luật sư Nguyễn Thị Yến, Công ty Luật TNHH Everest:

1. Tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với NLĐ được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động”. Nếu NLĐ làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ tùy theo sự thỏa thuận giữa NLĐ và đơn vị SDLĐ khi giao kết HĐLĐ.

Thời gian làm việc: Theo Khoản 3 Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 thì người SDLĐ có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan. Người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được nghỉ phép năm dài hơn so với những người làm công việc bình thường.

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Luật sư Nguyễn Thị Yến

Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, NLĐ làm đủ 12 tháng cho người SDLĐ được nghỉ hàng năm hưởng nguyên lương như sau: 14 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Một số quyền lợi, chế độ khác với NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như: Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người SDLĐ biết thì được người SDLĐ chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hàng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Không được sử dụng NLĐ cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe NLĐ cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
CNVCLĐ lắng nghe chuyên gia tư vấn, giải đáp những chính sách pháp luật mới

Về chế độ hưu trí: NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.

Về chế độ ốm đau: Theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày: 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày); 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày); 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày);


2. Trường hợp HĐLĐ và Thỏa ước lao động có những quy định khác nhau thì sẽ áp dụng theo Thoả ước lao động tập thể.

Chị Phạm Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH khuôn mẫu và sản phẩm công nghệ cao Việt Nam, hỏi:

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Chị Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Công đoàn xã Bình Phú đặt câu hỏi.

Bộ luật Lao động quy định ít nhất một lần trong năm người SDLĐ phải tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ và khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần đối với NLĐ làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại. Theo quy định chi phí khám sức khoẻ do người SDLĐ hay BHXH chi trả.

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:

Theo quy định, nguồn kinh phí khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động do đơn vị SDLĐ chi trả, kinh phí này được tính vào chi phí hợp lý của đơn vị chứ BHXH không chi trả kinh phí khám sức khoẻ định kỳ cho NLĐ.


* Anh Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch Công đoàn xã Hạ Bằng, hỏi:

Hiện nay, tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, các hiệu cầm đồ mở ra chủ yếu để tiêu thụ các tài sản vi phạm pháp luật, kéo theo đó là hoạt động của các nhóm xã hội đen chuyên đòi nợ, siết nợ thuê diễn ra rất phổ biến. Trước tình hình đó, xin hỏi lực lượng Công an đã có giải pháp gì để đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Chị Nguyễn Thị Lý - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Bình Phú, đặt câu hỏi.

- Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu:

Năm 2019, Bộ Công an quyết tâm triệt phá loại hình tín dụng đen này. Trước 2019, tín dụng đen cho vay trên mặt đất, và cho vay trên mạng rất phức tạp. Đầu 2019 cả nước có 200 băng nhóm liên quan với trên 2000 đối tượng có liên quan. Tín dụng đen là loại hình cho vay phi chính thức, trái pháp luật.

Để thu hồi nợ, các đối tượng sử dụng các phương thức đòi nợ. Tại thời điểm đó chúng ta vẫn có những công ty thu nợ, thu nợ dân sự là 1 nghề. Tín dụng đen dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực như bắt cóc, giết người, xô xát, xâm hại thân thể người khác… ở bình diện rộng, tín dụng đen gây ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia.

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Các chuyên gia giải đáp tại buổi giao lưu.

Tuy nhiên, từ 2019 đến nay, Bộ Công an quyết tâm xử lý mạnh tín dụng đen với chuyên đề đấu tranh mạnh mẽ. Giờ “tín dụng đen mặt đất” đã được ngăn chặn, tuy nhiên tín dụng đen trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp và chúng tôi đang đẩy mạnh xử lý.

Tôi cũng xin chia sẻ, tín dụng phi chính thức cũng đáp ứng phần nào tài chính khi NLĐ đang cần sử dụng tài chính với sự giải ngân nhanh. Nói cách khác, tín dụng phi chính thức giúp thỏa mãn phần nào nhu cầu. Tuy nhiên, NLĐ cần tỉnh táo và tìm đến tổ chức tín dụng vay không chính thức được cho phép hoạt động.

Để tránh đặt mình vào hoàn cảnh nguy hiểm, bản thân mỗi người cần có sự chi tiêu tài chính cá nhân hợp lý, có như vậy mới tránh được tín dụng đen. Cần tiết giảm các chi tiêu không cần thiết.


* Anh Lê Anh Tuấn, thị trấn Liên Quan, hỏi:

Tôi có người bạn xin đi làm công nhân nhưng công ty may chỉ tuyển lao động có bằng cấp 3, mà người bạn của tôi mới học hết lớp 9. Bạn tôi đã mượn bằng cấp 3 của chị gái để xin đi làm công nhân và được nhận vào công ty. Một thời gian sau, bạn tôi bị công ty phát hiện là sử dụng bằng của người khác, vậy người bạn của tôi đã vi phạm quy định nào của pháp luật về lao động?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Anh Lê Văn Song - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hanwha Aero Engines đặt câu hỏi.

- Luật sư Nguyễn Thị Yến, Công ty Luật TNHH Everest:

Đối với trường hợp bạn hỏi, NLĐ đã vi phạm quy định pháp luật theo điều 16 của Bộ luật Lao động về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết HĐLĐ.

Điều 16 của Bộ luật Lao động quy định, người SDLĐ phải cung cấp thông tin trung thực cho NLĐ về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà NLĐ yêu cầu.

NLĐ phải cung cấp thông tin trung thực cho người SDLĐ về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà người SDLĐ yêu cầu.

Như vậy, khi phát hiện NLĐ không trung thực như vậy, người SDLĐ có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Bên cạnh đó, NLĐ có thể bị xử phạt hành chính ở mức từ 5 - 10 triệu đồng, hoặc bị xem xét xử lý hình sự đối với hành vi cung cấp tài liệu giả.


Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu

* Anh Lê Văn Song - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hanwha Aero Engines, hỏi:

Công ty tôi ghi tờ khai bảo hiểm cho NLĐ theo chứng minh nhân cũ, bây giờ NLĐ chuyển sang căn cước công dân mới, vậy sau này có ảnh hưởng gì đến các thủ tục giải quyết các chế độ không?

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:

Chúng ta cũng biết khi thay đổi căn cước công dân mới, có khai báo thì đã tích hợp các thông tin cần thiết. Khi thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, chúng tôi cũng đã liên kết với bên Công an để thực hiện thay đổi, tích hợp các thông tin.

Trong trường hợp bạn hỏi, chúng ta chỉ cần thông báo lại, điều chỉnh thông tin BHXH, bảo hiểm y tế và nộp cho cơ quan BHXH để cơ quan tự động cập nhật và điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.


* Chị Nguyễn Thị Lý, Chủ tịch Công đoàn trường THCS Bình Phú, hỏi:

Một người bạn của tôi vì có kết bạn với 1 người trên Facebook, mặc dù không họ hàng hay bạn bè thân thiết gì nhưng vì có cùng họ và tên gần giống nên bị bọn tín dụng đen cắt ghép ảnh đồi trụy và gửi hết cho những ai là bạn bè trên Facebook của bạn tôi. Bạn tôi đang rất hoang mang, nhờ chuyên gia tư vấn cách xử lý ạ.

- Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu:

Với trường hợp của bạn có thể đánh giá, hành vi cắt ghép, đưa hình ảnh bôi nhọ, thông tin xuyên tạc, bịa đặt người khác của các đối tượng tín dụng đen nhằm tạo áp lực tâm lý, yêu cầu người vay phải trả tiền.

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Chị Phạm Thi Tuyết Mai - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Khuôn mẫu và sản phẩm công nghệ cao Việt Nam đặt câu hỏi.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Mức xử phạt hành chính có thể ở mức 15 triệu động với hành vi xúc phạm danh dự người khác. Khi các hành vi quấy rối diễn ra với cường độ mạnh, gây ra tổn hại về sức khỏe tâm sinh lý của các cá nhân thì có thể phải xử lý hình sự.

Tuy nhiên thời gian qua, trên thực tế, những vụ việc như bạn nói xảy ra rất nhiều. Vừa qua, Phòng cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội đã đã triệt phá 2 băng nhóm tội phạm chuyên đòi nợ bằng cách này.

Lời khuyên dành cho bạn khi gặp phải trường hợp này là phải lưu lại bằng chứng, lập vi bằng những tài khoản đưa thông tin sai sự thật. Sau khi thu thập bằng chứng chứng minh bản thân bị bôi nhọ có thể gửi tài liệu đến cơ quan Công an, cơ quan chuyên trách hỗ trợ điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.


* Anh Đặng Quang Ninh, Chủ tịch Công đoàn xã Đồng Trúc, hỏi:

Xin chuyên gia giải đáp giúp tôi, vợ tôi không đóng BHXH, khi vợ sinh con, tôi có được hưởng chế độ BHXH không?

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:

Vợ anh không tham gia BHXH nhưng anh tham gia BHXH, vậy anh sẽ được hưởng chế độ cụ thể sau: Về chế độ thai sản với nam, trong vòng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh, anh sẽ được nghỉ 5 -14 ngày (tối đa), tùy thuộc theo điều kiện vợ anh sinh. Đây là điểm mới của luật BHXH năm 2014 dành cho nam giới.

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Ông Nguyễn Minh Dũng - Phó Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam, tặng quà cho cán bộ, CNVCLĐ trả lời đúng câu hỏi của Ban Tổ chức.

Thứ hai, anh sẽ được nhận trợ cấp 2 tháng lương cơ sở, khoản tiền trợ cấp cho con. Xin được lưu ý, anh nên chú ý, theo quy định, trong nghỉ hưởng trợ cấp chăm vợ sinh, thời gian anh nghỉ ngày đầu tiên phải nằm trong vòng 30 ngày vợ sinh.

* Anh Nguyễn Xuân Tráng - Công ty TNHH Hanwha Aero Engines, hỏi:

Công nhân của Công ty tôi vay nợ tín dụng đen, tuy nhiên, rất nhiều NLĐ làm cùng phân xưởng, thậm chí quản lý cũng liên tục nhận các cuộc gọi đe doạ. Chúng tôi nên làm gì, xử lý như thế nào để bảo vệ bản thân?

- Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu:

Không chỉ người vay, những người không vay khoản vay đó nhưng có tên trong danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, các đối tượng sẽ đồng bộ hoá danh bạ, khi đòi người vay không được, các đối tượng sẽ gọi vào các số điện thoại kia để ép người vay trả tiền.

Trường hợp này, cách xử lý như sau: Nếu chỉ dừng ở cuộc gọi quấy rối thì thực hiện biện pháp chặn số các cuộc gọi lạ. Trường hợp không muốn chặn cuộc gọi lạ, bạn cần giải thích rất rõ cho các đối tượng biết họ đang vi phạm pháp luật và sẽ báo cơ quan chức năng xử lý.

Nếu các đối tượng vẫn tiép tục quấy rối thì bạn làm đơn trình báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết. Trường hợp bị ghép ảnh nhạy cảm, lúc này vấn đề nghiêm trọng, bạn nên thu thập bằng chứng, chụp ảnh màn hình xác định việc tấn công trên mạng là thật, gửi đơn cơ quan công an,Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông để yêu cầu làm rõ, xử lý đối tượng quấy rối, chứ không nên im lặng như vậy việc quấy rối sẽ không dừng lại.


* Chị Bùi Thị Lý - Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non 19/5, hỏi:

1. Người nhà tôi là kế toán cho doanh nghiệp. Để tăng thu nhập, chị nhận thêm việc quyết toán thuế cho một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ vào cuối tháng và có ký kết HĐLĐ với các cơ sở kinh doanh này. Việc làm này của người nhà tôi có hợp pháp không?

2. Bạn tôi làm tại doanh nghiệp trong 9 năm. Sau đó người này nghỉ làm trong 5 năm và không đóng BHXH, giờ muốn đóng lại BHXH thì thủ tục, quy định như thế nào?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô tặng quà cho cán bộ, CNVCLĐ.

- Chuyên gia Nguyễn Thị Yến: Với câu hỏi 1, theo quy định của pháp luật lao động, NLĐ có quyền giao kết nhiều HĐLĐ với nhiều NSDLĐ nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết. Trong trường hợp này, pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, theo Luật Kế toán năm 2015, Điều 13 có quy định, đối với trường hợp bị nghiêm cấm như sau: Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ, trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu.

Do vậy, nếu không thuộc trường hợp bị nghiêm cấm, người nhà bạn không vi phạm luật.

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:

Với câu hỏi 2, đối với những trường hợp tham gia BHXH nhưng bị ngắt quãng, sau này khi quay trở lại tham gia thì thời gian tham gia BHXH trước đó sẽ được bảo lưu, các chế độ BHXH đều được hưởng như bình thường. Tuy nhiên, nó chỉ ảnh hưởng, khi chúng ta không tham gia bảo hiểm y tế liên tục, ngắt quãng 3 tháng thì chúng ta không được tính 5 năm liên lục.


* Chị Vương Thị Mừng, Công đoàn Công ty TNHH tập đoàn OETEK Việt Nam, hỏi:

Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật, NLĐ được hưởng các loại trợ cấp và lợi ích nào?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Anh Nguyễn Văn Trường - Chủ tịch Công đoàn xã Hạ Bằng đặt câu hỏi.

- Luật sư Nguyễn Thị Yến, Công ty Luật TNHH Everest:

Tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc nếu NLĐ đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu và trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH và trường hợp NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên;

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người SDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người SDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo HĐLĐ trước khi NLĐ thôi việc.

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Bà Đặng Thị Việt Thu - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Thất tặng quà cho cán bộ, CNVCLĐ.

Ngoài những quyền lợi về trợ cấp thì NLĐ còn được hoàn thiện thủ tục về giấy tờ như được xác nhận thời gian đóng BHXH và nhận lại các loại giấy tờ. Điều này được quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019.

NLĐ cũng được thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên như tiền lương, BHXH, bảo hiểm y tế… hoặc các quyền lợi khác của NLĐ theo Thỏa ước lao động tập thể theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019.


* Anh Nguyễn Văn Dưỡng, Chủ tịch Công đoàn xã Dị Nậu, hỏi: Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Anh Lê Anh Tuấn - Thị trấn Liên Quan, Thạch Thất đặt câu hỏi.

- Luật sư Nguyễn Thị Yến, Công ty Luật TNHH Everest:

Theo Bộ luật Lao động năm 2019, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động gồm:

1. Phân biệt đối xử trong lao động.

2. Ngược đãi NLĐ, cưỡng bức lao động.

3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

4. Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.

5. Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

6. Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt NLĐ hoặc để tuyển dụng NLĐ với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

7. Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.


* Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, hỏi:

Hiện nay bệnh viện chúng tôi tự chủ theo nghị định 38 đã có quy định mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên đối với một số cán bộ đại học, mức lương cơ bản thấp hơn mức tối thiểu vùng nhiều thì cần phải xử lý thế nào để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Chị Kiều Thị Lý - Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non 19/5 đặt câu hỏi.

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:

Tháng 7/2021, có lộ trình điều chỉnh lương theo vị trí việc làm. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa làm được nên hiện tượng này vẫn tiếp diễn. Hy vọng rằng khi xây dựng được điều chỉnh lương theo vị trí việc làm thì việc như chị hỏi, một số bất cập cũng sẽ mất đi . Chúng tôi sẽ ghi nhận lại ý kiến của chị.


* Chị Cấn Thụy Thủy, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Bình Phú A, hỏi:

Xin chuyên gia giải đáp giúp, nếu không may bị mắc vào tín dụng đen, bị khủng bố tinh thần thì phải làm thế nào?

- Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu:

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen

Khi dính đến tín dụng đen là chúng ta phải đối mặt với mức lãi suất lớn, gây áp lực lớn đến tài chính. Chúng ta cần hết sức hạn chế vay tín dụng không chính thức. Cần nhu cầu vay thì nên tiếp cận nguồn vay từ các nguồn được pháp luật cho phép.

Khi chúng ta đứng trước nguy cơ không thể trả nợ và quấy rối suốt ngày đêm, theo quy định của pháp luật chúng ta không phải trả phần lãi suất vượt quá lãi suất pháp luật quy định. Theo quy định Điều 468 của Bộ luật Dân sự mức lãi suất là 20%/năm, vượt quá mức lãi này thì chúng ta không phải trả. Tuy nhiên, bạn cần nhận thức rõ, đã vay là phải trả chứ không thể hoàn toàn “bùng nợ” giống như trên các hội nhóm trên mạng xã hội mách bảo.

Hiện có một hiện tượng các đối tượng đã lách luật bằng cách vẫn cho vay ở mức lãi suất pháp luật cho phép, tuy nhiên lại cộng thêm các phụ phí khác. Nếu bạn dính đến tín dụng đen thì trước tiên cần thoát ra ngay, trong trường hợp bị khủng bố tinh thần, bạn hãy dẫn những quy định của pháp luật và đề nghị ra tòa trong trường hợp cần thiết.

Nói cách khác, bạn vay thì cần phải trả nhưng không trả hơn mức lãi suất pháp luật cho phép. Pháp luật bảo vệ người dân, có những thiết chế cụ thể để bảo vệ, bởi vậy bạn cần tỉnh táo và nhờ cậy các cơ quan chức năng khi bị tín dụng đen khủng bố.


* Anh Nguyễn Văn Cường, Công đoàn Trường THCS Minh Hà, xã Canh Nậu, hỏi:

Xin chuyên gia cho biết, NLĐ bị tạm đình chỉ công việc để điều tra thì có được đóng BHXH, bảo hiểm y tế không? Nếu được thì mức đóng quy định ra sao?

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:

Đối với các trường hợp bị đình chỉ hoặc tạm giam, không còn có mặt, làm việc tại cơ quan sẽ không thực hiện đóng BHXH nhưng phải đóng bảo hiểm y tế. Sau khi hết thời gian đình chỉ, NLĐ không có lỗi, quay trờ lại làm việc thì cơ quan phải truy đóng toàn bộ thời gian chưa đóng, thời gian truy đóng đó không phải tính lãi.

* Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Hữu Bằng, hỏi:

Bố tôi đang hưởng lương hưu và sắp tới có nhận thêm công việc bảo vệ để kiếm thêm thu nhập. Vậy, bố tôi có phải tham gia BHXH bắt buộc không?

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:

Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết HĐLĐ thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, bố bạn đang hưởng lương hưu thì không phải đóng BHXH bắt buộc.


* Chị Nguyễn Minh Lý, Công đoàn xã Phú Kim, hỏi:

Xin chuyên gia cho biết, trường hợp nào NLĐ không được bồi thường từ người SDLĐ khi bị tai nạn lao động?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh - Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Hữu Bằng cầu hỏi.

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:

Với câu hỏi của chị, tôi xin giải đáp như sau, trong trường hợp nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của NLĐ thì chủ SDLĐ sẽ không cần bồi thường. Xin giải thích rõ hơn, ví dụ, trong trường hợp anh chị say rượu nhưng đến làm việc và để xảy ra tai nạn thì anh chị sẽ không được bồi thường.


Một bạn đọc gửi câu hỏi trực tuyến: Xin chuyên gia cho biết, gần đây trên mạng xã hội có tình trạng lợi dụng người của cơ quan BHXH để cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID, thu phí của NLĐ. Vậy xin hỏi, việc cấp lại mật khẩu có mất phí không. Hai là, có đối tượng nhận cầm cố sổ BHXH của NLĐ, việc này có được phép hay không? Việc này diễn ra phổ biến trên mạng xã hội, vậy có cách nào xử lý, ngăn chặn việc này hay không?

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Đối thoại, giao lưu về chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen
Anh Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Minh Hà đặt câu hỏi.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Chúng tôi khẳng định làm việc với cơ quan BHXH không mất bất kể khoản phí nào, BHXH chỉ tính lãi tiền chưa đóng BHXH. Có lẽ, quy định chính sách của chúng ta đang có những điều chưa đáp ứng nhu cầu của NLĐ do đó họ nghĩ đến việc mua bán. Trong Dự thảo Luật sắp tới trình Quốc hội chúng tôi đang muốn đưa nội dung này vào việc cấm. Sổ BHXH ghi lại quá trình tham gia BHXH chứ không được coi như chứng từ có giá trị pháp lý. NLĐ đang thiếu hiểu biết dẫn đến nhu cầu sử dụng sổ BHXH như một giấy tờ đem ra trao bán.

Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu: Không chỉ mỗi mạo danh nhân viên BHXH mà thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ mạo danh để lừa đảo, tội phạm công nghệ cao đang rất phức tạp, là một trong những hiểm hoạ đe dọa an ninh của nhân loại, khai thác tối đa sự phát triển của khoa học công nghệ. Theo thống kê cứ 14 giây trên toàn cầu lại xảy ra một vụ tội phạm. Tất cả các tài khoản mà đối tượng cung cấp để người dân chuyển tiền vào đều là tài khoản ảo. Trong giao tiếp trên không gian mạng, mọi người không nên dễ tin những gì nghe, đọc, nhìn thấy trên mạng, cần kiểm chứng nguồn tin, nâng cao ý thức cảnh giác để tự bảo vệ mình.

* Chị Nguyễn Thị Thúy, Công đoàn Quỹ tín dụng nhân dân Canh Nậu, hỏi: Người dưới 15 tuổi có thể tham gia lao động không? Nếu được thì việc sử dụng NLĐ dưới 15 tuổi phải tuân theo những nguyên tắc gì? Điều kiện sử dụng NLĐ chưa đủ 15 tuổi được quy định như thế nào?

- Luật sư Nguyễn Thị Yến: Trong trường hợp người SDLĐ có nhu cầu sử dụng NLĐ chưa đủ 15 tuổi thì cần phải tuân thủ các quy định của Điều 145 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 3 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH.

Cụ thể về điều kiện chung tại Điều 145 Bộ luật Lao động 2019 bao gồm: Phải giao kết HĐLĐ bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 6 tháng; đảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen

Chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ theo danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH; chỉ được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc với các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Ngoài ra theo Điều 3 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH còn cần phải lưu ý những điều kiện sau:: Bố trí thời giờ làm việc của NLĐ chưa đủ 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 1 ngày và 20 giờ trong 1 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; bố trí các đợt nghỉ giải lao cho người chưa đủ 15 tuổi thành các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

Nơi làm việc không thuộc các trường hợp sau: Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; công trường xây dựng; cơ sở giết mổ gia súc; sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử; nơi làm việc thuộc danh mục nơi làm việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH.

* Chị Phùng Thị Lưu, Công đoàn Trường Mầm non Đồng Trúc, hỏi:

Em gái tôi đang đi tìm việc làm. Cho tôi hỏi, khi ký HĐLĐ, em gái tôi cần phải lưu ý những thông tin gì? Quy định về tiền lương của NLĐ hiện nay như thế nào?

- Luật sư Nguyễn Thị Yến, Công ty Luật TNHH Everest:

HĐLĐ là văn bản thỏa thuận về mặt pháp lý giữa NLĐ và người SDLĐ. Trong đó bao gồm những thông tin xác định rõ các nghĩa vụ và quyền lợi của hai bên trong quá trình làm việc, từ đó tạo ra cơ chế giải quyết nếu có vấn đề xảy ra.

HĐLĐ có chức năng bảo vệ quyền lợi của NLĐ và người SDLĐ. Theo Điều 7 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định quan hệ lao động giữa NLĐ hoặc tập thể lao động với người SDLĐ được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.

Như vậy, có thể thấy một HĐLĐ ít nhất phải dựa trên theo những nguyên tắc sau đây: Nguyên tắc tự do, tự nguyện là nguyên tắc cơ bản bao gồm tự do lựa chọn, tự do đàm phán, tự nguyện ký kết và tự do chấm dứt dựa theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng là khẳng định vị trí ngang hàng của 2 bên về mặt pháp lý.

Quy định về tiền lương được quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 như sau: Tiền lương là số tiền mà người SDLĐ trả cho NLĐ theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Bên cạnh đó, NLĐ làm thêm giờ, làm ban đêm được trả lương theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau: NLĐ làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày.

NLĐ làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường. NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, NLĐ còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.

Phát biểu bế mạc cuộc Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, hơn 2 tiếng diễn ra chương trình, đã có trên 30 câu hỏi của công nhân lao động liên quan đến các chế độ, chính sách đối với NLĐ như: Tiền lương, tiền thường, thu nhập, BHXH, tuổi nghỉ hưu, chế độ thai sản, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi là những vấn đề được NLĐ hết sức quan tâm; cung cấp kiến thức, giúp CNVCLĐ nhận diện, tránh xa cạm bẫy của tín dụng đen.

Cũng chính qua những buổi đối thoại, giao lưu này, giúp các cán bộ công đoàn, có thêm kiến thức để truyền tải cho đoàn viên, và NLĐ. Do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô mong muốn công nhân lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, Báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên Báo Lao động Thủ đô.

Nhóm PV

Có thể bạn quan tâm

Nên xem

LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn

LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn

(LĐTĐ) Nằm trong chuỗi hoạt động "Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng" cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, sáng 23/1 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Chương Mỹ tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà Tết cho đoàn viên, người lao động tại Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam – Chi nhánh Xuân Mai.
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi

Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi

(LĐTĐ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, thủ tục hành chính nội bộ, xử lý phản ánh, kiến nghị trên nền tảng công dân Thủ đô số - iHanoi năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

(LĐTĐ) Chiều ngày 23/1, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”

Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”

(LĐTĐ) Ngày 23/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Phương Nam (sinh năm 1997, trú tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc; hiện đang ở khu đô thị Vinhomes Oceanpark 2, thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) về tội "Chống người thi hành công vụ".
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

(LĐTĐ) Chiều 23/1, tại Hồ Văn, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra Lễ khai mạc Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 cùng các hoạt động văn hoá nghệ thuật chào mừng Xuân.
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168

Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168

(LĐTĐ) Chiều 23/1, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội cho biết vừa khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Đậu Thị Tâm về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, đăng tải thông tin sai sự thật.
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168

Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168

(LĐTĐ) Chiều 23/1, đồng loạt các màn hình led ở nhiều khu vực trung tâm Hà Nội đã hiển thị thông tin tuyên truyền về mức phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông theo Nghị định 168/2024.

Tin khác

LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn

LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn

(LĐTĐ) Nằm trong chuỗi hoạt động "Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng" cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, sáng 23/1 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Chương Mỹ tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà Tết cho đoàn viên, người lao động tại Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam – Chi nhánh Xuân Mai.
Bình Dương: Chuyến tàu nghĩa tình đưa 200 lao động khó khăn đầu tiên về quê đón Tết

Bình Dương: Chuyến tàu nghĩa tình đưa 200 lao động khó khăn đầu tiên về quê đón Tết

(LĐTĐ) Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương vừa tổ chức lễ tiễn 200 công nhân lao động (CNLĐ) đầu tiên về quê đón Tết Ất Tỵ 2025 tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc trên “Chuyến tàu xuân nghĩa tình”.
Đoàn viên công đoàn quận Hai Bà Trưng tranh tài bày mâm ngũ quả ngày Tết

Đoàn viên công đoàn quận Hai Bà Trưng tranh tài bày mâm ngũ quả ngày Tết

(LĐTĐ) Mới đây, Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng đã tổ chức Hội thi “Trưng bày mâm ngũ quả ngày Tết”. Hội thi thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động trên địa bàn quận.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội

(LĐTĐ) Ngày 22/1, Cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Phạm Quang Thanh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị.
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn

Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn

(LĐTĐ) ​​​​​​Ngày 22/1, tại Trường Mầm non Việt Triều Hữu nghị (quận Đống Đa), Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức tặng quà cán bộ, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn các trường mầm non và chuyên biệt trực thuộc. Đây là hoạt động thường niên của ngành mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Ra mắt Nghiệp đoàn lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở phường Ngọc Thụy với 81 đoàn viên

Ra mắt Nghiệp đoàn lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở phường Ngọc Thụy với 81 đoàn viên

(LĐTĐ) Chiều nay (21/1), Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Long Biên đã công bố Quyết định thành lập Nghiệp đoàn lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở phường Ngọc Thụy với 81 đoàn viên. Đây là Nghiệp đoàn thứ 7 được thành lập và ra mắt trên địa bàn quận.
Rộn ràng Hội thi gói bánh chưng và bày mâm cỗ, mâm quả ngày Tết

Rộn ràng Hội thi gói bánh chưng và bày mâm cỗ, mâm quả ngày Tết

(LĐTĐ) Trong khuôn khổ chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” năm 2025 chào đón Xuân mới Ất Tỵ, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Ba Đình đã tổ chức Hội thi gói bánh chưng, bày mâm cỗ ngày Tết và bày mâm quả ngày Tết với sự tham gia của tổng 80 đội thi đến từ 88 Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ quận.
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai thăm, chúc Tết và tặng quà người lao động

Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai thăm, chúc Tết và tặng quà người lao động

(LĐTĐ) Chiều 21/1, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai đã đến thăm, chúc Tết và trao 50 suất quà của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Phát triển Nhất Tín - chi nhánh Hà Nội.
“Chuyến bay Công đoàn - Xuân 2025” đưa 450 lao động và người thân về quê đón Tết

“Chuyến bay Công đoàn - Xuân 2025” đưa 450 lao động và người thân về quê đón Tết

(LĐTĐ) Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong ngày 25/1/2025, sẽ có 2 “Chuyến bay Công đoàn - Xuân 2025” từ Sài Gòn đi Vinh và đi Hà Nội, đưa 450 lao động và người thân về quê đón Tết.
Ấm áp chợ Tết Công đoàn

Ấm áp chợ Tết Công đoàn

(LĐTĐ) Nhân dịp Tết Ất Tỵ, Công đoàn Trường Mầm non C xã Tứ Hiệp (Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì) phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức “Chợ Tết Công đoàn năm 2025” với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”.
Xem thêm
Phiên bản di động