Đảm bảo an toàn trong điều kiện nới lỏng
Bệnh viện Bạch Mai “tiếp lửa” cho Bệnh viện Thận Hà Nội chống dịch Covid-19 Chủ tịch HĐND TP Hà Nội: Chống dịch Covid-19 phải đi đôi với phát triển kinh tế |
Nới lỏng không có nghĩa là lơi lỏng
Hà Nội đang trong những ngày nới lỏng đầu tiên sau đợt dịch thứ tư. Ghi nhận thực tế ngày 27-28/6 của phóng viên trên địa bàn Hà Nội cho thấy, đa số người dân tuân thủ tốt các quy định phòng dịch, chính quyền các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định.
Cụ thể, tại nhiều tuyến phố trên địa bàn các quận: Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông, Đống Đa... các quán hàng ăn uống, phục vụ tại chỗ được hoạt động trở lại, lực lượng chức năng của các phường cũng thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở từng cửa hàng tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Các quán ăn tuân thủ, bố trí vách ngăn, sắp xếp vị trí ngồi phù hợp cho khách hàng. Ảnh: Kim Tiến |
Trên các tuyến phố vốn là “thủ phủ” cà phê như: Triệu Việt Vương, Bà Triệu, Nguyễn Đình Thi, Phan Đình Phùng, Lê Đại Hành… (quận Hai Bà Trưng) khách vào quán nhộn nhịp. Theo quan sát, các quán này đều bố trí vách ngăn giọt bắn, các bàn được kê giãn cách, có tấm chắn vách ngăn ở giữa và bố trí khách ngồi đúng quy định. Nhiều cửa hàng hiện vẫn treo khẩu hiệu tăng cường phòng, chống dịch như những ngày thực hiện chỉ bán mang về để khách hàng biết và cùng thực hiện.
Tại phường Láng Thượng (quận Đống Đa), lực lượng Công an phường những ngày qua cũng tiến hành ra quân kiểm tra đột xuất đối với các cửa hàng, đồng thời nhắc nhở các trường hợp hàng quán chưa bố trí tấm ngăn, vi phạm về khoảng cách trong quá trình phục vụ khách hàng. Lực lượng chức năng phường cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra, rà soát công tác này cho tới khi dịch hoàn toàn được khống chế.
Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, bản thân các chủ cửa hàng cũng ý thức cao trong việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Bởi theo họ, chỉ khi dịch được khống chế hoàn toàn thì công việc của họ mới có thể quay trở lại như cũ. Anh Bùi Quang Phú - chủ quán cà phê Euro Garden (Hoàng Cầu, quận Đống Đa) cho hay, trước khi bùng dịch, quán của anh rất đông khách, mỗi ngày có hàng trăm lượt người tới quán để thưởng thức đồ uống, cũng như check in sống ảo.
Tuy nhiên sau này Thành phố yêu cầu hạn chế việc tập trung đông người, anh đã có thông báo lên fanpage về việc sẽ giới hạn số lượng khách tới quán và chủ yếu bán mang về để đảm bảo an toàn cho nhân viên cũng như khách hàng. Hiện tại, khi hàng quán được mở cửa trở lại anh vẫn giữ nguyên tiêu chí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch là trên hết, chỉ đón đủ số lượng khách tương ứng với số chỗ ngồi mà quán đã sắp xếp. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc đo thân nhiệt, nhắc nhở khách hàng rửa tay sát khuẩn khi tới quán…
“Trong thời điểm này việc đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 vẫn phải được đặt lên hàng đầu, nếu có trường hợp khách hàng không tuân thủ quy định, tôi và nhân viên sẵn sàng từ chối phục vụ. Hi vọng dịch sớm được không chế để hoạt động kinh doanh của chúng tôi được trở lại bình thường” - anh Phú chia sẻ.
Tương tự, tại các hàng quán cắt tóc, gội đầu cũng khá đông khách đến sử dụng dịch vụ. Người cắt và người được cắt tóc, gội đầu đều sử dụng khẩu trang, ngồi giãn cách. Ghi nhận trên con phố Trung Kính (quận Cầu Giấy), nhiều cửa hàng cắt tóc đã mở cửa trở lại.
Tại salon tóc Barber Shop Pro Hair Salon trên phố Trung Kính, chị Nguyễn Thị Mai - chủ cửa hàng cho biết, Hà Nội nới lỏng một số dịch vụ nên cá nhân chị và các nhân viên trong salon tóc rất vui. Trước tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp nên khi khách đến cắt tóc chị và nhân viên đều yêu cầu khách đeo khẩu trang, ngồi giãn cách và sát khuẩn tay để đảm bảo công tác phòng dịch.
Tại thị xã Sơn Tây, theo thông tin từ Ủy ban nhân dân thị xã, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ thị xã tới xã, phường tích cực triển khai đảm bảo chủ động xử lý nhanh chóng, kịp thời các tình huống theo diễn biến dịch bệnh. Cụ thể, thị xã đã rà soát, bổ sung hơn 250 băng rôn, 1.000 tờ rơi, tăng cường xe tuyên truyền lưu động tại các xã, phường; duy trì hoạt động đường dây nóng của Trung tâm Y tế thị xã để tiếp nhận thông tin phát hiện người đi từ vùng dịch về địa bàn.
Hoàn thành tiêm chủng vắc xin Covid-19 đợt 3 và 4 cho 1.360 người bao gồm nhân viên y tế, nhân viên tại các cơ sở cách ly tập trung, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng và nhóm khác như công an, bộ đội, giáo viên… 100% tổ, xưởng sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn thành lập Tổ An toàn Covid-19. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Rà soát, bổ sung vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, bảo hộ, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Đáng chú ý, bên cạnh các địa phương, các cơ sở làm tốt, vẫn xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch ở một bộ phận người dân. Ghi nhận cho thấy, những con đường ven hồ Tây ít ngày gần đây lại có xu hướng tụ tập đông người. Dễ thấy, trong các buổi chiều khi tiết trời tắt nắng, bên cạnh những người tham gia đi dạo, tập thể dục đeo khẩu trang thì hiện vẫn còn không ít người tụ tập nói chuyện và không đeo khẩu trang ở những quán nước ven hồ.
Vẫn còn những vi phạm phòng, chống dịch tồn tại, đòi hỏi các lực lượng chức năng vào cuộc xử lý. Ảnh: Kim Tiến |
Tương tự, tại Công viên Hòa Bình, tình trạng người dân không đeo hoặc đeo khẩu trang đối phó khá phổ biến. Theo ghi nhận, ở công viên này khi về chiều có hàng trăm người đến rèn luyện sức khỏe. Đáng nói, người đến thư giãn, thể thao chủ yếu là người cao tuổi, nhưng rất nhiều trường hợp thiếu ý thức, không thực hiện giãn cách và đeo khẩu trang theo quy định.
Tại các hàng rong, quán cóc khu vực công viên, việc giãn cách hoặc có vách ngăn cũng bị các tiểu thương “bỏ quên”. Không ít người thoải mái ngồi 4, 5 người mà không đeo khẩu trang. Nguyên nhân chính của việc thiếu tuân thủ trên, bên cạnh ý thức của một bộ phận người dân còn xuất phát từ tâm lý chủ quan và thiếu sự kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở của lực lượng chức năng và các Tổ Covid-19 cộng đồng.
Cùng với cho hoạt động trở lại một số dịch vụ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cấp, các ngành Thành phố phải quán triệt, thực hiện nghiêm Kết luận số 07-KL/TƯ ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội”, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố; tiếp tục coi phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; tuyệt đối không được thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cấp ủy các cấp từ Thành phố đến cơ sở, xã, phường, nhất là người đứng đầu phải tiếp tục chủ trì và chịu trách nhiệm lãnh đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; không vì nới lỏng mà lơi lỏng nhiệm vụ này. Quá trình thực hiện quy định mới phải gắn liền các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác. Bởi, tình hình diễn biến trên cả nước và các tỉnh xung quanh vẫn rất phức tạp. Hà Nội lại là trung tâm giao lưu, trao đổi... Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 còn rất cao. |
Theo tìm hiểu, thành phố Hà Nội đã cho phép mở cửa trở lại một số dịch vụ ăn uống và phải đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên hiện vẫn còn một bộ phận cơ sở chấp hành chưa nghiêm quy định. Cụ thể, tại phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), nhiều nhà hàng cũng không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch của Thành phố. Tại các quán ăn địa chỉ số 16, 18 Tân Xuân, phường Đông Ngạc qua ghi nhận, sau 21 giờ vẫn còn nhiều khách hàng ăn uống, nhà hàng vẫn sáng đèn phục vụ.
Thực tế cho thấy, đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4/2021 đến nay diễn biến rất phức tạp, khó lường. Hà Nội là một trong những nơi có nhiều ca bệnh. Nhưng bằng kinh nghiệm và nỗ lực vượt bậc, Thành phố đã chủ động thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa điểm nhỏ, khóa chặt nguồn lây, cách ly “3 lớp”.
Nhờ đó, các chùm ca bệnh đã được khống chế và kiểm soát; các điểm phong tỏa đã dần được gỡ bỏ. Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội đã áp dụng nghiêm quy định phòng chống dịch một cách linh hoạt, không cực đoan.
Đã nỗ lực thực hiện tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, không để gián đoạn sản xuất. 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình dịch Covid-19 còn rất phức tạp, Hà Nội là địa bàn có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Do vậy, những chủ trương, kịch bản ứng phó với dịch bệnh mà Thành phố đề ra đều hết sức thiết thực. Để ngăn chặn dịch, mỗi người dân Hà Nội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với cá nhân với chính gia đình mình và cộng đồng.
Hy sinh lợi ích nhỏ vì lợi ích lớn, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thành phố. Cả Thành phố đã và đang nỗ lực rất lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng nếu một “mắt xích” nào đó lơ là, chủ quan trong phòng dịch là có thể sẽ phá vỡ cả một cộng đồng an toàn.
Vì vậy, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về công tác phòng dịch, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, mỗi người dân tự giác thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, không chủ quan, không lơ là… chỉ có đồng bộ như vậy mới có thể bảo đảm công tác phòng, chống dịch có hiệu quả./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Brighton vs Everton: 3 điểm nằm trong tay đội chủ nhà
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/1: Sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Wolves vs Arsenal: Pháo thủ phải thắng để tiếp tục cuộc đua
Giá vàng hôm nay (24/1): Đồng loạt giảm nhẹ
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Tin khác
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Văn hóa 24/01/2025 06:57
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn hóa 23/01/2025 20:36
"Lộ diện" linh vật Rắn tại đường hoa Nguyễn Huệ
Văn hóa 23/01/2025 17:12
Đi đâu, xem gì tại Hà Nội dịp Tết Ất Tỵ?
Du lịch 23/01/2025 13:09
Hà Nội: Sẵn sàng mùa lễ hội an toàn, văn minh
Văn hóa 23/01/2025 12:21
Chủ động các biện pháp phòng chống bệnh dại dịp Tết
Y tế 23/01/2025 10:20
Triển lãm Báo Xuân trực tuyến - ứng dụng chuyển đổi số phát triển văn hóa đọc
Văn hóa 23/01/2025 08:43
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Central Retail trao tặng 5.100 phần quà Tết nhân ái
Cộng đồng 22/01/2025 14:20
Tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 22/01/2025 14:18