Công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2022 của ngành Tư pháp
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh dự Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2023 Bộ Tư pháp cần chú trọng xây dựng đội ngũ tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế |
1. Bộ, ngành Tư pháp tham gia tích cực, trách nhiệm vào quá trình xây dựng Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới"
Ngày 9/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW (Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”). Nghị quyết đề cập một cách toàn diện, đầy đủ các nội dung chính của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đang và sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện trong thời gian tới; tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật của ngành Tư pháp.
Trong quá trình xây dựng Nghị quyết, Bộ, ngành Tư pháp đã tích cực, chủ động, tham gia trách nhiệm trong việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn các nội dung, lĩnh vực quan trọng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các cơ quan Tư pháp và của Bộ, Ngành; góp ý trực tiếp nhiều nội dung. Nhiều ý kiến của Bộ, ngành Tư pháp đã được nghiên cứu tiếp thu, thể hiện tại Nghị quyết.
2. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được đặc biệt chú trọng, Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật tăng 10 bậc
Năm 2022, ngành Tư pháp đã tập trung tham mưu thể chế hoá, cụ thể hóa, đầy đủ, kịp thời, chính xác nhiều định hướng chính sách trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, liên quan đến công tác pháp luật, tư pháp; tích cực tham gia xây dựng các văn bản của Đảng về phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực.
Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế; tham gia trách nhiệm, chủ động vào việc xây dựng Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công và hoàn thiện các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, chất lượng các quy định pháp luật cũng ngày càng được cải thiện. Theo kết quả đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật của Việt Nam năm 2022 tăng 10 bậc từ vị trí thứ 93 lên vị trí thứ 83/132 Quốc gia được đánh giá.
Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2023. |
3. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các Đề án lớn về phổ biến, giáo dục pháp luật. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2022 được tổ chức hiệu quả, thiết thực
Năm 2022, Bộ Tư pháp đã tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định phê duyệt nhiều Đề án lớn về phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” được xác định là một trong những “cú hích” quan trọng để hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội được thực hiện từ sớm, từ xa, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Năm 2022 cũng là năm thứ 10 cả nước tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Bộ Tư pháp cùng với các bộ, ngành, địa phương đã tham mưu tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, hướng về cơ sở, lan toả tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân. Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật được coi là điểm nhấn quan trọng nhằm đánh giá, nhìn nhận lại chặng đường 10 năm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật và định hướng cho giai đoạn tiếp theo.
Tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, định hướng triển khai công tác pháp luật nói chung, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng trong thời gian tới. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh thông điệp tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật phải trở thành chuẩn mực thực thi, tuân thủ và văn hoá trong xã hội.
4. Hệ thống Thi hành án dân sự nỗ lực vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao
Năm 2022, công tác Thi hành án dân sự (THADS) tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức của đời sống kinh tế - xã hội đặc biệt là những hậu quả nặng nề do đại dịch COVID-19, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, kịp thời, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, cơ quan hữu quan và với sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, Hệ thống Thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao.
Thể chế về THADS tiếp tục được hoàn thiện và kịp thời triển khai thực hiện đã góp phần giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế, thi hành án tín dụng ngân hàng và theo dõi thi hành án hành chính.
Kết quả thi hành xong về tiền đạt trên 75.240 tỷ đồng, tăng trên 28.156 tỷ đồng so với năm 2021 (trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng trên 12.000 tỷ đồng so với năm 2021).
5. Hợp tác quốc tề về pháp luật và tư pháp của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục tạo cơ hội hợp tác toàn diện với các đối tác lớn, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng cho đất nước
Hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp của Bộ, ngành Tư pháp trên cả ba bình diện toàn cầu, khu vực và song phương, nhất là với các đối tác truyền thống, láng giềng được thực hiện hiệu quả, có nhiều điểm nhấn quan trọng.
Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và thương mại trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế” đã khẳng định sự tham gia tích cực của Việt Nam vào Hội nghị La Hay, đồng thời thực hiện mục tiêu liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý, vì một cộng đồng “gắn kết chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và mở rộng hợp tác với bên ngoài” của ASEAN.
Trong năm 2022, quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp với Lào ngày càng sâu sắc với điểm nhấn là Lễ Kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam - Lào kết hợp Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới mở rộng lần thứ 5, tiếp tục triển khai hiệu quả Dự án ODA hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào.
Bộ Tư pháp đã tham mưu ký 02 Bản ghi nhớ hợp tác cấp Chính phủ, ký trên 10 văn kiện hợp tác cấp Bộ, trong đó có Ý định thư về dự án hỗ trợ Bộ Tư pháp Cuba; Bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Tư pháp Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tham mưu, ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự cấp nhà nước với Thái Lan; ký Chương trình hợp tác 3 năm với Bộ Tư pháp Đức; đàm phán thành công và khởi động 02 dự án mới với Ngân hàng thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.
6. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Đề án "Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”
Ngày 30/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1156/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Quyết định số 1155/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp".
Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 Đề án đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, nhất là nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước ta trong bối cảnh mới hiện nay. Đồng thời, khẳng định vị thế, vai trò dẫn đầu của Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đào tạo pháp luật của cả nước; vị trí, vai trò của Học viện Tư pháp trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ở Việt Nam.
7. Thể chế trong công tác xây dựng Ngành có bước hoàn thiện quan trọng, tạo cơ sở tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan tư pháp các cấp
Thể chế trong công tác xây dựng Ngành có bước hoàn thiện quan trọng với việc ban hành Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Nghị định được xây dựng và ban hành trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và yêu cầu về tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Cùng với công tác hoàn thiện thể chế, Bộ Tư pháp đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, Tổng cục, Cục; giữ nguyên mô hình tổ chức đối với 19 đơn vị và chuyển đổi mô hình một số đơn vị nhằm tiếp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chuyên môn hóa, chuyên sâu các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành.
8. Bộ Tư pháp đứng đầu Chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ
Theo công bố của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ vào ngày 25/5/2022, Chỉ số CCHC của Bộ Tư pháp đạt 91.90/100 điểm - xếp thứ 01/17 bộ, là năm thứ tư liên tiếp Bộ Tư pháp duy trì nhóm ba Bộ dẫn đầu về Chỉ số CCHC cấp bộ. Kết quả đó đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ trong thực hiện cải cách thể chế, đồng thời, cũng thể hiện sự ghi nhận những nỗ lực cải cách của Bộ Tư pháp, nhất là trong cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ công chức, hiện đại hóa hành chính, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
9. Lần đầu có chức danh Trợ giúp viên pháp lý hạng I và người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân trong toàn quốc
Ngày 05/9/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý. Trong đó, lần đầu có chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I được ghi nhận trong một văn bản quy phạm pháp luật. Điều này khẳng định vị trí, vai trò, tính chuyên nghiệp của Trợ giúp viên pháp lý trong hệ thống chức danh nghề nghiệp viên chức.
Trước đó, ngày 18/5/2022, Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao được ký kết. Theo đó, người thực hiện TGPL trực tại tòa án để bảo đảm quyền tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý kịp thời trong tố tụng cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý ở tất cả các địa phương trên toàn quốc, tránh việc người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý bị bỏ lỡ cơ hội được nhận dịch vụ pháp lý miễn phí trong tố tụng tư pháp.
Việc công nhận chức danh Trợ giúp viên pháp lý hạng I và việc ký kết Chương trình phối hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân giữa Bộ Tư pháp và Tòa án Nhân dân tối cao có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của công tác trợ giúp pháp lý, là những dấu ấn quan trọng trong năm kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển của hoạt động trợ giúp pháp lý.
10. Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật được tổ chức thành công góp phần nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid 19
Ngày 20/12/2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Diễn đàn kinh doanh và pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển", tạo được dấu ấn, sức lan tỏa tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp. Diễn đàn có sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; sự tham gia của lãnh đạo một số ban, bộ, ngành và địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Tại 2 phiên thảo luận của Diễn đàn, các diễn giả đã thảo luận tập trung vào việc tiếp cận các gói hỗ trợ và quản trị rủi ro pháp lý; tháo gỡ vướng mắc và khơi thông nguồn lực trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Thông qua Diễn đàn, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc đảm bảo ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; đồng thời, xác định rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp trong tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 đã tạo “cầu nối” giúp nhà nước và doanh nghiệp "lắng nghe tiếng nói" của nhau; nhằm xác định, nhận diện một số vướng mắc, khó khăn pháp lý liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, qua đó đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Thời sự 23/01/2025 20:53
Các địa phương công bố quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy từ ngày 18 - 20/2
Sự kiện 23/01/2025 19:54
Toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII
Thời sự 23/01/2025 18:59
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sự kiện 23/01/2025 18:07
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng ông Đinh Thế Huynh
Tin mới 23/01/2025 17:04
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ
Sự kiện 23/01/2025 15:55
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội dâng hương tại Nghĩa trang Mai Dịch
Tin mới 23/01/2025 14:42
Thủ tướng bổ nhiệm lại 2 Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
Tin mới 23/01/2025 14:38
“Nghẹt thở” từ TP.HCM về quê đón Tết
Tin mới 23/01/2025 11:57
Bí thư Thành ủy Hà Nội trao Huy hiệu Đảng tại Ba Đình
Tin mới 22/01/2025 16:22