Để bãi đỗ xe không nằm trên giấy
Thiếu bãi đỗ xe… bài toán vẫn chờ lời giải! Giải “bài toán” thiếu bãi đỗ xe, khó thế sao? |
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 6,9 triệu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy), chưa kể lượng xe ngoại tỉnh ra, vào thành phố hàng ngày. Tốc độ tăng số lượng ô tô là khoảng 10,2%/năm và xe máy là khoảng 6,7%/năm, song hệ thống giao thông tĩnh (bãi, điểm đỗ xe công cộng) mới đáp ứng được 8-10% nhu cầu. Tình trạng thiếu điểm đỗ xe hiện phổ biến ở trong khu vực từ đường Vành đai 3 trở vào nội đô.
Bãi đỗ xe Ngọc Khánh, một trong những điểm đỗ hiếm hoi áp dụng công nghệ cao của Hà Nội. Ảnh: Minh Phương |
Trên thực tế, nhằm đáp ứng 1 phần nhu cầu gửi xe của người dân, tại các đường phố trung tâm Hà Nội, dễ nhận thấy hàng loạt bãi ô tô, xe máy đỗ dọc hàng dài theo các tuyến phố, trên một phần hè hoặc toàn bộ hè phố. Tình trạng này cũng đang diễn ra tại một số tuyến đường ở các khu đô thị mới, những nơi tập trung trước công sở, các văn phòng đại diện trong và ngoài nước, các trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện, trường học… Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời vì những bãi đỗ xe tạm đang khiến lòng đường bị thu hẹp, ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện.
Đáng nói là dù có tận dụng lòng đường, vỉa hè để đỗ xe như vậy cũng mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải, tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố Hà Nội là hơn 90ha, chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe, dẫn đến bùng phát các điểm đỗ xe trái phép, sai quy hoạch và bố trí không hợp lý. Trong khi đó, nhiều tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, khai thác điểm đỗ xe dẫn đến tình trạng không kiểm soát, gây lộn xộn, mất an toàn, phá vỡ quy hoạch. Ngoài ra, các hình thức quản lý hiện nay vẫn theo truyền thống, thiếu trang thiết bị và chưa đồng bộ cũng khiến công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn, gây thất thu ngân sách...
Theo báo cáo của UBND quận Ba Đình, diện tích đất đỗ xe trên địa bàn quận theo quy hoạch khoảng 16,62ha với 27 vị trí, trong đó có 15 vị trí bố trí bãi đỗ xe ngầm. Tuy nhiên, đến nay mới có 2/27 vị trí là bãi đỗ xe tại phố Phan Kế Bính và phố Nguyễn Công Hoan được đưa vào sử dụng.
Tương tự, quận Hoàng Mai có 94 ô quy hoạch có chức năng bãi đỗ xe và kết hợp một phần là bãi đỗ xe. Đến nay, ngoài các ô đã hoàn thành đưa vào sử dụng hoặc đang triển khai đầu tư bãi đỗ xe, thì còn 65 ô chưa có nhà đầu tư. Theo đánh giá chung, việc còn tới 65 ô quy hoạch bãi đỗ xe chưa có nhà đầu tư đang được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để đỗ xe tràn lan trên địa bàn quận Hoàng Mai.
Trong khi đó, tại quận Hoàn Kiếm, do thiếu quỹ đất nên trên địa bàn quận chỉ quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe ngầm, dự kiến tại Vườn hoa Phùng Hưng, Vườn hoa Bác Cổ, quảng trường trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước... Đã có một số nhà đầu tư đăng ký, song chưa dự án nào được triển khai.
Thực tế, với những chính sách như hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định khó thu hút nhà đầu tư đủ tiềm lực, tâm huyết dành vốn cho các dự án xây điểm đỗ xe hiện đại như theo quy hoạch. Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa, có 3 vướng mắc chính. Đó là: Hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến đầu tư, xây dựng có nhiều thay đổi, dẫn đến kéo dài thời gian lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án bãi đỗ xe gặp nhiều khó khăn; kinh phí đầu tư các dự án bãi đỗ xe ngầm và tự động cao tầng rất lớn, dẫn đến kéo dài thời gian thu hồi vốn.
Nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phối hợp với các sở, ngành thành phố tham mưu đề xuất những cơ chế khuyến khích; Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã thống nhất, trình và được Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019, trong đó có một số chính sách cụ thể như: Hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu, kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất bãi đỗ xe; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu phải nộp đối với các thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho dự án xây dựng bãi đỗ xe; được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng ngầm của dự án theo quy hoạch để đầu tư khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác hỗ trợ cho bãi đỗ xe ngầm...
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng tư vấn Thành phố ban hành một số cơ chế đặc thù như: Cho phép nhà đầu tư được bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong; trong phạm vi bán kính khoảng 500m xung quanh các bãi đỗ xe theo quy hoạch, không cho phép khai thác điểm đỗ xe tạm thời ở lòng đường, vỉa hè...; xây dựng cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ được xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn vốn…
Được biết, trong quá trình soạn thảo xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các vấn đề này cũng đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu tìm hướng giải quyết. Trong đó có nhiều nội dung dự thảo theo hướng xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp, hấp dẫn các nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư xây dựng bến bãi đỗ xe đô thị. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các chính sách dài hơi, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội cần những biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết nhu cầu chỗ gửi xe trong khu vực, hoặc tận dụng những không gian trống chưa sử dụng hết công năng để làm tạm nơi đỗ xe, như bố trí điểm đỗ xen kẽ trong khu vực cây xanh công viên, những điểm đỗ ngầm dưới công trình xây dựng mới… Về nguyên tắc, đây không phải là giải pháp mang tính dài hạn, tuy nhiên sẽ phần nào giảm tải áp lực đỗ xe trong khu vực nội đô.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho giao thông tĩnh cũng như đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân, Hà Nội đã xác định 1.480 vị trí (khoảng 1.200,71ha) quy hoạch làm bãi đỗ xe công cộng. Đặc biệt, Thành phố cũng phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm với 78 địa điểm xây dựng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 104 ha, công trình xây dựng từ 3-4 tầng hầm… Tuy nhiên, ngoài bãi xe tại khu Công viên Thủ Lệ, quận Ba Đình, đang được triển khai và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2024-2025 thì tất cả vẫn còn đang… nằm trên giấy. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Người đảng viên tiêu biểu, hết lòng vì công việc và đoàn viên công đoàn
Phấn đấu thông xe đường song hành tuyến Vành đai 4 vào cuối năm 2025
Cuối năm, giá vàng đồng loạt tăng
Phố Sách Xuân Ất Tỵ 2025 “Tết công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng”
Giáo viên Hà Nội sẽ được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/tháng từ 1/7/2025
Đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán 2025 đầm ấm, an toàn
Tin khác
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Giao thông 23/01/2025 20:03
Hơn 600 camera ở thành phố Vinh đi vào hoạt động
Giao thông 23/01/2025 17:08
Áp lực giao thông tại Hà Nội ngày càng gia tăng
Giao thông 23/01/2025 12:26
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức đoàn kiểm tra tại nhiều tỉnh thành
Giao thông 22/01/2025 16:25
Thông xe tạm thời đường Lê Quang Đạo kéo dài
Giao thông 22/01/2025 16:24
Hà Nội lắp đặt biển tuyên truyền về mức phạt theo Nghị định 168 tại các nút giao trọng điểm
Giao thông 22/01/2025 16:20
Sau gần một tuần điều chỉnh, nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đã thông thoáng
Giao thông 22/01/2025 16:07
Sẽ "phạt nguội" các trường hợp xe máy đi vào Đại lộ Thăng Long
Giao thông 22/01/2025 14:14
Kiểm tra công tác vận tải hành khách, hàng hóa dịp Tết
Giao thông 22/01/2025 14:06
Những hiệu quả tích cực sau hơn 20 ngày triển khai Nghị định 168/2024
Giao thông 22/01/2025 14:03