Đậm nét “hồn dân tộc” qua trang phục áo dài Trạch Xá
Áo dài Trạch Xá sống mãi với thời gian Ngọt ngào hương sắc tháng 3 |
Tinh hoa ngàn năm áo dài Trạch Xá
Về Trạch Xá những ngày này, điều dễ nhận thấy đó chính là diện mạo nông thôn mới đã có nhiều đổi thay; bên cạnh những con đường làng trải bê tông sạch sẽ, là những ngôi nhà xây hiện đại, khang trang; những ngôi đình, đền lưu giữ dấu tích nghề xưa vẫn đang được người dân nơi đây bảo tồn, tôn tạo và phát triển.
Các trang phục truyền thống áo dài Trạch Xá đường biểu diễn và giới thiệu tại Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Hòa Lâm, Ứng Hòa. Ảnh: Đỗ Đạt |
Ông Tạ Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, thôn Trạch Xá tự hào kể về người “khơi nghề”: Đó chính là bà Nguyễn Thị Sen, một Thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng vào khoảng thế kỷ thứ X. Bấy giờ, bà có tài cắt may áo dài giỏi nên chuyên lo việc may mặc cho cả triều đình, nhất là các cung tần mỹ nữ, công chúa. Khi vua Đinh Tiên Hoàng qua đời (năm 979), bà đã tâu với Thái hậu Dương Vân Nga cho xuất cung, cùng các con trở về quê - làng Trạch Xá. Từ đây, bà phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm, truyền dạy cho người dân nghề may áo dài.
Biết ơn công lao ấy, sau khi bà mất, dân làng đã tôn là Thánh sư, Tổ nghề may áo dài Trạch Xá. Từ đó đến nay, trải qua hàng nghìn năm giữ nghề, với tài may vá khéo léo, mỗi năm có hàng nghìn người dân Trạch Xá rời quê hương đi lập nghiệp ở khắp các tỉnh, thành phố trên mảnh đất hình chữ S. Hằng năm, vào ngày 12 tháng Chạp là ngày giỗ của Tổ nghề Nguyễn Thị Sen, người đi làm khắp nơi trở về làng quần tụ. Những người ở phương xa không về được thì nhớ ngày rồi vái vọng.
Chia sẻ với phóng viên, Nghệ nhân Nghiêm Xuân Đạt - Giám đốc Hợp tác xã làng nghề may áo dài Trạch Xá cho biết, xưa các cụ cũng có tục truyền bí quyết nghề cho con trai mà không truyền cho con gái. Bởi lẽ, trước đây công việc này đòi hỏi người làm nghề phải đi lại nhiều, đi đến từng nhà cắt may theo yêu cầu. Nghề đòi hỏi chăm chỉ, chịu khó lại cẩn thận từng đường kim mũi chỉ sao cho thẳng, đều, chắc chắn và đẹp theo tiêu chuẩn “trong thì dán hồ, ngoài phô trứng nhện”. Vì vậy, người thợ may Trạch Xá có bí quyết riêng không dễ gì học được.
Ngày nay, nhiều người con gái làng Trạch Xá đã được truyền nghề và phát triển nghề rất tốt như: Hiệu may Mỹ Hạnh ở Ngã Tư Sở; Thanh Châu ở Mai Hắc Đế… Còn đối với con trai trong làng, sinh ra đã được truyền nghề từ thuở lên 6 lên 7 tuổi và được luyện rèn theo năm tháng.
Với Nghệ nhân Nghiêm Xuân Đạt, ông được thừa hưởng nét tài hoa từ người cha giỏi nghề, làm Chủ nhiệm Hợp tác xã May Bắc Sơn ở phố Bạch Mai. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, thời kỳ kinh tế khó khăn, xu hướng mặc áo dài giảm, nhiều thợ may trong làng không có khách, anh Đạt đã đưa về làng các đơn hàng may mặc, vỏ chăn gối cho người làng may và cả đơn hàng khâu áo dài cho may xuất khẩu sang Australia... Từ đó, anh Đạt trở thành đầu mối kết nối cho bà con kiên trì tiếp tục làm nghề.
Đầu năm 2000, điều kiện kinh tế phát triển, thị trường sôi động trở lại, những thợ may gốc làng Trạch Xá từ khắp nơi hội tụ về quê để gây dựng làng nghề. Từ đây, có được nhiều đơn hàng, các công ty, xí nghiệp may, người dân Trạch Xá lại vững cây kim sợi chỉ khâu lên những tà áo dài mềm mại.
Cũng để gìn giữ và phát triển nghề may truyền thống áo dài, năm 2011, Hợp tác xã May áo dài Trạch Xá được thành lập, người thợ may Nghiêm Văn Đạt được bầu làm Chủ nhiệm, là người “đứng mũi chịu sào” cùng dân làng phát triển thương hiệu làng nghề. Năm 2012, anh Đạt đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. “Nghề may áo dài cũng có những thăng trầm song người Trạch Xá vẫn luôn giữ nghề như giữ hồn quê trong từng nếp áo”, Nghệ nhân Nghiêm Xuân Đạt khẳng định.
Gìn giữ và phát triển “hồn dân tộc”
Làng Trạch Xá hôm nay đã đổi thay nhiều, những cửa hàng, cửa hiệu may áo dài xuất hiện trên đường làng, những ngôi nhà khang trang, đời sống người dân thêm trù phú. Ông Nghiêm Văn Miến, Trưởng thôn Trạch Xá cho biết, hiện nay đang là thời kỳ phát triển mạnh của nghề may áo dài Trạch Xá. Toàn thôn có 520 hộ dân thì có tới 80% tham gia làm nghề, trong đó có 200 hộ mở cửa hàng, cửa hiệu có quy mô và đơn đặt hàng khá lớn. Điều đặc biệt làm nên thương hiệu làng nghề Trạch Xá chính là nơi đây vẫn còn giữ nguyên nét truyền thống khâu tay với kỹ thuật đặc biệt. Từng chiếc áo dài được lên hình là từng số đo riêng vừa vặn với mỗi người chứ không phải may đại trà. Nay, thanh niên trong làng cũng theo nghề và tích cực mở rộng, phát triển nghề.
Tiếp nối truyền thống cha ông làng nghề Trạch Xá, anh Lê Quang Duy (36 tuổi) cầm cây kim đưa từng đường chỉ từ năm lên 10 tuổi, đến nay đã mở được cửa hàng riêng, thường xuyên thuê thêm 3 người thợ giỏi, còn những khi đơn hàng nhiều thì đưa về cho nhiều người cùng làm.
Anh Duy cho biết: “Nghề thủ công tưởng chừng đơn giản vậy thôi nhưng để thành thạo nghề đòi hỏi phải nhiều nỗ lực rèn luyện qua thời gian dài “3 tháng cầm kim, 3 năm ra nghề”.
Nét khác biệt làm nên thương hiệu Trạch Xá, không nơi nào có được là tà áo lúc nào cũng mềm mại, thướt tha. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải rất chăm chút khi đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi”; dùng tay cầm kim dọc sao cho không bị lệch hướng, khâu đường tà thật đều và đường chỉ nhỏ xíu, sợi chỉ được lựa chọn loại tốt, nhỏ, mịn và đắt nên chắc chắn. Chính vì vậy mà riêng công khâu áo dài Trạch Xá chừng 350.000 đồng/chiếc; còn lên áo thì phụ thuộc vào chất liệu vải, hoa văn đính kèm mà có giá khác nhau. Có những sản phẩm độc đáo như đính đá, thêu tay nghệ thuật… có giá 20 triệu đồng/bộ, có những bộ áo dài đặc biệt được khách đặt may lên tới 100 - 200 triệu đồng.
Có thể thấy, cùng với sự quan tâm của các cơ quan chức năng, cùng bề dày truyền thống và làng nghề áo dài Trạch Xá đang mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Và cũng đề gìn giữ, bảo tồn và phát triển “báu vật” làng Trạch Xá, người dân làng nghề Trạch Xá đang mong muốn được Thành phố quan tâm đầu tư xây dựng điểm du lịch làng nghề có khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm để bảo tồn và phát triển sản phẩm mang đậm văn hóa Việt Nam, là biểu tượng hồn dân tộc.
Năm 2004, làng Trạch Xá đã được UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) công nhận Làng nghề may áo dài truyền thống. Ngày 21/2/2024, làng nghề may áo dài Trạch Xá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Đỗ Đạt
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá vàng hôm nay (3/2): Vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh mới
Tỷ giá USD hôm nay (3/2): Đồng USD tiếp tục duy trì đà tăng
Giá xăng dầu hôm nay (3/2): Tiếp đà giảm
Chelsea vs West Ham: The Blues phải thắng để trở lại top đầu
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 3/2: Không khí lạnh tràn về gây mưa rào rải rác
Để con trẻ hiểu được ý nghĩa của lì xì?
Tiếp tục đi đầu trong sắp xếp, xây dựng hệ thống chính trị
Tin khác
Tưng bừng kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Nhịp sống Thủ đô 02/02/2025 21:31
Hàng nghìn người dân đi lễ Phủ Tây Hồ dịp đầu năm
Nhịp sống Thủ đô 02/02/2025 18:36
Quận Tây Hồ: Điểm sáng trong công tác cải cách hành chính
Thủ đô 02/02/2025 15:10
Lễ hội Gò Đống Đa 2025 sử dụng công nghệ 3D mapping hiện đại
Nhịp sống Thủ đô 02/02/2025 14:18
Sức hút của Sơn Tây
Nhịp sống Thủ đô 02/02/2025 06:03
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội dâng hương tại Khu di tích chiến thắng Ngọc Hồi
Nhịp sống Thủ đô 01/02/2025 21:21
Hà Nội: Thêm tuyến buýt điện kết nối với Đại học Tài nguyên và Môi trường
Nhịp sống Thủ đô 01/02/2025 16:42
Năm 2024 thành phố Hà Nội hoàn thành 2,219 triệu m2 sàn nhà ở
Nhịp sống Thủ đô 31/01/2025 08:35
Ấn tượng đêm khai hội hoa xuân và khai trương năm du lịch 2025
Nhịp sống Thủ đô 29/01/2025 18:26
Giữ lửa cho nghệ thuật chèo truyền thống
Nhịp sống Thủ đô 29/01/2025 18:00