Chuyện bây giờ mới kể của các bác sĩ Nam tiến
Chuyện nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 Người Việt may khẩu trang tặng các bác sĩ chống dịch Covid-19 |
Níu giữ sinh mệnh trước cửa tử
Cuộc chiến với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam thực sự là một thử thách gian nan, nhất là tại tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh. Dù xác định trước đây sẽ là chuyến công tác vất vả, cận kề hiểm nguy, nhưng những chiến sĩ áo trắng Nam tiến chống dịch ai cũng mong muốn sẽ là "những mảnh ghép nhỏ" góp vào bức tranh lớn trong công cuộc đẩy lùi đại dịch. Đặc biệt, đội quân tinh nhuệ này đã “chia lửa” với các đồng nghiệp ở những bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 khốc liệt nhất.
Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19. |
Công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bưu điện, bác sĩ Trần Văn Phúc và đoàn bác sĩ của Bệnh viện đã hỗ trợ chống dịch tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 13. Cùng với các nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, sự tham gia của Đoàn đã góp phần giảm tình trạng quá tải của nhân viên y tế tại tâm dịch, cứu sống nhiều bệnh nhân mắc Covid-19.
Chia sẻ về những ngày hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện dã chiến 13, bác sĩ Trần Văn Phúc cho biết, mặc dù đã chuẩn bị trước tinh thần, nhưng những ngày đầu khi bước vào làm việc thực tế, anh và đồng nghiệp vẫn không tránh khỏi cảm giác choáng ngợp trước số lượng bệnh nhân lớn, diễn biến nặng, tử vong nhanh tới vậy.
“Tại nhà N5, Bệnh viện dã chiến 13, đây là lần đầu tiên tôi phải chứng kiến, tham gia điều trị, chăm sóc cùng một lúc nhiều bệnh nhân. Đa phần bệnh nhân đều trong tình trạng nặng và rất nặng, phải thở oxy dòng cao (HFNC), thở máy không xâm nhập và một số bệnh nhân phải thở máy xâm nhập”, bác sĩ Phúc cho biết.
Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thời gian qua không chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai mà nhiều bệnh viện khác trên cả nước, lớp lớp nhân viên y tế vẫn tiếp tục tình nguyện đăng ký tham gia chống dịch tại các tỉnh phía Nam. Các “chiến sĩ” áo trắng luôn tâm niệm, ở đâu nhân dân cần, ở đó họ sẽ có mặt. “Không phải chỉ thành phố Hồ Chí Minh, bất kỳ nơi nào ở đất nước Việt Nam cần, chúng tôi đều sẵn sàng lên đường hỗ trợ. Bởi lẽ, tôi biết tình yêu đất nước và con người luôn tràn ngập trong trái tim nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và nhân viên y tế cả nước nói chung”, bác sĩ Đỗ Anh chia sẻ. |
Bệnh nhân đông, nhân lực có hạn bởi vậy dù đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn có nhiều người tử vong. Khi nhìn thấy bệnh nhân không thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” là điều khiến các bác sĩ rất day dứt.
“Hàng ngày tôi thường xuyên tiếp xúc, điều trị cho các bệnh nhân và cũng chứng kiến sự ra đi của không ít người. Nhiều trường hợp khiến chúng tôi thật sự bất lực và ám ảnh. Trong quá trình làm việc, có lần tôi phải thông báo tin tử vong và giải thích cho người nhà cũng là bệnh nhân đang điều trị mà rơi nước mắt”, bác sĩ Phúc nói.
Bác sĩ Trần Văn Phúc kể, gia đình đó có 3 người nhập viện vì Covid-19. Cậu con trai và mẹ nằm điều trị tại nhà N5. Người mẹ ngoài 62 tuổi, có tiền sử bị bệnh đái tháo đường, nhập viện ngày 11/9 thì ngày 12/9 đặt ống thở và diễn biến xấu, tử vong sau một ngày thở máy.
“Lúc phải thông báo tin người mẹ diễn biến xấu tử vong cho cậu con trai, cậu cầm tay chúng tôi và nói: Bác sĩ cố gắng cứu mẹ em với, bố em vừa mất mấy ngày, giờ em lại mất mẹ sao, bác sĩ giúp mẹ em với! Anh em đều thương lắm, không cầm được nước mắt. Thật sự lúc đó chúng tôi cảm thấy bất lực”, bác sĩ Phúc ngậm ngùi nhớ lại.
Và tâm trạng của bác sĩ Phúc trong những ngày hỗ trợ tại thành phố Hồ Chí Minh cũng là tâm trạng chung của nhiều y, bác sĩ Nam tiến chống dịch đợt này. Tuy nhiên, các chiến sĩ áo trắng luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm biến đau thương thành động lực để tiếp tục hỗ trợ đồng nghiệp, cứu chữa được nhiều bệnh nhân nhất có thể.
Nhắc tới bác sĩ Đỗ Anh, hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện dã chiến 16, thành phố Hồ Chí Minh (Bệnh viện Bạch Mai phụ trách), không chỉ đồng nghiệp, mà nhiều bạn bè trên mạng xã hội Facebook đều ấn tượng với anh bởi đầu cua húi trọc để hạn chế nóng bức khi mặc đồ bảo hộ. Trong suốt 50 ngày hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện dã chiến dù công việc áp lực, vất vả,… nhưng thông qua “nhật ký” chống dịch trên Facebook của bác sĩ, mọi người luôn nhận thấy ở anh sự lạc quan, thích nghi trong mọi hoàn cảnh và niềm tin sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Bác sĩ Đỗ Anh tại Bệnh viện dã chiến 16. |
Tại Phòng hồi sức tích cực số 9, Bệnh viện dã chiến 16, gần 2 tháng ròng rã, bác sĩ Đỗ Anh cùng đồng nghiệp đã chiến đấu để giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân trước “lằn ranh sống chết”. Cũng có nhiều ca bệnh, dù cố gắng hết sức, mà kết quả vẫn không được như ý.
Trong đó, có trường hợp một nam bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhưng đáp ứng với điều trị oxy dòng cao HFNC, không có bệnh nền. Bởi vậy, các bác sĩ đều nghĩ rằng, bệnh nhân này sẽ vượt qua, mau chóng khỏe lại. Nhưng bệnh nhân này có một vấn đề là mất ngủ, hầu như không bao giờ ngủ, mặc dù các bác sĩ đã hội chẩn để dùng thêm thuốc điều trị tâm lý, an thần nhưng không hiệu quả.
“Mặc dù tôi và các kíp trực đã cố gắng hết sức, nhưng đến trước khi phòng Hồi sức cấp cứu số 9 đóng cửa thì bệnh nhân chuyển nặng, thở máy và mất sau đó khoảng 1 tuần… khiến mọi người đều buồn tiếc nuối và trăn trở mãi”, bác sĩ Đỗ Anh nhớ lại. Tuy nhiên, buồn nhưng không bi lụy, bởi các bác sĩ luôn xác định đã làm hết sức của mình. Hơn nữa, từ trong mất mát thương đau, các nhân viên y tế đã tự động viên nhau, biến đau thương thành động lực cố gắng.
Và đối với với bác sĩ Đỗ Anh, gần 50 ngày làm việc tại Bệnh viện dã chiến là từng đó thời gian nghiêm túc thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” ở Bệnh viện và khu lưu trú; là từng đó thời gian ngày đêm vật lộn tại khu Hồi sức tích cực; gần 50 ngày đêm trải qua bao nhiêu cung bậc cảm xúc buồn, vui, hồi hộp, lo lắng, thậm chí stress, mất ngủ trong những ngày đầu đặt chân đến đây…
Chăm sóc người bệnh toàn diện, trọn nghĩa tình
Theo các nhân viên y tế, mặc dù công việc tại các bệnh viện dã chiến rất vất vả, nhất là những ngày thời tiết nóng nực, việc thích nghi với trang phục bảo hộ cấp 3, cấp 4 khá khó khăn. Những ngày đầu, một số nữ nhân viên y tế còn bị ngất khi đang làm việc, nhiều đồng nghiệp nam cũng phải xin nghỉ giữa ca vì đuối sức, nhưng mọi khó khăn rồi cũng qua.
Tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến 13, điều dưỡng Khuất Nhật Thoan, Bệnh viện Bưu điện cho biết, anh đã rất nhanh làm quen với quy trình và công việc chăm sóc, hỗ trợ bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Bệnh nhân ở đây đều là các bệnh nhân nặng, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào nhân viên y tế. Vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ các bác sĩ thực hiện y lệnh thuốc, theo dõi các chỉ số sinh tồn của người bệnh, các điều dưỡng còn làm tất cả mọi việc, chăm sóc toàn diện từ cho ăn, lau rửa vệ sinh, lăn trở người bệnh giúp họ không bị viêm loét do nằm lâu một chỗ.
Niềm vui của các y, bác sĩ khi người bệnh khỏe mạnh, được ra viện trở về với gia đình |
Với lượng bệnh nhân nặng tại Bệnh viện dã chiến số 13 rất đông nên sự vất vả và áp lực đối với nhân viên y tế tăng lên gấp nhiều lần. Đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế luôn chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho người bệnh. Người bệnh chuyển biến tốt được đưa tới các nhà điều trị mức độ nhẹ hơn thì ai cũng vui, nhưng kết quả thì không phải bao giờ cũng được như mong muốn.
Không chỉ chăm sóc bệnh nhân trọn nghĩa tình, các nhân viên y tế còn hỗ trợ trao trả kỷ vật của người mất cho gia đình nạn nhân. Đơn cử, tại Bệnh viện dã chiến 16 là một trong những đơn vị đã làm một việc rất đặc biệt, là bảo quản và trao trả lại đồ của những bệnh nhân đã mất cho người nhà. Là một trong những bác sĩ làm việc tại phòng hồi sức cấp cứu, bác sĩ Đỗ Anh không tránh khỏi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nặng, tử vong… Bởi vậy, bác sĩ cho biết, khi giúp chính người nhà của bệnh nhân đã mất nhận lại di vật của người thân, giây phút ấy tất cả đều rưng rưng nước mắt.
“Chiếc điện thoại di động, hay những món đồ của bệnh nhân đã mất nhiều thứ không có giá trị cao nhưng chúng tôi biết đó là những thứ rất ý nghĩa đối với người thân của họ. Bởi vậy, tất cả nhân viên y tế chúng tôi đều cố gắng giúp với mong muốn chia sẻ mất mát và mang lại một chút ủi an cho thân nhân của người đã mất", bác sĩ Đỗ Anh cho biết.
Ở đâu nhân dân cần chúng tôi sẽ có mặt
Mặc dù tâm lý luôn bị đè nặng, nhưng vượt lên trên tất cả, các nhân viên y tế đã và đang sống chiến đấu từng phút, từng giờ trong các bệnh viện dã chiến vì sự sống của người bệnh. Có nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm Covid-19, có người đã vĩnh viễn ra đi khi vẫn đang tràn đầy hoài bão, cháy bỏng khát vọng cống hiến… Và động lực giúp các nhân viên y tế cảm thấy mình phải cố gắng hơn nữa trong công việc đó chính là thấy người bệnh đỡ hơn, đáp ứng điều trị.
Nhân viên y tế Bệnh viện Bưu điện thể hiện quyết tâm chiến thắng dịch bệnh tại Bệnh viện dã chiến 13 |
Gần hai tháng "đồng cam cộng khổ" cùng các đồng nghiệp từ các bệnh viện khác nhau trong Bệnh viện dã chiến 13, Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Ngọc Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Trưởng Đoàn công tác Bệnh viện Bưu điện chia sẻ niềm vui lớn nhất là thấy bệnh nhân được khỏe mạnh, đoàn tụ cùng gia đình. Theo bác sĩ Vũ Ngọc Linh, trong quá trình hỗ trợ chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, có vất vả, nước mắt, hy sinh… có cả sự sẻ chia, giúp đỡ ấm áp tình người giữa các y, bác sĩ với người bệnh, giữa người bệnh với người bệnh và giữa các y, bác sĩ với nhau.
Đại dịch đã mang đến quá nhiều mất mát, đau thương, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Đó là dấu lặng buồn, nhưng chính những mất mát đau thương ấy đã khiến cho con người xích lại gần nhau hơn, cùng đoàn kết, gắn bó hỗ trợ lẫn nhau để tìm cách chiến thắng dịch bệnh. Và khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các “chiến sĩ” áo trắng hỗ trợ chống dịch đã làm tốt nhiệm vụ của mình, họ đã nỗ lực hết mình, hồi sinh cho các bệnh nhân Covid-19 nặng, góp phần "chữa lành" cho Thành phố mang tên Bác.
Mang theo tình cảm nồng ấm của người dân thành phố Hồ Chí Minh trước khi trở về Hà Nội để tiếp tục công việc của mình, nhiều y, bác sĩ đã không giấu được sự xúc động, tự hào khi đã cống hiến một phần thanh xuân tươi đẹp vào những tháng ngày lịch sử không bao giờ quên trong cuộc đời. Chia sẻ về cảm xúc của mình, bác sĩ Đỗ Anh cho biết: “Thứ đọng lại trong ký ức của tôi những ngày hỗ trợ chống dịch là cái chắp tay cảm ơn của bệnh nhân; là mớ rau xanh của bạn bè gửi gắm; là thứ tình cảm mộc mạc, chân chất đậm tình người của người dân với nhân viên y tế… có cả những kỷ niệm xin mãi giữ trong tim mà không thể chia sẻ bằng lời”.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn hóa 23/01/2025 20:36
"Lộ diện" linh vật Rắn tại đường hoa Nguyễn Huệ
Văn hóa 23/01/2025 17:12
Đi đâu, xem gì tại Hà Nội dịp Tết Ất Tỵ?
Du lịch 23/01/2025 13:09
Hà Nội: Sẵn sàng mùa lễ hội an toàn, văn minh
Văn hóa 23/01/2025 12:21
Chủ động các biện pháp phòng chống bệnh dại dịp Tết
Y tế 23/01/2025 10:20
Triển lãm Báo Xuân trực tuyến - ứng dụng chuyển đổi số phát triển văn hóa đọc
Văn hóa 23/01/2025 08:43
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Central Retail trao tặng 5.100 phần quà Tết nhân ái
Cộng đồng 22/01/2025 14:20
Tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa 22/01/2025 14:18
Dịch vụ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo trên “chợ online” hút khách, giá từ vài trăm nghìn
Cộng đồng 22/01/2025 08:33