Dấu ấn Cách mạng tháng Tám qua những chứng tích lịch sử
Cách mạng Tháng Tám, những ngày Hà Nội sục sôi | |
Tuổi trẻ Thủ đô phát huy hào khí tháng Tám góp phần xây dựng Thành phố giàu đẹp |
Nơi lưu giữ giá trị lịch sử
Tháng Tám năm 1945, hay còn được gọi là Tháng Tám của mùa Thu Cách mạng. Mùa thu của một “Nước Việt Nam từ máu lửa - Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, làm nên một sự kiện “long trời lở đất”. Đó là cuộc cách mạng xóa bỏ chính quyền thực dân - phong kiến, lập chính quyền Nhà nước dân chủ nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới đối với dân tộc.
Gần một thế kỷ trôi qua, biết bao biến cố thăng trầm của thời gian, những dấu son chói lọi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị, thôi thúc lớp trẻ như chúng tôi – những người chưa từng trải qua chiến tranh, mất mát tìm hiểu về quá khứ hào hùng của thế hệ ông, cha đã chiến đấu can trường để giành độc lập cho dân tộc.
Theo những “dấu chân” của lịch sử, chúng tôi tìm đến trụ sở Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội tại số 101 Trần Hưng Đạo (trước đây là 101 Đại lộ Gambetta). Đây cũng chính là nơi Uỷ ban Quân sự Cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban khởi nghĩa) đã họp phiên đầu tiên ngay sau khi Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra “Quân lệnh số I” hạ lệnh tổng khởi nghĩa ngày 14-15/8/1945.
Số 101 Trần Hưng Đạo (trước đây là 101 Đại lộ Gambetta), nơi Uỷ ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã họp phiên đầu tiên |
Nằm giữa con phố đông đúc người qua lại, hiện nay căn nhà số 101 Trần Hưng Đạo trở thành Viện khoa học giáo dục Việt Nam. Trước sự phát triển nhanh, mạnh của Thủ đô, cảnh vật xung quanh căn nhà nay đã có nhiều đổi khác so với trước đây. Con phố trở nên sầm uất hơn, những dãy nhà cao tầng mọc lên san sát nhưng ngôi nhà số 101 vẫn mang một nét cổ kính, trầm mặc, lưu giữ giá trị lịch sử giữa cuộc sống bộn bề, đông đúc.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, sáng 16/8/1945 tại nhà 101 Đại lộ Gambetta, sau khi nghe đồng chí Nguyễn Khang phổ biến chỉ thị và quyết định của Xứ ủy, hội nghị đã quyết định cử đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch và đồng chí Nguyễn Huy Khôi làm Bí thư của Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội. Cuộc họp đã phân tích những hoạt động mới nhất của chính phủ lâm thời Trần Trọng Kim, của Khâm sai Bắc kỳ Phan Kế Toại và của những phần tử cầm đầu các đảng phái tay sai Nhật. Rõ ràng tất cả lực lượng này đều đã bắt đầu hoang mang, bối rối trước sự suy sụp của Nhật, nhưng họ vẫn còn ngoan cố dựa vào Nhật để chống lại cách mạng.
Kết quả kiểm điểm lực lượng quân sự của ta ở chùa Hà cũng được thông báo cặn kẽ. Tình hình các tổ chức Việt Minh dựa vào sức mạnh của quần chúng cách mạng đã tước đoạt đồng triện của đội ngũ lý trưởng ở Nam Đồng, Mai Động, Hoàng Mai, Quỳnh Lôi, Tương Mai. Ngoài ra xu thế phát triển mạnh mẽ khác thường trong mấy ngày qua các đoàn thể Cứu quốc và đội tự vệ ở nhiều nơi thuộc ngoại thành Hà Nội cũng được phân tích tỉ mỉ. Trên cơ sở những diễn biến mới đó, Ủy ban Quân sự cách mạng đã đi vào bàn việc Hà Nội chuẩn bị khởi nghĩa. Nổi bật trong cuộc thảo luận là vấn đề nên đối phó như thế nào với lực lượng quân sự lớn của Nhật tập trung ở Hà Nội.
Lúc đó theo ước tính của ta, tại Hà Nội, Nhật có khoảng trên dưới 1 vạn trong số 4 vạn quân Nhật chiếm đóng ở Bắc kỳ. Còn lực lượng vũ trang của ta ở Hà Nội thì mới có 3 chi đội tự vệ chiến đấu được trang bị chủ yếu bằng vũ khí thô sơ và vừa trải qua một vài lớp quân sự cấp tốc. Nếu kể cả số tự vệ chiến đấu mới phát triển trong mấy ngày qua và sẽ phát triển thêm trong thời gian tới, thì cũng chỉ đạt vài ba nghìn người, trang bị và luyện tập chắc chắn sẽ không được bao nhiêu. Vì vậy, nếu chỉ dùng lực lượng vũ trang (và nửa vũ trang) của ta ở Hà Nội để tiến công Nhật thì khó có khả năng giành được thắng lợi cho cuộc khởi nghĩa.
Quảng trường Ba Đình, ghi dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” trước 50 vạn nhân dân Hà Nội. |
Để xúc tiến việc chuẩn bị khởi nghĩa, Hội nghị đã bàn bạc kỹ và chuyển hướng theo giải pháp mới đó là tiến hành nhiều cuộc diễn thuyết xung phong ở các khu phố, làng xã để động viên đông đảo quần chúng nhân dân hăng hái tiến hành khởi nghĩa tránh xung đột vũ trang, đổ máu. Tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình quần chúng, giương cờ và biểu ngữ cách mạng, để nâng cao phong trào lên một bước, đồng thời cũng để thăm dò phản ứng của quân Nhật đối với chúng ta.
Thảo và tán phát truyền đơn vận động binh lính sĩ quan Nhật ở Hà Nội không tham gia vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam. Tiếp tục tăng cường lực lượng vũ trang và nửa vũ trang của ta, phát triển các đội tự vệ chiến đấu, trang bị thêm các loại vũ khí. Ngoài ra, dứt khoát bác bỏ nhã ý mời Việt Minh hợp tác với Chính phủ Trần Trọng Kim khi ông cùng cố vấn Trần Đình Long và ông Lê Trọng Nghĩa gặp cụ Phan Kế Toại để trao đổi quan điểm về chính quyền trong tình thế mới. Phá bằng được cuộc mít tinh của Tổng hội công chức hô hào quốc dân “Ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim”,“Ủng hộ nền độc lập” sẽ diễn ra chiều 17/8/1945 tại Quảng trường Nhà Hát Lớn. Thường vụ Xứ ủy giao cho Thành ủy Hà Nội đảm trách việc quan trọng này, phương châm hành động là “phá rồi rút lui”.
Từ cuộc họp, trong ngày 16/8 cũng như mấy ngày sau đó, kế hoạch đã được ráo riết thực hiện. Những cuộc mít tinh và diễn thuyết xung quanh đã diễn ra liên tiếp ở nội và ngoại thành. Cùng với hoạt động sôi nổi ở trung tâm thành phố, tại Làng Vạn Phúc (nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) nơi được gọi “An toàn khu của xứ ủy Bắc kỳ” cũng rạo rực không khí chuẩn bị khởi nghĩa.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Vạn Phúc đã được chọn làm An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ. Trong những năm 1939-1941, dù địch khủng bố gắt gao, Vạn Phúc đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ cơ quan của Xứ ủy, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ... Ngày 17/8/1945, Xứ ủy Bắc kỳ họp tại Vạn Phúc, quyết định khởi nghĩa trong toàn Xứ. Như một tia lửa nhen lên từ cánh đồng cỏ khô, ngọn lửa cách mạng bùng cháy, cả Hà Nội bừng bừng khí thế đấu tranh theo lời kêu gọi của Đảng. Ngày 19/8/1945, hàng chục vạn nhân dân thành phố rầm rập tiến về Quảng trường Nhà hát lớn, Hà Nội đã giành được chính quyền.
Từ đó, ngày này đi vào lịch sử của dân tộc, là ngày đánh dấu cao trào Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Sau chiến thắng ở Hà Nội, phong trào tiếp tục lan rộng ra các tỉnh. Đến 28/8/1945, chính quyền trong cả nước hoàn toàn về tay nhân dân. Từ sự đồng lòng đứng lên của nhân dân, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình đầy nắng và gió, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” trước 50 vạn nhân dân Hà Nội. Mùa thu lịch sử ấy mãi vang vọng cùng 6 chữ “độc lập - tự do - hạnh phúc”.
Ký ức đáng tự hào
Năm xưa với nhiệm vụ là “An toàn khu của xứ ủy Bắc kỳ” Vạn Phúc đã làm tròn nhiệm vụ. Ngày nay ngôi làng vẫn giữ được khung cảnh của làng quê cách mạng, vẫn vẹn nguyên với cây đa, mái đình, với những con người cần cù, hiền hậu, giàu lòng mến khách. Đặc biệt trong những ngày cuối tháng Tám, khi cả nước đang hân hoan chào mừng ngày kỷ niệm trọng đại của dân tộc, Vạn Phúc rực rỡ hơn với sắc đỏ tươi của những lá cờ Tổ quốc và gam màu sặc sỡ của dải lụa tơ mềm mại được treo từ cổng làng cho tới những khu di tích và trước cổng nhà của mỗi gia đình.
Ngôi nhà cụ Ba Niệm (làng Vạn Phúc, Hà Đông), nơi Xứ ủy Bắc Kỳ họp Hội nghị phát động khởi nghĩa giành chính quyền. |
Càng tìm hiểu lịch sử, chúng tôi càng trân quý thêm những giá trị mà cha, ông ta đã hi sinh để có được. Và thật biết ơn khi chúng tôi có cơ hội trò chuyện với những “cuốn sử sống” của làng. Người dân Vạn Phúc vẫn như xưa, vẫn một lòng yêu nước, tin tưởng đối với Đảng và chưa khi nào thôi tự hào về truyền thống cách mạng của làng.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, một trong những lý do làng Vạn Phúc được chọn làm An toàn khu do khoảng cách nằm ven ngoại thành không quá gần nhưng cũng không quá xa, đường xá đi lại thuận tiện lên chiến khu Việt Bắc. Nhấp chén trà nóng, ông Nguyễn Tất Thanh, Thủ từ đền thờ Bác Hồ tại làng lụa Vạn Phúc kể cho chúng tôi nghe về truyền thống cách mạng của làng khi xưa.
Quãng thời gian đó, ngôi làng có vị trí địa lý thuận lợi, người dân giàu lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết luôn tin tưởng, gắn bó với cách mạng. Đặc biệt làng có nghề dệt lụa phát triển, thời xưa làng có nhiều thợ dệt từ các nơi đến làm thuê, khách đến mua hàng nên khi cán bộ cách mạng về hoạt động gặp nhiều thuận lợi hơn... cũng chính từ lẽ đó mà An toàn khu Vạn Phúc đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông, Hà Nội và cả Bắc kỳ.
Để minh chứng cho những lời kể của mình, ông Thanh dẫn chúng tôi đến thăm những gia đình khi xưa gắn với các sự kiện trọng đại của dân tộc. Khác hẳn với con đường rộng rãi đầu làng với nhiều ki ốt bán hàng lụa, để đi vào một số nhà đã từng nuôi giấu cán bộ cách mạng trước thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền, chúng tôi đi theo con đường ngoằn nghèo trong làng Vạn Phúc.
Đến ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thị Chu (tức bà Ba Niệm) tại tổ dân phố Hồng Phong, là nơi Xứ ủy Bắc Kỳ họp Hội nghị phát động khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945, chúng tôi gặp ông Đỗ Văn Định là cháu nội của cụ Nguyễn Thị Chu. Theo lời kể của ông Định trước kia ngôi nhà của gia đình là căn nhà 5 gian, lợp mái ngói trong đó 3 gian ngoài là nơi sinh hoạt của gia đình, 2 gian trong được bố trí là nơi đặt khung cửi phục vụ cho công việc dệt lụa, đặc biệt đây là nơi nuôi giấu và bảo vệ an toàn cho đồng chí cán bộ cách mạng Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn… và là nơi đặt trụ sở in báo Cứu Quốc do đồng chí Nguyễn Xuân Thủy phụ trách.
Dù tuổi đã cao nhưng ông Định vẫn nhớ những câu chuyện về việc gia đình nuôi giấu những đồng chí cán bộ lãnh đạo cách mạng trước thời kỳ năm 1945. “Thời đó tôi còn bé vẫn được cán bộ cách mạng phát cho những chiếc kẹo để trong chiếc súng lục, quãng thời gian sống trong gia đình tôi, họ niềm nở, vui vẻ, tình nghĩa lắm. Năm xưa ông bà nội tôi dành 2 gian nhà trong để làm nơi đặt trụ sở in báo Cứu quốc, là nơi ở và làm việc của nhiều đồng chí cán bộ cách mạng.
Mỗi khi Pháp vây bắt cán bộ cách mạng hoặc phản động địa phương dọa nạt thì căn hầm bí mật trong gian nhà là nơi di tản của cán bộ, khi đó bố mẹ tôi cùng các cô, chú phải chuyển ra vùng tự do để tham gia cách mạng. Đến khi được giải phóng ai nấy đều phấn khởi, trước kia luôn bị dọa dẫm, giờ đã được tự do, chúng tôi rất quý trọng thành công của cách mạng. Hiện nay, ngôi nhà của ông bà nội tôi để lại gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử đã được Nhà nước gắn biển di tích cách mạng kháng chiến, đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ riêng gia đình mà cho cả người dân Vạn Phúc”, ông Định bồi hồi nhớ lại.
Đó chỉ là số ít những di tích cách mạng đã chứng kiến các sự kiện lịch sử quan trọng của Thủ đô và đất nước, góp phần quan trọng làm nên một thiên anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ 20. Quá khứ đã trôi qua, những chiến công oanh liệt đã lui vào lịch sử. Song những di tích đó vẫn chói đỏ, vẫn trường tồn với thời gian, luôn nhắc nhở và khích lệ người Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong công cuộc xây dựng Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì Hoà bình, văn minh, hiện đại.
Nguyễn Hoa – Phương Ngân
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Các địa phương công bố quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy từ ngày 18 - 20/2
Sự kiện 23/01/2025 19:54
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sự kiện 23/01/2025 18:07
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ
Sự kiện 23/01/2025 15:55
Diễn đàn Nghị viện Hợp tác Pháp ngữ thành công tốt đẹp, thông qua Tuyên bố Cần Thơ
Sự kiện 21/01/2025 21:48
Hà Nội: Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Sự kiện 21/01/2025 15:18
Hà Nội đi đầu trong thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Sự kiện 21/01/2025 12:10
Hoàn thành nhiều công việc mang tính chiến lược cho phát triển Thủ đô
Sự kiện 21/01/2025 10:54
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội họp về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ
Sự kiện 21/01/2025 09:20
Báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền định hướng lớn của Đảng về "kỷ nguyên mới"*
Sự kiện 20/01/2025 22:13
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng tặng Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương
Sự kiện 20/01/2025 20:24