Đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Giao thông thông suốt trong những ngày thi tốt nghiệp THPT 2024 Công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào 8h ngày 17/7 26 thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế |
Chiều 28/6, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo để thông tin về kỳ thi. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024) chủ trì họp báo.
Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan
Thông tin tại họp báo, ông Huỳnh Văn Chương (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra trong hai ngày 27 - 28/6. Cả nước có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi tại 2.323 điểm thi với 45.149 phòng thi. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024) chủ trì họp báo. |
Theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của kỳ thi tại tất cả các điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Trong hai ngày diễn ra kỳ thi, cả nước có 30 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó có 26 thí sinh bị đình chỉ thi (9 thí sinh sử dụng tài liệu và 17 thí sinh sử dụng điện thoại di động); không cán bộ nào vi phạm quy chế. Cho đến thời điểm hiện tại, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Đánh giá sơ bộ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng Kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực. Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.
Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. |
Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi. Một số thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác thi được khắc phục kịp thời. Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của Quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi.
Không có chuyện lộ, lọt đề thi
Tại họp báo, liên quan đến vấn đề lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn mà phóng viên đề cập, ông Nguyễn Ngọc Hà (Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) khẳng định, không có chuyện lộ, lọt đề thi. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có thông tin với báo chí về việc này.
Trao đổi về công tác chấm thi môn thi này, theo ông Nguyễn Ngọc Hà, mỗi môn thi đều có tiêu chí nhất định về giáo dục. Bên cạnh những gợi ý, hướng dẫn chấm thi thì cũng có phần mở. Nếu thí sinh trả lời đúng định hướng, có tính chất phát triển thì sẽ xem xét để "chấm mở".
Liên quan đến đề thi môn Tiếng Anh sử dụng ngữ liệu của một tờ báo lớn, ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ, đối với đề thi nói chung, nhất là môn Ngoại ngữ, việc sử dụng ngữ liệu phải tin cậy. Vì vậy, ngữ liệu có hai nguồn trích cơ bản là sách và tạp chí, việc sử dụng ngữ liệu như vậy là bình thường. Đề thi có đổi mới, nội dung đề hay hơn, sát thực tiễn. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Cấu trúc, định dạng đề thi không thay đổi, nhưng nội dung đề thi gắn với thực tiễn hơn theo hướng phát triển năng lực là bước đệm để học sinh làm quen với cách thức ra đề kiểm tra theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Nguyễn Ngọc Hà (Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) trả lời các câu hỏi của phóng viên tại họp báo. |
Về đề thi môn Lịch sử, câu 40 của mã đề 319 có nhiều giáo viên đưa ra phương án trả lời khác nhau; ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết Bộ GD&ĐT sẽ tiếp nhận thông tin này. Việc trao đổi, nắm bắt sẽ được thực hiện không chỉ trong quá trình coi thi mà cả sau kỳ thi. Đây là việc cần thiết.
Trao đổi về vấn đề phòng, chống gian lận bằng công nghệ cao, Thiếu tướng Trần Đình Chung (Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an) cho hay, theo quy chế phối hợp của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT, nhiều trường hợp đã bị xử lý vì vi phạm quy chế thi, trong đó chủ yếu mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi. Năm nay, Bộ Công an đã tập huấn kỹ để cán bộ làm thi nhận biết các thiết bị gian lận thi cử, nhưng chưa phát hiện thấy thí sinh gian lận thi bằng thiết bị công nghệ cao.
Về thông tin thất thiệt lộ đề thi môn Ngữ văn, trên cơ sở thông tin của Bộ GD&ĐT, Bộ Công an đã rà soát tìm ra đối tượng tung tin thất thiệt này. Nam sinh này đã thừa nhận mình tự dựng clip, đồng thời cam kết không tái phạm. Thời gian tới, nếu tiếp tục phát hiện thêm thông tin, Bộ Công an sẽ điều tra, rà soát theo quy định.
Công tác truyền thông về kỳ thi chủ động, kịp thời
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, trong 2 ngày vừa qua, bằng sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành cùng sự phối hợp của các cấp, ngành, công tác coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Một số kết quả cụ thể được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định như sau: Thứ nhất, công tác coi thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đều có các phương án dự phòng để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Thứ hai, thời tiết cơ bản thuận lợi trong thời gian diễn ra kỳ thi. Đến thời điểm này, theo cập nhật từ báo cáo của các địa phương, không có thí sinh nào vì cách trở giao thông, ảnh hưởng của thời tiết hay khó khăn về kinh tế mà phải bỏ thi.
Quang cảnh họp báo. |
Thứ ba, công tác ra đề và in sao, vận chuyển, bảo quản, sử dụng đề thi bảo mật, an toàn. Thứ tư, cán bộ coi thi được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm. Dù số lượng nhiều hơn so với kỳ thi năm 2023, nhưng năm nay không có thầy cô nào vi phạm quy chế thi. Thứ năm, số thí sinh vi phạm quy chế thi cũng giảm hẳn so với năm 2023 dù số lượng dự thi đông hơn; đặc biệt không có những vi phạm mang tính phức tạp như phát tán đề thi.
Thứ sáu, theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi bảo đảm cấu trúc, định dạng như đã công bố, nằm trong chương trình THPT, có độ phân hóa phù hợp. Thứ bảy, việc bảo đảm an ninh, an toàn, từ in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi/bài thi; an toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng chống cháy nổ; an ninh trật tự… đều được bảo đảm. Cuối cùng, công tác truyền thông về kỳ thi hết sức chủ động, kịp thời.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, làm tốt công tác phối hợp để thực hiện tốt các công việc tiếp theo như chấm thi, công bố điểm, đối sánh điểm thi…
Trước câu hỏi của phóng viên về vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh hiện nay, ông Huỳnh Văn Chương cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Thống kê những năm qua, có số lượng lớn cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả kỳ thi để làm căn cứ xét tuyển đầu vào. "Đây là kỳ thi được đầu tư nhiều công sức, được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cách xây dựng đề thi hướng tới đánh giá năng lực người học, có độ phân hóa để các trường đại học tốp đầu cũng có thể sử dụng kết quả để xét tuyển", ông Huỳnh Văn Chương thông tin. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Trường học đầu tiên tại Việt Nam nhận chứng nhận an toàn thực phẩm ISO 22000:2018
Giáo dục 21/01/2025 12:54
Nhiều trường đại học bổ sung tổ hợp tuyển sinh
Giáo dục 21/01/2025 06:05
Đáp án các môn thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025
Giáo dục 20/01/2025 22:05
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mở cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực năm 2025
Giáo dục 20/01/2025 17:29
Hà Nội tiếp tục dẫn đầu kỳ thi học sinh giỏi quốc gia
Giáo dục 18/01/2025 16:56
Công bố kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025
Giáo dục 18/01/2025 15:54
Hà Nội chưa "chốt" môn thi thứ ba vào lớp 10 năm học 2025 - 2026
Giáo dục 17/01/2025 13:32
Gặp mặt, tặng quà vợ, con chiến sĩ đang công tác tại biển đảo nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Giáo dục 16/01/2025 16:08
Sân chơi lành mạnh cho học sinh có năng khiếu và đam mê âm nhạc
Giáo dục 16/01/2025 06:08